xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tổng Bí thư: Cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự gột rửa…

THẾ DŨNG

Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác cán bộ là vấn đề sống còn của chế độ, bên cạnh đó cần quyết liệt trong tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung chính sách dân số và phát triển, nâng chất dịch vụ công…

Ngày 11-10, tại phiên họp bế mạc sau 7 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 6) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6.

Bỏ 3 ban chỉ đạo vùng

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết BCH Trung ương yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Theo đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể trong giai đoạn mới. Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, ngành, địa phương. Có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm". Xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người có đức, có tài. Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình… Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã được Trung ương nhất trí cao. Với những việc chưa rõ, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau.

Tổng Bí thư: Cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự gột rửa… - Ảnh 1.

Tổng Bí thư: Cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự gột rửa… - Ảnh 2.

Sau 7 ngày làm việc tích cực, Hội nghị Trung ương 6 đã kết thúc tốt đẹp Ảnh: Nhật Bắc

"Như kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện" - Tổng Bí thư nêu.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ việc rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù hợp. Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp...

Ông Nguyễn Xuân Anh là bài học đau xót

Một nội dung quan trọng được Tổng Bí thư nêu trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 là về công tác cán bộ. Cụ thể sau khi xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị, BCH Trung ương đã thống nhất với đề nghị của Bộ Chính trị về việc bầu bổ sung 2 ủy viên Ban Bí thư khóa XII là ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

BCH Trung ương cũng đã xem xét thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vì đã có những vi phạm rất nghiêm trọng. Dư luận cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung.

"Đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với ông Nguyễn Xuân Anh mà với tất cả chúng ta. Đề nghị từng Ủy viên BCH Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa, tự răn mình tránh xa những cám dỗ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp vi phạm kỷ luật nào chúng ta phải xử lý nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương nhằm lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Ngăn tâm lý không hạn chế số lần sinh con

BCH Trung ương nhận định việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình nhiều năm qua với kết quả quan trọng như cơ cấu dân số, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020-2030 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên tăng thêm 3 cm; tuổi thọ trung bình tăng từ 65,3 lên 73,4 tuổi...

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài bắt đầu phát sinh những hệ lụy. Vì vậy, tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030). "Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con" - Tổng Bí thư lưu ý.

Tổng Bí thư cho biết về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế hiện có của nhà nước. Thực hiện chế độ chứng chỉ hành nghề theo thông lệ quốc tế. Tổng Bí thư nêu rõ: "Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tài chính y tế, đặc biệt là sớm thực hiện BHYT toàn dân; đổi mới phương thức chi ngân sách nhà nước cho y tế; đổi mới cơ chế về giá, phí dịch vụ phù hợp, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, khắc phục tình trạng thương mại hóa dịch vụ khám chữa bệnh; có lộ trình thực hiện giá dịch vụ y tế và chế độ tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành y".

Dự báo hoàn thành 13 chỉ tiêu

Về kinh tế - xã hội năm 2017- 2018, Tổng Bí thư cho biết BCH Trung ương dự báo đến cuối năm 2017, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao; nợ xấu ngân hàng còn lớn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, cần dồn sức giải ngân thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách; huy động nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất - kinh doanh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất công nghiệp, nhất là dầu khí và than.


Hình thành tổ chức kiểm định chất lượng dịch vụ công

BCH Trung ương cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mà khu vực ngoài công lập làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

Giảm mạnh sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị sự nghiệp công lập; từng bước tiến tới xóa bỏ "chủ quản" theo cơ chế cũ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Hình thành các tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực…


Đặt vấn đề vì sao việc xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ thời gian gần đây lại được nhân dân đồng tình, ủng hộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả".


PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Ngăn chặn người tham vọng quyền lực

ong-chien


Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật với một cán bộ cấp cao. Điều này cho thấy việc xử lý cán bộ không có vùng cấm. Bên cạnh việc loại ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ điều kiện, cần bổ sung vào những người ưu tú để góp sức vào công tác lãnh đạo chung của Đảng.

Trước mỗi kỳ đại hội, công tác nhân sự là việc vô cùng quan trọng để lựa chọn ứng viên vào BCH. Công tác nhân sự nhiệm kỳ này Đảng đã làm rất bài bản, chặt chẽ trong khâu quy hoạch, lựa chọn và giới thiệu cán bộ. Tuy nhiên, vẫn không thể bịt hết những kẽ hở, minh chứng là để "lọt" những cán bộ vừa bị thi hành kỷ luật. Do vậy, cần hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, không để lọt vào các cơ quan lãnh đạo những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thậm chí có những biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm…

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế:

Cần đổi mới dịch vụ công

ong-doanh


Nhu cầu của người dân về y tế, giáo dục… là rất lớn nhưng chất lượng dịch vụ của đơn vị công lập làm chưa tốt. Chi phí sử dụng dịch vụ công có phần tăng lên; bệnh viện, trường học gần như quá tải.

Cần đổi mới chất lượng các dịch vụ công; công khai thông tin, ban hành quy chế đối thoại với người dân nhằm tránh sự hiểu lầm đơn vị công lập hoạt động độc quyền. Tới đây, nhà nước có chủ trương xã hội hóa dịch vụ công. Đơn cử, tại TP HCM, hầu hết các bệnh viện sẽ hoạt động theo hướng tự chủ. Vấn đề là tự chủ cái gì khi nhà nước vẫn đầu tư đất đai cho các đơn vị công lập? Mức độ tự chủ đến đâu và ai giám sát chi phí, thu nhập của các đơn vị công lập hoạt động tự chủ?

Chúng ta nói xây dựng chủ nghĩa xã hội thì việc tạo ra phúc lợi xã hội cho người dân là điều hết sức quan trọng đối với các đơn vị công lập.

Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM:

Vẫn còn tâm lý xin - cho

ba-chi


Bộ ngành vẫn còn tâm lý xin - cho, chưa theo kịp độ nóng của nền kinh tế và nhịp độ phát triển của doanh nghiệp (DN). Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi sau Hội nghị Trung ương 6 là các bộ ngành đồng hành cùng Chính phủ để cải cách thủ tục hành chính, từ đó kêu gọi thu hút đầu tư và giúp DN yên tâm đầu tư vào sản xuất kinh - doanh. Bộ Công Thương đang đi đầu trong cắt giảm thủ tục hành chính, các bộ khác cũng nên tiếp bước để hỗ trợ DN thiết thực, hiệu quả hơn.

Về chính sách đầu tư, chúng ta đã có chính sách, triển khai rất tốt nhưng cần kịp thời hiệu chỉnh chính sách đầu tư, điển hình như các nước ASEAN đang làm. Cần môi trường đầu tư phải trong sạch, không có nhũng nhiễu tham ô để các nhà đầu tư yên tâm rót vốn.

GS-TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em:

Chuyển trọng tâm chính sách dân số

cu


Có 5 xu hướng dân số đang và sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của nước ta. Đó là: Mức sinh giảm sâu dẫn đến suy giảm và già hóa dân số; không tận dụng được thời kỳ "dân số vàng"; mất cân bằng giới tính; vấn đề di cư ngày càng sôi động, mất kiểm soát dẫn đến hình thành những siêu đô thị khổng lồ; chất lượng dân số chưa cao. Những xu hướng dân số nói trên mới hình thành ở nước ta và sẽ tiếp diễn nếu không có những chính sách can thiệp nhằm điều chỉnh hoặc thích nghi để bảo đảm phát triển bền vững.

Theo tôi, trong giai đoạn này, việc chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết vấn đề dân số và phát triển là cần thiết. Nếu giải quyết được các mối quan hệ giữa dân số và phát triển sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Dĩ nhiên, đây là vấn đề lớn và khó, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của nhiều cơ quan, ban ngành.

Bác sĩ Hoàng Xuân Đại, khu tập thể Viện Hóa chất (quận Đống Đa, Hà Nội):

Nâng chất lượng y tế ở vùng sâu

ong dai


Thời gian qua, nước ta đã có nhiều tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể là tuổi thọ của người dân tăng, tỉ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm, nhiều dịch bệnh bị đẩy lùi, chính sách BHYT phủ được 83% dân số.

Tôi mong muốn Đảng, Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa cho vấn đề nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi; tăng cường và chủ động phòng chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến.

Hiện còn sự chênh lệch về chất lượng khám chữa bệnh giữa các vùng nên tôi mong muốn nhà nước có những chính sách để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, giúp người nghèo cũng được khám chữa bệnh với chất lượng cao.

Ông Trần Quốc Huy, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương:

Xử lý người làm bộ máy "phình" ra

Tôi mong hội nghị lần này có quy định cụ thể về trách nhiệm những người thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Khi thực hiện nghị quyết lần này, các vấn đề đều phải có địa chỉ, trách nhiệm của người có thẩm quyền. Sau thời gian bao lâu, nếu làm không đúng, việc này của ai, ở đâu thì phải xử lý. Nếu của Ban Bí thư hay Chính phủ thì cũng phải nhận trách nhiệm trước nhân dân. Tôi chưa thấy nêu tên một người nào chịu trách nhiệm về việc để bộ máy ngày càng cồng kềnh, phình to. Phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân; làm tốt thì khen thưởng, không tốt thì phải chịu chế tài.

Ngoài ra, tinh giản biên chế phải đi cùng chất lượng cán bộ. Kỳ này phải làm sao kiên quyết, kiên trì về vấn đề tiền lương, thu nhập cho thỏa đáng. Mình khó nói về đạo đức nếu họ không có nổi bữa cơm qua ngày.


Nhóm phóng viên ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo