xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tỏa sáng để giúp đời

Bài và ảnh: PHAN ANH

Không ồn ào mà bằng trái tim và sự nhiệt huyết của mình, không ít người đang ngày càng tỏa sáng, góp phần làm nên "thương hiệu" TP HCM văn minh, nghĩa tình

Sáng 12-3, UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM đã tổ chức lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" lần 4. Tại buổi lễ, TP HCM đã tuyên dương 45 tập thể và 84 cá nhân thầm lặng mà cao cả.

Bình dị nhưng thuyết phục

"Việc tui làm chỉ để cho xóm ấp sạch, đẹp hơn chứ tui không nghĩ có ngày được lên trên này, được gặp các vị lãnh đạo của TP rồi được tuyên dương". Lời bộc bạch chân chất của người nông dân Hồ Chí Cường (67 tuổi; ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) khiến cả hội trường cảm phục.

Mấy năm qua, ông Cường miệt mài vớt rác trên rạch Ông Ðồ bằng xuồng tự trang bị. Việc làm của ông rất đỗi bình dị nhưng có sức thuyết phục lớn lao. Nghe câu chuyện của ông, chị Nguyễn Thị Hồng Huế, chủ nhà hàng Khải Phương - Quỹ Bàn tay ấm, đã tặng ngay một chiếc xuồng mới cùng với các phương tiện bảo hộ lao động.

Tỏa sáng để giúp đời - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (bìa phải, hàng đầu) tặng bằng khen cho điển hình “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”

Chị Hồng Huế cũng là một điển hình thầm lặng mà cao cả được tuyên dương lần này. Âm thầm, lặng lẽ, chị cùng cộng sự đã làm việc thiện trong 10 năm qua, từ những bữa ăn dinh dưỡng cho người già, trẻ em, người lao động đến siêu thị 0 đồng, học bổng cho học sinh - sinh viên, làm giếng nước cộng đồng, trao sinh kế, xây cầu nông thôn… "Không đợi thật dư dả mới chia sẻ. Có nhiều người trong nhóm còn khó khăn nhưng đã cho đi rất nhiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục và không dừng lại" - chị Hồng Huế thổ lộ.

Câu chuyện của anh Nguyễn Chí Thành, Ðội phó Ðội Công tác chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an TP HCM, khiến hội trường lặng đi. 40 tuổi, 20 năm làm công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ, anh đã trực tiếp tham gia hàng trăm vụ, cứu sống hàng chục người, dũng cảm hoàn thành những nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi: Cứu hộ cứu nạn trước những công trình có nguy cơ sập đổ, dưới những hang sâu hun hút chưa từng có dấu chân. "Tiếp tục hay quay về", trước câu hỏi đó, anh đều nghĩ đến gia đình, cha mẹ già, con thơ. Song, vượt lên suy nghĩ ấy là "nếu mình bỏ cuộc, con người bất hạnh kia mãi mãi nằm lại dưới hang sâu" đã thôi thúc anh dấn thân vào nguy hiểm. Nói về anh, lãnh đạo và đồng đội đều chung ý nghĩ "người có một trái tim lớn - một trái tim yêu thương".

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM trở thành một trong những tuyến đầu chống dịch. Trong đó, Khoa Xét nghiệm trở thành ngọn cờ đầu. Bác sĩ trưởng khoa Ðinh Nguyễn Huy Mẫn cho biết cả khoa luôn trong tâm thế sẵn sàng. Mọi người thay nhau làm suốt cả giờ nghỉ trưa, làm tới tận 21 giờ, có những khâu phải bảo đảm túc trực 24/24 giờ.

"TP đang ngóng đợi kết quả xét nghiệm nên chúng tôi không thể chần chừ. Ý nghĩ ấy luôn thúc giục các nhân viên Khoa Xét nghiệm trong cuộc chiến chống dịch" - bác sĩ Mẫn nói và cho biết đến nay, khoa đã xử lý hơn 30.000 mẫu bệnh phẩm.

Cho đi chính là nhận lại

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu cho biết từ năm 2014 đến nay, UBND - Ủy ban MTTQ TP đã phối hợp tổ chức 4 lần bình chọn và tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả". Ðến nay, đã có 109 tập thể và 368 cá nhân được vinh danh. Họ đã góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, có sức thuyết phục, tác dụng nêu gương, nhân rộng để mọi người học tập và làm theo, thành thói quen muốn làm điều tử tế trong cộng đồng và từng bước trở thành nét văn hóa riêng của người dân TP HCM.

Xúc động, cảm phục trước những tấm gương thầm lặng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng bằng cách rất riêng của mình, họ không ồn ào, không vụ lợi, ít người biết đến, không đòi hỏi ở xã hội, bằng trái tim và sự nhiệt huyết của mình đang ngày đêm bỏ công sức, của cải, sức khỏe để góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.

"Những tấm gương cao đẹp mà chúng ta trân trọng gọi là "những tấm gương thầm lặng mà cao cả". Với cái "tâm" muốn làm cho cuộc sống xung quanh được hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, bớt đi những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, cơ nhỡ..., các tấm gương ấy đã âm thầm đóng góp cho xã hội những việc làm nhân ái, nghĩa tình, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của TP HCM, xứng danh là TP nghĩa tình, TP anh hùng, TP mang tên Bác Hồ kính yêu" - ông nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ mong muốn những tấm gương thầm lặng được tôn vinh hôm nay sẽ tiếp tục tỏa sáng để giúp đời, tiếp tục cống hiến thật nhiều cho xã hội, góp phần xây dựng TP ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Ông đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho những mô hình thiện nguyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để những tấm gương người tốt - việc tốt xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống.

"Bởi cho đi chính là nhận lại, hãy để tình yêu thương và lòng nhân ái luôn hiện hữu trong lòng, để chúng ta có thêm niềm tin, sức mạnh vượt qua khó khăn, để cái đẹp, cái tốt, cái nghĩa tình mãi trở thành lẽ sống và cũng là "thương hiệu" của người dân TP" - Chủ tịch UBND TP HCM đúc kết.

Tham dự lễ tuyên dương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã trao Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Công ty CP Công nghệ Việt Á và ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HÐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 4 tập thể và 5 cá nhân thuộc TP HCM đã có thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Một tấm gương đặc biệt

Trong 84 cá nhân được tuyên dương dịp này, có một điển hình thật đặc biệt là Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt - 96 tuổi; ngụ phường 5, quận Gò Vấp.

Gần 30 năm nay, mẹ Quýt đều đặn, cần mẫn góp nhặt, xin những mảnh vải vụn, vải thừa rồi biến chúng thành những vật hữu ích. Dù mắt mờ theo năm tháng nhưng với đôi tay khéo léo đầy kinh nghiệm của mình, mẹ vẫn ngày ngày may khẩu trang, mền, gửi đi làm từ thiện khắp cả nước. Đến nay, mẹ đã may hơn 3.000 tấm mền.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, mẹ đã tham gia may khẩu trang vải gửi đến dân nghèo trên địa bàn phường; cùng chị em trong Chi hội Phụ nữ khu phố 6 may trên 200 khẩu trang vải góp cho công tác phòng chống dịch. Công việc của mẹ đã lan tỏa năng lượng tích cực trong cộng đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo