xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TÌNH NGƯỜI NƠI CÁCH LY CHỐNG DỊCH (*): Xung phong ra "mặt trận"

VĂN DUẨN - HUY THANH

Hơn 600 sinh viên, gần 300 bác sĩ, y tá về hưu ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã viết đơn, mong muốn được tham gia phòng chống dịch Covid-19

Ông Trần Thế Cương, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội), cho biết 600 sinh viên Trường ĐH Y tế cộng đồng; gần 300 bác sĩ, y tá về hưu đã đăng ký tham gia phòng chống Covid-19. Thực tế số lượng y, bác sĩ tình nguyện nhiều hơn, trong đó có người hơn 70 tuổi, 80 tuổi, nên địa phương chỉ nhờ những người mới nghỉ hưu.

Đơn xin tham gia chống dịch

Từ ngày TP Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, bà Vương Thị Nga (y tá về hưu, trú quận Bắc Từ Liêm) dành phần lớn thời gian đi phát khẩu trang miễn phí, hướng dẫn cách rửa tay đúng cách và tuyên truyền người dân cách phòng tránh dịch bệnh. Khi trên địa bàn có người đi từ vùng dịch về, bà Nga cùng các cán bộ y tế đến tận nhà, động viên họ đi cách ly.

TÌNH NGƯỜI NƠI CÁCH LY CHỐNG DỊCH (*): Xung phong ra mặt trận - Ảnh 1.

Các nhân viên Trạm Y tế phường Trúc Bạch vui mừng trong đêm hết hạn cách ly Ảnh: HUY THANH

Mới đây, bà Nga đã viết đơn xin tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Các con bà đều lo lắng nhưng bà đã thuyết phục: "Tuy mẹ đã già nhưng cái tâm của một người làm trong ngành y vẫn còn vẹn nguyên. Bây giờ, khi đất nước cần, mình mà sợ thì ai sẽ là người giúp đỡ và chữa bệnh cho bệnh nhân. Nếu ai cũng sợ, ai cũng lo thì ai sẽ là người đương đầu!".

Còn bác sĩ về hưu Trần Thị Kiểm (60 tuổi, trú quận Bắc Từ Liêm) không giấu nổi niềm vui khi sắp tới có thể góp sức chống dịch Covid-19. Bà từng là Phó trưởng Khoa Y tế công cộng của Trung tâm Y tế huyện Từ Liêm (hồi "huyện" chưa lên "quận"). "Trước đây, tôi đã tham gia nhiều đợt huy động chống dịch, trong đó có dịch SARS năm 2003 rồi tiêm chủng mở rộng... nên khi biết chủ trương của địa phương, tôi nhất trí ngay. Việc gì phù hợp với mình thì mình không nề hà. Tổ quốc gọi, mình luôn sẵn sàng" - bà Kiểm nói.

14 ngày đặc biệt

Phố Trúc Bạch (quận Ba Đình) là khu vực đầu tiên của TP Hà Nội bị phong tỏa một phần với 70 hộ dân cách ly tập trung. 24 giờ đầu tiên sau khi khu phố bị cách ly, có lẽ cả đời ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, không thể nào quên.

Ngay tối hôm 6-3, phường đã triển khai các tổ công tác gồm: lực lượng công an, y tế, các cán bộ cơ sở tới từng hộ dân trong khu phố để thông báo tình hình, phổ biến cách thức phòng tránh, rà soát các ca tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 17 và cả những trường hợp đã gặp người tiếp xúc gần.

Bà Đào Vân Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Trúc Bạch, chia sẻ: Lãnh đạo phường rất căng thẳng, áp lực nhưng trải qua giai đoạn đó mới cảm nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng. Mọi người đã đoàn kết, không còn khoảng cách giữa lãnh đạo, cán bộ với nhân dân.

Còn bà Trần Thị Hồng Tuyết (SN 1966, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trúc Bạch, sắp đến ngày nghỉ hưu) cho biết kể từ 22 giờ ngày 6 đến 3 giờ ngày 7-3, lực lượng chức năng đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Thoạt đầu rất mông lung, chưa xác định được đối tượng nào là F1, F2, F3... nhưng rồi vào guồng công việc, cán bộ tỏa đi, điều tra các hộ gia đình sống tại phố Trúc Bạch, nhanh chóng xác định và thực hiện cách ly, phòng chống dịch bệnh.

Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trúc Bạch này đã công tác trong ngành y 30 năm, trải qua nhiều đợt chống dịch. Theo bà Tuyết, mỗi chiến dịch có những vất vả khác nhau, có những nỗi niềm riêng nhưng với đợt dịch bệnh Covid-19, các cán bộ y tế đã xung kích, làm việc hết mình không chỉ để hoàn thành nhiệm vụ mà còn làm việc với tinh thần chiến đấu quyết liệt cùng hy vọng sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Nhà nằm ngay cạnh phố Trúc Bạch, đêm 6-3, nữ dân quân Trần Hà Ly (28 tuổi) thao thức không chợp mắt được. Khi mọi người nói phải cách ly dài ngày, chị thông báo với bố mẹ để vào vùng dịch. Mỗi ngày, từ 9 giờ, chị cùng các dân quân đẩy xe chở đầy thức ăn, nhu yếu phẩm gõ cửa từng nhà dân ở phố Trúc Bạch. Đến chiều, từ 16 giờ, tổ công tác lại giao nhu yếu phẩm, suất cơm tối. Thời gian còn lại, đội dân quân hỗ trợ trực chốt, tuyên truyền về cách phòng chống dịch và động viên tinh thần người dân. Dù có phải trực qua đêm đến tận sáng nhưng hễ người dân cần hỗ trợ gì là đội dân quân có mặt. Những đêm đầu tiên, nhìn các anh chị trong ca trực không được ngủ, phải liên tục túc trực và báo cáo về tình hình dịch, chị Ly càng thấy thương và lấy đó làm động lực để tình nguyện làm thêm những việc không tên khác. "Nhiều người hỏi có sợ không, tôi đều trả lời là không thấy sợ gì cả" - chị Ly lạc quan nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-3

Kỳ tới: Lời tri ân từ Văn Lâm 3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo