xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm "vắc-xin" cho nền kinh tế

MINH CHIẾN

Trước tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có loại "vắc-xin" để đạt được mục tiêu kép là vừa ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vừa giữ được nhịp độ phát triển của kinh tế Việt Nam

Ngày 25-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia. Đây là cuộc họp đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị chủ tịch hội đồng nhằm phân tích, đánh giá tình hình trong nước, quốc tế thời gian qua do tác động của dịch Covid-19; đồng thời bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Giãn, hoãn nợ cho người bị ảnh hưởng

Về các mục tiêu Quốc hội giao trong năm nay, phát biểu tại phiên họp, nhiều chuyên gia đồng tình kiến nghị trước mắt chưa nên điều chỉnh các mục tiêu này, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, thái độ quyết liệt trong chống dịch cần tiếp tục được phát huy bởi khó khăn hiện nay chính là do Covid-19 gây nên.

Các ý kiến cho rằng cần hết sức lưu ý kiểm soát lạm phát trong bối cảnh dịch bệnh, dù muốn tăng trưởng đạt mục tiêu. Nhiều chuyên gia đề nghị không điều chỉnh gì nhiều đối với chính sách tiền tệ, thay vào đó cần triệt để tận dụng chính sách tài khóa còn nhiều dư địa. Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đầu tư cho y tế, giáo dục, môi trường. Đây là thời điểm "vàng", một mũi tên trúng hai đích, vừa kiểm soát dịch bệnh về lâu dài vừa tạo niềm tin của nhân dân.

Về định hướng phát triển thị trường, các chuyên gia lưu ý cần tích cực đẩy mạnh xuất khẩu sang EU sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thay vì tập trung vào một số thị trường. Việc đa dạng hóa thị trường cần thực hiện với cả hàng hóa nhập khẩu, bởi hiện tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc của các doanh nghiệp khá lớn.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá rất thận trọng về tác động của dịch Covid-19 nên Việt Nam cần bình tĩnh, đưa ra thông tin chuẩn xác. Quan điểm của NHNN là không nên nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ nhưng cũng không được chủ quan trước áp lực lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ phải thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đồng thời giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp (DN) và người dân, ông Lê Minh Hưng thông tin thêm: NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng. Hỗ trợ của ngân hàng tập trung vào các nội dung như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến 31-3.

Tìm vắc-xin cho nền kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia Ảnh: Quang Hiếu

Bảo đảm thực hiện mục tiêu kép

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc các chuyên gia nêu nhiều ý kiến tâm huyết, sắc sảo và có cơ sở khoa học, cho rằng đây là dữ liệu đầu vào quan trọng để Chính phủ và Thủ tướng đưa ra các quyết sách điều hành kinh tế - xã hội trong bối cảnh đang có nhiều khó khăn, nhất là tác động của dịch Covid-19. Thủ tướng giao NHNN tập trung các ý kiến, có báo cáo tóm tắt để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng về hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dịch Covid-19 tác động đến kinh tế toàn cầu, kinh tế nhiều nước sụt giảm, trong đó nhiều nước có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với Việt Nam, khiến không ít chuỗi sản xuất, thương mại bị đứt gãy. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng đặt vấn đề: Cần có loại "vắc-xin" chữa trị căn bệnh sụt giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu kép, đó là ưu tiên ngăn ngừa Covid-19 lây lan, để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân; đồng thời giữ được nhịp độ phát triển của kinh tế Việt Nam. Theo Thủ tướng, đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam sụt giảm tăng trưởng.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải quyết liệt, cải cách mạnh mẽ, đồng tâm hiệp lực để đưa đất nước tiến lên. Các cấp, các ngành cần thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp. Thủ tướng quán triệt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Trong thời điểm này, chưa có cơ sở để điều chỉnh tăng trưởng, điều chỉnh mục tiêu vĩ mô.

Với từng bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế - xã hội do dịch Covid-19. Đồng thời, nỗ lực vượt khó, tập trung thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.

Kiến nghị tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công

Tại phiên họp, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia kiến nghị cần tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có các công trình trọng điểm quốc gia; giải tỏa các dự án bất động sản tại các đô thị lớn đang bế tắc, nhất là TP HCM; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, khơi thông vốn tín dụng, ưu tiên vốn cho các dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo