xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm lối ra cho máy bơm chống ngập

Bài và ảnh: Quốc Anh

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP HCM được giao đàm phán về hợp đồng thuê "siêu" máy bơm, buổi đàm phán dự kiến diễn ra vào tuần sau

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) sau khi nâng cấp đã hoàn thành, thông xe ngày 28-4-2021. Qua theo dõi tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh từ khi thông xe đến nay đã trải qua mùa mưa 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư dự án) nhận thấy tuyến đường không bị ngập. Tháng 4-2022, khép lại "sứ mệnh" của "siêu" máy bơm dù còn hơn 1 năm hợp đồng.

Hai dự án cùng dùng vốn ngân sách

Vận hành thử nghiệm từ năm 2017, đến tháng 4-2018, Trung tâm Chống ngập TP HCM (nay là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM) cùng Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung chính thức ký hợp đồng "Đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh áp dụng công nghệ chống ngập kiểu mới". Thời gian hợp đồng là 7 năm, từ năm 2017 đến hết năm 2023, mức giá là 14,2 tỉ đồng/năm.

Máy bơm chống ngập có công suất lên đến 97.000 m3/giờ với tổng mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng, được chủ đầu tư sử dụng chống ngập cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh với cam kết "không hết ngập không lấy tiền". Việc thành phố thuê máy bơm chống ngập là chưa có tiền lệ.

Tháng 10-2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM triển khai dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh với tổng mức đầu tư 473 tỉ đồng. Đến tháng 4-2021, đường Nguyễn Hữu Cảnh được đưa vào khai thác, vận hành và bảo đảm khả năng thoát nước.

Tìm lối ra cho máy bơm chống ngập - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) sau khi sửa chữa, nâng cấp

Sở Xây dựng cho rằng trong trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê máy bơm tại thời điểm hiện nay sẽ bị phạt 8% giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại cho Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung vì hợp đồng có thời hạn đến hết năm 2023. Giá trị bồi thường thiệt hại này chưa xác định được và nếu không có sự thống nhất thì có khả năng xảy ra khiếu kiện.

Theo Sở Xây dựng, lượng nước thoát cho tuyến Nguyễn Hữu Cảnh (bao gồm phạm vi chống ngập do Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đảm trách cung ứng) được chảy về cửa xả và thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, không truyền tải nước đến hầm trạm bơm do công ty vận hành phục vụ công tác chống ngập kể từ tháng 4-2022. Sở này kiến nghị UBND TP HCM tiếp tục vận hành trạm bơm này trong mùa mưa 2022. Các đơn vị sẽ đánh giá sự cần thiết việc vận hành trạm bơm khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh; đồng thời đề xuất phương án xử lý trạm bơm, bảo đảm hiệu quả chống ngập, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi sau đó giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư để chấm dứt hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, việc này phải hoàn thành trong tháng 5-2022.

Không mong muốn phạt nhau

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, cho biết doanh nghiệp đã nghiên cứu công nghệ mới và tâm huyết góp sức cùng thành phố chống ngập. Giá thuê mà phía tập đoàn ban đầu đề xuất là 24 tỉ đồng/năm, tuy nhiên thành phố mong muốn doanh nghiệp chia sẻ và đề nghị bỏ chi phí lãi vay khỏi giá thuê nên hai bên thống nhất giá thuê giảm còn 14,2 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không tính chi phí làm 2 tuyến cống ngang đường Nguyễn Hữu Cảnh.

"Lúc đó, lãnh đạo thành phố đặt vấn đề công nghệ thành công thì sau này ứng dụng ở nhiều chỗ khác nên chúng tôi lấy giá rẻ. Ban đầu mình chịu lỗ một tí, sau làm chỗ khác thì bù vào. Doanh nghiệp rất tâm huyết và chia sẻ với thành phố" - ông Nguyễn Tăng Cường nói và cho hay đến nay, thành phố chủ trương đàm phán chấm dứt hợp đồng thuê máy bơm là điều chủ đầu tư không mong muốn. Bởi nếu chấm dứt hợp đồng thì doanh nghiệp thiệt hại 87 tỉ đồng.

Nhìn vào thực tế, ông Nguyễn Tăng Cường cũng thừa nhận nếu dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh mang lại hiệu quả chống ngập cho người dân thì máy bơm nên chuyển đi chỗ khác. "Thành phố cũng có cái khó là chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh mà cùng lúc có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách. Nếu đã có máy bơm chống ngập hiệu quả thì không làm đường. Bây giờ bỏ ra gần 500 tỉ đồng nâng đường thì chuyển máy bơm đi đến chỗ khác để tiếp tục chống ngập là giải pháp dễ hơn" - ông Nguyễn Tăng Cường nói.

Ông Nguyễn Tăng Cường bày tỏ không mong muốn đi đến câu chuyện "phạt nhau" vì ngừng hợp đồng, điều này đi ngược với mong muốn đóng góp cho thành phố và cũng rất phức tạp.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tăng Cường cho biết cuộc đàm phán với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP dự kiến diễn ra vào đầu tuần sau. "Kết quả xử lý đàm phán có 2 hướng: một là chuyển máy bơm đi chỗ khác, hai là bồi thường. Nhưng bồi thường thì rất mệt và tôi không mong muốn điều này" - ông Nguyễn Tăng Cường bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho hay đã yêu cầu Sở Xây dựng giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP nghiên cứu phương án để đàm phán và báo cáo kết quả đàm phán. "Hợp đồng đã ràng buộc các điều kiện rất rõ, đàm phán dựa trên các điều khoản ký kết và tình hình thực tiễn, bảo đảm hài hòa về quyền và trách nhiệm đôi bên" - ông Phan Văn Mãi nói.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng đàm phán trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp là điều rất hợp lý. Tuy nhiên, trong đàm phán cần bám sát hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Theo TS Võ Kim Cương, nếu doanh nghiệp muốn thành phố chọn một điểm khác để chuyển hệ thống máy bơm đến thì đó là hướng tốt. Sở Xây dựng cần nghiên cứu kỹ phương án này để chọn địa điểm phù hợp, bảo đảm kỹ thuật và chống ngập phải hiệu quả. 

Nếu thuê "siêu" máy bơm thì dùng ở đâu?

Tại chương trình giám sát của HĐND TP HCM vào tháng 6-2019, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết vấn đề chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh được lãnh đạo thành phố và cử tri quan tâm nhiều.

Bà Nguyễn Thị Lệ đặt vấn đề sửa xong đường thì không còn thuê máy bơm nữa, vậy trách nhiệm của UBND TP HCM ra sao với thời hạn còn lại? Nếu tiếp tục thuê máy bơm thì dự kiến sử dụng cho khu vực nào? Việc không thuê nữa có ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi nhân dân tham gia chống ngập cùng thành phố hay không?...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo