xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

THƯƠNG QUÁ ƯỚC MƠ CON TRẺ (*): Ở nơi ấy, cha mẹ hãy yên lòng!

PHẠM DŨNG - THU HỒNG

Các em ngoan lắm, biết chuyện lắm, con hứa sẽ chăm lo cho các em thật tốt, cha mẹ hãy yên lòng nhé...

Ðó là lời hứa trước bàn thờ ba mẹ của cô chị cả Phạm Yến N. (SN 2000) trong căn nhà trọ tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM. Yến N. nói gia đình em tuy nghèo nhưng luôn đầm ấm, rộn tiếng cười. Vậy mà, căn bệnh Covid-19 quái ác đã bỗng chốc biến 4 chị em thành trẻ mồ côi…

Dẫu không tin nhưng đó lại là sự thật

Lắng cơn xúc động, Phạm Yến N. kể đầu tháng 8 vừa qua, mẹ em (chị Lâm Yến Nga - PV) vào Bệnh viện Ung Bướu TP HCM để vô thuốc. "Trở về từ bệnh viện, mẹ cảm thấy mệt, sốt và ho nhiều nhưng lại nghĩ bị hành do hóa trị. Vài hôm sau thấy không ổn, cả gia đình em test nhanh thì mẹ và ba (anh Phạm Công Sự - PV) cho kết quả dương tính, 4 chị em âm tính. Mọi đau buồn bắt đầu từ đây…" - N. bỏ lửng câu nói để lau nước mắt. Theo N., do mẹ có bệnh nền nên khi vừa phát hiện dương tính đã được chuyển đến bệnh viện để điều trị. Vài ngày sau, ba của N. cũng trở nặng và được đưa vào bệnh viện. "Lúc này, mấy chị em em ngoài việc cố gắng động viên ba mẹ thì chỉ còn biết cầu khấn để ba mẹ sớm khỏi bệnh" - N. nhớ lại.

Thế nhưng, điều đau buồn nhất ập xuống gia đình nghèo nhưng đầy tình yêu thương này, 4 chị em N. chết lặng khi lần lượt nhận được tin ba mẹ mãi mãi không về. "Ngày 24-8, nhận tin mẹ mất, mấy chị em vừa ôm nhau vừa khóc. Cứ ngỡ nỗi đau vậy là quá đủ thì ngày 6-9, ba cũng theo mẹ…" - kể đến đây, N. và 3 em cùng khóc. "Ðến bây giờ, em vẫn không tin ba mẹ bỏ mấy chị em em…" - em út 10 tuổi, Yến H., nói trong tiếng nấc. Yến H. nói từ ngày cha mẹ qua đời, 4 chị em không dám lên gác. "Mỗi tối, sau khi ăn cơm xong, cả nhà em lên gác chơi, xem tivi, mấy đứa nhỏ cứ quấn quýt mẹ. Giờ tụi em sợ lên đó, bởi cứ nhìn từng tấm ảnh của mẹ, cái ghế ba hay ngồi là không cầm lòng" - nước mắt 4 chị em mồ côi cứ thế tuôn qua lời kể.

Ở huyện Hóc Môn, căn nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm trên đường Trung Ðông 8, ấp Trung Ðông, xã Thới Tam Thôn - nơi 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Kim Hồng (vừa ra đi vì Covid-19) ở - cả tháng qua vẫn lặng lẽ mở hờ 1 cánh cửa dù nhà không có ai. Ðó là cách mà bà Phạm Thị Thu - em dâu chị Hồng - làm mỗi ngày để căn nhà bớt lạnh lẽo. "Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là tôi mở cửa ra, quét dọn, tối qua đốt nhang rồi khóa cửa. Mong hết giãn cách để tụi nhỏ về đây, thờ phụng cha mẹ" - bà Thu buồn rầu.

Tụi nhỏ mà bà Thu nhắc đến là 2 anh em Trần Nguyễn Trung H. (SN 1999) và Trần Nguyễn Thúy H. (SN 2007) - con chị Hồng. Trung H. kể sau đám giỗ ba ít ngày, mẹ em có triệu chứng cảm sốt, ăn uống kém. Mấy ngày đó, ngày nào Trung H. và em gái cũng nấu đồ ăn ngon, "dụ" mẹ ăn nhiều cho khỏe. Tối đến, sợ mẹ mệt không ai biết, Trung H. mang võng vào phòng mẹ nằm rồi dặn "nếu mẹ mệt thì gọi con". "Ðể rồi đến ngày 10-8, mẹ em than khó thở, mệt nhiều nên 2 mẹ con đón xe đến Bệnh viện Xuyên Á. Sáng đó, khi test nhanh, mẹ không dương tính, bệnh viện cho mẹ nhập viện cấp cứu, 2 mẹ con vẫn nói chuyện vui vẻ. Nhưng đến tối, bác sĩ báo mẹ dương tính và yêu cầu em về, dù em xin ở lại để chăm sóc mẹ nhưng bác sĩ nhất quyết không cho" - Trung H. nói khi nước mắt đã cạn vì nhớ mẹ, nghĩ về cảnh côi cút của hai anh em.

Quá xúc động, Trung H. xin phép ra sau nhà. Tiếp lời, bà Phạm Thị Thu cho hay từ lúc về nhà, ngày nào anh em Trung H. cũng gọi điện thoại hỏi han, động viên mẹ cố gắng chữa bệnh, ăn uống để mau về nhà. Nhưng đến sáng 20-8, bệnh viện điện thoại thông báo chị Hồng ra đi. "Ðến giờ này, tụi nhỏ vẫn không tin đó là sự thật vì hôm trước chị tôi còn khoe đã thèm cơm và ăn được cơm rồi. Vậy mà…" - bà Thu nghẹn lời.

THƯƠNG QUÁ ƯỚC MƠ CON TRẺ (*): Ở nơi ấy, cha mẹ hãy yên lòng! - Ảnh 1.

Tuy đang đối diện với muôn vàn khó khăn nhưng Phạm Yến N. (thứ hai từ trái sang) tin sẽ lo được cho các em để ba mẹ yên lòng ra đi. Ảnh: PHẠM DŨNG

Tụi con sẽ nên người

Hôm chúng tôi đến nhà chị Hồng là đúng 1 tháng chị rời xa các con. Tro cốt chị được 2 anh em nhận và gửi vào ngôi chùa gần nhà, còn bài vị mang về nhà ông bà ngoại để tiện thờ cúng.

Trên bàn thờ, kỷ vật mà anh em Trung H. - Thúy H. nâng niu là 2 chiếc mắt kính của mẹ. Trung H. kể với tôi, cả đời mẹ em vất vả nuôi con khôn lớn. Ðến lúc nghỉ hưu, mẹ chỉ nghỉ ngơi 5 tháng thì lại nhận hàng về may gia công. Do lớn tuổi, mắt kém nên mỗi lần ngồi vào máy là mẹ phải mang mắt kính. "Mẹ làm chậm nên tầm 6 giờ sáng đã ngồi may, trưa nghỉ một chút để lo cơm nước cho các con rồi may đến khuya. Có đêm 11-12 giờ, vẫn thấy mẹ cặm cụi bên bàn máy" - Trung H. hồi tưởng. Theo em, ngoài cặp mắt kính, chiếc bàn máy may được người ta cho mượn cũng là kỷ vật gắn bó với mẹ em gần 2 tháng trước khi chị Hồng đổ bệnh. Mỗi lần về nhà, mở cửa, Trung H. không quên nhìn sang góc trái nhà, thấy chiếc máy may như thấy bóng dáng mẹ ngồi cặm cụi từng đường kim mũi chỉ.

Là con trai, sự cứng rắn của Trung H. khiến chúng tôi an lòng chừng nào thì càng lo lắng cho cô em chừng ấy, khi cô bé đang độ tuổi giàu cảm xúc, dễ rung động, sự ra đi của mẹ đã khiến cô bé chưa thể chấp nhận. "Con bé ngày thường hoạt bát lắm nhưng từ ngày hay tin mẹ mất, nó im lặng, không khóc, không cười, thà nó nhớ mẹ quá cứ nói ra rồi khóc cho đã còn hơn là im lặng, không cảm xúc gì khiến cả nhà ai cũng lo" - bà Thu lo lắng nói.

Khi chúng tôi hỏi về mẹ, bé Thúy H. không nói, chỉ cúi mặt, cố giấu những giọt nước mắt chực tuôn trào. Nói về tương lai, Trung H. trở nên trưởng thành hơn khi chia sẻ em đã học nghề cắt kiếng nhiều năm trước, đi làm thuê 2 năm nay cũng học được rất nhiều kinh nghiệm. Ba mẹ không còn nữa, những ngày tháng tới sẽ vất vả, chông chênh hơn. "Em chỉ mong sau này có chút vốn để mở tiệm cắt kiếng, có đủ tiền lo cho em gái ăn học thành tài" - Trung H. chia sẻ. Còn hiện tại, Trung H. chỉ mong dịch bệnh mau qua để đi làm lo cho hai anh em. "Em tin hai anh em em rồi sẽ ổn" - Trung H. quả quyết.

Một sự trùng hợp, kỷ vật của mẹ được 4 chị em Yến N. nâng niu nhất cũng là chiếc bàn máy may. N. nói đến sát ngày phải nhập viện, mẹ em vẫn đạp máy may để kiếm đồng ra đồng vào. "Mẹ em bệnh đau triền miên nhưng không dám nghỉ, vì nghỉ một ngày là mất thu nhập một ngày. Cứ nhìn bàn máy may là em như thấy dáng mẹ đang ngồi" - những giọt nước mắt lại nối tiếp rơi trên khuôn mặt N.

Qua cơn xúc động, N. nói do thấy hết nỗi cơ cực của cha mẹ nên N. và em kế là Yến V. đã sớm kiếm cho bản thân một nghề để phụ giúp cha mẹ. "Em giờ đã có công việc ổn định, còn Yến V. cũng bắt đầu kiếm ra tiền nhờ học nghề làm tóc, làm móng tay. Bây giờ, em và Yến V. sẽ cố gắng lo cho Yến P. và Yến H. có cuộc sống đầy đủ, học đến đại học như kỳ vọng của ba mẹ" - Yến N. chia sẻ.

Thắp nén hương cho anh Sự - chị Nga, bà Kim Thị Hiếu (55 tuổi, hàng xóm) buồn bã nói gia đình Yến N. tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc, hàng xóm ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ. "Thương đứt ruột, vợ chồng nó lo làm ăn. Ban ngày, chồng đi làm hồ, còn vợ may quần áo. Ban đêm, có bữa khi cả xóm đã yên giấc vẫn thấy nhà sáng đèn, cặm cụi đạp máy may. Vợ chồng nó bao giờ cũng canh cánh tương lai các con mà quên đi những mệt nhọc hằng ngày. Có ai ngờ đôi vợ chồng chăm chỉ này lại ra đi mãi mãi. Nghĩ mà thương…" - bà Hiếu xúc động nói. Bà mong ngoài sự hỗ trợ đã có từ nhà nước, 4 chị em Yến N. sẽ nhận được sự chung tay từ cộng đồng để sớm vượt qua nghịch cảnh. 

"Các em cần có điểm tựa để sống tiếp một cuộc đời vững vàng. Tình yêu thương, sự nâng đỡ, hỗ trợ và động viên rất cần cho các em trong lúc này".

LÊ THỊ THU - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam

Hãy chắp cánh cho trẻ mồ côi

Ðể nối dài nhịp cầu nhân ái trong xã hội, nhằm kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện cùng các nhà hảo tâm chung tay chăm lo cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, biến ước mơ của trẻ thành hiện thực, Báo Người Lao Ðộng phát động chương trình "Tình thương cho em", kể từ ngày 16-9-2021.

Vì tính cấp thiết của tình hình thực tế và vì ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động, Báo Người Lao Ðộng kính mong quý tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành với chương trình "Tình thương cho em". Khoản vận động đóng góp vui lòng gửi vào tài khoản: 117000004884 tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM. Ðơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Ðộng. Nội dung: Ủng hộ chương trình "Tình thương cho em".

Hướng dẫn đóng góp chương trình qua 2 ví điện tử MoMo và ZaloPay:

huong dan

(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 21-9

Kỳ tới: Viết tiếp những mong ước chưa thành

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo