img


img

Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ có những quyết sách quan trọng trong lĩnh vực kinh tế mà còn có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển văn hóa.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bày tỏ: "Với tôi, ông Võ Văn Kiệt là vị Thủ tướng đặc biệt bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng toát lên năng lượng tích cực. Ông dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong hành động và đã làm là làm đến nơi đến chốn. Không có Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì khó có thể có được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam như ngày nay. Ông đã 5 lần tháo gỡ khó khăn, tạo ra bước ngoặt lớn cho bảo tàng".


THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT - “KIẾN TRÚC SƯ” ĐỔI MỚI: Đóng góp lớn phát triển văn hóa - Ảnh 2.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, việc xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được đặt ra từ đầu những năm 1980 nhưng lúc ấy, kinh tế đất nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 1989-1990, dự án Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mới được phê duyệt và cấp kinh phí xây dựng nhà làm việc, còn tòa bảo tàng và khuôn viên hơn 2 ha chưa được bố trí vốn.

img
img

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 1997. Ảnh: BTDTHVN

Năm 1992, GS Nguyễn Duy Quý, Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), mời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến làm việc nhằm giúp tháo gỡ những khó khăn cho trung tâm, trong đó có vấn đề kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Thủ tướng lắng nghe và kết luận hướng giải quyết là giảm kinh phí đền bù xuống mức tối thiểu, chỉ đền bù trực tiếp cho dân.

"Chỉ đạo của Thủ tướng đã giúp việc đền bù giải phóng mặt bằng của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trở nên dễ dàng, thuận lợi. Đó là lần đầu tiên bảo tàng được Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp" - ông Nguyễn Văn Huy nhớ lại.

THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT - “KIẾN TRÚC SƯ” ĐỔI MỚI: Đóng góp lớn phát triển văn hóa - Ảnh 4.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Ngày 25-12-1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến làm việc với lãnh đạo Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia cùng một số viện trực thuộc. "Lúc đó, với tư cách viện phó Viện Dân tộc học, tôi trình bày bổ sung một số công việc về Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những việc đang thực hiện và những khó khăn cần tháo gỡ, nhất là kinh phí sưu tầm hiện vật. Tôi cũng báo cáo về kế hoạch chuẩn bị xây dựng bảo tàng trong 3 năm để khai trương và mở cửa phục vụ người dân vào năm 1997" - PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho biết.

THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT - “KIẾN TRÚC SƯ” ĐỔI MỚI: Đóng góp lớn phát triển văn hóa - Ảnh 5.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Sau khi nghe các báo cáo, Thủ tướng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Viện Dân tộc học về kinh phí nghiên cứu, sưu tầm hiện vật cho bảo tàng. Thủ tướng giao Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa vào kế hoạch cấp kinh phí cho việc thu thập hiện vật theo dự án do Viện Dân tộc học trình.

Từ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã ghi vốn 2,2 tỉ đồng cho dự án nghiên cứu - sưu tầm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Nhờ vậy, bảo tàng có thể triển khai các cuộc điền dã từ Bắc vào Nam để bảo đảm có đủ hiện vật trưng bày về các dân tộc trong cả nước. Nguồn kinh phí này còn giúp bảo tàng sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật cũng như khối lượng lớn tư liệu ảnh.


THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT - “KIẾN TRÚC SƯ” ĐỔI MỚI: Đóng góp lớn phát triển văn hóa - Ảnh 6.

Ngày 24-10-1995, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh thay mặt Thủ tướng ký quyết định thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy đánh giá quyết định này rất quan trọng bởi ngay khi bảo tàng mới thành lập, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu từ Viện Dân tộc học đã tự nguyện chuyển sang đây công tác. Quyết định này cũng bảo đảm cho bảo tàng không những có nguồn kinh phí ổn định mà còn có vị thế xứng đáng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc.

THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT - “KIẾN TRÚC SƯ” ĐỔI MỚI: Đóng góp lớn phát triển văn hóa - Ảnh 7.

Du khách tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: HẢI NGUYỄN

THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT - “KIẾN TRÚC SƯ” ĐỔI MỚI: Đóng góp lớn phát triển văn hóa - Ảnh 8.

Du khách tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đến giữa năm 1997, mọi khâu chuẩn bị cho việc trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cơ bản hoàn tất. Song, vướng mắc lớn nhất là chưa có con đường để vào bảo tàng và các lò gạch thủ công xung quanh khu vực này vẫn nhả khói. Đúng thời điểm đó, ngày 5-7-1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến công trường xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam theo lời mời của GS Nguyễn Duy Quý, có cả lãnh đạo TP Hà Nội và Kiến trúc sư Trưởng thành phố.

THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT - “KIẾN TRÚC SƯ” ĐỔI MỚI: Đóng góp lớn phát triển văn hóa - Ảnh 9.

Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Sau khi thăm tòa nhà và các phòng trưng bày đang khẩn trương thi công, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghe Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam báo cáo công việc. Sau đó, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Kiến trúc sư Trưởng và UBND TP Hà Nội chú ý việc quy hoạch xung quanh bảo tàng để bảo đảm sự hài hòa về cảnh quan. Bên cạnh đó, sớm hoàn thành tuyến đường Nghĩa Đô - Dịch Vọng như kế hoạch nhằm kịp đón Tổng thống Pháp tới tham dự, cắt băng khánh thành bảo tàng vào cuối năm 1997.

"Tôi nhớ như in câu nói và cả giọng nói của Thủ tướng: "Nếu con đường khi đó chưa xong, tôi và Tổng thống Pháp sẽ lội bộ từ đường Hoàng Quốc Việt vào đây!". Hơn 3 tháng sau, một tuyến đường trải nhựa rộng rãi từ phố Hoàng Quốc Việt vào đến bảo tàng được hoàn thành, các lò gạch cũng bị dẹp bỏ. Ngày 12-11- 1997, Tổng thống Pháp Jacques Chirac cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tới dự lễ khai trương bảo tàng. Tuy hôm ấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt không có mặt nhưng các ý kiến chỉ đạo của ông đã được thực hiện một cách trọn vẹn" - PGS-TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Huy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không những có tầm nhìn xa mà còn là một người rất thực tiễn, gần gũi, sâu sát mọi việc. Ông luôn khơi gợi niềm cảm hứng, sự khát khao cống hiến cho quê hương, đất nước với những người mình gặp. "Một đơn vị nhỏ như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mà Thủ tướng cũng đã nhiều lần chỉ đạo trực tiếp, tháo gỡ những khó khăn, tạo ra bước ngoặt lớn. Trong khi đó, ông phải quan tâm và chỉ đạo nhiều công việc lớn nhỏ khác của đất nước suốt bao nhiêu năm" - PGS-TS Nguyễn Văn Huy cảm phục.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là bảo tàng lớn bậc nhất ở Việt Nam, có năm đón tới 500.000-600.000 lượt khách tham quan; là địa chỉ quen thuộc của người dân trong nước cũng như khách quốc tế.


 (*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-11

Kỳ tới: Quyết liệt vì lợi ích nhân dân


Yến Anh
Lê Duy
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên