xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Theo chân đội shipper tình nguyện

Bài và ảnh: Lê Phong

Khi hàng trăm túi hàng được đóng gói xong, từng nhóm nhỏ di chuyển bằng xe đẩy đưa đến từng nhà dân. Xe đẩy đến đâu, bên trong nhà, người dân reo mừng cảm ơn đến đó...

3 giờ sáng, xe rau củ từ các tỉnh miền Tây được tập kết về trụ sở UBND phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM. Biết tin, nhóm tình nguyện và bộ đội tạm trú tại trường mầm non choàng dậy. Chỉnh tề quần áo, chạy ra nơi tập kết hàng, không ai bảo ai, tất cả khẩn trương bốc hết số hàng trên xe. Khi đồng hồ điểm 4 giờ 30 phút, cả nhóm về phòng tiếp tục nghỉ ngơi. Vừa chợp mắt, 6 giờ, chuông báo thức lại reo, họ bắt đầu ngày mới với công việc vận chuyển hàng hóa, thực phẩm cho người dân.

Mỗi ngày 300 đơn hàng

Khi Trung tâm An sinh xã hội TP HCM tổ chức thành lập "Đội hình tình nguyện viên hỗ trợ tiếp nhận và phân phối hàng hóa đến người dân gặp khó khăn", còn gọi là Đội Shipper tình nguyện, UBND phường 8, quận Phú Nhuận đã kêu gọi 20 đoàn viên, thanh niên địa phương tham gia. Điều kiện đầu tiên để tham gia là phải ăn, ngủ tại chỗ và tiêm vắc-xin đầy đủ.

Buổi sáng là thời điểm căng thẳng nhất. Đội Shipper tình nguyện chia ra từng nhóm nhỏ. Người kiểm tra các đơn hàng người dân nhờ đi chợ hộ; người soạn thực phẩm đã chuẩn bị sẵn, ghé siêu thị mua thêm những món hàng còn thiếu.

"Gia đình đường Nguyễn Trọng Tuyển có người thân là F0. Túi hàng cần bổ sung gừng, chanh, sả để tăng đề kháng. Món này Đoàn Thanh niên phường hỗ trợ không tính trong hóa đơn"; "Cô Chín ở tổ 2 báo có hộ khó khăn không đủ khả năng đi chợ, cần tặng túi an sinh miễn phí"… Từng gói hàng được đọc tên và chia nhau trong không khí khẩn trương.

Để tránh sai sót, anh Nguyễn Minh Thành, Bí thư Đoàn Thanh niên phường 8, đi vào tất cả các con hẻm trong phường. Đi nhiều, trao đổi với người dân đến mức anh nhớ tên từng hộ gia đình. Chỉ cần nghe tiếng xe máy của anh Thành từ đầu hẻm, trên sân thượng hay bên trong nhà, người dân nói vọng ra nhờ mua giúp món này món kia. "Nhà chị có người đau bụng, mua giúp thuốc và dầu gió xanh"; "Bà cụ bị liệt, hàng xóm đã hết tã, tiện thể em giúp giùm bà con"… Từng lời đề nghị của người dân được anh Thành ghi chép cẩn thận.

"Nhờ việc đi tiền trạm trước nên tôi có thể nắm bắt thêm nhu cầu thực tế của người dân. Phần lớn bà con nhờ mua những món đồ không có trong combo phiếu đi chợ. Bây giờ phải chạy ra điểm tập kết bổ sung hóa đơn nhờ anh em trong Đội Shipper tình nguyện chuẩn bị giúp" - anh Thành vừa vội vàng đi vừa nói.

Tình cờ ngang qua nhà ông Nguyễn Xuân Lành (ngụ 9/21 Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8), anh Thành phát hiện gia đình đã cạn thực phẩm. Nhà thuộc hộ nghèo, hai ông bà không biết về công nghệ nên việc tiếp cận thông tin cũng như liên lạc gặp khó khăn. Qua trao đổi nhanh, anh Thành nhận ra gia đình cũng đã kiệt quệ về tài chính nên lập tức gọi điện thoại đến Ban Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 phường 8 trao đổi. Ngay sau đó, một số nhu yếu phẩm được hỗ trợ đến.

Anh Thành cho biết lâu nay, ít ai nghĩ những địa phương nằm ngay trung tâm TP HCM cũng có những hoàn cảnh khó khăn. Bởi lẽ, mỗi căn nhà ở trung tâm mỗi tháng có thể cho thuê và thu về số tiền hàng chục triệu đồng. Còn bên trong các con hẻm sâu thì vẫn còn nhiều mảnh đời chạy cơm từng bữa.

Thời gian giãn cách kéo dài, những ngày này sẽ phát sinh nhiều nhu cầu khác, như dầu gội, bột giặt, thuốc… trong khi phiếu đi chợ hộ đưa ra combo chỉ toàn thực phẩm nên phải tốn thời gian đi lựa mua giúp. Việc trực tiếp đi ghi nhận và có thêm Đội Shipper tình nguyện nên nhu cầu của người dân được đáp ứng nhanh chóng.

"20 thành viên đội giao hàng và lực lượng quân đội chia nhau đi chợ hộ, vận chuyển giúp trên 300 trường hợp/ngày. Có những món hàng chạy khắp các siêu thị, cửa hàng thuốc mới tìm mua được. Việc đi mua hàng hóa hiện nay rất khó nhưng nghĩ đến cảnh thiếu thốn của người dân, ai cũng cố gắng chạy đi tìm" - anh Thành tâm sự.

10 giờ, hàng trăm túi hàng đã được đóng gói xong. Từng nhóm nhỏ chia ra 6 tổ di chuyển bằng xe đẩy đưa hàng đến từng nhà dân. Đối với khu vực có ca mắc F0, lực lượng giao hàng mặc quần áo bảo hộ để bảo đảm an toàn. Xe đẩy đến đâu, bên trong nhà, bà con reo mừng cảm ơn đến đó.

Theo chân đội shipper tình nguyện - Ảnh 1.

Lực lượng quân đội giao hàng cho người dân tại phường 4, quận 5

Ăn gấp, ngủ vội, gói hàng thật nhanh

Hơn 12 giờ, các thành viên Đội Shipper tình nguyện được về lại căn phòng tập thể để ăn trưa. Chưa kịp dùng hết hộp cơm, xe chở hàng tiếp tục đến giao. Họ lại ăn vội vàng để chiều kịp đưa hàng hóa bổ sung những trường hợp còn thiếu.

Tình nguyện viên Phùng Quang Minh cho biết việc ăn uống luôn gấp rút vì liên tục nhận thông báo chuyển hàng cho bà con. Anh Minh mở điện thoại cho chúng tôi xem trong bộ sưu tập ảnh có đầy các tấm hình "dìm hàng" của các tình nguyện viên: Vì quá mệt, họ ngủ bất kể ở đâu, có người lăn ra ngủ sau khi gói hàng xong, có người ngủ ngay bên các đơn hàng của bà con...

Theo anh Thành, mỗi địa phương có 2 thành viên shipper tình nguyện nhưng do có nhiều đoàn viên, thanh niên của phường xung phong đăng ký nên số lượng nhiều hơn quy định. Có người ban ngày giao hàng cho bà con, đêm xung phong cắm chốt kiểm soát các con hẻm phong tỏa.

Khoe với chúng tôi, anh Thành cho biết những ngày qua, rất nhiều số điện thoại lạ từ người dân gửi đến anh với nội dung cảm ơn các tình nguyện viên. Vui nhất là có trường hợp bị hen suyễn, nhờ đội ngũ shipper mua thuốc kịp thời mà qua cơn nguy kịch.

"Mỗi tin nhắn cảm ơn gửi đến giúp chúng tôi có thêm động lực hỗ trợ người dân tốt hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhiều đợt trong ngày để bà con không bị thiếu thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt" - anh Thành nói.

Trong khi đó, tại phường 10, quận 4, với tổng số nhân khẩu hơn 2.000 người, chỉ tính việc đi chợ ít nhất là trên 500 lượt/ngày. Trong ngày đầu tiên TP HCM triển khai siết chặt các biện pháp giãn cách, các thành viên đi chợ hộ luôn trong cảnh quá tải. Người dân ngóng chờ, kèm theo nhiều lời phàn nàn đăng tải trên mạng.

Ngay sau khi có chủ trương thành lập lực lượng hỗ trợ giao hàng cần thiết, Ban Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 phường 10 lập ra đội ngũ hỗ trợ. Mỗi sáng từ 7 giờ, chị Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 10, có mặt tại một siêu thị. Nhóm khác len lỏi vào các con hẻm bên trong phường bật loa thông báo việc người dân cần mua gì ghi vào phiếu. Nhu cầu của người dân được lực lượng tại chỗ ghi vào điện thoại và chuyển tin nhắn trực tiếp đến chị Mai. Nhờ đó, thời gian giao hàng cho người dân được rút ngắn lại.

Tại phường 4, quận 5, lực lượng quân đội thuộc Sư đoàn 302 - Quân khu 7 cùng lúc làm 3 nhiệm vụ: Vừa hỗ trợ các chốt kiểm soát, quản lý các con hẻm thuộc "vùng đỏ" vừa tuần tra kiêm luôn nhiệm vụ giao hàng cho người dân. Binh nhì Hoàng Văn Chuyên sau khi kết thúc ca canh gác trở về lại phòng nghỉ ngơi được 3 giờ, tiếp tục tuần tra các con hẻm nằm trên đường Trần Phú. Trưa cùng ngày, anh lại chuyển các mặt hàng cần thiết cho hộ dân.

"Cuối hẻm 144 Trần Phú có nhiều nữ sinh viên. Thấy chúng tôi đi tuần tra, họ ái ngại nhờ mua băng vệ sinh. Người dân cần mới nhờ nên mình cũng cố gắng giúp" - anh Chuyên dè dặt kể. 

Mong nguồn hàng dồi dào hơn

Mấy hôm nay, ngày nào cũng vậy, ông Hồ Văn Hữu - tổ trưởng tổ 11, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - đều đặn 3 lần ghé cửa hàng Bách Hóa Xanh đi chợ hộ người dân, trung bình 1 ngày khoảng 10 đơn. "Do người dân gửi phiếu đi chợ sớm, trễ khác nhau nên người nào gửi trước, tôi tranh thủ đi Bách Hóa Xanh sớm để mua. Tuy nhiên, thực phẩm tại Bách Hóa Xanh không dồi dào nên nhiều đơn hàng thiếu vài món, không được như ý" - ông Hữu cho biết.

Theo bà Phạm Thị Mộng Thu - Trưởng Ban Nhân dân ấp 1, xã Xuân Thới Thượng - để giải quyết kịp thời nhu cầu mua thực phẩm của người dân, ban phân công cho 20 tổ trưởng tại 20 tổ phụ trách đi chợ giúp người dân trong tổ, hoặc trong tổ chọn ra 1 phụ nữ rành việc đi chợ đi chợ hộ. Nhờ vậy, việc đi chợ hộ khá ổn.

Ông Lý Sâm - Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn - cho biết những ngày đầu thực hiện quy định "ai ở đâu thì ở đó", do địa phương vừa phải tập trung việc test cộng đồng vừa tiêm vắc-xin nên việc bố trí lực lượng đi chợ hộ chủ yếu giao cho tổ trưởng. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu mua thực phẩm cho người dân tốt hơn, đã có thêm lực lượng đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ… "Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn cung ứng thực phẩm tại các cửa hàng tiện lợi, Bách Hóa Xanh không dồi dào, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mong là thời gian tới, nguồn thực phẩm, rau củ quả tại các cửa hàng tiện lợi dồi dào hơn để người dân cảm thấy thoải mái khi nhờ đi chợ hộ" - ông Sâm bày tỏ.

T.Hồng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo