xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thêm phố đi bộ: Phải tính đến hiệu quả!

THU HỒNG - LÊ PHONG - PHAN ANH

Mở thêm phố đi bộ nhằm tạo sân chơi bổ ích và đặc biệt là thu hút khách du lịch là xu thế chung của các đô thị lớn, nhưng trước khi mở, cần có giải pháp đi kèm

Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa trình UBND TP đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP HCM theo hướng mở rộng.

Thấy rõ nhiều lợi ích

Theo Trung tâm, từ năm 2007, TP HCM đã xem xét phát triển khu trung tâm TP thành khu vực thân thiện với con người. Đặc biệt mới đây, đề án quy hoạch chi tiết 930 ha khu trung tâm được phê duyệt, định hướng một số tuyến đường chính trong khu vực sẽ trở thành các tuyến phố đi bộ. Trong đó, quận 1 là địa phương thích hợp nhất vì mạng lưới giao thông có hình vuông đặc trưng, các mô hình kinh doanh chủ yếu hỗn hợp bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng, chợ truyền thống và hiện đại. Do đó, khi nghiên cứu đề án, Trung tâm lựa chọn khu vực để mở thêm các tuyến phố đi bộ thuộc các phường Bến Nghé, Bến Thành và Phạm Ngũ Lão.

Có 3 phương án tổ chức các tuyến phố đi bộ mà đơn vị nghiên cứu đề xuất, trong đó phương án 2 được đa số chuyên gia, địa phương và người dân khi lấy ý kiến đánh giá cao về tính khả thi, kết nối, nhu cầu của người đi bộ và tính an toàn, an ninh.

Thêm phố đi bộ: Phải tính đến hiệu quả! - Ảnh 1.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM) đã trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách vào các ngày cuối tuần Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cụ thể, phương án 1: Thành lập mạng lưới phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho quận 1 với nhiều tuyến đường ở trung tâm nhưng chỉ cấm xe trên một số tuyến đường.

Phương án 2: Phố đi bộ ưu tiên cho đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách với mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần và cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên 2 tuyến Nguyễn Huệ, Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần. Phương án 3: Phố đi bộ 24/7 trên đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và các tuyến đường liên kết dành riêng cho người đi bộ.

"Với các phương án đề ra, khi triển khai, chúng tôi đề xuất chia thành nhiều giai đoạn, bố trí lại giao thông, cải tạo các tuyến xe buýt và cải thiện cơ sở hạ tầng (như bãi đậu xe, nút giao, vỉa hè và lối sang đường)" - lãnh đạo của Trung tâm thông tin.

Theo đơn vị nghiên cứu, nếu triển khai hiệu quả, các phố đi bộ trên sẽ mang lại ít nhất 4 lợi ích cho người dân quanh khu vực, như cải thiện sức khỏe vì giảm ô nhiễm môi trường; phát triển kinh tế (thu hút du khách và cư dân mới đến sống, tác động tích cực lên doanh thu buôn bán và giá trị bất động sản); giảm chi phí xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đường sá, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở tầm quốc gia và toàn cầu do Liên Hiệp Quốc đặt ra.

Đó là xu thế chung

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khi quy hoạch phố đi bộ cần tính toán lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Hiện nay, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ tạo ra không gian vui chơi, sinh hoạt cho người dân nhưng phải sử dụng ngân sách hoạt động trong khi các tuyến phố Bùi Viện chỉ là địa điểm hạn chế phương tiện để các hàng quán được hưởng lợi trực tiếp từ đó. Qua nhiều năm, phố đi bộ Bùi Viện vẫn chưa thể hiện nét tái đầu tư phát triển mang hướng đặc sắc hơn. "Nếu giải quyết hết nỗi trăn trở của người dân và bài toán ngân sách thì việc mở rộng không gian đi bộ sẽ hiệu quả, bền vững" - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh. Theo ông, tạo không gian đi bộ ở các trung tâm đô thị là xu hướng chung trên toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam hay TP HCM, bởi các tuyến phố đi bộ đúng nghĩa luôn tạo ra không gian thoải mái, từ mua sắm đến thư giãn cho người dân và du khách.

Khẳng định phố đi bộ đang là xu thế chung ở khu trung tâm các đô thị lớn, kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam (làm việc tại Singapore) dẫn chứng ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) - nơi kẹt xe nhất nhì thế giới nhưng đô thị này ngày càng có nhiều các tuyến phố đi bộ để phục vụ người dân và khách du lịch.

Theo kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam, kinh nghiệm ở Bangkok là khi hình thành phố đi bộ, chính quyền địa phương kết hợp việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng hoặc lựa chọn gần các trạm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao. Người dân và khách du lịch đến đây sẽ phải để phương tiện cách xa chừng 1-2 km và đi bộ vào địa điểm vui chơi. Ngoài ra, không gian đi bộ cũng nhiều gam màu đặc sắc, gồm ẩm thực và mua sắm chứ không đơn thuần là nơi ngắm cảnh, đi lại. Kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam nói rằng lâu nay, tại quận 1 có một địa điểm rất hay "tạm gọi là phố đi bộ", đó chính là chợ đêm Bến Thành (nằm ở cửa Tây chợ Bến Thành). "Mặc dù về đêm vẫn cho xe hai bánh đi lại nhưng người qua đây cũng tự có ý thức chạy chậm hoặc đi đường khác. Tuyến phố này dài vài chục mét nhưng thu hút không ít khách du lịch. Đấy cũng là cách làm hay, cần xem xét nhân rộng" - kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam gợi mở. 

Cần thêm cán bộ quản lý trật tự đô thị

Một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận 1, TP HCM cho biết từ khi thực hiện việc giảm biên chế đến nay, Đội Quản lý trật tự đô thị quận và cán bộ đô thị tại phường Bến Nghé và phường Phạm Ngũ Lão đều trong trạng thái quá tải công việc. Gần như 2 ngày cuối tuần phải tăng cường thêm cán bộ để tuần tra, xử lý tình trạng hàng rong ở khu vực đường Nguyễn Huệ và Bùi Viện.

"Nếu mở rộng thêm không gian đi bộ cần xem xét việc ngăn chặn hàng rong, cửa hàng lấn chiếm. Thực trạng phường Bến Nghé vào cuối tuần chỉ có 2 cán bộ đô thị nhưng phải lo ngăn chặn xử lý cả chục điểm hàng rong ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chưa kể, các tuyến đường quanh nhà thờ Đức Bà, khu vực các tòa nhà văn phòng" - vị này nêu khó khăn.

Phố ẩm thực không bia sắp hoạt động

UBND quận 10, TP HCM cho biết UBND TP đã đồng ý đề án thành lập phố đi bộ, ẩm thực, mua sắm tại quận 10. Hiện phố đi bộ, ẩm thực, mua sắm quận 10 đang được triển khai thi công, dự kiến bắt đầu hoạt động trong tháng 10.

Theo ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch UBND quận 10, phố đi bộ được thiết kế dài hơn 100 m, từ ngã ba Nguyễn Lâm - Bà Hạt đến Nguyễn Lâm - Nhật Tảo thuộc phường 6. Dự kiến, phố đi bộ sẽ có 48 gian hàng ẩm thực, đồ lưu niệm cùng với các hoạt động văn hóa, âm nhạc đường phố, trò chơi... Phố đi bộ sẽ mở cửa từ 18 giờ - 23 giờ hằng ngày. Trong thời gian phố đi bộ, ẩm thực hoạt động, quận sẽ phân luồng và hạn chế xe lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Lâm (từ ngã tư Nguyễn Lâm - Bà Hạt đến Nguyễn Lâm - Nhật Tảo) từ 17 giờ 30 phút đến 23 giờ hằng ngày.

Chủ tịch UBND quận 10 khẳng định mục tiêu xây dựng phố đi bộ của quận 10 là tạo ra một điểm đến là văn hóa, du lịch, mua sắm, ẩm thực sạch - đẹp, văn minh và an toàn. Đồng thời, phát triển kinh tế tại khu vực này, để người dân ở đây là đối tượng hưởng lợi trực tiếp. Ông Vũ Anh Khoa cho hay tại phố đi bộ sẽ không kinh doanh đồ uống có cồn (rượu, bia) và thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến. "Đây là mô hình rất mới, chỉ ăn uống, mua sắm và các hoạt động văn hóa, giải trí chứ không có rượu, bia" - ông Vũ Anh Khoa nói và cho biết quận 10 sẽ đưa ra một mô hình mới với sức hấp dẫn riêng và cố gắng khắc phục hạn chế ở các phố đi bộ khác. Ông cho hay đối tượng được kinh doanh tại khu phố này là các hộ dân, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường 6 bởi mục tiêu của phố đi bộ là góp phần phát triển kinh tế khu vực. Người dân khu vực phải được hưởng lợi trực tiếp từ phố đi bộ mới.

Trước thông tin trên, nhiều người dân bày tỏ sự vui mừng. Bà Dương Kim Xuyến (ngụ phường 6, quận 10) kỳ vọng khi phố đi bộ hoạt động, người dân quận 10 sẽ có thêm một điểm đến về ẩm thực, giải trí lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, đời sống của người dân tại khu vực này và vùng lân cận sẽ được nâng lên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo