xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tháo "nút thắt" cho Đông Nam Bộ

Bài và ảnh: Ngọc Giang

Là khu vực đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia nhưng tốc độ tăng trưởng và vị thế của vùng Đông Nam Bộ suy giảm do thiếu kết nối vùng

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đóng góp lớn nhất về GDP của cả nước (50,8%); tỉ lệ đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm lớn nhất trong cả nước. Tuy nhiên, hầu như các địa phương ở đây đang đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng phát triển trong nội bộ từng tỉnh, TP, chưa chú trọng phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng, kết nối các tỉnh - thành trong vùng…

"Đừng bàn nữa"

Đã có nhiều hội nghị, hội thảo đánh giá thực trạng liên kết vùng, nhất là vùng trọng điểm phía Nam - vùng Đông Nam Bộ. Trong khi đó, lý thuyết về phát triển vùng được rất nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, song thực tế bắt tay vào triển khai thì đang gặp nhiều "nút thắt".

Tháo nút thắt cho Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh cần từ bỏ cách nhìn chia đều, cào bằng, thực chất là mang tính cục bộ

Trong hội thảo "Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ" diễn ra ngày 22-11 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Báo Tuổi Trẻ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, nhiều ý kiến thảo luận, hiến kế đã được đưa ra, phần nào giải quyết được vấn đề vướng mắc khiến giao thông liên kết vùng này chưa đồng bộ.

Các ý kiến tại hội thảo đa phần cho rằng quy hoạch phát triển các tuyến giao thông liên kết vùng Đông Nam Bộ được xây dựng từ nhiều năm trước, mặc dù đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng đã ban hành nhưng xu thế hiện nay vẫn ưu tiên phát triển hạ tầng đơn lẻ theo từng địa phương, chưa thấy được tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng.

Về tình hình đầu tư trong vùng, theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), có 5 phương thức vận tải (gồm: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không và đường biển) thì đường bộ vẫn là "nút thắt" lớn nhất cần tháo gỡ ở khu vực này. Dù được phân bố tương đối hợp lý nhưng hệ thống quốc lộ chính yếu đã quá tải, trong khi hệ thống đường cao tốc là trục xương sống thì đầu tư chậm.

Theo quy hoạch, khu vực này có 11 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 911 km, đến năm 2020 đưa vào khai thác khoảng 497 km, trong khi đến nay chỉ mới đưa vào khai thác 122 km và đang đầu tư 278 km.

Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, nói khi giao thông liên kết vùng chưa được đồng bộ thì những chi phí logistics bị đẩy lên cao. Đây là vấn đề nhức nhối từ lâu chưa được giải quyết.

PGS-TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng - đặt câu hỏi tại sao là khu vực đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia nhưng tốc độ tăng trưởng và vị thế của vùng Đông Nam Bộ suy giảm? Ông nhìn nhận vấn đề nằm ở chỗ thiếu kết nối vùng, cụ thể là các tuyến đường vành đai, các tuyến cao tốc quá ít và quá chậm, hàng chục năm nhiều tuyến đường vẫn "nằm trên giấy".

PGS-TS Trần Đình Thiên nhìn nhận giao thông là "điểm nghẽn" của vùng Đông Nam Bộ, trên cả 3 tuyến: đường bộ, hàng không và đường biển. Dẫn chứng cụ thể: Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có số lượng doanh nghiệp gấp 6 lần, hàng hóa vận tải gấp 5 lần Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc nhưng chỉ mới có 91 km đường cao tốc. Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, kẹt cứng; cảng biển thiếu đồng bộ, chỉ phát huy một phần nhỏ công suất.

"Vấn đề này chúng ta đã nói rất nhiều rồi, giờ là lúc bắt tay vào làm chứ đừng bàn nữa" - ông Trần Đình Thiên nói.

Nhận diện vướng mắc trong vấn đề này, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng nguyên do nằm ở nhận thức về lợi ích kết nối hạ tầng giao thông chưa rõ, vẫn xoay quanh ranh giới địa phương. Đa số địa phương đều chỉ thấy được lợi ích ngắn hạn, xem lợi ích của địa phương mình lớn hơn lợi ích chung cho toàn vùng, dẫn đến tình trạng không đồng bộ khi triển khai các dự án. Ngoài ra, chưa hình thành, cập nhật và chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng; chưa thành lập được quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, do đó chưa có cơ chế phù hợp và sự đồng thuận; chưa giải quyết được bài toán lợi ích giữa các địa phương trong toàn vùng, lợi ích của từng tỉnh, thành khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch, đứng trên góc độ liên vùng.

Thành lập quỹ đầu tư cho vùng

Từ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án giao thông liên kết vùng, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã đề xuất các ý kiến tháo gỡ "nút thắt", hiến kế cho Chính phủ thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng giao thông kết nối.

Cụ thể, PGS-TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị cần xem xét tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương; tăng phân bổ đầu tư cho địa phương từ nguồn ngân sách phải nộp về trung ương đối với TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông cũng đề nghị Thủ tướng lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ trong khi chờ sửa đổi luật. Với các dự án thuộc kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025, đề nghị cho phép triển khai xử lý tồn đọng vốn đầu tư công tại kho bạc… Chính phủ phân cấp thí điểm cho chính quyền địa phương quyết định tất cả dự án đầu tư, phù hợp với quy hoạch, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm.

TS Trương Văn Phước, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng, cho biết Chính phủ đã chỉ rõ để giải quyết việc đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ thì phải trả lời 3 câu hỏi lớn: Tiền đâu? Đất đâu và ý chí đâu? Từ đó, TS Trương Văn Phước đề xuất cần thành lập một quỹ đầu tư liên vùng. Trong đó, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng là thành viên HĐQT để cùng xem xét những dự án quan trọng có tính chất kết nối liên vùng.

"Trong điều kiện ngân sách đầu tư công có hạn, việc đầu tư hạ tầng giao thông nên theo hình thức đối tác công - tư. Tuy nhiên, hình thức này hiện cũng gặp nhiều vướng mắc, chưa có sự thống nhất" - ông Phước nói.

PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng cần từ bỏ cách nhìn chia đều, cào bằng, thực chất là mang tính cục bộ. Định hướng cơ chế khuyến khích phát triển khi giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa các địa phương "đóng góp và thụ hưởng ngân sách nhà nước" trên tầm nhìn lợi ích chiến lược quốc gia tổng thể.

Phải theo quy hoạch quốc gia

Trả lời về những vướng mắc này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư - Bộ GTVT, thừa nhận hạ tầng kết nối giao thông ở vùng Đông Nam Bộ quá chậm.

Ông Huy đơn cử như dự án Vành đai 3 theo phê duyệt của Thủ tướng thì cơ bản phải hoàn thành trong năm 2020. Nhưng hiện Bình Dương mới làm được một đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn, Bộ GTVT mới làm được đoạn Tân Vạn đi Nhơn Trạch... Vì thế, đầu năm 2020, Bộ GTVT đã rất "sốt ruột" báo cáo Thủ tướng, cho Bộ GTVT lập thành dự án quốc gia để trình Quốc hội thông qua.

"Hy vọng qua hội thảo hôm nay, từ ý kiến đề xuất, góp ý của các chuyên gia, học giả và các địa phương sau khi lập nghiên cứu dự án tiền khả thi, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua đầu tư cho dự án Vành đai 3, tạo động lực cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ phát triển" - ông Nguyễn Danh Huy bày tỏ.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Bộ Nội vụ cần hỗ trợ TP HCM để kịp thời triển khai chính quyền đô thị từ tháng 7-2021, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy chính quyền TP. Tạo nền tảng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từ đó góp phần định hướng và tạo sự lan tỏa đến các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, ghi nhận những ý kiến đóng góp và thống nhất quan điểm xây dựng tiêu chí đánh giá để tăng đầu tư đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ.

Các dự án đầu tư trước hết phải theo quy hoạch quốc gia và quy hoạch chuyên ngành GTVT, Bộ GTVT cũng đang rất mong các tỉnh từ quy hoạch tỉnh cùng xây dựng được quy hoạch vùng để Bộ GTVT có cơ sở đề xuất Thủ tướng cũng như phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân bổ vốn đầu tư phù hợp, báo cáo Thủ tướng, Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

"Một container từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) về Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ 40 km nhưng chi phí vận chuyển lên đến 4,3 triệu đồng. Hàng hóa chuyển từ TP Vũng Tàu về TP HCM đang đắt hơn sang Singapore.

Nỗ lực gỡ điểm nghẽn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho rằng đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư công cho vùng Đông Nam Bộ, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm, xác định đây là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, sự tiến bộ về giao thông không đi liền với phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy trách nhiệm nhằm hỗ trợ tháo gỡ điểm nghẽn này để tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn nên đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xử lý nhiều vấn đề nguồn lực để phát triển giao thông vùng này, cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy. Trong tương lai, quy hoạch cũng đặt vấn đề đường sắt, tính đến kết nối Đông Nam Bộ với ngoại vùng cũng như quốc tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục làm tốt hơn công việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để giai đoạn 2021-2025 cố gắng phấn đấu đưa ra những công trình giao thông trọng điểm, dự án mang tính tháo "nút thắt" cho Đông Nam Bộ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo