xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM và các địa phương tạo điều kiện để người dân về quê

NHÓM PHÓNG VIÊN

Để tránh tình trạng người dân tự phát đi xe về quê, một số địa phương đã gấp rút xây dựng phương án cụ thể đón công dân

Từ sáng sớm 1-10, hàng ngàn người từ TP HCM và các địa phương lân cận đổ xô về quê qua địa phận tỉnh Long An. Lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 hỗ trợ nước uống, bánh, sữa… cho người dân chờ lập danh sách để qua chốt.

Thức trắng đêm để được về

Tại khu vực chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên Quốc lộ 1 (khu vực giáp ranh 2 tỉnh Tiền Giang - Long An), hàng ngàn người đi xe máy chen chúc chờ qua chốt. Phần lớn trong số đó là công nhân, lao động tự do sinh sống, làm việc tại TP HCM. Qua thời gian giãn cách xã hội, do khó khăn, không thể tiếp tục bám trụ nên họ phải về quê.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến cùng 2 người con xuất phát từ huyện Bình Chánh (TP HCM) từ khoảng nửa đêm hôm trước, đến chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Bình Chánh (TP HCM) chờ đến rạng sáng 1-10 mới qua được chốt để về địa phận Long An. Anh Tiến cho biết anh đưa vợ con lên TP HCM làm phụ hồ được một thời gian ngắn thì dịch bệnh bùng phát. Suốt thời gian dài giãn cách, cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn nên anh phải đưa gia đình về quê.

Anh Lê Văn Long (quê Kiên Giang) cho biết anh cùng vợ con lên làm phụ hồ ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nhiều tháng nay công trình đóng cửa, thất nghiệp không còn tiền nên anh phải đưa 2 con nhỏ về quê đi học.

Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn người về quê trong đợt này từ các tỉnh lên TP HCM làm phụ hồ, cắt tóc, buôn bán dạo… Trước tình hình người dân đổ về quê, lãnh đạo UBND tỉnh Long An đã liên hệ với các địa phương nơi đến để tổ chức tiếp nhận người dân. Sau khi thống nhất, lực lượng chức năng tại chốt sẽ giải quyết cho người dân đi qua. Địa phương nơi đến sẽ bố trí lực lượng chức năng đón tại địa phận của mình, tổ chức đưa người dân đi cách ly theo quy định.

Bố trí nơi ăn chốn nghỉ

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết sau khi tỉnh này thực hiện Chỉ thị 15, công nhân ở các tỉnh về quê rất nhiều. Để tránh tình trạng đi tự phát, tại các chốt chặn, ngành chức năng sẽ bố trí thức ăn, chỗ nghỉ cho người dân và phối hợp với các địa phương để đưa đón. Với công nhân đang làm việc trên địa bàn Long An, lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi, tuyên truyền để họ quay lại nơi làm việc. Một số công nhân quê Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM thì được tỉnh phân nhóm, đưa về các khu vực, bố trí nơi ăn chốn nghỉ; phối hợp với các tỉnh, thành này tổ chức đưa đón theo nguyện vọng; hiện khoảng 1.200 người dân đã được đón về quê.

Tại TP Cần Thơ, UBND TP chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương liên hệ với tỉnh Bình Dương rà soát danh sách người có nhu cầu về quê để tham mưu xây dựng phương án cụ thể đón công dân trong thời gian sớm nhất. "Với những trường hợp người dân tự phát đi về, TP sẽ bố trí phương án tiếp nhận" - ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thông tin.

TP HCM và các địa phương tạo điều kiện để người dân về quê - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch giáp ranh địa bàn Long An và Tiền Giang kiểm tra giấy tờ của công dân trước khi cho qua chốt để được đón về quêẢnh: HÀ LONG

UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng tạo mọi điều kiện cho người dân được về quê theo nguyện vọng. Tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 Tân Hương, người dân về các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… qua địa bàn Tiền Giang đều được qua chốt khi có giấy tờ tùy thân, giấy test nhanh âm tính, tiêm vắc-xin và khai báo y tế. Riêng người dân Tiền Giang, lực lượng tại chốt sẽ giữ lại để test nhanh miễn phí, đồng thời liên hệ các huyện bố trí lực lượng đến đưa người dân về cách ly an toàn.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa phương sẽ tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin đón người từ TP HCM và các tỉnh về địa phương từ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh. Chủ động chuẩn bị các phương tiện, cơ sở cách ly, hậu cần… để đón người về địa phương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm theo công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục kiểm soát người từ các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM về quê do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Theo ông Bình, nếu để người dân về tự phát sẽ phá vỡ sự an toàn không chỉ riêng An Giang mà cả vùng ĐBSCL. "Chúng tôi không phải vô cảm trước khó khăn của người dân trong đại dịch nhưng việc tiếp đón phải có tổ chức và theo thứ tự ưu tiên chứ không thể người dân về tự phát sẽ gây nhiều hậu quả khó lường trong công tác phòng chống dịch" - ông Bình khẳng định.

Ông Nguyễn Tấn Khương - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu - cũng thông tin tỉnh sẽ đón người về nhưng trên cơ sở kế hoạch cụ thể, không nhận người về tự phát. Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho rằng các trường hợp tự phát trở về quê thì tỉnh đã liên hệ với các địa phương nhờ hỗ trợ chốt chặn và vận động quay lại nơi xuất phát.

Đà Nẵng lên kế hoạch đón bà bầu

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo TP đã thống nhất chủ trương, đang xây dựng các phương án, kế hoạch đón những phụ nữ mang thai ở TP HCM có nguyện vọng về quê, dự kiến thực hiện trong vài ngày tới. Việc này dựa vào đề xuất của Hội Đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM nhằm giúp các thai phụ thuận tiện tiếp cận các dịch vụ y tế trong quá trình chăm sóc sức khỏe và sinh đẻ. Ông Trần Hùng Phong, Phó Chủ tịch Hội Đồng hương TP Đà Nẵng tại TP HCM, cho biết phương án đưa người về quê là bằng máy bay và hội đã mở kênh đăng ký từ ngày 30-9 dành cho phụ nữ mang thai từ 32 tuần trở xuống cùng con nhỏ. Thống kê đến ngày 1-10, có khoảng 40 người đăng ký. Ông Phong cho hay việc đăng ký dự kiến kết thúc ngày 4-10. Nếu số lượng người đăng ký không đủ 200 người thì hội sẽ đề xuất cho đón thêm người dân địa phương đi chữa bệnh tại TP HCM bị kẹt lại. 

3 phương thức đón NLĐ đến TP HCM làm việc

UBND TP HCM vừa chấp thuận 3 phương thức tổ chức vận chuyển người lao động (NLĐ) bằng đường bộ đến TP HCM làm việc trong tình hình mới.

Phương thức 1: Doanh nghiệp có nhu cầu gửi phương án vận chuyển đến các cơ quan đầu mối để rà soát, tổng hợp gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM xem xét tổ chức triển khai. Sở GTVT TP HCM cấp giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện, thông báo đến các Sở GTVT các tỉnh, thành phố kế hoạch vận chuyển.

Phương thức 2: Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị, xây dựng kế hoạch vận chuyển đề nghị Sở GTVT xem xét cấp giấy nhận diện mã QR và thông báo đến các tỉnh, thành phố. Các phương tiện vận chuyển chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch.

Phương thức 3: Tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ bến xe khách liên tỉnh của các tỉnh, thành phố đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây của TP HCM. Việc đưa NLĐ trở lại TP HCM làm việc thực hiện trong 2 giai đoạn. Từ ngày 1 đến 31-10, sẽ tổ chức vận chuyển bằng đường bộ theo phương thức 1 và 2. Từ 1-11, việc vận chuyển sẽ có thêm phương thức 3 khi có kế hoạch, phương án hoạt động đường bộ liên tỉnh của Bộ GTVT.

P.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo