xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng tốc chuyển đổi số

MINH CHIẾN

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số; chuyển đổi số phải là người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Ngày 10-10, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, dự chương trình ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022. Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức.

Cùng nỗ lực hành động

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 22-4-2022, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ký Quyết định 505/QĐ-TTg chọn ngày 10-10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Trong năm đầu tiên tổ chức, Ngày chuyển đổi số quốc gia có chủ đề "Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân". Với chủ đề này, Bộ TT-TT tập trung vào việc phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giúp người dân thụ hưởng các lợi ích do chuyển đổi số mang lại.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, cho biết nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi môi trường số thông qua các nền tảng số "Make in Vietnam". Đến nay, Bộ TT-TT đã chỉ đạo lựa chọn, đánh giá và công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ nhu cầu người dân. Mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đã được thiết lập trên toàn quốc. Hơn 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp xã đã được bồi dưỡng, tập huấn cơ bản về chuyển đổi số. Hơn 5 triệu lượt người dân được tiếp cận, phổ biến kỹ năng số cơ bản thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà... Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn ngày Chuyển đổi số quốc gia là ngày toàn dân, toàn quốc cùng nhau học tập, cùng nhau nỗ lực hành động.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT-TT), cho biết chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; kinh tế số; xã hội số. Tính đến tháng 6-2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% vào cuối năm 2021. Trong Chính phủ số, đến nay tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức 4 đã đạt hơn 97%.

Cũng theo ông Nguyễn Phú Tiến, nếu 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, 2021 bắt đầu triển khai, trải nghiệm trong bối cảnh đại dịch, thì 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Tăng tốc chuyển đổi số - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dự ngày Chuyển đổi số quốc gia Ảnh: MINH PHONG

Tạo chuyển biến tốt, góp phần phát triển kinh tế

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc chuyển đổi số của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng; nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường; tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng...

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kết quả này mới chỉ là bước đầu. Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. "Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng nhân sự kiện này, Thủ tướng gửi tới các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.

Thông điệp chỉ rõ: Phải tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia; phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực số. Song song đó, nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân; tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thông điệp cũng kêu gọi doanh nghiệp đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến... Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số.

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng với quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân thời gian qua, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc. 

Đẩy nhanh quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị chuyển đổi số ngành Công an Nhân dân lần thứ nhất năm 2022 và công bố ngày Chuyển đổi số của ngành công an, do Bộ Công an tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết đến nay ngành công an đã cung cấp 6 tiện ích cho xã hội. Đến cuối năm 2022, ngành công an sẽ phối hợp cung cấp 2 dịch vụ công liên thông về đăng ký khai sinh, khai tử và 28 dịch vụ công khác trên cổng dịch vụ công quốc gia. Về triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tính đến ngày 19-9, có hơn 27 triệu công dân đã được đồng bộ thông tin BHXH; hơn 97 triệu công dân được đồng bộ mũi tiêm; thông tin đăng ký xe cho hơn 1,7 triệu công dân; thông tin hộ chiếu cho hơn 1,5 triệu công dân; thông tin xuất nhập cảnh vào Việt Nam hơn 224.000 công dân...

Biểu dương những kết quả đạt được của ngành công an, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an quyết tâm cao hơn, tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt vai trò thường trực trong tổ chức triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ng.Hưởng

Nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực

Ngày 10-10, nhiều tỉnh, thành như Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang... tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022.

Tại Quảng Nam, UBND tỉnh tổ chức hội thảo "Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam". Hội thảo nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho toàn xã hội về ngày Chuyển đổi số quốc gia; lấy ý kiến các chuyên gia, các ngành, địa phương nhằm hoàn thiện kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh nhà.

Sự kiện hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 được UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 8 điểm cầu tại các địa phương trong tỉnh. Các hoạt động hưởng ứng năm nay của tỉnh tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số. Nhân dịp này, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp Cục Hỗ trợ doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) tổ chức chương trình đào tạo và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số dành cho 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa.

Chiều cùng ngày diễn ra hội nghị trực tuyến công bố ngày Chuyển đổi số năm 2022 tỉnh Đồng Tháp và công bố nền tảng chuyển đổi số ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định đối với tỉnh Đồng Tháp, chuyển đổi số đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là chìa khóa để giải quyết những điểm nghẽn về vị trí địa lý, về hạ tầng giao thông; tạo ra "thế giới phẳng" giúp mọi người bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tri thức. Chuyển đổi số còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất lao động và giải quyết các vấn đề xã hội, là con đường ngắn nhất để đưa Đồng Tháp phát triển.

Tr.Thường - V.Kỳ - B.T.Q

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo