xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TĂNG SỨC BẬT KHU TÂY BẮC TP HCM (*): Sức sống mới ở An Phú Ðông

Ý LINH - TUYẾT TRINH

Từ khi có cầu bắc ngang sông Vàm Thuật nối với quận Gò Vấp, An Phú Ðông bắt đầu bứt phá, ký ức về một thời đò ngang cách trở, thiếu thốn trăm bề đã dần lùi vào quá khứ

Qua hết cầu thép bắc ngang sông Vàm Thuật, đường dẫn vào trung tâm phường An Phú Ðông (quận 12, TP HCM) hiện ra được láng phẳng lì. Hai bên đường, những căn nhà kiên cố đang thi nhau mọc lên, "không khí đô thị hóa" đang nóng hừng hực ở An Phú Ðông.

Thay đổi đến chóng mặt

Hồi ức về một thời khó khăn còn in trong tâm trí ông Lê Văn Bê (69 tuổi; Tổ trưởng tổ dân phố 24, khu phố 2, phường An Phú Ðông) qua hình ảnh đôi dép đi chợ của mẹ, ông Bê kể trước kia, vùng này chưa được đổ đất đỏ thì đất ở đây là đất đen, mỗi khi mẹ ông đi chợ Gò Vấp để bán rau củ mà gặp trời mưa thì đều không mang dép theo được, bởi sình lầy trơn trượt, đi dép vào là té. Vậy mà mấy năm trở lại đây, nếu ai đi xa An Phú Ðông vài tháng trở về là nhận không ra, bởi chỉ trong thời gian ngắn đó đã có hàng trăm ngôi nhà mọc lên, hàng chục con rạch, con đường được cải tạo nâng cấp.

TĂNG SỨC BẬT KHU TÂY BẮC TP HCM (*): Sức sống mới ở An Phú Ðông - Ảnh 1.

An Phú Ðông đang “thay da đổi thịt” từng ngày .Ảnh: Ý LINH

TĂNG SỨC BẬT KHU TÂY BẮC TP HCM (*): Sức sống mới ở An Phú Ðông - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Bê nói về sự đổi thay ở An Phú Ðông .Ảnh: TUYẾT TRINH

"Giờ An Phú Ðông không còn cảnh vỡ đê giữa đêm, người dân cùng chính quyền phải lội nước đắp bờ, bảo vệ hoa màu, tài sản khỏi triều cường, nước lũ. Những ngôi nhà mới khang trang thi nhau mọc lên, chợ búa, trường học, trạm xá, phòng khám… được đầu tư hiện đại. Là dân địa phương, tôi còn ngỡ ngàng về sự lột xác của An Phú Ðông" - ông Lê Văn Bê khái quát về sự đổi thay ở nơi đây.

Là người di cư từ Tiền Giang lên TP HCM sinh sống gần 30 năm qua, ông Tám Phong (ngụ khu phố 3, phường An Phú Ðông) tự hào khoe ngày nay, trải dài suốt con đường Vườn Lài (tuyến đường chính của phường An Phú Ðông) là những ngôi nhà bề thế khang trang, thay thế cho những vườn cây ăn trái là những vườn mai ghép bạc tỉ, ai nhìn cũng phát thèm. "Ngoài ra, nhờ đi lại thuận tiện nên người dân đua nhau mở hàng quán để kinh doanh nên ai cũng cảm thấy… dễ thở" - ông Tám Phong chia sẻ.

Nói về sự phát triển của địa phương, ông Tám Phong tin rằng "đất lành chim đậu". Khi chất lượng cuộc sống tốt hơn, nhiều người sẽ tìm về An Phú Ðông lập nghiệp. Minh chứng rõ nhất là hằng ngày, có rất nhiều người tìm về An Phú Ðông mua đất cất nhà, giá đất theo đó cũng tăng từng ngày. "Nếu cách đây 5 năm, giá đất chỉ vài triệu đồng/m2 thì bây giờ khu vực xung quanh đường Vườn Lài, đất có sổ hồng đã được rao bán với giá lên đến 50 triệu đồng/m2" - ông Tám Phong nói.

Trong khi đó, anh Minh, chủ một quán ăn ven sông Vàm Thuật, tiết lộ từ ngày có cầu sắt bắc qua sông, lượng khách đến quán anh tăng đột biến. "Dân ở trung tâm TP thích ra đây ăn uống, hóng mát vào những ngày cuối tuần nhưng lượng khách qua An Phú Đông ăn uống nhiều nhất là từ quận Gò Vấp, bởi chỉ cách vài phút chạy xe máy" - anh Minh nói và cho hay sắp tới đây, sẽ mở rộng quy mô kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế.

Khơi thông sức dân

Về An Phú Ðông, chúng tôi có dịp gặp ông Phạm Văn Mười, từng là người đưa đò trên sông Vàm Thuật. Theo ông Mười, dù chỉ là cây cầu thép bắc tạm qua sông nhưng ông biết chắc nó sẽ là "nhịp cầu lịch sử" góp phần "đánh thức" cù lao An Phú Ðông.

"Ngày không có cầu, học sinh, người dân đi làm muốn qua sông phải chờ đò đủ người. Nhiều người vì thế mà trễ nải việc học, việc làm. Chưa kể nhiều người đi sinh, đi cấp cứu trong đêm phải vất vả vô cùng. Từ ngày có cầu, mọi di chuyển đều thuận tiện hơn. Nhưng đổi lại, nghề lái đò của tôi không làm ăn được nữa. Nhưng thật tâm, bản thân tôi vẫn cảm thấy vui mừng cho sự phát triển của địa phương" - ông Mười tâm sự với chúng tôi.

Không riêng gì ông Mười, để An Phú Ðông ngày càng phát triển, nhiều người đã chung lòng, chung sức hy sinh lợi ích riêng của bản thân và gia đình. Theo thống kê của ông Võ Tấn Khoa, Chủ tịch UBND phường An Phú Ðông, giai đoạn 2015 - 2020, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân xã hội hóa làm được 16 km đường giao thông, trong khi chỉ tiêu đề ra chỉ 7 km. Ðặc biệt, để nạo vét và kiên cố hóa rạch Sáu Trình (có chiều dài 498,45 m điểm đầu giáp với đường Vườn Lài, điểm cuối giáp với sông Vàm Thuật), rạch Võ Ðông Nhì (có chiều dài 761,82 m (từ giao với đường Vườn Lài tới giao với rạch Gia), rạch Sáu Sửu (có chiều dài 1.308 m, từ đường Vườn Lài tới giáp với sông Vàm Thuật) và rạch Tư Trang - Ðất Sét (có chiều dài 1.182,98 m, từ Quốc lộ 1 tới giáp với cầu Ðất Sét), nhiều hộ gia đình đã giao đất mà không cần đền bù.

Ðáng kể nhất là ông Nguyễn Hữu Sách, có khu đất nằm ngay trên tuyến rạch Tư Trang - Ðất Sét - An Phú Ðông, đã hiến tới hơn 1.000 m2 đất. Dù hiến diện tích đất lớn như vậy nhưng ông Sách nói nhẹ như không: "Ðược kiên cố hóa kênh mương, ai cũng mừng, vì vậy gia đình tôi tự động lùi đất vào, tạo điều kiện cho con đường rộng 5 m phía trước thành hình, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho mọi người. Vậy là vui rồi". Tương tự, ở dự án cải tạo rạch Sáu Sửu, không ai nói ai, mỗi hộ dân trên tuyến rạch tùy từng chỗ mà hiến đất làm thành đường để đi lại.

"Không cần tính toán kỹ, chỉ tính đại khái mỗi m2 đất 10 triệu đồng thì mỗi hộ gia đình đã hiến cả một gia tài để chung tay phát triển địa phương" - anh Minh nói. Theo anh Minh, chuyện "nhẹ nhàng" hiến đất của bà con An Thới Ðông thực sự khiến không ít cán bộ địa phương bất ngờ. Bởi những người nhận nhiệm vụ vận động bà con hiến đất làm đường ven kênh nói ban đầu họ rất lo nhưng khi đi vào thực hiện thì mọi chuyện lại dễ dàng đến thế. "Sức dân được khơi thông thế này thì đường phát triển của An Phú Ðông trong tương lai sẽ vô cùng thuận lợi" - anh Minh nhận xét.

Chiều muộn, trên cầu thép An Phú Ðông ôtô, xe máy tấp nập xuôi ngược. Nhiều người thư thả đi dạo, tập thể dục trên phần hành lang dành cho người đi bộ trên cầu. Nhìn con sông Vàm Thuật hiền hòa, trìu mến ôm trọn cù lao An Phú Ðông vào lòng, ông Tám Phong nói với chúng tôi: "Tôi tin An Phú Ðông sẽ phát triển vượt trội!" 

(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 13-5

Kỳ tới: Hạt nhân quyết định tầm vóc

"Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cấp các tuyến hẻm, tuyến đường kết nối giao thông để mời gọi doanh nghiệp đầu tư, từ đó thu hút lao động tại chỗ".

Ông VÕ TẤN KHOA - Chủ tịch UBND phường An Phú Ðông, quận 12 TP HCM

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo