xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi về chủ quyền biển đảo: Tâm thế biển

TRỊNH CHU

Để chinh phục biển, chúng ta phải xây dựng một nền văn hóa biển, với những tri thức, ứng xử phù hợp. Khi có được một tâm thế mới như vậy, tự thân mỗi ngư dân cũng sẽ có ý thức hơn về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Phải mất hơn 4 giờ vượt quãng đường từ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đến TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, tôi mới được chạm vào biển, nghe tiếng reo của biển cả, phóng tầm mắt về phía trùng khơi và thấy khát vọng lớn lao của ông cha ta trước biển.

Chuyện người phụ nữ bán mực khô

Cả ngàn năm nay, ông cha ta luôn trong tâm thế của người đi về phía biển, chinh phục biển, dựa nương vào biển để mưu sinh và kiên trung chống chọi mọi bão tố phong ba do thiên nhiên và cả ngoại bang gây ra để bảo vệ toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Càng tự hào hơn khi biết rằng trong quá khứ, ông cha ta đã chinh phục biển và bảo vệ biển chỉ bằng những chiếc thuyền nan, thuyền thúng, thuyền gỗ… Sự kiên trung đó ngày nay vẫn hằn đậm trong tâm trí, lộ rõ nơi vóc hình những ngư dân chất phác, đến độ gần như ai cũng dễ dàng bắt gặp ở bất cứ làng chài nào trên khắp đất nước Việt Nam.

Tuy nhiên, có câu chuyện, mới nghe qua thì rất vụn vặt nhưng lại nói lên một thực tại đáng để các nhà hoạch định, các nhà khoa học và chúng ta cùng ngẫm ngợi: Chuyện về người phụ nữ miệt biển Phan Thiết rao bán mực khô.

Chuyện là, tôi đang tha thẩn trên bãi biển thì có một phụ nữ tầm 50 tuổi chạy tới rao bán mực khô. Nhìn sơ qua những con mực, bằng mắt thường cũng đủ biết mực phơi "không được nắng" và đương nhiên chất lượng không tốt. Dẫu vậy, tôi vẫn không ngần ngại mua 3 túi mực khô về làm quà, với giá mỗi túi 100.000 đồng. Gương mặt cháy sạm nắng gió và đôi bàn tay của người phụ nữ miệt biển lộ rõ sự khắc khổ khiến tôi không cầm được lòng trắc ẩn.

Chuyện đắt rẻ, chất lượng mực tốt xấu không phải vấn đề. Cái đáng nói ở đây chính là hình ảnh người phụ nữ miệt biển ôm mớ mực khô lèo tèo chạy xấc bấc xang bang rao bán trước mặt khách thập phương phơi bày rất nhiều điều, từ quy mô sản xuất, phương thức sản xuất cho đến những điều cao rộng khác như tri thức biển, văn hóa biển.

Tiếc là người phụ nữ ở miệt biển Phan Thiết kia không phải là hình ảnh ngư dân duy nhất tôi bắt gặp trên đất nước Việt Nam.

Cuộc thi về chủ quyền biển đảo: Tâm thế biển - Ảnh 1.

Xây dựng tâm thế mới, trang bị tri thức về biển cho ngư dân để họ thực sự làm chủ biển cảẢnh: TỬ TRỰC

Phải giúp ngư dân làm chủ biển cả

Kỹ sư tàu thủy Nguyễn Tùng Châu, nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, nói rằng muốn biết trình độ khoa học công nghệ, tiềm lực kinh tế của một quốc gia, chỉ cần nhìn vào con tàu thủy là đủ, như nhìn ngôi nhà đoán gia sản, vị thế xã hội của chủ nhân. Muốn đóng một con tàu thì cần hợp sức của rất nhiều ngành chuyên môn. "Đóng một chiếc tàu thủy đúng nghĩa phải tuân thủ luật về đóng tàu và luật hàng hải quốc tế, chịu sự giám sát của đăng kiểm từ thiết kế đến thi công. Một con ốc cũng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vật liệu chế tạo tàu thủy phải qua thử thách trên đất liền hàng chục năm mới đưa vào ứng dụng để bảo đảm an toàn. Không tuân thủ theo luật thì tàu không được cơ quan đăng kiểm quốc tế nghiệm thu, không được ghé vào các cảng biển thế giới để bốc dỡ, tiếp nhận hàng, tiếp nhiên liệu, mua bán hàng hóa nhu yếu phẩm và được bảo trợ, cứu hộ khi gặp sự cố" - kỹ sư tàu thủy Nguyễn Tùng Châu nói.

Chia sẻ của kỹ sư Nguyễn Tùng Châu cho thấy để chinh phục biển, con đường duy nhất là phải học, hay nói cách khác, xây dựng một nền văn hóa biển, với những tri thức, ứng xử phù hợp. Thử nhìn vào cái cách ngư dân, mà người phụ nữ miệt biển kia là một thí dụ điển hình, trải bao vất vả ngoài khơi mới bắt được con mực, con cá nhưng có lẽ cũng không khó nhọc bằng việc tìm cách tiêu thụ chúng ở trên bờ thì rõ ràng chúng ta đang thiếu hẳn một nền tảng về phát triển kinh tế biển. Cách thức ấy của ngư dân không khác nông dân trồng lúa là bao, cũng manh mún, cũng nhỏ lẻ, cũng mạnh ai nấy làm. Phương thức sản xuất và quy mô sản xuất như thế, lại thêm việc bảo quản sản vật sau đánh bắt cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, thử hỏi đến bao giờ ngư dân ta thoát cảnh tự sản tự tiêu?

Muốn chinh phục biển, nhà nước cần chủ động xây dựng một chiến lược dài hơi về biển, bằng các hình thức hỗ trợ phương tiện, vốn và kỹ thuật và quan trọng nhất là trang bị tri thức về biển cho ngư dân. Ngư dân phải là những con người của biển cả thật sự, với đầy đủ tri thức biển, để có thể dựa vào biển mưu sinh và cũng có thể làm lợi cho biển.

Với một tâm thế mới, tự thân mỗi ngư dân cũng sẽ có ý thức hơn về bảo vệ chủ quyền biển đảo mà cha ông ta đã đổ bao xương máu gìn giữ. Còn nếu như chỉ để ngư dân dựa vào sức lực của mình thì chắc chắn chẳng thể nào xoay chuyển được tình hình. Bởi ngoài một ít kinh nghiệm theo kiểu cha truyền con nối, ngư dân hầu như thiếu mọi thứ cần thiết: thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu thông tin, thiếu kỹ năng và tất nhiên thiếu cả kỷ luật. 

Cần thay đổi cả cách nhìn và hành động

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cả cách nhìn và hành động, nhất là thay đổi về tri thức biển, phát triển nền kinh tế biển theo chiều sâu, trên cơ sở hiệu quả công việc của từng phân khúc: Nhà khoa học làm gì? Nhà doanh nghiệp làm gì? Ngư dân làm gì?... Trong chuỗi phân khúc đó, nhà nước là người đứng ra điều hành, xâu kết các phân khúc lại với nhau, để biển không đơn thuần chỉ là nơi ngư dân lo sinh kế hằng ngày mà còn là nơi thể hiện tâm thế quốc gia sẵn sàng tiến ra biển lớn.

Mời bạn đọc thi viết về biển đảo

Cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021. Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"), gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.

Báo Người Lao Động trân trọng mời bạn viết tham gia cuộc thi. Nội dung, thể lệ cuộc thi và các quy định xem chi tiết tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-ve-chu-quyen-bien-dao-20200803210847858.htm. Tác phẩm dự thi gửi về Tòa soạn Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM; email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo