xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sửa luật phải "bảo vệ được người tiêu dùng"

Minh Phong

Cơ quan soạn thảo luật cần phải lường trước và giải quyết vướng mắc để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng

Ngày 2-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Dễ dàng đòi quyền lợi

Tại tổ ĐBQH TP HCM, nhắc đến vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm của nhãn hàng pate Minh Chay, ĐB Trần Kim Yến nhấn mạnh vệ sinh an toàn thực phẩm với người tiêu dùng vẫn là vấn đề rất bức xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Về vấn đề hàng hóa có khuyết tật, không bảo đảm được tiêu chí theo yêu cầu của một món hàng, ĐB Trần Kim Yến đề nghị sử dụng cụm từ khác thay cho "khuyết tật". Theo bà, cơ quan soạn thảo cần thấy được mức độ nguy hiểm khi hàng hóa đưa ra thị trường bị lỗi, sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của rất nhiều người. ĐB Trần Kim Yến cho rằng cần quy định các biện pháp để thu hồi sản phẩm một cách nhanh nhất, không để xảy ra tình trạng "đi thẳng từ bàn ăn đến bệnh viện".

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP HCM), dự thảo luật phải thiết kế để khi người tiêu dùng mua phải hàng không bảo đảm thì sẽ dễ dàng khiếu nại, đòi lại quyền lợi cho mình. "Luật phải làm sao đề đạt nguyện vọng của người dân, theo đuổi kiện tụng đơn giản hơn, không bị lẫn tình trạng quá tải của ngành tư pháp" - bà nhấn mạnh.

Vị ĐB này dẫn lại câu chuyện "đau xót" về vụ làm thuốc giả liên quan Công ty VN Pharma. Ban đầu, thuốc H-Capita 500 được kết luận chưa đưa ra thị trường nên chưa gây hậu quả. Tuy nhiên sau đó, trong đường dây này, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm loại thuốc đã được đấu thầu, bán cho người dân với thủ đoạn tương tự. Vấn đề đặt ra là chưa ai đề cập trách nhiệm bồi thường gây ra đối với bệnh nhân.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan chỉ rõ vấn đề không còn thuộc trách nhiệm của bệnh viện vì bệnh viện đã đấu thầu theo luật với loại thuốc đã được cấp phép. Do đó, với trường hợp trên, sau khi tính thiệt hại, các bị cáo phải chịu bồi hoàn hoặc nhà nước phải tính phương án cụ thể.

Cùng chung lo ngại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng có thể không bảo vệ quyền lợi cho họ, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhấn mạnh khái niệm người tiêu dùng trong luật chưa rõ, chưa phù hợp tình hình hiện nay, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Theo ông, không xác định đúng quyền lợi người tiêu dùng thì khó bảo vệ. Với nhiều loại hàng hóa khó đánh giá chất lượng như thuốc, hàng tiêu dùng ngâm tẩm hóa chất, cần phải có chuyên môn và máy móc hiện đại mới phát hiện được. Tuy nhiên, quy định đang đẩy trách nhiệm về việc bảo vệ quyền lợi sang chính người tiêu dùng.

ĐB thuộc Đoàn ĐBQH TP Hà Nội này kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định pháp luật, phải lường trước và giải quyết vướng mắc để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng. Ông Hà cho rằng quy định trong dự thảo còn chung chung, chưa cụ thể, khó hiểu, khó áp dụng.

Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

Các ĐBQH thống nhất cao với việc dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố chuyển đổi số, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng. Các ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết từ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước, dự thảo luật đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Dự thảo cũng quy định một số nội dung phải có trong giao kết hợp đồng từ xa; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.

Sửa luật phải bảo vệ được người tiêu dùng - Ảnh 1.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trương Xuân Cừ kiến nghị cần bổ sung quyền được tư vấn đối với người tiêu dùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cho rằng luật hiện tại khó thực thi, người tiêu dùng chưa đòi được quyền lợi của mình, ĐB Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH - nhấn mạnh việc sửa đổi lần này cần khắc phục được những bất cập đó. Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng tin vào quảng cáo, mua hàng hóa đến khi sử dụng thì chất lượng không tương xứng nhưng không thể đòi được quyền lợi. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng còn bất cập, dẫn đến người tiêu dùng không thực hiện được những quyền mà pháp luật cho phép.

Theo ĐB Bùi Hoài Sơn, chế tài các hành vi vi phạm về quảng cáo cũng cần được xem xét, bởi không thể "xin lỗi là xong". Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "loạn" quảng cáo thuốc, nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.

Trong khi đó, ĐB Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của QH, kiến nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung quyền được tư vấn đối với người tiêu dùng. Ông cho rằng nếu người tiêu dùng không được tư vấn về sản phẩm thì họ không thể biết công dụng ra sao. Đặc biệt, với đối tượng là người cao tuổi - nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, nếu không được tư vấn kỹ về sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng thì họ dễ bị thiệt thòi.

"Cần đưa đội ngũ tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn vào luật vì phần lớn họ có hiểu biết, có kinh nghiệm, nắm được thông tin người ra vào địa bàn. Nếu chỉ giao trách nhiệm cho các hội bảo vệ người tiêu dùng và đơn vị quản lý thị trường thì e rằng không hiệu quả" - ĐB Trương Xuân Cừ nhận xét.

Hôm nay, 3-11, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chiều cùng ngày, QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. 

Cắt ghép hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo trá hình

Thảo luận tại tổ, ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nêu hiện tình trạng lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn với cộng đồng, ghép với sản phẩm để quảng cáo, trong khi người đó không mua dùng, không biết rõ chất lượng sản phẩm. Hành vi này làm ảnh hưởng đến uy tín của người nổi tiếng, cần phải xử lý mạnh.

Ông Huân đề nghị dự thảo luật cần làm rõ để bảo vệ người có ảnh hưởng đến cộng đồng bị lợi dụng hình ảnh. Đó cũng là cách bảo vệ người tiêu dùng không bị mắc bẫy của hành vi quảng cáo trá hình.

Bổ sung sách giáo khoa vào diện nhà nước định giá

Cùng ngày, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất duy trì Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Quỹ BOG góp phần bình ổn giá xăng dầu, không quản lý tập trung cũng như phát sinh trong bộ máy. Vừa qua, với diễn biến giá xăng dầu phức tạp, khó dự báo, ông Hồ Đức Phớc đánh giá quỹ đã phát huy tác dụng trong việc tạo "bước đệm" nhằm bình ổn, giúp giá trong nước không tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát.

Về phía cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho biết đa số ý kiến tán thành với đề xuất nêu trên của Chính phủ. Bởi lẽ, quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính. Khi giá xăng dầu thế giới biến động thì tại một số thời điểm, quỹ đã phát huy vai trò "điều hòa", giảm biên độ biến động giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ngược lại, cũng có một số quan điểm tại cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ quỹ vì nó được hình thành qua trích lập từ giá mua (người tiêu dùng trả), song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành. Do đó, việc lập Quỹ BOG bản chất là sự can thiệp của nhà nước vào một loại hàng hóa có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa.

Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa được đưa vào diện nhà nước định giá, kiểm soát giá. Theo đó, nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích của người dân. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng rất rộng và tác động trực tiếp tới người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ lưu ý dự luật cần quy định bổ sung việc kiểm soát chặt tổ chức thực hiện, tuyệt đối không thông đồng giá.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo