xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống trên "biển bạc" vẫn chưa thoát nghèo (*): Cần lắm chính sách "tam ngư"

Văn Duẩn thực hiện

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Chu Hồi cho rằng cần ban hành chính sách riêng biệt để giải quyết đồng bộ ba vấn đề "ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường" (tam ngư), hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm

* Phóng viên: Ông từng nói: dù sống trên "biển bạc" nhưng ngư dân chúng ta vẫn chưa thoát nghèo? Đó là cách nói khái quát về thực trạng đời sống của ngư dân cũng như ngành khai thác thủy sản của Việt Nam hiện nay?

- PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Ở nước ta, biển gắn bó với đời sống người dân và quá trình phát triển đất nước từ cổ đại. Việt Nam là quốc gia có vùng biển rộng lớn và giàu tài nguyên; kinh tế biển được chú trọng phát triển, trong đó thủy sản là ngành kinh tế biển truyền thống, gắn với đời sống của người dân ven biển, trên đảo và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Sống trên biển bạc vẫn chưa thoát nghèo (*): Cần lắm chính sách tam ngư - Ảnh 1.

Thủy sản cũng được xem là ngành kinh tế tiên phong trong hội nhập, đóng góp quan trọng vào thị phần xuất khẩu của đất nước và tạo trụ đỡ bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, dù sống trên "biển bạc" nhưng ngư dân chúng ta vẫn chưa thoát nghèo, "biển vẫn bạc bẽo" với họ, sinh kế ngư hộ thiếu bền vững, ngư dân giỏi nghề nhưng làm theo kinh nghiệm truyền thống,...

* Có thể nói qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế thủy sản tăng trưởng liên tục và khá ổn định, ngay cả thời đại dịch, nhưng sự tăng trưởng đó không tác động là bao đến chính đời sống lao động nghề cá, đặc biệt đối với ngư dân. Phải chăng, đây là "nghịch lý" cần tìm cách tháo gỡ để duy trì ổn định chuỗi cung ứng thủy sản?

- Gần đây, ngư dân nước ta tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức mà hậu quả là lượng tàu nằm bờ tăng dần, đến nay là 40%-45%, cá biệt có địa phương lượng tàu đánh cá chỉ còn 10%.

Lý do câu chuyện tàu nằm bờ thì nhiều, khách quan có, chủ quan có nhưng đáng chú ý là nguồn lợi hải sản vùng biển nước ta giảm sút rõ so với trước năm 2010. Các bãi tôm, cá di biến động do biến đổi khí hậu và mất dần các hệ sinh thái nền tảng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn; đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nghề cá và kinh tế thủy sản dẫn đến thua lỗ; đã thế lại bị bồi thêm đòn giá nhiên liệu tăng cao, chi phí đầu vào lớn nên thua lỗ;...

* Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam có đề ra mục tiêu đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65% - 70% GDP cả nước. Chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này?

- Chúng ta đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 nói trên được hơn 3,5 năm với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, quyết liệt và đầy khát vọng; nhiều việc đã được làm, nhiều việc chưa làm và mục tiêu đến 2030 vẫn ở phía trước. Đầu năm 2021, khát vọng xây dựng, phát triển một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc đã được thể hiện trong tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Như vậy, "Phát triển bền vững" và gần đây là "Khát vọng đại dương xanh" đang trở thành những "từ khóa" rất quan trọng để dẫn dắt chúng ta đạt được mục tiêu chung của các nghị quyết.

Thực tế, biển nước ta trong bối cảnh biển Đông và cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về zero, thích ứng biến đổi khí hậu,..., đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa, hiện thực hóa các chủ trương, giải pháp, bám sát mục tiêu của các nghị quyết và ưu tiên hóa để bảo đảm tính khả thi của các hành động theo lộ trình.

Sống trên biển bạc vẫn chưa thoát nghèo (*): Cần lắm chính sách tam ngư - Ảnh 2.

Tàu đánh bắt công suất lớn, vỏ thép của ngư dân Quảng Nam vươn khơi Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Sáu hành động sau đây có thể là các nhóm giải pháp bao trùm để hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển trong Nghị quyết số 36, đó là: Bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; Bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển và các giá trị dịch vụ của chúng; Bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm, suy thoái; Thực thi luật pháp, chính sách về biển có hiệu lực, hiệu quả; Phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững; Tuyên truyền đầy đủ về phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng của kinh tế biển xanh và phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng Việt Nam, cũng như 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu số 14 (SDG14) về sử dụng bền vững biển và đại dương,..

Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung phát triển hiệu quả và bền vững các ngành kinh tế biển truyền thống (du lịch biển, dầu khí và các khoáng sản khác, cảng - hàng hải, khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển, khu kinh tế - công nghiệp biển - ven biển...) trên nền tảng tăng trưởng xanh. Phát triển kinh tế biển xanh dựa vào việc bảo toàn đa dạng sinh học; các hệ sinh thái biển và bảo vệ môi trường biển được xem là "chất xúc tác" để phát triển bền vững kinh tế biển.

Ngoài ra, cần chú ý phát triển sớm theo lộ trình: ngành dược liệu biển; kinh tế đô thị biển (đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị nổi trên biển); nuôi thủy sản trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, bền vững; nghề cá giải trí ở biển - ven biển - đảo (đánh cá giải trí, câu cá giải trí, nuôi cá giải trí, ngắm cá giải trí,...). Hỗ trợ cho các định hướng phát triển nói trên là phải làm tốt công tác bảo tồn biển, giảm thiểu rác thải biển, bao gồm rác thải nhựa đại dương; quy hoạch không gian biển quốc gia và phân vùng chức năng sử dụng biển cũng như hoàn thiện thể chế kinh tế biển bền vững; tăng cường kiểm soát và giám sát nhà nước với biển, đảo.

* Với một nghề cá quy mô nhỏ, trang thiết bị lạc hậu, trên 80% tàu thuyền hoạt động ở các vùng nước gần bờ, chúng ta cần làm gì để đủ sức vươn khơi xa, bám biển lớn?

- Câu chuyện nghề cá nước ta cần vươn ra "biển lớn" đã và đang thực hiện. Thực tế, đã hình thành và phát triển song hành trong ngành thủy sản nước ta: một nghề cá nhỏ (Small-scale fisheries) - nghề cá truyền thống và một nghề cá thương mại (nghề cá lớn). Đặc biệt, ngành thủy sản biển (nghề cá) nước ta được cơ cấu bởi ba nhóm chiều cạnh rất cốt lõi, là ba mặt của một vấn đề "tam ngư": ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường.

Hai loại hình nghề cá cùng với ba vấn đề nói trên có tính liên kết bản chất nhưng đến nay chúng thường được giải quyết khi thì riêng rẽ, tách biệt, chia cắt, thiếu đồng bộ, lệch pha,...; khi thì gộp lại. Cho nên, các chính sách ban hành và thi hành chưa có hiệu lực, chưa đạt được hiệu quả mong đợi. Có lẽ, cần xây dựng và thực thi chính sách dựa trên cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành, liên vấn đề, liên cơ quan, đúng đối tượng. Ở tầm quốc gia, cần phải: Ban hành các cơ chế, chính sách riêng cho phát triển hiệu quả và bền vững nghề cá nhỏ và nghề cá lớn, không để lẫn hai đối tượng chính sách này; ban hành chính sách riêng biệt để giải quyết đồng bộ ba vấn đề: ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường; hướng tới nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Ba vấn đề này có mối liên kết hữu cơ, có sự ràng buộc vốn có,... đòi hỏi người làm chính sách và hoạch định chiến lược phải cân nhắc. Đặc biệt, ba vấn đề này không chỉ tạo ra các tác động nội ngành thủy sản, mà còn góp phần hiện diện dân sự và thực hiện chủ quyền dân sự của Việt Nam trên biển Đông dựa trên nền tảng của một nghề cá bền vững, có trách nhiệm. 

Kinh nghiệm từ Indonesia

Một số nước Đông Nam Á như Indonesia đang có thế mạnh về lĩnh vực đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản.

Indonesia được mệnh danh là "Xứ sở vạn đảo" với khoảng 17.508 hòn đảo và 54.716 km đường bờ biển. Vì vậy, lĩnh vực đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản ở nước này rất phát triển. Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu Statista (trụ sở tại Đức), Indonesia tiêu thụ hơn 40 kg cá trên đầu người mỗi năm và là một trong những nước phụ thuộc vào cá nhiều nhất trên thế giới. Dữ liệu sơ bộ của Statista cho thấy ngành thủy sản đóng góp gần 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia, tương đương 469.600 tỉ rupiah (31,6 triệu USD), năm 2021. Trong khi đó, tổng giá trị cá tươi xuất khẩu của Indonesia năm 2021 đạt 118,67 triệu USD.

Tổ chức Nông - Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản ở Indonesia được chia thành 2 phân khúc chính: quy mô nhỏ và quy mô lớn. Phân khúc quy mô nhỏ lại chia thành 2 nhánh thủ công và thương mại, còn phân khúc quy mô lớn về cơ bản được gọi là thủy hải sản công nghiệp. Đối với nhánh thương mại, ngư dân thường sử dụng tàu lớn tích hợp động cơ và trang bị lưới cỡ trung bình. Họ mang theo nhiều loại ngư cụ khác nhau, từ loại truyền thống dùng trên thuyền buồm đến loại hiện đại như lưới kéo, lưới vây, dây câu... Đặc biệt, ngư dân Indonesia ngày càng ưa chuộng thiết bị dẫn dụ cá (FAD). Đáng chú ý, Indonesia là một trong những nhà sản xuất cá ngừ chính trên thế giới và hoạt động nuôi trồng rong biển nở rộ những năm gần đây. Hầu hết hải sản đánh bắt đều được tập kết về các cảng cá, bao gồm 6 cảng lớn, cùng 14 cảng nhỏ ở Java, 2 cảng nhỏ ở Sumatra, 1 cảng nhỏ ở Bắc Sulawesi và 1 cảng nhỏ ở Đông Nam Sulawesi.

Chính phủ Indonesia đã khuyến khích khu vực tư nhân thành lập các hiệp hội đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản, cho ra đời các ủy ban như Ủy ban Cá ngừ, Ủy ban Tôm và Ủy ban Rong biển vào năm 2004. Hãng tin Deutsche Welle (Đức) cho biết Indonesia đặt mục tiêu đưa lĩnh vực này phát triển bền vững vào năm 2025. Tính đến nay, Indonesia trợ cấp cho lĩnh vực đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản nhiều hơn các nước đang phát triển khác (hơn 932 triệu USD vào năm 2018). Ngoài ra, trang Mongabay.com hồi tháng 1 năm nay tiết lộ Indonesia đang lên kế hoạch tái mở cửa lĩnh vực này cho đầu tư nước ngoài để tăng trữ lượng thủy hải sản, đồng thời ban hành sắc lệnh quản lý dựa trên hạn ngạch đánh bắt.

Phạm Nghĩa

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-8

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo