xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sớm xử lý vướng mắc các dự án BOT

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương đánh giá toàn diện vướng mắc của các dự án giao thông đầu tư theo phương thức BOT

Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo 1834/TB-TTKQH về ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với việc xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý (gọi tắt là dự án BOT).

Mua lại 8 dự án BOT?

Về vấn đề này, tại văn bản số 8352/VPCP-CN, ngày 13-12-2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của UBTVQH tại thông báo trên. Bên cạnh đó là tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện vướng mắc, bất cập của các dự án BOT; bổ sung, làm rõ tác động có thể xảy ra khi thực hiện giải pháp, chính sách xử lý vướng mắc, bất cập; làm rõ trách nhiệm, căn cứ pháp lý để nhà nước bố trí ngân sách nhà nước thanh toán cho các nhà đầu tư… để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của UBTVQH; báo cáo Thủ tướng.

Giai đoạn 2005-2020, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Bộ GTVT đã huy động khoảng 247.570 tỉ đồng đầu tư 72 dự án hạ tầng theo hình thức BOT để làm khoảng 2.690 km quốc lộ (QL) và đường bộ cao tốc. Đến nay, các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, thay đổi diện mạo hạ tầng đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số hạn chế, bất cập; đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh, khai thác tại một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Để giải quyết, hồi đầu tháng 10-2022, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 10189/TTr-BGTVT gửi Chính phủ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT do Bộ GTVT quản lý.

Theo Bộ GTVT, đây là các dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí hoặc không thể thu phí do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ hoặc dự án đã thu phí, doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng. Nếu tiếp tục thu phí và áp dụng các biện pháp như tăng phí, kéo dài thời gian thu phí... thì phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng và dự án không thể tiếp tục thực hiện theo hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT chọn 8 dự án BOT có bất cập để đề xuất xử lý sau khi đã có sự thống nhất với nhà đầu tư.

Bộ GTVT cho biết theo tính toán sơ bộ, nguồn vốn nhà nước dự kiến cần bố trí để xử lý vướng mắc, bất cập là khoảng 13.115 tỉ đồng. Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách và đầu tư theo phương thức công - tư (PPP), việc Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định là phù hợp.

Nhà đầu tư than bế tắc

Trong một diễn biến liên quan, nhà đầu tư 8 dự án BOT đang được cho là có bất cập bày tỏ mong cấp có thẩm quyền sớm chốt phương án xử lý để thoát cảnh nợ đọng, phát sinh chi phí.

Nói về dự án Nâng cấp QL91 từ TP Cần Thơ đi An Giang, ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư QL91 - cho biết từ năm 2019 đến nay, phương án tài chính của dự án gần như bị phá vỡ. Cụ thể, dự án đưa vào khai thác từ năm 2016; theo thỏa thuận, việc thu phí triển khai tại 2 trạm T1 và T2 thuộc phạm vi dự án. Công tác thu phí ổn định đến tháng 5-2019 thì trạm T2 phải dừng thu do việc thu phí lượt không bảo đảm công bằng tuyệt đối, một số phương tiện đi trên đoạn ngắn, đặc biệt hướng từ Kiên Giang lên An Giang vẫn phải trả phí lượt.

Lộ trình tăng phí 3 năm/lần cũng không được thực hiện, trong khi chính sách giảm giá/miễn phí cho phương tiện của người dân xung quanh khu vực trạm vẫn phải thực hiện. Bất cập hơn, hàng loạt đường cấp quận, huyện mọc lên xung quanh trạm T1, tạo điều kiện cho các phương tiện né trạm. Ngoài ra, cách trạm T1 khoảng 2 km đang tiếp tục có 2 tuyến đường chuẩn bị đưa vào khai thác.

"Doanh thu BOT tại dự án hiện sụt giảm còn hơn 30%/trạm so phương án tài chính ban đầu. Dự kiến, khi các tuyến đường mới của địa phương tiếp tục được đưa vào khai thác, doanh thu chỉ còn 15%-20%, hợp đồng BOT bị phá vỡ" - ông Khang nói và kiến nghị nhà nước sớm bố trí nguồn vốn 1.879 tỉ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Tại dự án Hầm đường bộ Đèo Cả (gồm các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân), ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - cho biết trên cơ sở chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ GTVT đã ký kết và triển khai dự án, dự kiến sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, trong đó có trạm trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Tuy nhiên, theo ông Ngọ Trường Nam, năm 2018, thực hiện Nghị quyết 437, Chính phủ chỉ đạo rà soát và cho rằng việc đặt trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả là bất cập, tiềm ẩn nguy cơ gây phản ứng của người dân. Từ đó doanh nghiệp không thể triển khai thu phí và còn phải lo các khoản lãi vay ngân hàng. Giải quyết khó khăn này, nhà đầu tư kiến nghị Nhà nước bố trí dòng tiền bù đắp với tổng giá trị hơn 2.280 tỉ đồng.

Sớm xử lý vướng mắc các dự án BOT - Ảnh 1.

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) kiến nghị thành lập tổ chức do Bộ GTVT làm đầu mối cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và VARSI nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết đối với từng dự án cụ thể, báo cáo kết quả cho Chính phủ, chậm nhất là ngày 30-12-2022.

VARSI kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp UBND cấp tỉnh - nơi dự án đi qua - đánh giá kỹ các nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc của từng dự án, đặc biệt là các dự án đã có ý kiến của các cơ quan nhà nước như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước về các vấn đề liên quan tổng mức đầu tư, phương án đặt trạm, phương án thu phí, hiệu quả đầu tư, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư theo phương thức công - tư trong thời gian tới.

Đối với các trường hợp bất cập, vướng mắc tại các dự án công - tư xuất phát do các cam kết của phía nhà nước không được thực hiện hoặc việc thu phí không thể triển khai bởi có sự phản đối lớn từ người dân, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm các bất cập tại dự án. Phương án giải quyết là bố trí vốn ngân sách nhà nước thay thế cho quyền thu phí hoàn vốn dự án, chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn, cơ cấu lại nợ của dự án và bố trí vốn ngân sách nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án.

Phải xem xét thấu đáo

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng cần phải xem xét thấu đáo từng dự án BOT, không thể gộp tất cả 8 dự án này chung một phương án. Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng sẽ đưa ra phương án mua lại hay hỗ trợ các dự án theo từng năm. Làm sao để có phương án tốt nhất, không để doanh nghiệp thiệt nhưng cũng không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, cần đánh giá kỹ nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc bất cập của từng dự án mà Bộ GTVT đề xuất nhà nước mua lại. Cần xem xét những hạn chế của từng dự án là do đâu, trách nhiệm của bên nào. Nếu tồn tại do nhà đầu tư gây ra thì họ phải chịu trách nhiệm. Tồn tại từ phía các cơ quan nhà nước thì nhà nước phải có trách nhiệm đứng ra xử lý, nhằm bảo đảm giao thông thuận lợi cho người dân, xã hội. Mục đích là bảo đảm sự công bằng trong hợp tác công - tư, trong đó có lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, tránh nguy cơ vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các dự án theo phương thức này.

PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, khẳng định ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận được nhiều sự đồng thuận của các doanh nghiệp, các chuyên gia và chính từ các nhà đầu tư BOT có những dự án đang gặp khó khăn vướng mắc nói trên. 

Theo dự kiến chương trình phiên họp lần thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 21-12, sẽ cho ý kiến về giải pháp xử lý, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

8 dự án BOT được đề xuất xử lý

Danh sách 8 dự án BOT có bất cập, được đề xuất xử lý, gồm: Hầm đường bộ qua Đèo Cả; Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp QL3, đoạn Km 75 - Km 100; Hạng mục đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, đoạn Km 0 - Km 6; Cải tạo, nâng cấp QL91, đoạn Km 14 - Km 50 + 889; Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km 1738 + 148 - Km 1763 + 610; Đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1; Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo