xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sâu nặng tình cha

HUYỀN NHUNG

Bố tôi một mình bắt chuyến xe dài gần 300 cây số, lặng lẽ dọn dẹp lại cuộc đời tôi. Ông không trách mà dang tay đón tôi trở lại, tôi như được sinh ra lần nữa

Tôi trở về nhà đúng hôm trời mưa tầm tã. Cái lạnh của những ngày cuối năm thật buốt giá làm sao, dù đã đeo găng tay, trùm khăn kín mít mà tôi vẫn thấy người mình run lên khi bước xuống từ cửa xe.

Khung cảnh đẹp nhất trong cuộc đời

Nửa năm qua, sự bùng phát của dịch bệnh khiến cho mọi thứ thật khó khăn, ngay cả việc trở về của tôi lần này cũng vậy. Thị trấn vắng hoe những ngày dịch giã. Tôi xách nhanh va-li chạy vào trong nhà, An lũn cũn chạy theo mẹ. Như thường lệ, nếu không mưa, nếu bố tôi đang không ốm, ông chắc chắn sẽ ngồi ở chiếc ghế nhựa đỏ kia đợi mẹ con tôi về.

Tôi cầm va-li lên trên tầng. Lần nào về nhà, tôi cũng dành ra một khoảng không gian và thời gian cho chính mình trước hiên ban công để ngắm nhìn thỏa thích toàn cảnh con phố nhỏ - ngắm những đổi thay của nơi chứa trọn vẹn cả tuổi thơ và những ký ức của mình. Với tôi đó mãi mãi là khung cảnh đẹp nhất trong cuộc đời. Mưa đã ngớt, những hạt tí tách, lách cách trên mái tôn tạo nên một âm thanh nhộn nhịp, rộn ràng. Tôi chầm chậm xếp đồ đạc vào ngăn tủ trong căn phòng nhỏ của mình.

Gần 20 năm nay, lúc nào bố tôi cũng dọn dẹp sẵn khi biết con gái ông về. Nhà tôi mấy năm nay đã được sửa sang rộng rãi hơn. Trước đây cả nhà chỉ có 2 phòng ngủ be bé - một ở dưới tầng trệt và một ở trên cái gác xép nhỏ này. Sau bố mẹ tôi sửa lại bếp đằng sau và xây thêm được một phòng nối liền gác xép cũ. Rồi khi chị em tôi lớn hơn, mái chống nắng trên cùng được nâng cao hơn và sửa sang thành 2 phòng nữa. Ngày còn học đại học, mỗi lần về nhà tôi lại càu nhàu sao bố mẹ tôi cứ giữ lại mấy thứ cũ kỹ như thế, nào là chiếc bàn học của chị em tôi hồi bé, rồi chiếc tủ gỗ và cả 2 chiếc hòm nhỏ nữa. Tất cả đều nứt vỡ bởi dấu vết thời gian. Sau này lớn hơn một chút, đi làm rồi lấy chồng, một năm tôi chỉ trở về nhà dăm ba lần, nhìn lại những đồ vật này tôi mới hiểu tại sao bố mẹ tôi giữ lại chúng. Kỷ niệm không cần phải là những thứ gì đó quá cao sang. Và hạnh phúc đơn giản chỉ là thứ gợi nhớ nhiều điều trong quá khứ mà thôi.

Sâu nặng tình cha - Ảnh 1.

Bố của tác giả lúc còn trẻ

Sâu nặng tình cha - Ảnh 2.

Bố và mẹ của tác giả ngày trước

Những con gái bé bỏng của cha

Nhà tôi thăng trầm, những năm 90 thế kỷ trước, bố tôi buôn đồ điện tử có khá giả một chút, sau đó ông góp vốn làm ăn với một người bạn rồi bị chính người bạn đó cầm theo 50 triệu đồng chạy trốn. Hồi ấy số tiền đó là cả một gia sản lớn có thể mua được vài ba mảnh đất. Sau biến cố đó, bố mẹ tôi chật vật đủ nghề để nuôi chị em tôi hết đứa lớn lại đứa bé ăn học. Bố tôi uống rượu nhiều hơn nhưng ông không còn hằn học hay đập phá đồ như trước nữa. Chúng tôi - những đứa trẻ buộc lòng phải hiểu hoàn cảnh nhà mình - nên ai cũng cố gắng học thật tốt. Bố tôi nở mày nở mặt khi cả bốn chị em tôi đều học hành đỗ đạt. Thời điểm đó ít nhà nghèo như trong khu nhà tôi mà các con được ăn học đầy đủ như vậy.

Nhà tôi gần ngã ba, sau khi bố mẹ tôi có tuổi hơn thì không còn làm hàng may gia công được nữa nên mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ, dần dần quen khách, mẹ tôi lấy nhiều hàng về hơn. Nhà bán hàng nhiều việc, sáng ra bao giờ bố tôi cũng dậy sớm nhất nhà để dọn hàng và để chuẩn bị đồ ăn sáng cho chúng tôi. Suốt bao nhiêu năm như vậy, đến tận giờ, mỗi lần về nhà, ông vẫn giữ thói quen đó - mua những thứ chúng tôi thích ăn nhất. Trong lòng ông, chúng tôi mãi vẫn chỉ là những đứa con gái bé bỏng trong hình hài người lớn mà thôi.

- Mẹ cười gì đấy? An tò mò nhìn tôi.

Tôi nhìn con và kể:

- Ngày trước, lúc mẹ bé như con, mẹ chỉ thích ốm để được ông ngoại mua phở cho ăn thôi.

- Thế á! An cười khanh khách.

Tôi bỗng nhớ hương vị của bát phở gà béo ngậy thơm lừng mùi nước dùng ở cuối chợ. Tôi nhớ hương vị của thời gian, của hoài niệm.

Sâu nặng tình cha - Ảnh 3.

Bố, mẹ tác giả và các con (ảnh tư liệu gia đình)

Dang tay đón con về sau đổ vỡ

Trong nhà, tôi là cái đứa khiến bố mẹ lo lắng nhiều nhất. Năm tháng ấy, mặc cho những lo âu, thấp thỏm của họ, tôi từ bỏ công việc nơi phố thị bao người mong ước để hão huyền chạy theo cái gọi là tình yêu ở một chốn xa lắc xa lơ. Phải rồi, khi người ta còn trẻ thì đều hăm hở như vậy mà! Hăm hở đến mù quáng, đến mất đi lý trí. Hóa ra có một số người định nghĩa tình yêu không phải chỉ dành cho hai người. Và hóa ra có những nỗi đau trong cảm xúc lại có thể biến thành nỗi đau da thịt. Tôi cảm nhận rõ điều đó giằng xé trong lồng ngực mình khi biết chồng tôi qua lại với người phụ nữ khác. Tôi nhớ tôi của lúc đó - bơ vơ và lạc lõng giữa vùng đất xa lạ. Niềm tin trong tôi vỡ nát, tôi đã muốn mình trôi theo dòng nước trước mặt nhưng rồi tiếng khóc của con làm tôi bừng tỉnh. Tôi lừa gạt bản thân rằng chồng tôi sẽ thay đổi, rằng thời gian sẽ chôn vùi mọi thứ. Rằng chúng tôi sẽ là một gia đình hạnh phúc. Để rồi tôi - từ một đứa mộng mơ, tinh tế, bỗng trở lên lạnh lùng, bất mãn.

Mười năm, tôi đánh đổi tuổi trẻ bằng nước mắt, tủi hờn, đớn đau trong tim mình... Và bố tôi - vẫn một mình ông lại bắt chuyến xe dài gần 300 cây số - lặng lẽ dọn dẹp lại cuộc đời tôi. Ông không trách tôi mà dang tay đón tôi trở lại. Tôi như được sinh ra thêm một lần sau những đổ vỡ. Hóa ra tôi đã đi xa như vậy, đi lâu như vậy!

Mong có phép mầu

Thời gian - lúc người ta gặp khó nhọc thì trôi qua thật nhàn nhạt, chậm rãi; còn khi người ta bình an, vui vẻ thì lại vùn vụt bay đi. Tôi cứ nghĩ sau bao khốn khó của những năm tháng nhọc nhằn, bố mẹ tôi sẽ hưởng trọn niềm vui an nhàn bên con cháu. Vậy mà...

Ngày bác sĩ nói bố tôi bị ung thư thực quản, giai đoạn muộn, mẹ tôi rụng rời, chị em tôi choáng váng. Chỉ có bố tôi là đón nhận tin một cách bình tĩnh. Ông cười lạc quan nói với chị em tôi, ông tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ, ông tin vào bản thân sẽ vượt qua được mọi thứ. Hai tháng ở viện K Tân Triều, giữa lúc tâm dịch, một mình ông chống chọi với căn bệnh, không có người nhà ở bên. Và đợt điều trị thứ nhất đã trôi qua.

- Bố đọc trên mạng rồi, bệnh của bố chỉ sống được dăm ba năm...

Bố tôi nghẹn ngào nói lúc cả nhà đang ăn cơm. Mẹ tôi rưng rưng, chùi vội giọt nước mắt đứng lên trước để xếp đồ cho ông để sáng hôm sau nhập viện điều trị đợt hai. Tôi lại nhớ, mỗi lần tôi có chuyện và gọi điện về nhà, bố tôi lại thu dọn vội vã bắt xe đi, những chuyến đi vì tôi trong suốt 10 năm đó của ông có lẽ là hành trình dài nhất và vất vả nhất của ông rồi... Còn hành trình này thì sao? Tôi ước mình có thể đau thay ông nỗi đau ông đang chịu. Tôi ước lần này ông sẽ kiên trì vượt qua như cách ông đã dạy cho chị em tôi khi còn bé! Tôi ước sẽ có kỳ tích trong y học như những lần tôi đọc đâu đó.

Cuộc sống luôn có những phép mầu, phải không? 

Luôn yêu thương, chiều chuộng các con

Nhà tôi có 4 chị em gái. Mọi người hay trêu bố tôi là người đẹp trai nhất nhà. Tôi không biết bố có buồn nhiều vì điều đó không? Trước đây có đôi khi bố đi uống rượu về - và bố mẹ tôi lại cãi nhau - và một số đồ đạc trong nhà tôi "bỗng dưng có cánh". Thế nhưng bố tôi vẫn luôn yêu thương, chiều chuộng và chăm sóc chị em chúng tôi rất nhiều. Mấy ông chú gần nhà, bạn uống rượu cùng bố hay nói: "Sinh con gái rồi sau lấy chồng là mất con", nhưng bố tôi bảo "không phải mất con gái mà là có thêm con trai’" Dần dần sau đó, tôi không thấy bố còn uống rượu cùng họ nữa.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Sâu nặng tình cha - Ảnh 5.
Sâu nặng tình cha - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo