xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sản xuất bằng được vắc-xin Covid-19

THẾ DŨNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin Covid-19 ở trong nước có tính chất chiến lược, phải thực hiện bằng được để chủ động nguồn tiêm phòng cho nhân dân

Sáng 7-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với các nhà khoa học, đại diện các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin về công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin Covid-19. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Chiến lược căn cơ, lâu dài

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong thời gian qua, Việt Nam đã được ghi nhận là điểm sáng trên thế giới về thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới "5K + vắc-xin" và ứng dụng công nghệ. Trong đó, chiến lược vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định để thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Theo Thủ tướng, với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân là trước hết, trên hết, trong năm nay, Việt Nam phải có đủ vắc-xin Covid-19 để tiêm cho 75 triệu dân; những năm tiếp theo vẫn cần lượng lớn vắc-xin để tiếp tục tiêm phòng cho nhân dân. Việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin Covid-19 ở trong nước có tính chất chiến lược, phải thực hiện bằng được để chủ động nguồn tiêm phòng cho nhân dân và tiết kiệm kinh phí.

Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức tìm giải pháp, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19 để tiêm đại trà cho nhân dân. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc, khoa học về cơ chế, chính sách, nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, năng lực nghiên cứu, công nghệ, quy trình sản xuất, nhằm đề xuất các giải pháp nghiên cứu nhanh nhất, sản xuất nhanh nhất, hiệu quả nhất, để có vắc-xin tiêm cho người dân, trên tinh thần "3 không, 5 thật": "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được hưởng thành quả thật".

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các nhà khoa học, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin cũng trao đổi về khả năng, tiềm lực, tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19; khó khăn, vướng mắc, yêu cầu, nhiệm vụ và đề xuất giải pháp trong sản xuất, bảo quản, tổ chức tiêm cho người dân trong thời gian tiếp theo.

Bộ Y tế cho biết đến nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc-xin Covid-19, trong đó có 1 ứng viên vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, đang chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (vắc-xin Nanocovax của Công ty CP Công nghệ Sinh học Dược Nanogen); 1 ứng viên vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (vắc-xin Covivac của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Nha Trang). Hai đơn vị này có quy mô sản xuất từ 30-40 triệu liều/năm, có thể nâng công suất khi được đầu tư. Hiện cũng có 2 doanh nghiệp khác đang đàm phán với đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19, với quy mô sản xuất từ 200-300 triệu liều/năm.

Sản xuất bằng được vắc-xin Covid-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề cuộc làm việc. Ảnh: QUANG HIẾU

Khẩn trương thực hiện

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh các ngành, đơn vị phải coi vắc-xin Covid-19 là sản phẩm xã hội chứ không chỉ là sản phẩm thương mại. Việc sản xuất được vắc-xin trong nước vừa góp phần vào phát triển công nghiệp dược của Việt Nam vừa bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo Thủ tướng, việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin Covid-19 là việc khó khăn, song phải thực hiện, vì chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, yêu cầu các ngành, đơn vị, các nhà khoa học cần có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm và hiệu quả từng công việc, giải pháp. Các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện ngay các giải pháp, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng được chương trình nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin trong nước.

Thủ tướng giao Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo chung về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin Covid-19 và xây dựng chương trình quốc gia về sản xuất vắc-xin nói chung. Bộ Y tế có nhiệm vụ dự báo tình hình cung cầu để điều tiết về mặt vĩ mô trong công tác sản xuất, cung ứng, tiêm vắc-xin theo thứ tự ưu tiên; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo báo cáo, đề xuất của Chính phủ với Bộ Chính trị, Quốc hội về cơ chế tài chính, nguồn lực con người, quy trình chuyển giao, sản xuất vắc-xin.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu, soạn thảo đề xuất chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học, chuyên gia, lập trung tâm nghiên cứu vắc-xin, bảo đảm bản quyền vắc-xin; Bộ Tài chính chủ trì rà soát, xây dựng cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, điều kiện chi tiêu và giá cả vắc-xin phòng Covid-19...

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước gửi lời cảm ơn các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, các cấp, các ngành đã nỗ lực trong suốt thời gian qua, góp phần vào thành quả chung của cả nước là vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa duy trì, phát triển kinh tế. Đặc biệt là sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực tham gia và tiếp tục đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19. 

Cảnh báo ca bệnh trong cộng đồng

Chiều tối 7-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác phòng chống dịch bệnh tại 2 tỉnh này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Bắc Ninh cân nhắc việc dỡ bỏ phong tỏa tại huyện Thuận Thành do đây là địa phương giáp TP Hà Nội; 2 tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, không để dịch bệnh lây lan sang những nơi khác.

Bộ Y tế cho biết ngày 7-6 Việt Nam ghi nhận thêm 236 ca mắc mới, trong đó có 25 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh, 211 ca ghi nhận trong nước (gồm Bắc Giang 122 ca, TP HCM 46 ca, Bắc Ninh 29 ca, Lạng Sơn 7 ca, Hà Nam 2 ca, Hà Tĩnh 2 ca, Hà Nội 1 ca, Bình Dương 1 ca, Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều 1 ca). 200/221 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Ngoài những ca mắc Covid-19 được phát hiện ở khu vực đã cách ly, phong tỏa, Bộ Y tế cảnh báo gần đây nước ta có thêm các ca bệnh trong cộng đồng. Điển hình, ngày 7-6, Bệnh viện Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã tạm thời phong tỏa các lối ra vào, dừng tiếp nhận bệnh nhân vì có liên quan đến người phụ nữ 45 tuổi, bán rau củ dương tính virus SARS-CoV-2 từng đến khám. Đây cũng là bệnh nhân Covid-19 số 8853 được Bộ Y tế xác nhận cùng ngày và là ca bệnh ngoài cộng đồng, chưa rõ nguồn lây. Cũng theo Bộ Y tế, ngày 7-6, trong số 7 ca ở tỉnh Lạng Sơn có 1 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng. Tương tự, tại Hà Tĩnh cũng phát hiện thêm 2 ca Covid-19, trong đó có 1 ca lây nhiễm cộng đồng, ngoài khu vực phong tỏa. Còn tại TP HCM, Bộ Y tế cho biết trong số 46 ca mắc tại TP HCM có 26 ca liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng và 3 ca đang điều tra dịch tễ, 4 ca phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện, số trường hợp còn lại là các trường hợp F1 của bệnh nhân Covid-19.

N.Dung

Mua vắc-xin AstraZeneca trong trường hợp đặc biệt

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 151/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, về việc "Mua vắc-xin phòng Covid-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty CP Vắc-xin Việt Nam" trong trường hợp đặc biệt theo điều 26 Luật Đấu thầu.

Thông báo nêu rõ ngày 4-6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã chủ trì cuộc họp về vấn đề này. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến chính thức về nội dung báo cáo và đề xuất của Bộ Y tế. Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến về mua vắc-xin Covid-19 để hoàn thiện hồ sơ trình (bổ sung đầy đủ các văn bản có liên quan, trong đó có các văn bản đã ký với AZ và VNVC); hoàn thiện tờ trình, dự thảo văn bản kèm theo, trong đó lưu ý bổ sung thông tin, dự kiến các nguồn, số lượng vắc-xin có thể được tài trợ, viện trợ, mua được trong giai đoạn từ nay đến ngày 31-12-2021. Căn cứ tình hình tổng thể đó, đề xuất số lượng cần mua cho hiệu quả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 9-6.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo