xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

QUẢNG NAM - CHIỀU SÂU MỘT VÙNG ĐẤT (*): Đất anh hùng, người anh hùng

Hồ Duy Lệ (nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam)

Kể làm sao hết chiến tích vẻ vang qua các cuộc chiến tranh vệ quốc của quân và dân Quảng Nam. Hơn 65.000 liệt sĩ, hơn 30.000 thương binh và gần 15.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là những con số biết nói về vùng đất lửa này, mà ghi chép dưới đây chỉ là một "lát cắt" nhỏ để hình dung một tổng thể lớn...

Ngày 8-2-1965, Mỹ đưa một tiểu đoàn tên lửa Hawk (diều hâu) đến làng Nam Ô (TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng). Một tháng sau, lúc 9 giờ sáng 8-3-1965, biển và trời vốn xanh trong của Đà Nẵng bỗng ầm ầm tiếng máy bay lạ. Đó là máy bay yểm trợ cho tàu chiến Mỹ đưa Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 9 Mỹ đổ bộ lên cảng Phú Lộc - Hòa Hiệp. Đợt đổ bộ bắt đầu cho một cuộc chiến tranh mới.

Khí phách Quảng Nam

Ngày 14-4-1965, lính thủy đánh bộ Mỹ bắn tên lửa Hawk dọn đường mở đợt càn lên phía Tây - Bắc Hòa Vang. Hai tháng sau, Mỹ đổ thêm 9.000 quân vào TP Đà Nẵng. Chúng không dừng lại ở phía Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng. Ở tận cùng phía Nam của tỉnh, vào ngày 7-5-1965, thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ cảng An Hòa, xây cảng quân sự Kỳ Hà và xây dựng căn cứ quân sự khổng lồ Chu Lai.

Nghe tin Mỹ nhảy vào, nhiều người lo sợ. Lãnh đạo Khu V xác định phải làm công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và cả nhân dân không sợ Mỹ và có thể đánh được giặc Mỹ và thắng Mỹ. Đây là thời điểm bộc lộ khí phách Quảng Nam.

Tiếp theo, xe tăng, xe ủi của chúng ùn ùn kéo đến san bằng làng mạc. Chúng đánh bay gốc cả một rừng cây Định Phước - rừng thấu biển - đất trước bàu sau - nơi thành lập Tỉnh ủy lâm thời - nơi cán bộ chiến sĩ khu Nam thời đánh Pháp về đây an dưỡng. Một rừng cây, làng mạc xanh tươi nối từ Khe Hai - Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra đến Biển Rạng - Kỳ Hà mà chỉ mấy ngày đặt chân đến, lính Mỹ đã làm mất tăm lá phổi bao đời che chắn nắng nóng này. Cùng thời gian đó, máy bay chúng vòng lượn dọa dẫm trên trời và pháo tầm xa từ hạm đội đánh phá liên tục, vô cùng khốc liệt ở vùng giáp ranh giải phóng. Vùng núi An Thiện, Hang Bà, Hòn Trống, Hòn Chiêng, Răng Cưa nơi "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" bị chúng thả bom và nện đại pháo dày đặc.

Tưởng quân dân ta sợ? Không hề! Khi Mỹ đổ bộ lên bờ biển Xuân Thiều - Nam Ô, vừa đặt chân đến đất Hòa Vang thì bị du kích địa phương chặn đánh. Từ đó, nhiều huyện, thị trong tỉnh tổ chức lực lượng ra Hòa Vang học đánh Mỹ. Học sinh Đà Nẵng cũng đâu ngồi yên, các trường tổ chức bãi khóa phản đối sự hiện diện ngày một nhiều của quân xâm lược. Nam - nữ sinh xuống đường, hô vang và viết lên tường, cả trên đường, những dòng chữ ngắn, đầy thách thức: Mỹ cút! American go home!

Trung dũng, kiên cường

Ngày 17-5-1965, Mỹ xua quân lấn ra phía Tây xã Kỳ Liên, đưa một đại đội lên chốt trên điểm cao Núi Thành. Người Quảng Nam mưu trí tổ chức đào đất, sỏi, sạn tạo nên những chiến hào sâu đến ngực và đào công sự vững chắc để cố thủ, đào hố chiến đấu cá nhân theo hình tròn bậc thang vòng quanh sườn đồi để sẵn sàng nã đạn và rào thêm một lớp dây thép gai bùng nhùng xen với gai góc bụi cây ở sườn vòng ngoài cùng (phòng khi đối phương có mò tới cũng không ngóc đầu lên được).

Cố thủ trên đồi núi trọc, chúng che bạt lên chiến hào để tránh cái nắng hè như lửa đốt của đất Quảng; chiều lại thay nhau mình trần lên trực thăng ra tắm biển An Hòa; đêm thì kéo bạt ra che sương.

Số phận được định đoạt và không may cho Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến Mỹ... Sau những lần cử trinh sát, Bộ Tư lệnh Quân khu V và Tỉnh Đội Quảng Nam đồng ý đánh. Vũ Thành Năm, Đại đội trưởng Đại đội 2 của Tiểu đoàn 70, được giao chỉ huy trận đọ sức này. Sau hơn 3 giờ bò lên sườn núi tiếp cận được mục tiêu, các chiến sĩ đến nơi đầu tiên nhìn thấy mấy tên Mỹ ôm súng gác là lúc 0 giờ. Sau khi chờ 30 phút không nghe tiếng nổ khai hỏa của Đại đội Công binh tỉnh hợp đồng đánh cầu An Tân, được lệnh của chỉ huy Vũ Thành Năm, tổ trưởng Trần Ngọc Ảnh ném quả thủ pháo TNT vào công sự Mỹ cách anh chừng 3 m, một tiếng nổ gầm lên lúc 0 giờ 30 phút, báo hiệu cho các mũi đồng loạt nổ súng tiến công.

Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra đầy khó khăn như dự kiến. Quân ta đánh xáp lá cà với tiểu liên, lựu đạn, thủ pháo và lưỡi lê trên mũi súng - một kiểu đánh mà Bộ Chỉ huy của Mỹ ở Chu Lai chưa từng nghĩ tới trong khi xây dựng điểm cố thủ tiền tiêu vững chắc trên đỉnh Núi Thành. Sau những đợt xung kích và mấy loạt hô xung phong tiêu diệt toán lính Mỹ, các chiến sĩ đã cắm lá cờ "Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ’’ lên đỉnh Núi Thành.

Tượng đài chiến thắng Núi Thành sừng sững, oai nghi, luôn nhắc nhở người đời sau hãy nhớ và biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh như những anh hùng. Không bao giờ quên giá trị lớn lao của một "trận đầu đánh Mỹ" được Tổ quốc giao cho và được trung ương tặng 8 chữ vàng: Trung Dũng, Kiên Cường, Đi Đầu Diệt Mỹ.

QUẢNG NAM - CHIỀU SÂU MỘT VÙNG ĐẤT (*): Đất anh hùng, người anh hùng - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Đảng bộ Báo Người Lao Động viếng Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Quảng Nam (ở xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) vào cuối tháng 8-2019. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Từ chiến thắng Núi Thành đến những trận đánh lớn

Trận đầu đánh Mỹ mở ra một khả năng đánh Mỹ khi chúng thực hiện "Chiến tranh cục bộ’’ cho toàn Liên khu V và cả miền Nam, cho cả nước Việt Nam nhằm thực hiện quyết tâm của Bác Hồ: Đánh cho Mỹ cút!

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara - từng chết hụt bởi quả mìn của biệt động thành Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi trên cầu Công Lý - chỉ huy xây hàng rào điện tử mang tên ông ta để bảo vệ căn cứ khổng lồ Đà Nẵng, tốn biết bao nhiêu là dây thép gai, đô-la và mìn, khi nghe tin Việt Cộng lập "Vành đai diệt Mỹ" quanh căn cứ Chu Lai liền tung quân đi tìm và diệt. Nhìn từ trên máy bay, không thấy dấu vết cái vành đai. Lạ! Cho quân ôm súng lội tìm đưới đất, cũng không thấy cái vành đai ấy. Vậy mà ngày nào lính trong căn cứ Chu Lai cũng tử thương vì đạn của Việt Cộng!

Quân Mỹ tức điên và không thể hiểu nổi, rằng khi đổ quân về các xã Kỳ Liên, Kỳ Hà, lính Mỹ xua đuổi trên 800 gia đình với 3.500 người dân các thôn Định Phước, Đông Yên, Hòa Vân, Thanh Trà lên vùng đất cát trắng trên đường số 1, từ Ô Vuông - Thanh Trà ra Trảng Bà Mù, ra tận bãi cát trắng An Tân, để rồi chính con em của hàng trăm gia đình bị lùa ra khỏi làng ngày ấy đã cùng tham gia làm nên Vành đai diệt Mỹ Chu Lai.

Nhiệm vụ của vành đai là dựa vào lực lượng chính trị, vũ trang tại chỗ, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, liên tục đấu tranh bằng hai chân ba mũi giáp công, không để quân Mỹ nống ra lấn chiếm, lập vành đai trắng. Giữ quyền làm chủ, tạo điều kiện cho bộ đội đứng chân đánh vào căn cứ Chu Lai, làm tiêu hao, tiêu diệt, phá hủy phương tiện chiến tranh của địch, góp phần làm thất bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ.

Theo lời hịch của Bác Hồ, Trung ương Cục miền Nam gửi thư kêu gọi toàn dân quyết tâm đánh thắng quân xâm lược và Khu ủy V phát động phong trào "Toàn dân hiến kế thi đua đánh Mỹ" với khẩu hiệu "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt".

Những cuộc đấu tranh chính trị và binh vận của các mẹ, các chị quyết liệt, bỏ công ăn việc làm, đổ cả máu và nước mắt nhưng không hề đơn độc. Và từ ấy, quân Mỹ ở căn cứ quân sự khổng lồ Chu Lai không một ngày được yên cho đến khi rút hẳn về nước.

Những trận đánh lớn, nhỏ diễn ra cả ban ngày cả ban đêm, không chỉ quanh Vành đai diệt Mỹ Chu Lai, mà tại khắp nơi trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng, khắp các tỉnh miền Trung, những nơi có quân xâm lược đặt chân đến.

Làm giàu trên đất lửa

Người Việt Nam không quên tội ác của kẻ thù. Phải khép lại quá khứ, dồn tâm sức xóa dần nỗi đau. Vì cuộc sống của mọi người, cần sự phát triển để có sức bảo vệ đất nước trong hòa bình, sẵn sàng chào đón những bàn tay hữu nghị, mong được hợp tác làm ăn, làm giàu. Điều mà lính Mỹ không thể tin là trên nền đất sân bay dã chiến của Mỹ trong vùng căn cứ Chu Lai ngày ấy, sau ngày hòa bình, dân Quảng Nam đã xây dựng thành sân bay Chu Lai, có khả năng đón máy bay của bất cứ hãng hàng không nào trên thế giới muốn hợp tác kinh doanh với Việt Nam. Và, cái căn cứ nơi xuất phát đi gây tội ác và vùng đất cát nắng cháy mà lính Mỹ đã xúc dân làng đổ lên không chút động lòng ngày ấy, nay là Khu Kinh tế mở Chu Lai bề thế. Bằng lao động cật lực và sức sáng tạo, Khu Kinh tế mở không ngừng được mở rộng, chiếm trọn vùng đất toàn cát mà giặc Mỹ đã từng nện bom, pháo, phát hoang trắng trơ, trắng đất, trắng dân. Ngày nay, nơi đó đã trở thành địa điểm lý tưởng cho những tập đoàn quốc tế, có cả các tập đoàn của Mỹ, đến đầu tư và làm giàu…

… Gặp tôi, ai hỏi: "Anh dân mô"?, tôi nói to: "Dân Quảng Nam!". 

Về sau, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đã cay đắng ghi lại trong hồi ký của mình: “Chúng tôi, trong chính quyền Kennedy và Johnson, những người tham gia vào các quyết định về Việt Nam, đã hành động theo những gì chúng tôi nghĩ là nguyên tắc và truyền thống của quốc gia chúng tôi. Chúng tôi đã đưa ra quyết định của mình dựa trên những giá trị đó. Vậy mà chúng tôi đã sai, sai một cách khủng khiếp. Chúng tôi nợ các thế hệ tương lai để giải thích lý do tại sao”.

(còn tiếp trên báo điện tử Người Lao Động: nld.com.vn)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo