xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

QUÁ TẢI GIẢI QUYẾT HỒ SƠ HÀNH CHÍNH (*): Những việc cần làm ngay

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tiếp tục kiến nghị trung ương là việc sẽ làm nhưng trong lúc chờ đợi, để hồ sơ hành chính không dồn ứ, chính quyền TP HCM có thể tiến hành ngay những việc trong tầm tay của mình

Theo đại biểu (ĐB) HĐND TP HCM Nguyễn Thị Như Ý, Nghị định 34/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành là khung pháp lý quy định chung đối với cả nước, cũng là một bước trong tiến trình cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy. Văn bản đã có hiệu lực thì TP HCM phải triển khai thực hiện một cách nghiêm túc là điều hiển nhiên.

Tận dụng cơ hội từ chính quyền đô thị

Tuy nhiên, theo ĐB Như Ý, việc TP HCM áp dụng theo khung chung sẽ gặp một số khó khăn trong thực tế bởi TP HCM là đô thị đặc biệt với nền kinh tế phát triển bậc nhất cả nước, quy mô dân số rất đông. "Bản thân tôi đã kinh qua công tác tại 2 phường nên tôi hiểu phần nào sự khó khăn, vất vả của cơ sở" - ĐB Như Ý chia sẻ. Theo bà, xã - phường là nơi trực tiếp triển khai thực hiện hầu hết mọi chủ trương, đường lối, chính sách… cũng là nơi trực tiếp quản lý dân cư, giải quyết các sự vụ, sự việc trong dân; tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với nhân dân nhiều nhất. Nhân viên văn phòng có thể chỉ làm việc 8 giờ/ngày nhưng cán bộ phường - xã thì làm bất kể thời gian, giờ giấc, thậm chí cả ngày nghỉ. Chỉ cần địa phương hoặc nhân dân có phát sinh vụ việc làm phải có mặt (cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...). Do đó, số lượng cán bộ không chuyên trách bị thu hẹp sẽ gây ra một số thiếu hụt trong những tháng vừa qua.

Thực trạng trên có thể chấp nhận được ở một số địa phương có diện tích không lớn và dân số ít nhưng ở những phường - xã lớn, đông dân thì sẽ bị quá tải, thậm chí có thể không đủ nhân lực để nắm hết tình hình địa bàn như không ít xã - phường phản ánh là điều khó tránh khỏi.

QUÁ TẢI GIẢI QUYẾT HỒ SƠ HÀNH CHÍNH (*): Những việc cần làm ngay - Ảnh 1.

Để phần nào giảm quá tải giải quyết hồ sơ hành chính ở phường - xã, nhất thiết phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin Ảnh: THU HỒNG

Để giải quyết một phần vướng mắc này, theo ĐB Như Ý, TP HCM cần tận dụng tối đa Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. "Nghị quyết này đã mở ra nhiều cơ chế trong tổ chức bộ máy và hoạt động của UBND các cấp. Tôi tin rằng TP HCM có thể tận dụng tốt chủ trương này để tạo ra bộ máy phù hợp với đặc thù của từng địa phương theo diện tích, quy mô dân số, kinh tế..." - ĐB Như Ý hiến kế.

Đồng quan điểm, ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh (TP HCM), còn phân tích thêm việc thiếu cán bộ tại các phường - xã đông dân tạo áp lực lớn lên công tác quản lý nhà nước của chính quyền cấp cơ sở, đặc biệt việc giải quyết hồ sơ hành chính, quản lý đất đai xây dựng. Để bảo đảm công tác quản lý đất đai xây dựng, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của các xã, thị trấn đông dân cư, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nói TP có thể cho phép các phường - xã đông dân như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Tân Kiên được ký hợp đồng lao động từ 5 đến 10 người từ nguồn kinh phí thực hiện không tự chủ ngân sách xã hằng năm. "Đặc biệt, TP có thể xem xét, đánh giá quy mô dân số các phường - xã để có chủ trương chia tách địa phương có dân số quá đông" - ông Đào Gia Vượng phân tích.

Xốc lại chất lượng nguồn nhân lực

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, thời gian qua đội ngũ cán bộ, công chức của TP bên cạnh những nhân tố tích cực thì còn rất nhiều nơi chất lượng nguồn nhân lực chưa được tốt. "Phải thừa nhận rằng không ít cán bộ, công chức dù đến công sở đúng giờ nhưng năng suất lao động rất kém khiến việc của cơ quan, của dân và doanh nghiệp trì trệ. Cá biệt có nơi còn tạo ra các rào cản, bằng chứng là khi công bố kết luận thanh tra công vụ có những quận - huyện, phường - xã để xảy ra tình trạng trễ hẹn hồ sơ rất nhiều" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói. Vì vậy, việc TP cần làm ngay là xốc lại chất lượng nguồn nhân lực, kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém. Việc kế tiếp, TP hoàn toàn có thể làm được là cân nhắc bố trí thêm nguồn ngân sách cho phường - xã - thị trấn để có thêm nhân sự làm theo hợp đồng mang tính chất công việc thời vụ, hoặc hợp đồng đối với cán bộ phụ trách kiêm nhiệm những nội dung không có theo chức danh nhằm hỗ trợ kịp thời khối lượng công việc quá tải mà vẫn có thể bảo đảm số lượng cán bộ theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP.

Để giải bài toán thiếu cán bộ ở cơ sở, theo chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, việc đầu tiên là phải xác định vị trí việc làm. Bởi nút thắt trong thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế là xác định vị trí việc làm. Đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông Diệp Văn Sơn cho rằng thực tế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp có không ít cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" do ít việc làm hoặc thậm chí không có việc làm. Do đó, xác định tốt vị trí việc làm sẽ có sự bố trí lực lượng phù hợp để có thể tăng cường hoặc biệt phái cán bộ về cơ sở.

Đặc biệt, ông Diệp Văn Sơn khẳng định đã đến lúc căn cứ vào việc đo lường mức độ phục vụ của cán bộ, công chức ở địa phương (phục vụ bao nhiêu người, tính chất phức tạp hay không, địa bàn lớn hay nhỏ, khoảng cách địa lý) để đánh giá cũng như phân bổ cán bộ, công chức cho phù hợp.

Nhân rộng các mô hình trực tuyến

Theo ông Diệp Văn Sơn, để giúp cán bộ, công chức ở xã - phường giải quyết hồ sơ hành chính nhanh hơn trong điều kiện quá tải như hiện nay, TP cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đất đai, môi trường, tinh gọn các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đồng thời sử dụng vệ tinh viễn thám hỗ trợ cán bộ giám sát, theo dõi, xử lý, thẩm tra hồ sơ.

Theo vị chuyên gia cải cách hành chính, những việc trên, TP HCM đã làm nhiều năm nay nhưng không phải nơi nào cũng phát huy được hiệu quả như quận 1. Ông Diệp Văn Sơn dẫn chứng năm 2020, từ hiệu quả của mô hình "Tiếp nhận thủ tục hành chính không giấy", quận 1 đã mở rộng, triển khai 40 quy trình thủ tục hành chính (thuộc 7 lĩnh vực - giảm lĩnh vực y tế do thực hiện theo quy định) ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 so với năm 2019 (6 thủ tục), tăng thêm 6 thủ tục. Mới đây, để tiếp tục nâng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, quận 1 tiếp tục cho ra mắt "Dịch vụ định danh khách hàng điện tử". Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp người dân và tổ chức dễ dàng thực hiện các bước đăng ký thủ tục hành chính không giấy và tra cứu tình trạng hồ sơ bằng công cụ nhận diện khuôn mặt. Hệ thống luôn trong trạng thái sẵn sàng 24/7, tham gia sử dụng dịch vụ ở bất cứ đâu. "Mô hình hiệu quả này khi nhân rộng xuống cơ sở chắc chắn sẽ giải quyết đáng kể tình trạng thiếu cán bộ, công chức ở phường - xã" - ông Diệp Văn Sơn khẳng định.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định áp dụng giải pháp công nghệ một cách mạnh mẽ là việc nhất quyết phải làm, bởi chỉ có giải pháp này mới giúp tăng năng suất, từ đó cán bộ, công chức cấp cơ sở đỡ vất vả hơn và người dân cũng không phải khổ sở chờ đợi khi làm thủ tục hành chính.

Chia sẻ cách làm của UBND huyện Hóc Môn, bà Võ Minh Hoàng, Trưởng Phòng Nội vụ, cho biết để giảm áp lực cho UBND các xã, UBND huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ các xã giảm chế độ báo cáo không cần thiết, cải tiến cách làm, áp dụng công nghệ thông tin nhằm trao đổi thông tin nhanh trên "Hóc Môn trực tuyến". Ngoài ra, phân công cho công chức hỗ trợ thêm chức danh bên khối chính quyền, ví dụ công chức tư pháp hộ tịch sẽ hỗ trợ thông tin tuyên truyền, công chức đất đai xây dựng hỗ trợ mảng kinh tế, nông thôn mới…, còn đoàn thể sẽ hỗ trợ những chức danh bên khối Đảng.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, khẳng định UBND quận đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ cho người dân. 

Sẽ tiếp tục kiến nghị

Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết về số lượng công chức, số lượng cán bộ không chuyên trách ở phường - xã phải giảm theo Nghị định 34, Nghị quyết 06, Sở Nội vụ TP cũng đã tham mưu UBND TP kiến nghị trung ương nhiều lần.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, mới đây nhất, Bộ Nội vụ đã trả lời các địa phương có kiến nghị (trong đó có TP HCM ), khẳng định quy mô dân số không phải là tiêu chí để phân bổ công chức và số cán bộ không chuyên trách, nên hiện chưa có cơ sở trình Thủ tướng xem xét. "Ai cũng hiểu công việc đổ về phường, xã, thị trấn nhưng quy định là như thế" - ông Nhân nói. Ông khẳng định trong quá trình thực hiện, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp những bất cập để tiếp tục kiến nghị.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo