06/03/2023 08:00

Phải kéo giảm lãi suất

Một xu hướng đáng chú ý trên thị trường ngân hàng (NH) những ngày gần đây là việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn và giảm cả lãi suất cho vay đối với các gói tín dụng ưu đãi.

Giảm lãi suất là điều không thể khác được bởi vài tháng nay, tốc độ giải ngân vốn tín dụng ra thị trường của các NH thương mại rất chậm. Hạn mức (room) tín dụng cho năm 2023 đã chính thức được cấp cho các NH nhưng tốc độ đẩy vốn vay ra lại không như mong muốn, một phần đáng kể vì lãi suất cao.

Thực tế, với mặt bằng lãi suất cho vay cao 12%-14%/năm như hiện nay, rất ít doanh nghiệp sẵn sàng vay mới để đầu tư, sản xuất - kinh doanh, chủ yếu là các doanh nghiệp vay để giải quyết bài toán thanh khoản. Về phía NH thương mại, huy động tiền gửi mà không cho vay được vì lãi suất cao cũng sẽ khiến họ gặp rủi ro về hiệu quả kinh doanh, nên cũng cần hạ nhiệt lãi suất.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, đang có những yếu tố thuận lợi giúp NH có dư địa giảm lãi suất, như việc tỉ giá USD/VNĐ ổn định và VNĐ có xu hướng tăng giá. Điều này tạo dư địa để NH Nhà nước mua ngoại tệ dự trữ, bổ sung dự trữ ngoại hối đồng thời bơm VNĐ ra thị trường qua các kênh tái cấp vốn cho NH thương mại với lãi suất thấp. Lúc này, các NH thương mại cũng có thêm dòng vốn giá rẻ để trung hòa lượng vốn đang huy động với lãi suất cao từ thị trường. Nếu thời gian tới, xu hướng này tiếp tục thuận lợi, NH Nhà nước có thể áp dụng chính sách tiền tệ mở rộng.

Trong việc cân bằng giữa yếu tố lãi suất và tỉ giá, NH Nhà nước có thể nghiêng về chính sách lãi suất nhiều hơn, bằng cách chấp nhận tỉ giá USD/VNĐ giảm nhiều hơn để vừa kích thích xuất khẩu vừa góp phần tăng cung tiền cho nền kinh tế, giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Có điều, mặt bằng lãi suất dù giảm nhưng mức điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa giữa các NH thương mại. Trong đó, làn sóng giảm mạnh lãi vay có thể diễn ra nhiều ở những NH thương mại lớn vì room tín dụng nhiều và chi phí huy động vốn đầu vào thấp hơn. Còn các NH thương mại nhỏ, vốn đã huy động tiền gửi với mức lãi suất quanh 10%/năm cho các kỳ hạn dài thời gian qua nên cần độ trễ trong vài tháng tới nếu muốn giảm mạnh lãi suất.

Do đó, dự kiến phải từ cuối quý II, đầu quý III/2023, làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra rộng, sâu hơn. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để kéo mặt bằng lãi suất cho vay về quanh khoảng 10%/năm mới hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn tác động cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Muốn vậy, lãi suất tiền gửi cũng cần giảm về bình quân quanh 6%-7%/năm. Mức lãi suất này cũng là phù hợp nếu so với lạm phát để lãi suất tiền gửi thực dương, có lợi cho người gửi tiền. 


TS Nguyễn Hữu Huân - Trường ĐH Kinh tế TP HCM (Thái Phương ghi)

Tin liên quan

Viết bình luận

Nông sản kỹ thuật số
1 giờ trước 548 1k
Để thoát khỏi điệp khúc "giải cứu nông sản" nhiều năm qua, cùng với yêu cầu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nông sản Việt rất cần sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật số.
Khởi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang
3 giờ trước 548 1k
Trong chương trình công tác tại tỉnh Hà Giang, chiều 28-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ và thực hiện nghi thức khởi công xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1).
Có gì bên trong nhà vệ sinh công cộng thông minh ở TP HCM?
28/5/2023 548 1k
(NLĐO) - Nhà vệ sinh thông minh này trị giá 635 triệu đồng, đạt chuẩn ASEAN với nhiều tính năng nổi bật, gồm một buồng vệ sinh dùng chung và ki-ốt quản lý đặt tại mặt tiền, sẽ phục vụ hoàn toàn miễn phí
Khởi công khu nhà ở xã hội gần 1.600 tỉ đồng
28/5/2023 548 1k
(NLĐO)- Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị - dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ tại huyện An Dương là dự án nhà ở xã hội thứ 3 được khởi công trên địa bàn TP Hải Phòng từ đầu năm 2023 đến nay