xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nữ nhi vùng biên

Bài và ảnh: Hà An

Nơi vùng biên giới này, những phụ nữ tôi gặp chưa từng được nhận một bó hoa nào trong suốt những năm tháng dãi dầu nhưng cuộc đời họ là những đóa hoa, dẫu chỉ như lục bình cứ theo dòng nước trôi

Cứ mùa nước lên, bờ đê dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia (đoạn tại xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) lại nhộn nhịp hẳn bởi sự tấp nập của ghe, xuồng, vỏ lãi từ khắp nơi đổ về. Những con cá tràn đồng gọi mời phận người tứ xứ, hình thành một cộng đồng dân cư nhỏ gọn dọc theo vùng biên giới với cái tên quen thuộc là xóm dớn.

Lặn sông gỡ dớn là thường

Bà Nguyễn Thị Sáu, cư dân sống lâu năm trong vùng, cho biết dân nơi đây đa phần "không có nổi cục đất chọi chim". Đó cũng là một trong muôn ngàn câu cửa miệng của những người làm nghề hạ bạc nói về thân phận mình.

Tại xóm nhỏ này, đàn ông hay đàn bà đều như nhau nếu nói về sức lao động. Cuộc sống cực khổ khiến phái yếu cũng phải gồng mình làm việc như phái mạnh. "Năm trước, nước lớn ngập bờ đê luôn, vậy chứ cũng phải ráng cắm được cái lều ở tạm cho có chỗ nấu nướng giặt giũ. Ngày nào cũng phải đi xuồng máy giăng câu đặt dớn hết, cực muốn chết" - chị Nguyễn Thị Miệt vừa cười vừa chia sẻ mà vẫn không ngưng tay lựa những con cá ra khỏi dớn.

Nữ nhi vùng biên - Ảnh 1.

Trên chiếc ghe lênh đênh với sông nước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Miệt chỉ mong có một miếng đất cắm dùi

Đàn ông đi lặn gỡ dớn vốn là chuyện "bình thường ở huyện". Nhưng tại đây, phụ nữ lặn sông gỡ dớn cũng là chuyện thường. Chị Miệt đưa bàn tay chỉnh lại mớ tóc mướt mồ hôi. Tôi nhìn kỹ những đường nét trên gương mặt chị dễ đoán thời trẻ từng là một người rất đẹp. Giờ thì gương mặt chị đã nhiều vết khắc thời gian khó mà diễn tả. Mà đâu phải riêng chị, đây là chuyện chung của hàng chục phụ nữ nơi xóm dớn này.

"Hồi xưa lấy chồng nghèo quá. Ổng có mỗi nghề chài lưới thì mình cũng cắn răng đi theo. Bây giờ ổng yếu lắm nên mình phải ráng làm thay luôn phần ổng, được nhiêu hay nhiêu" - chị Miệt thở dài.

Tiếng vỏ lãi ồn ào báo hiệu một mẻ cá mới đang về. Những người phụ nữ tất bật lựa cá ra thành từng loại riêng biệt để chuẩn bị mang ra chợ bán. Nhìn những miệng dớn đầy ắp cá, chị Miệt tươi cười dưới nắng. Chị tủm tỉm tâm sự rằng chắc khi vào chợ sẽ mua một hũ kem dưỡng da "để không thôi ổng thấy mình xấu quá bỏ theo người khác". Những phụ nữ làm nghề hạ bạc, bao lâu mới dám bỏ tiền ra để mua riêng một thứ cho mình.

Mơ đất cắm dùi

Mặt trời lặn dần sau hàng sậy. Trong ghe anh Lê Văn Hai, bên cạnh cái đèn hột vịt là ánh đèn tuýp chập chờn bởi bình ắc-quy gần cạn. Tiếng những ly rượu va vào nhau đều đặn, bình rượu cứ thế vơi dần.

Anh Hai hợp thức hóa chuyện uống rượu của mình bằng câu hò: "Lênh đênh trời rộng sông dài/Đò ngang một chiếc mặc tình nắng mưa...". Vừa dứt câu, anh tiếp lời: "Phải nhậu thì mới hát được chứ mậy. Hát cho đỡ buồn, ở cái xứ này thì tối có gì làm đâu". Bàn tiệc tàn, bình rượu cạn trơ đáy cùng những vụn khô rải rác khắp nơi trên mặt chiếu. Chị Phan Thị Mai ngồi thở dài, đợi để chốc nữa dìu chồng về ghe nhà. Chị tâm sự: "Mơ có căn nhà trên bờ, nhà lá cũng được, miễn sao thoát khỏi cảnh sông nước này. Mà mơ thì mơ thôi chứ mỗi ngày làm được có vài chục ngàn thì biết lúc nào mới đổi đời. Giá như ổng biết lo làm ăn hơn…".

Chị Mai và chồng là đồng hương, quê ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Không có đất sản xuất, trước kia anh chị phải ở nhờ trên đất của người anh cả nhưng cũng không được bao lâu. Chẳng đành lòng nhìn đàn con nheo nhóc bữa đói bữa no, chị nuốt nước mắt gửi con cho ông bà ngoại rồi theo chồng làm nghề gần 15 năm nay.

Mở chiếc điện thoại cũ, chị chỉ cho tôi xem hình những đứa trẻ ở nhà. "Nuôi 3 thằng này đi học cực dữ, mỗi học kỳ cũng hết 3 triệu đồng rồi. Nhưng mà phải ráng cho con mình không có khổ, cho nó đi làm gì có tiền mai này còn có đất có nhà với người ta, đừng như đời ba má nó" - chị Mai nhìn về xa xăm, ánh mắt trôi theo những cụm lục bình cứ cuốn theo dòng nước. Chị tiếp lời: "Ước gì sống được như người ta, có miếng đất dựng cái nhà, có cái xe máy cũ để chạy đi buôn bán gì cũng được, chắc không có đàn bà nào cực bằng đàn bà xóm dớn".

Ước mơ của chị Mai khiến tôi không khỏi xót xa cho những phận người lênh đênh vô định.

Nữ nhi vùng biên - Ảnh 2.

Trong màu áo xanh của Nghiệp đoàn Xe ôm Núi Cấm có rất nhiều nữ tài xế đang chờ đến lượt được đón khách

Rũ bỏ dáng liễu yếu đào tơ

"Số 90 chuẩn bị đón khách" - tiếng loa từ Ban Quản lý Nghiệp đoàn Xe ôm Núi Cấm vang lên. Người phụ nữ ngồi bên trái tôi tất tưởi đội mũ, vòng xe đến nhận khách. Chỉ vừa qua 7 giờ sáng nhưng những màu áo xanh nghiệp đoàn cùng những chiếc xe máy "cà tàng" làm xôn xao cả một góc đường.

Chị Nguyễn Thị Hoa ngồi cách tôi không xa, đang ngước mắt về hướng loa vì chỉ cần một phút không tập trung là chị có thể mất một lượt khách. Xung quanh tôi có gần chục phụ nữ như thế. Ai cũng trong tư thế sẵn sàng bên những con "ngựa chiến" là chiếc xe được gắn số thứ tự và luôn được cắm chìa khóa để nổ máy ngay khi cần. Những phụ nữ này rũ bỏ dáng vẻ liễu yếu đào tơ hằng ngày để "bán mặt cho đường", đưa khách hành hương qua những cung đường cheo leo nhất.

Con lộ từ chân núi dẫn đến đỉnh nom có vẻ phẳng phiu nhưng ẩn chứa sau đó là những hiểm nguy khó lường bởi độ dốc cao cùng những đường cua bất ngờ. Bởi thế, cung đường này khiến cánh đàn ông còn phải dè chừng, nói chi là nữ. Ban Quản lý Nghiệp đoàn Xe ôm Núi Cấm cho biết hầu hết nữ tài xế ở đây đều là dân địa phương, trước làm nghề buôn thúng bán bưng. Từ khi lộ giới lên núi được mở rộng, nhiều người chuyển sang hành nghề xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, những nữ tài xế thường gặp nhiều thiệt thòi vì đoạn đường lên núi cao và hiểm trở, nhiều người khi được nhận tài xế là phụ nữ thì thẳng thừng từ chối chỉ vì "nữ mà lái xe sao được". Câu nói này làm không ít chị em trong nghiệp đoàn tủi thân.

"Mình chạy xe cẩn thận, cũng dãi nắng dầm mưa như đàn ông mà tiền có khi lại không bằng. Nhất là mấy ngày âm u tối trời, sắp chuyển mưa, ai cũng muốn mấy ổng chở cho an tâm" - chị Nguyễn Thu Nguyệt, một tài xế, chia sẻ. Đó là chưa kể đến chuyện gia đình, bạn bè phản đối vì quan điểm phụ nữ làm sao có thể làm nghề "Honda ôm". Vậy mà những chị em tài xế trong nghiệp đoàn bao nhiêu năm qua vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.

Nữ nhi vùng biên - Ảnh 3.

Một nữ tài xế đang đứng chờ loa gọi đến phiên mình có khách

"Mỗi lượt khách khứ hồi ghé tham quan 3 điểm chùa là 120.000 đồng. Nếu mỗi ngày chịu làm thì cũng có vài trăm ngàn đồng. Cực nhưng chịu thôi" - nữ tài xế Trương Ngọc Yến tâm sự trong khi đang chỉnh lại mũ bảo hiểm. Mọi người trong nghiệp đoàn thường gọi chị là "bà Yến 235". Đó là số tài mà nghiệp đoàn cấp cho chị. Có những người khách chỉ tìm bà Yến 235 để đi chứ không đi của người khác.

Cứ vào mùa du khách đổ về Núi Cấm để hành hương là chiếc xe mang số tài 235 lại miệt mài trả số liên tục để trườn lên những đoạn dốc cao hướng thẳng đến điện Bồ Hong. Trong khi những khách hành hương cúng viếng, chị Yến lẳng lặng ngồi đợi rước khách sang địa điểm tiếp theo. Khi được hỏi về cơ duyên gắn với nghề tài xế, chị Yến ngậm ngùi rằng chồng bỏ đi khi chị đang mang thai đứa con thứ 2. Chỉ vào bàn tay thô ráp của mình, chị kể bàn tay này cái gì cũng làm, từ rửa chén mướn cho đến bốc vác, giờ thì cầm tay lái làm "Honda ôm". "Vậy mà nuôi được thằng lớn vô đại học rồi đó nhen" - giọng chị nghẹn ngào không giấu sự tự hào.

Đứng gần đó là bà Nguyễn Thanh Tuyền (52 tuổi) đang xoa cổ tay. Bà là một trong những người lái xe lâu năm nhất ở đây. Hai vợ chồng bà tham gia vào nghiệp đoàn từ những ngày đầu thành lập. "Tuổi cao rồi, nhiều lúc cũng muốn dưỡng già nhưng con cháu nghèo quá không nỡ để nó nuôi mình. Thôi, làm ngày nào hay ngày đó. Già thì lái chậm một chút. Có sao" - bà Tuyền tự tin.

Chở cả những mong cầu

Tất cả những phụ nữ trong Nghiệp đoàn Xe ôm Núi Cấm đều tận tụy hằng ngày đưa du khách đến những ngôi chùa nằm rải rác trên ngọn Thiên Cấm Sơn. Từng vòng bánh xe đưa khách hành hương đến gần hơn với cửa Phật. Trên những chuyến xe đó còn chở cả những mong cầu của các nữ tài xế. Họ mong sao mỗi chuyến đi đều an toàn để còn có sức khỏe tiếp tục hành nghề, giữ vững tay lái để mang những ước mơ theo từng vòng lăn bánh. Không biết núi cao có ai nghe được ước mơ của họ?

Tôi dừng chân nơi đỉnh núi, nhìn về phía xa để cố tìm dòng sông chảy qua biên giới, nơi gặp những người phụ nữ neo đời mình lênh đênh theo dòng nước chảy. Ngay tại nơi tôi đứng không xa, màu áo xanh đậm chất "đàn ông" của những nữ tài xế lại mất hút phía cuối con dốc đứng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo