xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nốt lặng tròn giữa phố

Bài và ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG

Cả khu phố có những ngày vắng tanh, như bản nhạc rock sôi động bỗng ngưng lại ở một nốt lặng tròn. Ấy là những dịp lễ, tết - ai về quê nấy

Nhà tôi ở ngoại ô TP HCM, tiếng là trung tâm một quận nhưng là vùng lõi, không quá heo hút song vẫn cách biệt với những sôi động của nếp sống đô thị.

Khi tôi về đây tìm đất, khoảng những năm 2000, ông chủ nài nỉ mua giùm 2 lô vì đang kẹt tiền. Tôi không có tiền để ráng, dù mỗi lô đất 100 m2 chỉ 46 triệu đồng, vị chi mỗi mét vuông chưa đến 500.000 đồng - bằng nhuận bút bình quân một bài báo lúc ấy. Mà nếu có tiền chắc tôi cũng không mua vì cách xa trung tâm TP quá, đường vào lại len lỏi giữa rừng tre không khác gì cảnh đi làm rẫy, nhìn quanh chỗ nào cũng thấy mồ mả.

Nốt lặng tròn giữa phố - Ảnh 1.

Những khu nhà trọ của dân nhập cư chỉ đông vui chút đầu buổi sáng sớm hay khi đêm về

Tôi chỉ định ở đó một thời gian rồi vợ chồng khăn gói đi tìm chỗ khác cho bớt hiu quạnh. Số dân tỉnh xa về ở khu này cũng lần lượt đi tìm nơi khác. Nhưng rồi, khu vực tôi ở bỗng thay đổi hẳn khi có một nhà đầu tư từ Bình Dương xuất hiện. Đó là một nữ doanh nhân nghe nói đã rất thành công ở nhiều dự án dân cư.

Đến chỗ chúng tôi ở, nữ doanh nhân này mua gom một vùng rộng lớn cả chục ngàn mét vuông. Rồi bà mở đường ngang đường dọc để phân lô bán nền, dựng lên cái nhà lồng lớn ở khoảng giữa để mở chợ. Chợ đầu tiên chỗ tôi ở ra đời như thế, chỉ lèo tèo dăm hàng rau héo úa, vài hàng thịt ế ẩm đầy bụi với ruồi.

Chợ mọc lên giữa tiếng chê bai của nhiều người. Kẻ nói Thủ Đức đã có ngôi chợ lớn rồi thì ai vào mấy chợ xép kiểu này, người bảo nhà đầu tư chỉ đưa ra cái bánh vẽ để bán đất nền. Thoạt đầu, mỗi mét vuông đất quanh chợ giá tối đa chỉ 3-3,5 triệu đồng. Ông đi qua, bà đi lại chê ỏng chê eo. Không ngờ thoắt cái, chợ đã kín chỗ, đất nền cũng kín chỗ và giá tăng vùn vụt, số tiền mua được cả trăm mét vuông ngày nào giờ chỉ mua nổi một mét vuông, mà cũng không ai bán.

Sát hẻm nhà tôi, ở phía trái là vùng đất trống có cái tên khá lạ: Khu 12 ha. Nghe nói khu này không được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở vì quận giữ lại để làm công viên. Năm nọ đến tháng kia vẫn không thấy công viên đâu cả, nhiều người đánh tiếng hỏi thử nhưng rồi cũng chẳng ai dám mua dù chủ đất chỉ hô vài triệu đồng một mét vuông.

Rồi một ngày nọ, mấy dãy chung cư dồn dập mọc lên ở khu 12 ha. Chung cư cao mấy tầng nhưng tầng nào cũng chỉ toàn phòng trọ trên dưới 12 m2, có gác lửng. Thuê phòng tầng trệt thì giá 3-3,5 triệu đồng/tháng, các tầng trên chỉ 2-2,5 triệu đồng. Giá đắt hơn mặt bằng cho thuê phòng trọ lâu nay ở vùng này nhưng nhờ có bảo vệ, có chỗ để xe nên vừa xây xong, tường chưa kịp khô đã kín người đến ở.

Khu này toàn người từ miền Tây đổ về. Có gia đình gửi vườn tược ở quê rồi cả nhà đến đây thuê một lúc mấy phòng. Thanh niên thì thuê phòng trên cao cho rẻ tiền, suốt ngày vào các khu công nghiệp, tối có khi tăng ca chẳng về nhưng về là tổ chức ăn uống, hát hò thâu đêm. Người lớn tuổi hơn thì đặt cọc thuê các phòng tầng trệt ngay khi chưa xây xong. Dọn vào ở hôm trước là ngay hôm sau, đàn ông đã đi tìm chỗ phụ hồ, chạy xe ôm; đàn bà thì dọn bàn ghế, tủ kệ để bán thứ gì đó, như bún bò, bánh ướt, cơm tấm, tạp hóa…

Ở đây, rất nhiều cô không thấy có chồng, chỉ mang theo con nhỏ đến tìm phòng tầng trệt để mở cửa hàng làm móng, cắt uốn tóc, bán cà phê. Những Hồng, Hường, Hoa, Thúy… rồi cà phê sạch mang đi, cà phê xay tại chỗ, cà phê uống một lần là nhớ… Bởi vậy, các dãy nhà cứ vừa xây xong hôm trước, chưa kịp khánh thành thì đã thấy hàng quán dày kín, vỉa hè cũng kín chỗ, đông vui chẳng khác các hẻm phố trong nội thị.

Nhưng cảnh đông vui chỉ vào chút đầu buổi sáng sớm hay khi đêm về, chứ ban ngày thì dãy nhà nào cũng vắng vẻ. Hàng quán bày ra chỉ thấy toàn chủ ngồi bên này chõ sang bên kia đường tán chuyện, không thì tụm lại đánh bài chứ trông mỏi mắt cũng chẳng thấy khách. Chỉ dăm bữa nửa tháng, hàng quán lặng lẽ biến mất.

Chếch phía phải nhà tôi là xóm vườn điều. Gọi là xóm nhưng chỉ là mấy gốc điều hoang cổ thụ xen giữa nhiều ngôi mộ cổ. Ban đầu, xóm chỉ là nơi giang hồ vặt đêm đêm tụ về. Rồi người ta lén vào đó đánh bạc, cầu đồng chơi đề, hút chích. Không ai nhớ rõ tự bao giờ, xóm vườn điều đông đúc hẳn. Từng dãy nhà trọ cấp tốc mọc lên, thấp bé và chật chội. Nhà trọ mọc đến đâu, dân các tỉnh kéo đến thuê kín đến đó. Lớp đi làm thợ hồ, bán vé số, lớp làm công nhân, lớp lóc cóc với những xe bún bò, hủ tiếu.

Xóm vườn điều thêm nhiều lần chộn rộn vì dân từ miền Trung tụ về sau những trận lụt, bão. Gần như có nơi đi cả dòng họ, đến chen chúc trong các dãy trọ. Chớm rạng đông, khi mấy ông bà già hưu trí đi ra sân khu phố để tập dưỡng sinh thì những xe hủ tiếu trong xóm vườn điều đã lập lòe sáng. Không ai gọi ai, tất cả lục tục dậy rồi chóng vánh với bữa sáng là xôi, bánh mì. Thoắt cái, xóm đã vắng hoe, cứ như xóm hoang.

Xóm vườn điều chỉ thực sự sống bắt đầu từ chừng 20 giờ trở đi, khi các chuyến xe buýt cuối cùng về bến. Những dáng người mệt mỏi vì mưu sinh tụ nhau về, mấy ông bạn già lại chia nhau xị rượu đế với mớ chân gà luộc hay tô xí quách. Thảng hoặc, hứng lên, ông già xứ Quảng ở trọ chỗ quán tạp hóa đầu xóm lại mang xoong nồi, bát đĩa ra gõ lanh canh mấy câu bài chòi cổ. Giọng ông không buồn, chẳng vui nhưng nghe dần là ngấm cái nỗi cô liêu khiến cả xóm như ngưng đọng. Đấy là những lúc xóm vườn điều không karaoke, không tiếng lè nhè la lối.

Nhưng từ xóm chợ cho đến khu 12 ha hay xóm vườn điều đều có những ngày vắng tanh, như bản nhạc rock sôi động bỗng ngưng lại ở một nốt lặng tròn. Ấy là những dịp lễ, Tết. Cứ thấy đêm nào các dãy nhà xúm nhau tổ chức ăn uống, hát karaoke tận khuya, rồi xe khách các loại nối nhau vào, rồi những chương trình tặng quà hay tặng vé tàu xe cho công nhân nghèo được người của TP về tập nơi tổ chức, thì đấy là bắt đầu của những ngày ai về quê nấy.

Hồi trước, chỉ có Tết âm lịch mới được nghỉ nhiều ngày, giờ thì trong năm còn có thêm nhiều đợt khác. Những ngày như thế, mấy anh em có nhà trong khu phố như tôi hay tụm nhau ngồi uống trà tán chuyện. Bao giờ cũng bắt đầu từ những chuyện quê kiểng. Mà cả khu tôi ở bây giờ hình như đều là dân tỉnh về ngụ cư, người ở nhiều nhất cũng chỉ mới vài thế hệ, vẫn chưa nhạt mùi bùn đất trong lồng ngực, ký ức vẫn lèn chặt những trò chơi con trẻ, của cái thời chăn trâu cắt cỏ…

Hai cung bậc

Chỉ vài ngày thôi, hết lễ hết Tết thì người từ các tỉnh sẽ quay lại. Phố xá rồi lại kẹt xe, khói bụi, ồn ào vì những dòng thác người cuồn cuộn đổ ra từ các phố. Tôi bỗng nhận ra có một TP HCM với đủ hai cung bậc: Thường nhật ồn ào, sôi động đến bức bối và thưa vắng đến mức tựa hồ như trống rỗng mỗi khi được nghỉ việc nhiều ngày.

Tôi thích từng ngày được hòa mình vào không khí sôi động của TP HCM nhưng lại cũng thích nhâm nhi chút cà phê để ngắm nhìn phố xá trong những ngày thinh vắng, điệu đà. Và cứ thế, đủ cung bậc, đủ cảm xúc để nâng bước chân mình lên. Ngày lại ngày cứ thế trôi qua…


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo