xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NHỮNG KÌNH NGƯ CỦA BIỂN: Lý Sơn - miền "sói biển"

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Đối với ngư dân Lý Sơn nói riêng, Quảng Ngãi nói chung, đi biển không chỉ để mưu sinh mà còn để giữ ngư trường của cha ông, bởi "càng sợ Trung Quốc, họ càng lấn tới"

Là phóng viên phụ trách địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cứ vài hôm, tôi lại nhận thông tin tàu cá huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) về bị tàu nước ngoài quấy phá khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa... Ở hòn đảo tiền tiêu vốn có trên 1.000 tàu cá gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa, chuyện ngư dân "đụng" tàu nước ngoài xảy ra như cơm bữa khiến không ít người trắng tay. Thế nhưng, họ chưa bao giờ bỏ biển.

Ở Hoàng Sa nhiều hơn ở nhà

Ở Lý Sơn, chuyện những ngư dân tuổi đời còn rất trẻ đã mấy chục năm gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa không phải là hiếm, thậm chí có người từ 12-13 tuổi đã theo người thân ra Hoàng Sa đánh bắt, lâu ngày họ thuộc từng ngóc ngách vùng biển nơi đây.

Trong số hàng ngàn người ấy, có ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (35 tuổi; ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn). Theo người thân ra Hoàng Sa hành nghề lặn từ năm 13 tuổi, đến giờ, anh Thạnh không nhớ hết đã đi bao nhiêu chuyến biển. "Mỗi năm, trung bình tôi ra Hoàng Sa 7-8 chuyến, chuyến nào cũng kéo dài hơn một tháng. Bởi vậy, thời gian tôi ở Hoàng Sa còn nhiều hơn ở nhà" - anh Thạnh nói.

Nói về anh Thạnh, các ngư dân khác không ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ bởi anh là một trong những ngư dân lão luyện, thường xuyên đưa về những chuyến tàu bội thu.

NHỮNG KÌNH NGƯ CỦA BIỂN: Lý Sơn - miền sói biển - Ảnh 1.

Các thuyền viên trên tàu cá của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh chuẩn bị đi Hoàng Sa

"Anh Thạnh rất giỏi, chỉ cần nhìn con nước đã biết nơi nào có cá, nơi nào không. Dù còn khá trẻ tuổi nhưng kinh nghiệm dày dạn, bao lần đối mặt bão lớn nhưng nhờ sự bình tĩnh, kiên trì của anh Thạnh, khó khăn nào chúng tôi cũng vượt qua. Bởi vậy, anh em thuyền viên chúng tôi khi đi đánh bắt chung cũng rất yên tâm" - ngư dân Dương Văn Thời, thuyền viên tàu anh Thạnh, bày tỏ.

Anh Thạnh cho biết đi biển đã phải đối mặt nhiều rủi ro mà nhiều năm nay, việc đánh bắt ở Hoàng Sa càng khó khăn khi thường xuyên bị tàu Trung Quốc quấy rối, tấn công gây thiệt hại nặng. "Riêng bản thân tôi đã bị bắt, đánh đập hàng chục lần rồi nên cũng... quen. Bây giờ có đi đâu cũng vẫn phải ra Hoàng Sa. Biển của mình, của ông cha mình đã gắn bó ở đó mấy trăm năm qua, sao bỏ được" - anh Thạnh quả quyết.

"Sói biển" thế hệ 9X

Cũng có thâm niên đi Hoàng Sa 15 năm nhưng ngư dân Bùi Văn Phải (29 tuổi; ngụ xã An Hải, Lý Sơn) chỉ mới 29 tuổi. Chúng tôi gặp Phải giữa lúc anh đang tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm cho 17 thuyền viên trên tàu đi Hoàng Sa. So với những thế hệ đi trước như các ngư dân Mai Phụng Lưu, Nguyễn Quốc Chinh..., anh Phải được xem là một trong những người kế vị xứng với danh hiệu "sói biển". Không chỉ đánh bắt giỏi bậc nhất Lý Sơn, Phải còn là một ngư dân nổi tiếng lì lợm khi đối diện với tàu Trung Quốc.

Trong số rất nhiều vụ việc, anh Phải cho biết vụ tàu cá của anh bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin hồi tháng 3-2013 khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa là đáng nhớ nhất. "May mắn lúc cabin tàu bị cháy, anh em chúng tôi vẫn giữ được mạng sống. Nhưng mất tàu, mất tất cả. Cuộc sống anh em thuyền viên lâm cảnh khó khăn vì nợ nần chồng chất. Nhiều lúc bản thân tôi thấy nợ nần nhiều quá, con đường ra biển đánh bắt trở nên mịt mù. Thậm chí có lúc, gia đình tính bỏ biển, chuyển nghề khác sinh sống..." - anh Phải kể và không giấu được sự phẫn nộ.

NHỮNG KÌNH NGƯ CỦA BIỂN: Lý Sơn - miền sói biển - Ảnh 2.

“Sói biển” thế hệ 9X - Bùi Văn Phải

Nhưng rồi những khó khăn cũng sớm qua khi anh Phải được Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động của Báo Người Lao Động trao tặng con tàu trị giá hơn 5 tỉ đồng. Từ khi nhận được con tàu (đầu năm 2014) đến giờ, Phải đã đi hàng chục chuyến biển ra Hoàng Sa, chuyến nào cũng bội thu. Nhìn con tàu như một "chiến binh" , nhiều ngư dân Lý Sơn nói Bùi Văn Phải như một "sói biển" thế hệ mới, ít ai sánh kịp.

"Riêng ở Lý Sơn có hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ nhưng làm ăn hiệu quả nhất vẫn là tàu của Bùi Văn Phải. Còn xét về sự gan dạ, kiên trì thì không ai sánh kịp những thuyền viên đa phần trẻ tuổi trên tàu của Phải. Bị đuổi chỗ này, họ chạy chỗ khác làm tiếp, bao giờ đầy tàu mới về" - ngư dân Dương Văn Quang, ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, nói.

Anh Phải cho biết Hoàng Sa là vùng biển nhiều tôm cá nên bất chấp tàu Trung Quốc, tàu anh luôn hướng về đó. "Ra Hoàng Sa bây giờ không chỉ để đánh bắt mà còn giữ ngư trường ông cha đã gắn bó mấy trăm năm qua. Mình sợ tàu Trung Quốc đuổi phá, bỏ ngư trường, như vậy họ càng lấn tới" - Phải nói chắc nịch. 

Bước qua chục "xác" tàu vẫn hướng thẳng Hoàng Sa

Ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), ông Nguyễn Tấn Ngọt (51 tuổi) nổi tiếng là một trong những ngư dân bền chí nhất trong công cuộc đánh bắt, bám biển Hoàng Sa.

Theo người thân ra Hoàng Sa từ năm 16 tuổi, ông Ngọt cho biết cuộc đời ngư dân đắng cay, ngọt bùi nào ông cũng đã nếm nhưng có lẽ vất vả nhiều hơn khi ông từng bước qua "xác" gần chục con tàu. Hễ mỗi lần gặp tai ương, ông Ngọt lại chạy vạy, cầm cố nhà cửa đóng tàu mới để tiến ra Hoàng Sa. "Cái dư nhất của tôi sau gần 40 năm đi biển là một bụng kinh nghiệm cùng vô số vết sẹo làm chứng tích để lại trên thân thể... Chứ còn nhà cửa, ngân hàng giữ sổ đỏ hết rồi, không có gì cả" - ông Ngọt đúc kết.

Theo ông Ngọt, trong suốt gần 40 năm gắn bó Hoàng Sa, ông đã hơn chục lần bị tàu Trung Quốc bắt bớ, phá ngư cụ, đâm chìm tàu. Gần nhất là vào chiều 20-4-2018, tàu cá 720CV của ông cùng 5 thuyền viên đang đánh bắt ở cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 6 hải lý thì xuất hiện 2 tàu Trung Quốc mon men áp sát, húc vào tàu cá của ông khiến tàu bị vỡ đường hồ, vỡ ván, nước tràn vào khoang. "Sau hơn 1 giờ quấy phá, tàu tôi không may bị chết máy nên bị bọn chúng bắt kịp. Cả chục người trên tàu Trung Quốc mang dùi cui, súng tràn sang tàu cá, đánh đập, lấy hải sản, ngư cụ trên tàu rồi bỏ đi" - ông Ngọt kể.

3-(1)

Ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt

Sau khi tàu Trung Quốc bỏ đi, chiếc tàu cá trị giá 1,8 tỉ đồng của ông Ngọt cũng chìm dần, ông và 5 bạn thuyền may mắn được một tàu ở cùng địa phương cứu vớt, đưa về đất liền an toàn. Vẫn không từ bỏ, ngay sau đó, ông Ngọt thế chấp căn nhà, cộng với số tiền 700 triệu đồng được nhà nước hỗ trợ để đóng chiếc tàu mới trị giá 3,3 tỉ đồng. Đầu tháng 8-2018, con tàu chính thức hạ thủy và rẽ sóng hướng ra Hoàng Sa.

"Trung Quốc tấn công, phá ngư cụ chỉ làm khó bọn tôi chứ sợ thì chúng tôi không bao giờ. Nếu sợ thì tôi hay hàng trăm ngư dân ở làng Châu Thuận Biển đã chẳng bén mảng tới Hoàng Sa. Chuyện đụng tàu Trung Quốc bây giờ đã quen rồi, có gì đâu mà ngại" - ông Ngọt nói.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho biết toàn xã có gần 200 tàu thường xuyên bám biển Hoàng Sa. "Đội tàu xã Bình Châu xưa nay nổi tiếng "thiện chiến" bởi tài đánh bắt của ngư dân. Trong đội tàu này, có rất nhiều người đã gần 40 năm gắn bó, bám biển Hoàng Sa. Những ngư dân như Nguyễn Tấn Ngọt, Võ Văn Lựu, Trần Thanh Nam... đã hàng chục lần "đụng" tàu Trung Quốc. Sau mỗi lần bị phá ngư cụ, dù kiệt quệ kinh tế nhưng nhiều người vẫn cầm cố nhà cửa, chạy vạy, tiếp tục hướng ra Hoàng Sa đánh bắt" - ông Hùng cho hay.

Kỳ tới: Asin của đại dương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo