xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những cung đường nhuộm máu, nước mắt giáo viên

Hoàng Thanh - Cao Nguyên

Để đến được trường dạy học, nhiều giáo viên ở Tây Nguyên đã phải vượt qua con đường độc đạo, vắng vẻ và không ít người đã phải đổ máu vì tai nạn

Nhiều giáo viên ví xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, là nơi "tận cùng của thế giới" vì là xã xa nhất, được bao bọc bởi trùng điệp núi non, vào đây chỉ có con đường độc đạo. Toàn xã có 3 trường học các cấp là mầm non, tiểu học và THCS với khoảng 80 giáo viên. Tất cả giáo viên có nhà ở xa, có người phải vượt hàng trăm km đến trường.

Cung đường "tử thần"

Đoạn đường khó khăn nhất mà giáo viên phải vượt qua để đến trường là đường liên xã nối từ xã Đắk Sơ Mei với xã Hà Đông. Đường rộng chỉ 3 m, dài 35 km. Đoạn đường như sợi dây dài luồn lách dưới tán rừng, vắt ngang những quả đồi, chỉ lác đác vài căn chòi rẫy của người dân thấp thoáng trên các triền đồi mà tuyệt nhiên không có hộ dân nào sinh sống hai bên đường.

Trên cung đường này, nhiều đoạn dốc dựng đứng, lại ngay khúc cua khuỷu tay khiến xe máy phải cài số 1, lấy trớn từ xa mới có thể ì ạch vượt qua. Dọc cung đường này, gặp những ngày mưa thì chạy phía trước lại nghe phía sau cây đổ, sạt lở đất ầm ào.

Cách trung tâm xã khoảng 10 km, có vị trí được các giáo viên gọi là "khúc cua tử thần" vì rất hay xảy ra tai nạn. "Đường hẹp, góc cua gấp và khuất tầm nhìn, phía bên dưới là vực sâu nên ai không quen đường mà lỡ đi nhanh, gặp xe chạy ngược chiều thì rất dễ lao xuống vực" - thầy Đỗ Thiện Úy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông, cho biết rồi bảo đa phần giáo viên đều đi làm bằng xe máy mà đường lại vắng người, không có nhà dân nên mỗi khi xe gặp sự cố thì chỉ có… khóc.

Cô Lê Thị Hương Lan, giáo viên của trường này, nói mỗi lần đi về cô đều run lên vì sợ. "Tôi đi xe mà không dám bóp còi vì trong đầu cứ lo nếu bóp còi, có người xấu nghe được, biết mình đang tới, họ lao ra chặn đường" - cô Lan nói.

Những cung đường nhuộm máu, nước mắt giáo viên - Ảnh 1.

Con đường lên “cổng trời” Ea Rớt

Gặp tai nạn chỉ biết khóc

Trong khi đó, thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) thường được gọi là "cổng trời". Bởi lẽ, để đến được đây phải vượt qua những con dốc cao, những đoạn đường gấp khúc và cả các con suối chảy xiết. Ở đây, mùa khô thì nắng cháy da thịt, mùa mưa có khi cả tuần không thấy ánh mặt trời.

Cô Nguyễn Thị Liễu (giáo viên lớp 5, điểm trường thôn Ea Rớt, thuộc Trường Tiểu học Cư Pui 2) nhà ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, cách điểm trường Ea Rớt tròn 40 km. Ngày đầu tiên đặt chân đến trường sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn năm 2014, cô Liễu đã khóc, muốn xin nghỉ dạy. Nhưng rồi, thấy những đứa trẻ lem luốc khát khao con chữ, cô Liễu động viên mình bám trụ. Chồng công tác ở tận Gia Lai, lại có 2 con nhỏ nên ngày nào cô Liễu cũng phải đi về để chăm sóc con.

Ở điểm trường thôn Ea Rớt, học sinh lớp 5 chỉ học một buổi nên 10 giờ sáng, cô Liễu chạy xe máy vượt 40 km tới trường, dạy xong về tới nhà đã hơn 7 giờ tối. "Điều khó khăn nhất là trên quãng đường này có 10 km đường xấu và phải vượt đò. Mùa nắng, bụi mịt mù, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt nên chuyện té ngã xảy ra như cơm bữa. Những ngày trời mưa, tôi thường phải để xe lại bên đường hoặc gửi nhà người dân đi bộ hơn 5 km đến trường vì xe không thể chạy được" - cô Liễu tâm sự.

Cũng như cô Liễu, cô Nguyễn Thị Trang (giáo viên lớp 2, nhà ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) có 2 con nhỏ nên hằng ngày phải vượt 60 km để đến điểm trường thôn Ea Rớt. Cô Trang dạy buổi sáng nên từ 4 giờ đã phải xuất phát. "Trong một lần đến trường, đường trơn trượt nên tôi đã bị té ngã lăn từ trên dốc xuống. Tỉnh lại, tôi chỉ biết ôm bụng ngồi khóc. Lúc đó, tôi đang mang thai nhưng may mắn cả 2 mẹ con đều bình an vô sự" - cô Trang kể.

Trở lại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông, vừa qua, cô Trần Thị Bá Tiền (SN 1984, giáo viên âm nhạc) phải phẫu thuật lần 2 cho cánh tay cắt bỏ do tai nạn. Sáng 9-9, cô Tiền đi xe máy vượt 130 km từ nhà tại xã Đắk H’lơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, tới trường. Khi thấy một xe tải đi ngược chiều, cô Tiền đã chủ động đi chậm, nép vào vệ đường để tránh nhưng trúng phải vùng đất nhão xe bị ngã. Theo phản xạ, cô Tiền đưa tay ra chống đỡ thì bị bánh xe tải chèn qua, gãy nát.

Cách đây khoảng 2 năm, khi từ xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa, đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trần Kiên (xã Hà Đông) dạy học thì cô giáo Am Gửi bị ôtô tông, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. May mắn, cô qua khỏi và giờ vẫn bám trụ với trường. 

Tiền lương đủ... mua xăng

Các giáo viên ở Trường Tiểu học Cư Pui 2, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cho biết nếu đi về trong ngày thì nhiều giáo viên ở trường này nhận lương chỉ đủ để mua xăng.

Thầy Nguyễn Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2, cho biết điểm trường Ea Rớt hiện có 6 lớp với 6 giáo viên. "Đầu năm 2019, xã Cư Pui tiếp tục được đưa vào xã vùng 3. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên giáo viên vẫn chưa được nhận phụ cấp, lương hiện nay chỉ 4-5 triệu đồng/người. Trước những khó khăn này, nhà trường có hỗ trợ tiền xăng mỗi tháng 200.000 đồng/giáo viên" - thầy Thuần cho hay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo