xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NHIỀU DỰ ÁN CHỐNG NGẬP… MẮC CẠN! (*): Mạnh tay cải tổ

SỸ ĐÔNG - PHAN ANH

TP HCM thừa nhận công tác quản lý, điều hành chống ngập suốt 10 năm qua của Trung tâm Chống ngập chưa hiệu quả nên phải mạnh tay cải tổ

Sáng 21-8, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Nguyễn Văn Tám cho biết việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về chống ngập từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (viết tắt là Trung tâm Chống ngập) sang Sở Xây dựng là việc nên làm, bởi Sở Xây dựng là sở quản lý chuyên ngành về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.

Đổi vai trò cơ quan tham mưu

Cũng trong sáng cùng ngày, trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết khi rà soát lại 7 chương trình đột phá của TP, UBND TP đã báo cáo Thành ủy, qua đó thống nhất chuyển chức năng quản lý nhà nước về chống ngập sang Sở Xây dựng. Việc này cũng đồng bộ với trung ương là Bộ Xây dựng quản lý.

NHIỀU DỰ ÁN CHỐNG NGẬP… MẮC CẠN! (*): Mạnh tay cải tổ - Ảnh 1.
NHIỀU DỰ ÁN CHỐNG NGẬP… MẮC CẠN! (*): Mạnh tay cải tổ - Ảnh 2.

Không chỉ ngập ở ngoại thành (ảnh trên), ngập cũng đang hoành hành ở nội thành TP HCM (dưới) dù hàng vạn tỉ đồng đã được chi cho công tác chống ngập Ảnh: SỸ ĐÔNG

Lý giải việc này, ông Tuyến cho biết Trung tâm Chống ngập không có chức năng quản lý nhà nước (xử lý, xử phạt) mà chỉ quản lý dự án. Hiện nay, UBND TP đang sắp xếp lại các ban sự nghiệp, có thể Trung tâm Chống ngập sẽ sáp nhập về Ban Quản lý phát triển đô thị trực thuộc UBND TP hoặc Sở Xây dựng, tùy thuộc vào quy mô lớn, nhỏ. "Hiện tại, các sở, ngành đang làm đề án nên chưa nói được cụ thể. Nhưng chức năng quản lý nhà nước về chống ngập thuộc Sở Xây dựng là đúng. Chức năng xử lý các vấn đề vi phạm xây dựng, ảnh hưởng công tác thoát nước, chống ngập phải là sở - ngành chứ không thể là một trung tâm được" - ông Tuyến nói.

Hiện TP HCM đang tiến hành đề án sắp xếp lại các ban quản lý dự án của TP, quận, huyện, Ban Quản lý dự án ODA. Theo đề án này, Trung tâm Chống ngập sẽ được điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và sẽ được tổ chức lại theo hướng chỉ giữ lại 2 chức năng cho Trung tâm Chống ngập là quản lý dự án và vận hành các công trình đã được nghiệm thu. Sở Nội vụ lý giải thêm, Trung tâm Chống ngập được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập nên trong vai trò là cơ quan thường trực của chương trình có nhiều hạn chế trong việc xây dựng chương trình kế hoạch và điều phối thực hiện nên trong thời gian tới sẽ chuyển giao cho Sở Xây dựng là cơ quan thường trực tham mưu thực hiện chương trình này.

Thay đổi tư duy, tạo cơ chế mới

Luận bàn về hoạt động của Trung tâm Chống ngập, PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (thuộc ĐHQG TP HCM), cho hay Trung tâm Chống ngập được thành lập năm 2008. TP đặt nhiều kỳ vọng vào đơn vị này trong việc giải quyết tình trạng ngập úng đang ảnh hưởng đến đời sống người dân. Lúc đó, TP muốn Trung tâm Chống ngập là đơn vị độc lập, chuyên ngành và chức năng quản lý nhà nước tương đương một sở. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã bác bỏ bởi vì không có bộ chủ quản như các sở, ngành khác. Do không có vai trò quản lý nhà nước nên "lực" của Trung tâm Chống ngập không đủ mạnh và phụ thuộc vào các sở chuyên ngành khác như: giao thông vận tải, quy hoạch kiến trúc, xây dựng… "Tôi có cảm nhận Trung tâm Chống ngập không có vai trò điều hành như tên gọi của nó mà chỉ còn chức năng quản lý dự án giống như tổng ban quản lý dự án" - ông Phi nêu quan điểm.

Về việc giao vai trò quản lý nhà nước của Trung tâm Chống ngập về Sở Xây dựng, ông Phi nói chuyển về nơi có thực lực là chuyện hợp lý và lẽ ra phải làm từ lâu. Ngoài ra, TP cũng cần lãnh đạo có tầm nhìn cũng như thay đổi tư duy và tạo ra cơ chế mới. Ông Phi dẫn chứng ở những vùng trũng thấp là nơi chứa nước thì bị san lấp vô tội vạ nhưng lâu nay không có chế tài, nhà đầu tư dự án gây ngập nhưng lại không chịu trách nhiệm gì, thậm chí lại còn "kêu cứu" tại sao khu vực đó bị ngập. Điều đó dẫn đến tình trạng nhà nước cứ phải chạy theo chống ngập cho từng vị trí và không có hồi kết. Do đó, cần phải tiếp cận thêm hướng phòng ngập, tức là ngăn chặn những tác nhân gây ngập như bê-tông hóa, san lấp vô tội vạ. Đặc biệt, chính quyền không nên tuyên bố chống ngập cho những vùng trũng bởi như thế rất dễ hình thành nên những khu đô thị tự phát.

Một vấn đề không kém phần quan trọng khiến công tác chống ngập thời gian qua cứ "ì ạch" được ông Phi phân tích: Chống ngập hiện nay vẫn được bao cấp, được coi là việc của nhà nước trong khi người dân cũng cần có trách nhiệm. Cần phải xác định nguyên tắc người gây ngập phải trả tiền bất kể là doanh nghiệp hay người dân, chi phí chống ngập phải được tính đúng, tính đủ để có nguồn lực đầu tư. Sắp tới, TP sẽ chuyển đối 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất đô thị, công nghiệp, dịch vụ thì phải tính đến vấn đề này. Đất nông nghiệp là nơi trữ nước, nay bị bê-tông hóa thì diện tích chứa nước bị thu hẹp, TP nên tính vào giá đất để buộc các nhà đầu tư phải có trách nhiệm. Còn đối với các dự án nhà máy xử lý nước thải, TP muốn các nhà đầu tư tham gia thì phải đưa ra đơn giá phí thoát nước để doanh nghiệp tính toán chi phí và xác định thời gian thu hồi vốn. Bên cạnh đó, TP cũng phải cam kết mạnh mẽ về ngân sách chống ngập cho TP mỗi năm để doanh nghiệp đầu tư.

Cuối cùng, TS Hồ Long Phi cho rằng ở giai đoạn 2006-2010, do nguồn vốn dồi dào từ quốc tế nên hàng loạt dự án chống ngập ở TP HCM được triển khai ồ ạt, vì thế giai đoạn này TP như đại công trường chống ngập với hàng loạt "lô cốt" dựng trên đường. Tuy nhiên đến nay, ai cũng thấy vốn chống ngập ngày càng khan hiếm, rồi nguồn lực đáng kể từ các nhà đầu tư quốc tế cũng hụt vì họ quá ngán với thời gian thực hiện kéo dài do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Do đó, kể từ bây giờ khi thực hiện bất kỳ dự án chống ngập nào, TP cũng cần phải tính kỹ, dựa trên những số liệu điều tra cụ thể, khoa học để phát huy hết hiệu quả của đồng vốn.

Nhận nhiệm vụ thì phải cam kết!

Không bàn đến nỗi thống khổ của mình khi bị ngập hoành hành triền miên, ông Nguyễn Văn Nam (nhà trên đường Hồ Văn Tư, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) bức xúc nói không cần chuyên môn nhưng ông vẫn có thể thấy do sự chồng chéo giữa các sở - ngành nên TP HCM chi vạn tỉ đồng nhưng vẫn chưa thấy lối ra cho công tác chống ngập. "Hơn 10 năm qua, TP có một đơn vị với cái tên nghe rất "kêu" là Trung tâm Chống ngập nhưng không mang lại sự hài lòng cho người dân, vậy mà không ai chịu trách nhiệm. Nay TP chuyển qua đơn vị mới thì người dân chúng tôi đề xuất phải buộc đơn vị nhận nhiệm vụ này cam kết chịu trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ" - ông Nam thẳng thắn.

Theo ông Nam, đề xuất trên của ông không nhằm mục đích nào khác ngoài việc mong muốn hiệu quả chống ngập tương xứng với số tiền bỏ ra. Bởi có một thực tế đáng buồn là hơn 10 năm qua, TP vẫn còn nhiều tuyến đường bị ngập dù đã có dự án chống ngập.

Ông Nguyễn Quốc Việt, chủ một doanh nghiệp từng thi công một số hạng mục nhỏ trong các dự án chống ngập, lại mong muốn việc đấu thầu thi công các dự án chống ngập phải công khai, minh bạch, thủ tục giải ngân, xác nhận tiến độ bớt bị "kéo rê". "Nếu TP giải quyết rốt ráo vấn đề này, tôi bảo đảm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp có năng lực thực sự cùng tham gia chống ngập với TP" - ông Việt nói.

Nếu có "siêu sở" thì tốt hơn?

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, vai trò giữa các sở là ngang nhau nên rất khó có chuyện ông giám đốc sở này chỉ đạo giám đốc sở kia. Trong khi đó, chống ngập liên quan đến nhiều lĩnh vực hạ tầng từ giao thông, cấp thoát nước cho đến quy hoạch về cốt nền. Do đó theo ông Sơn, để chống ngập hiệu quả và đột phá, TP cần phải có một phó chủ tịch UBND đứng ra điều hành các công việc liên quan đến hạ tầng đô thị thì các sở, ngành khác mới "chịu nghe" và tuân thủ.

Nếu thực hiện mô hình trên, TP có thể gom nhiều đơn vị như cấp nước, thoát nước, giao thông, xây dựng, quy hoạch… lại thành một ban giống như một "siêu sở" và giao cho một phó chủ tịch TP làm trưởng ban để điều phối toàn bộ các công việc liên quan đến chống ngập. Cùng với đó là TP cần phải có một quyết tâm thực sự và kèm theo một cam kết mạnh mẽ để chuyển thành hành động đó là cơ chế và nguồn tài chính. Muốn "siêu sở" hoạt động hiệu quả thì cần phải có nguồn kinh phí tương xứng đi cùng để tránh tình trạng "giật gấu vá vai" và tạo cơ chế để bảo đảm kinh phí đầu tư, xây dựng các dự án.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo