xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người mẹ nhân ái của trẻ Vân Kiều

Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC

Từ nhiều năm qua, căn nhà nhỏ của chị Ngô Thị Hồng là mái ấm nuôi dưỡng nhiều trẻ Vân Kiều, với ước nguyện các em học hành nên người

Người mẹ đặc biệt này là chị Ngô Thị Hồng (SN 1983; ngụ xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Chị hiện là cán bộ văn hóa, công tác tại UBND thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch.

Không để các em thất học

18 giờ, căn nhà nhỏ của vợ chồng chị Hồng rộn tiếng vui đùa của trẻ. Dưới gian bếp, những đứa trẻ Vân Kiều thay nhau phụ chị nấu cơm, rửa rau và làm đồ ăn để chuẩn bị cho bữa tối.

Từ nhiều năm qua, căn nhà này là tổ ấm yêu thương của 7 đứa trẻ Vân Kiều đến từ bản Rào Con, thị trấn Phong Nha, được chị Hồng nhận về chăm sóc, nuôi dưỡng cùng những đứa con của mình.

Người mẹ nhân ái của trẻ Vân Kiều - Ảnh 1.

Bữa cơm tối của gia đình chị Ngô Thị Hồng

Khi biết chúng tôi tìm hiểu câu chuyện đầy nhân văn này, chị Hồng ái ngại: "Tôi nuôi mấy cháu vì yêu thương đám trẻ khó khăn thôi, có gì đâu mà viết báo cho nhiều người biết. Ngại lắm...". Chúng tôi thuyết phục mãi, chị mới chia sẻ câu chuyện của mình và mong rằng trẻ em Vân Kiều sẽ nhận được nhiều cơ hội hơn nữa từ xã hội.

Chị Hồng cho biết năm 2012, chị làm cán bộ văn hóa tại UBND xã Sơn Trạch - nay là thị trấn Phong Nha. Khoảng thời gian này, chị cùng đội ngũ giáo viên thường xuyên trèo đèo, lội suối vào tận bản Rào Con - cách thị trấn hơn 8 km đường rừng, để vận động học sinh Vân Kiều đến trường. Bản làng nằm heo hút giữa rừng sâu. Con đường độc đạo dẫn vào bản lầy lội vào mùa mưa, đi lại rất khó khăn.

Cuộc sống của người Vân Kiều nơi đây biệt lập với bên ngoài, trình độ nhận thức của người dân chưa cao nên Rào Con được xem là "điểm đen" với những phong tục lạc hậu. Bản chưa có điểm trường nên đều đặn hằng tuần, các thầy cô cùng chính quyền địa phương phải vào vận động con em ra trường học sau thời gian nghỉ quá hạn.

Những lần vào bản Rào Con, chị Hồng chứng kiến hoàn cảnh của trẻ Vân Kiều đói nghèo, thiếu thốn. Nhiều em thích theo bố mẹ vào rừng làm rẫy hơn là đi học. Thương cảm hoàn cảnh của các em, chị Hồng nghĩ mình phải làm gì đó để giúp đỡ. Vậy là chị thuyết phục cha mẹ đón 2 anh em Nguyễn Văn Lửa (SN 2000) và Nguyễn Văn Long (SN 2004) về nhà ở trung tâm xã để các em có cơ hội học hành.

Vài năm sau đó, điểm trường được thành lập ở Rào Con, các em vào lại bản. Hết lớp 9, đa phần những đứa trẻ như Lửa, Long đều bỏ học. Thấy vậy, chị Hồng rất buồn. Sau nhiều đêm trằn trọc, chị bàn với chồng là anh Nguyễn Đức Anh (SN 1980) đưa những đứa trẻ ở Rào Con về nhà mình để cưu mang và xin vào học tại trường THPT của huyện.

Anh Đức Anh là kỹ sư xây dựng, công việc cũng chỉ kiếm được thu nhập tạm đủ lo cho cuộc sống gia đình 4 người. Hôm chị Hồng bàn đến chuyện cưu mang trẻ Vân Kiều, ban đầu anh cũng ái ngại và đắn đo.

"Sau khi được vợ dẫn đi thực địa một chuyến ở Rào Con, thấy được vòng luẩn quẩn nghèo đói của các cháu nên tôi cũng muốn làm gì đó để giúp đỡ. Vì thế, tôi đồng ý đưa Lửa và Long về lại nhà mình nuôi dưỡng, cho ăn học. Mình không giúp là các cháu bỏ học, cái nghèo cứ đeo bám, áy náy lắm" - anh Đức Anh tâm sự.

Những năm sau đó, gia đình anh chị đón thêm 5 trẻ Vân Kiều, gồm 4 nam và 1 nữ, về nhà nuôi dưỡng, cho học hành. Trong đó, Long và Thừa đang học lớp 12, Hận lớp 11 và Việt, Trường lớp 10. Chị Hồng cũng không nhớ rõ là đã bao nhiêu năm nhưng có em được vợ chồng chị nhận nuôi dưỡng từ năm lớp 6 nay đã bước vào cuối cấp 3, có em đã hết học và đang tham gia nghĩa vụ quân sự.

Chỉ dạy từng ly từng tí

Sáng mỗi ngày, chị Hồng đi xe buýt lên thị trấn làm việc, cách nhà tới 30 km. Tối về, chị nấu ăn, lo cho đám trẻ. Xong xuôi, chị cùng chồng kèm cặp các em học bài. Công việc ấy lặp đi lặp lại ngày này qua tháng khác.

Tiếp xúc với chúng tôi, các em ở Rào Con nói năng rất hoạt bát, ứng xử linh hoạt và thông minh, chẳng khác gì những trẻ sinh ra ở miền xuôi.

Người mẹ nhân ái của trẻ Vân Kiều - Ảnh 2.

Chị Ngô Thị Hồng dạy cho các em Vân Kiều nấu ăn

Để lo miếng ăn, chuyện học hành cho những đứa trẻ Vân Kiều là không dễ dàng chút nào. Từ nhỏ, các em đã thua thiệt nhiều mặt so với bạn bè cùng trang lứa. Những ngày đầu các em về với gia đình chị Hồng, vất vả nhất là việc làm sao giúp chúng hòa nhập với nhịp sống miền xuôi. Anh chị phải thay nhau chỉ dạy các em từ việc nấu cơm đến giặt đồ, gấp chăn màn, thậm chí cả cách dùng nhà vệ sinh... Người thân, xóm giềng biết chuyện vợ chồng chị Hồng nhận "con nuôi", nhiều người lắc đầu.

"Tổng kết năm đầu tiên, nhà có 5 nồi cơm điện bị cháy, xem như học phí để các cháu hoàn thành khóa học nấu cơm bằng nồi điện. Đó là chưa kể các đồ dùng khác trong nhà, việc hỏng hóc là thường xuyên. Nhưng rồi, vợ chồng tôi cứ từ từ chỉ dạy các cháu. Bây giờ thì các cháu đã thành thục mọi chuyện" - chị Hồng vui vẻ.

Đón các em về, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà, sắm sửa quần áo, sách vở, xe đạp... dù thêm khó khăn bội phần nhưng anh chị cố gắng chu toàn. Họ không để các em thua thiệt và xem những đứa trẻ Vân Kiều này như con ruột trong nhà. Từ việc ăn uống hằng ngày, xin các em vào trường học, họp phụ huynh hay du lịch hằng năm, cả nhà đều cùng đi với nhau.

"Lương tháng của tôi coi như phục vụ ăn uống, chi tiêu trong nhà. Nhà con đông nên tốn kém. Có tháng tôi bị âm lương, phải nhờ hỗ trợ thêm từ anh chị em, không thì căng lắm. Vậy mà nhìn các cháu mạnh khỏe, học hành chăm chỉ từng ngày, vợ chồng tôi vui lắm" - chị Hồng bày tỏ.

Cảm nhận được sự yêu thương nên các em luôn nghe lời vợ chồng anh chị, chưa bao giờ có chuyện bỏ ngang việc học về nhà như ở các trường nội trú. Mỗi lần các em làm sai điều gì, chị Hồng đều kiên trì, nhẹ nhàng chỉ bảo chứ chưa hề nói nặng lời hay trách phạt.

Hình phạt phổ biến nhất được chị Hồng thực hiện là chép các văn bản. Chị cho hay có khi chép lại văn bản, có khi chị ghi âm lại các buổi học rồi để các em nghe mà chép ra. Việc làm này vừa rèn luyện thêm khả năng nghe tiếng Việt, khả năng viết và cả tính kiên trì cho các em. Chị cũng không cấm sử dụng điện thoại ngoài thời gian học nhưng cứ đến 22 giờ, trước khi đi ngủ, các em đều tự giác nộp lại điện thoại và lên giường nằm.

Theo chị Hồng, để có được ngày hôm nay là cả một quá trình "cười ra nước mắt" với các trẻ Vân Kiều. Từ khi đón về nuôi dưỡng đến nay, mọi thứ các em phải học lại từ đầu, từ cách suy nghĩ đến việc làm đều chỉn chu, nghiêm túc để dần hòa nhập.

Nỗi lo canh cánh

Trong số 5 trẻ được vợ chồng chị Hồng nhận nuôi, em Nguyễn Văn Long và Nguyễn Thị Thừa năm nay đang học lớp 12.

Ở miền xuôi, học sinh tốt nghiệp THPT nếu không học tiếp CĐ, ĐH thì cũng chọn cho mình một nghề hay đơn giản là ra đời mưu sinh. Nhưng với trẻ đồng bào dân tộc thiểu số như ở bản Rào Con thì khác, các em chỉ mong sớm về với núi rừng và rồi nhanh chóng quên hết con chữ. Đây cũng là nỗi lo canh cánh của vợ chồng chị Hồng.

Người mẹ nhân ái của trẻ Vân Kiều - Ảnh 3.

Chị Ngô Thị Hồng hướng dẫn em Nguyễn Thị Thừa làm bài tập về nhà

Chị Hồng cho biết trong thời gian chăm sóc, kèm cặp trẻ học tập, chị nhận ra học lực các em không bằng các bạn cùng lớp, nhất là các môn lý thuyết cơ bản. Tuy nhiên, với các môn thực hành nghề thì các em rất nhanh nhẹn, sáng tạo. Cho nên, vợ chồng chị định hướng cho các em học nghề theo sở thích.

Chẳng hạn, với Nguyễn Văn Long, nhờ sự hướng dẫn của anh Đức Anh, hiện em gần như có thể sửa chữa được các thiết bị điện trong gia đình, thỉnh thoảng còn đi theo phụ anh làm việc để học hỏi. Long tâm sự: "Học hết THPT, em sẽ cố gắng theo học nghề điện lạnh, học thật giỏi để thành nghề, kiếm được tiền nuôi gia đình và không phụ lòng kỳ vọng của bố Anh, mẹ Hồng".

Nguyễn Thị Thừa cũng là đứa trẻ lanh lợi. Em tâm sự mong muốn học nghề dạy học để về lại Rào Con làm giáo viên dạy chữ cho trẻ ở bản. "Em sẽ giúp bọn trẻ tiến bộ, dần xóa bỏ những hủ tục rồi đi học để kiếm ngành nghề, sau này phụ giúp gia đình thoát đói nghèo" - Thừa thổ lộ.

"Tôi luôn động viên các cháu đừng bận tâm chuyện gì cả, cứ cố gắng học thật giỏi, sau này làm nghề gì cũng được, miễn là tử tế. Quan trọng nhất là các cháu thay đổi được tư duy, sống có ích cho xã hội" - anh Đức Anh bộc bạch. 

Không còn khoảng cách

"Lúc nhận các cháu về nuôi, 2 đứa con trai tôi nhất quyết không chịu đến lớp vì bị bạn bè trêu chọc nọ kia. Phải mất một thời gian dài, với nỗ lực của ba mẹ, các cháu mới hiểu chuyện, biết cách sẻ chia, yêu thương, bao dung hơn. Bây giờ, sau giờ học, chúng chơi đùa cùng nhau vui vẻ như anh em ruột trong nhà và không còn khoảng cách nữa" - chị Ngô Thị Hồng khoe.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo