img

(NLĐO)- Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dân tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nhổ bỏ hết hoa chuyển đổi sang trồng rau, còn một số vườn hoa đang nở rộ phải để tự tàn héo vì không thể bán ra thị trường.

Video người dân Tây Tựu “méo mặt” vì hoa đang nở rộ phải nhổ bỏ để chuyển đổi trồng rau

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP.

Thực hiện cách ly toàn xã hội đến ngày 23-8 trên phạm vi toàn TP theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Người dân Tây Tựu “méo mặt” vì hoa đang nở rộ phải nhổ bỏ để chuyển đổi trồng rau - Ảnh 2.

Hiện giờ, đa phần làng hoa Tây Tựu đã chuyển đổi sang trồng rau, một số khác phải cắt bỏ hoa đang rộ để cho hoa nở vào vụ sau

img
img
img

Dù dịch Covid-19 thiệt hại kinh tế cho những người nông dân trồng hoa Tây Tựu, song một số người vẫn bám trụ với nghề nên đã trồng đan xen rau và hoa. Còn một số hộ gia đình thì để hoa tự héo vì không bán được ra thị trường

Đã hơn 15 ngày Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP. Mặt hàng hoa rất khó đưa ra thị trường, rất ít người mua, trừ những ngày mùng 1, ngày rằm âm lịch.

img
img
img
img

Do lượng hoa đang nở nộ rất nhiều, ông Thanh đã huy động cả gia đình đến  cắt tỉa, nhằm để cây hồng mọc lứa mới

Trước kia, làng hoa Tây Tựu được biết đến là một trong những nơi trồng hoa lớn nhất miền Bắc, cung ứng hoa tươi phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân Hà Nội mà còn cho nhiều tỉnh thành miền Bắc. Trồng hoa cũng là nghề tạo ra nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân tại nơi đây. 

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát khiến người làng hoa Tây Tựu "điêu đứng" vì lỗ vốn.

img
img
img

Nhiều chủ vườn đã để hoa tự héo dần, chết mòn tại vườn vì không thể bán hoa ra thị trường trong thời điểm giãn cách xã hội

Hiện nay, làng hoa Tây Tựu đã không còn đa dạng loại hoa với nhiều sắc màu, giờ chỉ còn những vườn hoa đang nở rộ nhưng không ai chăm sóc. Một số người dân đã "méo mặt" nhổ bỏ những cây hoa đang đến vụ thu hoạch vứt đi để chuyển đổi canh tác trồng rau.

img
img
img

Một số chủ vườn khác thì không canh tác, để đất nứt khô vì thiếu nước

Đang xới đất, để chuyển đổi sang trồng rau, bà Nguyễn Thị Dậu (thôn Trung, quận Bắc Từ Liêm), cho biết: "Đã hơn 10 ngày tôi cùng gia đình phá nguyên vườn cúc đang nở rộ vì không thể bán ra thị trường. Cũng sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã quyết định chuyển sang trồng rau vì hiện tại rau có thể mang ra chợ bán để kiếm thêm đồng ra đồng vào".

img
img
img
img

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều chợ đầu mối bán hoa đã đóng cửa. Các cửa hàng hoa ở chợ dân sinh cũng không được bán. Do hoa không thể tiêu thụ, nhiều chủ vườn đã chủ động bỏ hoa ra thùng rác

Bà Dậu rất buồn khi nhắc tới những vườn hoa của mình mất bao công sức chăm sóc lại phải phá bỏ. "Mỗi vụ tôi bỏ ra 10 triệu đồng để mua giống, cùng với đó là thuê nhân công, phải chờ đến 4 tháng mới có thể thu hoạch được. Nếu thuận lợi thì mỗi vụ thu hoạch được 30 triệu đồng. Hiện giờ phá đi là mất không cả vốn lẫn lãi. Dịch Covid-19 đã khó, nay còn khó hơn".

img
img
img
img

Người dân đang xới đất chuyển đổi canh tác sang trồng rau, củ... một vài chủ vườn khác thì căng nylon kín để giữ chất dinh dưỡng cho đất, chờ vụ sau canh tác

Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bà Dậu cùng gia đình mình phải thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng chống dịch. Kinh tế hiện giờ chỉ trông chờ vào mấy sào hoa. Hoa không bán được, bà Dậu phải vay tiền hàng xóm, người thân để trang trải qua những ngày khó khăn.

Người dân Tây Tựu “méo mặt” vì hoa đang nở rộ phải nhổ bỏ để chuyển đổi trồng rau - Ảnh 9.

Bà Nguyễn Thị Thuý cho biết: "9 sào hoa cúc bên cạnh đang trong thời điểm thu hoạch đã phải phá bỏ để chuyển sang trồng rau"

"Trong 1 năm trở đây, hợp tác xã cũng đã đến vườn nhà tôi để ghi số lượng thiệt hại để hỗ trợ nhưng đến bây giờ vẫn chưa nhận được. Còn quỹ hỗ trợ bị ảnh hưởng dịch Covid-19, gia đình chúng tôi cũng chưa được nhận"- bà Dậu chia sẻ thêm.

img
img
img

Ông Hưởng đang miệt mài xới đất để canh tác vụ rau thay vì trồng hoa như trước kia

Cùng hoàn cảnh những vườn hoa phải nhổ bỏ đi để trồng rau, ông Đỗ Đắc Hưởng (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) vào câu chuyện bằng từ "thua". Đối với ông Hưởng, vụ mùa năm nay đã mất trắng cả gốc lẫn lãi.

img
img

Người dân đang ủ rơm, ươm hạt giống

"Số lượng hoa nhiều đến kỳ thu hoạch nhưng không thể bán, mà hàng ngày phải chăm bón để giữ hoa được tươi, đã tốn công nay còn tốn hơn. Hiện giờ, tôi cũng chỉ biết nhổ bỏ đi để giảm thiệt hại cũng như chuyển đổi sang trồng rau, củ…"- ông Hưởng buồn rầu nói.

img
img
img

Người dân đang chăm bón cho rau tại vườn ở làng hoa Tây Tựu

Tháng 7 âm lịch thường được gọi là tháng "cô hồn" và nhiều người quan niệm đây là tháng mang lại nhiều xui xẻo. Thế nhưng, đối với người dân Tây Tựu những năm trước đây, nó lại là tháng "hái ra tiền" vì nhu cầu mua hoa của người dân tăng đột biến. Song năm nay, nhiều người nông dân trồng hoa mất trắng vì hoa không thể bán được.

img
img
img

Người dân đang hái rau vui mừng vì chuyển đổi kịp thời. Tại thời điểm này, đưa ra chợ dân sinh tiêu thụ còn có đồng ra đồng vào

"Những năm không có dịch bệnh, tháng 7 âm lịch là thời điểm chúng tôi bán hoa rất chạy vì rất nhiều khách mua hoa phục vụ nhu cầu lễ, bái. Năm nay, dịch Covid-19, hoa là mặt hàng không thiết yếu, chợ hoa đóng cửa khiến hoa cúc, hoa hồng chúng tôi không có nơi bán. Thời gian người dân mua hoa nhiều nhất từ mùng 10-14 âm lịch. Tuy nhiên, đây là lúc vẫn giãn cách xã hội nên chúng tôi đành phải cắt bỏ để chờ lứa hoa sau"- ông Chu Trần Yên, người dân làng hoa Tây Tựu, tâm sự.

img
img

Người dâng đang mang rau ra chợ tiêu thụ

Anh Thành, một người dân trồng hoa khác trong làng, cho biết thời điểm này, do Covid-19 bùng phát nên anh và nhiều người dân Tây Tựu lỗ nặng. "Một sào hồng bỏ vốn mất vài chục triệu, nhưng thời điểm này không thể bán được. Chúng tôi đành phải để hoa nở ngoài ruộng, lúc rảnh rỗi thì sẽ ra cắt bỏ cho lứa mới ra"- anh Thành nói.

img
img
img

Hiện tại, các chợ dân sinh vẫn hoạt động bình thường để cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội

Cắt hoa chính là cách duy nhất của nông dân Tây Tựu lúc này với những ruộng hoa đang nở rộ. "Trước đây, nếu bán ế thì chúng tôi cho vào kho lạnh, để được vài ngày rồi bán tiếp nhưng giờ chẳng ai mua đâu. Hơn nữa, tiền điện để ủ lạnh còn đắt hơn tiền bán hoa nên chẳng ai dùng cách này"- anh Thành buồn bã nói.

Anh Thành cũng cho biết thêm, mỗi sào hoa hồng cắt bỏ anh sẽ lỗ vốn hơn chục triệu đồng. "Tất cả người làm nghề trồng hoa điêu đứng chứ không riêng một nhà nào. Chúng tôi đều thua lỗ rất nhiều, mất nhiều công sức, chưa tính đến chi phí phân bón, thuốc sâu, nhân công, điện thắp sáng,…"- anh Thành nói thêm.


Ngô Nhung

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên