xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghị quyết mới phát huy thế mạnh của TP HCM

THẾ DŨNG

Bộ Chính trị thống nhất xác định mục tiêu đến năm 2030, TP HCM là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại và trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á vào năm 2045

Ngày 2-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy mô kinh tế tăng gấp 2,7 lần

Bộ Chính trị đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và người dân TP HCM khi đã phát huy tốt truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW, TP HCM đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Cụ thể, quy mô kinh tế của TP HCM năm 2020 tăng gấp 2,7 lần và GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010; thu ngân sách nhà nước hằng năm trên địa bàn vượt kế hoạch. Thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng; cải thiện chất lượng phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tập trung vào công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; đạt nhiều kết quả tích cực trong tạo việc làm và giảm nghèo bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên...

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Chính trị cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Cụ thể: TP HCM chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với giai đoạn trước; năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp, môi trường đầu tư chậm cải thiện; liên kết vùng chưa đạt kết quả thực chất; vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của cả nước giảm sút; chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người không đạt. Ngoài ra, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và quản lý nhà nước có mặt hạn chế, yếu kém...

Nghị quyết mới phát huy thế mạnh của TP HCM - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cán bộ lãnh đạo của TP HCM trong buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM ngày 2-12.Ảnh: TTXVN

Trở thành trung tâm tài chính của châu Á

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của TP HCM, với vai trò đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, Bộ Chính trị thống nhất ban hành nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, TP HCM là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đến năm 2045, TP HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; chất lượng cuộc sống cao.

Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và người dân TP HCM tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả nghị quyết. Tiếp tục quán triệt, thống nhất, nâng cao nhận thức, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Trong đó, lưu ý phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm hạ tầng đi trước một bước. Song song đó là nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch.

Bộ Chính trị nhấn mạnh định hướng huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để thành phố phát triển nhanh và bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo; chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, TP HCM cần bảo đảm quốc phòng an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thành phố; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. 

Chính thức trình Chính phủ nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM, thay thế Nghị quyết 54/2017.

Dự thảo gồm 11 điều, trong đó 7 điều đề xuất cơ chế cụ thể liên quan các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa - xã hội và trật tự xã hội; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP Thủ Đức.

UBND TP HCM nhìn nhận sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017, thành phố đã đạt được một số kết quả nhưng cơ bản chưa đạt mục tiêu đề ra. Nghị quyết mới sẽ tạo điều kiện cho TP HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển trở lại để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước.

Những nội dung trong dự thảo là những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp, cần cho làm thí điểm theo tinh thần Nghị quyết 16/2012 và Kết luận 21/2017 của Bộ Chính trị. Quan điểm của TP HCM là các cơ chế, chính sách đặc thù không ảnh hưởng đến điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác; chủ yếu nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP HCM. Đặc biệt là không tăng tỉ lệ điều tiết của ngân sách chung về thành phố mà xây dựng cơ chế tạo ra nguồn thu để tăng chi, nhất là chi cho đầu tư.

Ph.Anh

TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ, Trường ĐH Luật TP HCM:

Nghị quyết tạo lực đẩy lớn về cơ chế

Bộ Chính trị thống nhất ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM với những mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và 2045 sẽ tạo lực đẩy lớn về cơ chế. Đây là một quyết định quan trọng; là bước tiến về tư duy, quan điểm trong định hướng phát triển TP HCM.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng mục tiêu đưa TP HCM thành trung tâm khu vực Đông Nam Á và châu Á từ nền móng phát triển còn chưa cao là không dễ dàng. Khi đặt mục tiêu như vậy, phải có định hướng thực hiện cụ thể cùng sự đổi mới về mặt tổ chức. Với nghị quyết mới, hy vọng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ trao thêm cơ chế đủ lớn cho TP HCM để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

TP HCM đang xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Trên cơ sở nghị quyết mới về phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố cần tiếp tục mạnh dạn đề xuất thêm những cơ chế đủ tầm liên quan đến vấn đề tự chủ, tổ chức bộ máy... để có đủ sức bật hoàn thành mục tiêu của Bộ Chính trị.

TS HUỲNH THẾ DU:

"Chiếc áo chính sách" chật sẽ khó xoay xở

Để TP HCM hoàn thành nhiệm vụ theo nghị quyết mới của Bộ Chính trị, cần 2 điều kiện là chính sách và nguồn lực tài chính.

Hiện "chiếc áo chính sách" cho TP HCM quá chật nên thành phố khó xoay xở. Cần xác định rõ trao chính sách cho TP HCM không có nghĩa là việc thực hiện của riêng thành phố. Những trường hợp thành công trên thế giới như TP Seoul (Hàn Quốc), Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), Doha (Qatar)... cho thấy việc phát triển đô thị trung tâm đặt trong sự cạnh tranh toàn cầu là vấn đề mang tầm quốc gia.

Muốn hoàn thành mục tiêu đề ra, cần tập trung nguồn lực quốc gia theo hướng tạo cơ chế cho TP HCM được giữ lại nguồn thu ngân sách đủ để đầu tư hạ tầng thiết yếu, bao gồm "hạ tầng cứng" và "hạ tầng mềm". Ngân sách để lại cho TP HCM so với GDP trong 10 năm qua khoảng 7% trong khi tỉ lệ này ở các đô thị phát triển trên thế giới là 10%-20%. Nếu không có nguồn lực tương xứng cùng chính sách tự chủ và sự quyết tâm thì mục tiêu phát triển TP HCM xứng tầm các đô thị trên thế giới sẽ khó thực hiện.

Quốc Anh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo