xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngày đầu tiêm vắc-xin Covid-19: Háo hức, an tâm

NGỌC DUNG - ANH THƯ - TRỌNG ĐỨC

Những người được tiêm vắc-xin đầu tiên của cả nước đều bày tỏ sự háo hức và tin tưởng cuộc chiến chống dịch của nước ta sẽ thành công

Sáng 8-3, tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), 100 cán bộ, nhân viên y tế của BV đã được tiêm những mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên. Đây là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây bệnh Covid-19.

Tin tưởng vào vắc-xin

Theo bác sĩ (BS) Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương), tổng số vắc-xin BV này tiếp nhận là 420 liều và sẽ tiêm 50 liều trong buổi sáng và 50 liều buổi chiều. 320 nhân viên y tế còn lại của BV sẽ được tiêm trong đợt sau. Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế đã được khám sàng lọc kỹ lưỡng. "Người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24 giờ. Đối với trường hợp cấp cứu phải theo dõi tiếp 24 giờ tại bệnh viện" - BS Điền cho biết. Đến trưa cùng ngày, đã có gần 50 nhân viên y tế BV Bệnh nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 được tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.

Một số nhân viên y tế cho biết dù trước khi tiêm có chút hồi hộp nhưng sau khi hoàn thành mũi tiêm, sức khỏe, tâm lý hoàn toàn bình thường và thoải mái. Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hường gửi lời cám ơn Chính phủ, Bộ Y tế đã dành những mũi tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 đầu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

"Hơn 1 năm qua, tôi cùng các đồng nghiệp đã nỗ lực hết mình để chăm sóc các bệnh nhân Covid-19. Không chỉ gặp những vất vả riêng trong công tác chuyên môn, bản thân cũng vô cùng khó khăn để có thể chăm sóc gia đình trong quãng thời gian này. Tôi tin tưởng vắc-xin sẽ góp phần hiệu quả vào công tác phòng chống dịch Covid-19 để đưa cuộc sống trở lại bình thường" - chị Hường chia sẻ.

BS Lê Văn Xuân, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bản thân anh chưa có những phản ứng, dấu hiệu gì bất thường sau nhiều giờ tiêm vắc-xin Covid-19. Theo đúng quy định, anh cùng những đồng nghiệp đã tiêm chủng vắc-xin Covid-19 sẽ tiếp tục được theo dõi 24 giờ tại BV. Trước khi tiêm, anh cũng được nhân viên tiêm chủng nhập dữ liệu cá nhân, khám sàng lọc và tư vấn đầy đủ, kỹ lưỡng... BS Xuân cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam còn diễn biến phức tạp, việc tiêm phòng vắc-xin cho nhân dân là một trong những giải pháp phòng bệnh tốt nhất.

Ngày đầu tiêm vắc-xin Covid-19: Háo hức, an tâm - Ảnh 1.

Những y - bác sĩ đầu tiên được tiêm vắc-xin tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Áo giáp" cho tuyến đầu

Sáng cùng ngày, tại TP HCM, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết BV đã chuẩn bị một khu tiêm chủng dành riêng cho nhân viên y tế, triển khai việc tiêm một cách thận trọng và quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử. Khâu tiêm vắc-xin được thực hiện bởi các nhân viên chuyên thực hành tiêm vắc-xin của BV. Người được tiêm sẽ nghỉ ngơi trong vòng 30 phút theo quy định trước khi ra về, được hướng dẫn tự theo dõi tại nhà như bất kỳ người dân được tiêm chủng nào khác.

"Dự kiến sẽ có tất cả 900 nhân viên y tế được tiêm trong đợt này, ngày đầu tiên có 100 nhân viên là các BS, điều dưỡng, hộ lý các khoa đang trực tiếp chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 dương tính như: Khoa Nhiễm D, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Khoa Cấp cứu. Sau đó, tùy theo nguồn cung ứng, BV sẽ tiếp tục tiêm cho các nhân viên y tế khác, dự kiến hoàn thành trong tuần" - BS Vĩnh Châu nói.

BS chuyên khoa II Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, là nơi nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, cũng là một trong những người được tiêm vắc-xin đầu tiên. Ông cho biết vắc-xin Covid-19 đã là niềm mong chờ từ lâu của ông và các đồng nghiệp. Lớp "áo giáp" đặc biệt này không chỉ giúp ông và các đồng nghiệp bảo vệ bản thân mà còn là bảo vệ người bệnh, chống lây nhiễm trong cộng đồng. Sau tiêm vắc-xin, BS Phong rất vui vẻ, khỏe mạnh và khoe giấy chứng nhận tiêm chủng với mọi người trước khi vào phòng theo dõi sau tiêm theo quy định.

Tại BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh hiện các nhà sản xuất vắc-xin trên thế giới chưa đáp ứng được nhu cầu, vì thế việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước là biện pháp căn cơ. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý người dân cần thực hiện "5K+ vắc-xin". "Không vì tiêm vắc-xin mà lơ là công tác phòng chống dịch bệnh, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo 5K của ngành y tế" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Ngay tại buổi triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 tại Trung tâm Y tế TP Hải Dương, 50 thành viên tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 được tiêm vắc-xin đầu tiên. Đến chiều cùng ngày, đại diện Trung tâm Y tế TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho hay công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, tất cả người tiêm sau 30 phút đều không có biểu hiện, triệu chứng bất thường.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết chiều 8-3 có 12 ca mắc mới với 1 ca tại Hải Dương và 11 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Bình Dương, Ninh Thuận và TP HCM.

PGS-TS-BS NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Thứ trưởng Bộ Y tế:

Sớm tự chủ nguồn vắc-xin

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế từ rất sớm đã chủ động, tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác quốc tế để được cung cấp vắc-xin Covid-19 và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á nhận được vắc-xin này. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong nước đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19 để sớm tự chủ về nguồn vắc-xin, đồng thời tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác quốc tế để tiếp tục có vắc-xin về Việt Nam nhiều hơn, người dân sớm được tiếp cận.

Đề nghị UBND TP HCM phối hợp cùng Bộ Y tế chỉ đạo ngành y tế địa phương và đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, cập nhật các thông tin về vắc-xin Covid-19, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho chiến dịch tiêm chủng bảo đảm an toàn, hiệu quả. Trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng, cần lưu ý việc tiếp nhận, bảo quản, quản lý và sử dụng vắc-xin theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và của Chương trình Tiêm chủng quốc gia. Do đây là vắc-xin mới, nên các đơn vị chủ động theo dõi, xử trí, báo cáo kịp thời các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Viện Pasteur TP HCM và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn TP phải tổ chức giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn việc triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 bảo đảm theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế.

Sẽ có thêm 4 triệu liều vắc-xin

Tại cuộc họp ngay sau khi những mũi tiêm vắc-xin đầu tiên được thực hiện tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã đánh giá rất cao nỗ lực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ Y tế Việt Nam nói chung và BV Bệnh nhiệt đới Trung ương nói riêng trong việc tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19, ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết để chung tay phòng chống dịch Covid-19, UNICEF đã hỗ trợ các quốc gia mua và đặt hàng vắc-xin, thương thuyết để có vắc-xin với mức giá tốt. Thông qua chương trình COVAX Facility (Việt Nam là thành viên), UNICEF sẽ hỗ trợ 20% dân số Việt Nam được tiêm vắc-xin AstraZeneca. Theo bà Rana, khi Việt Nam đáp ứng đầy đủ khuôn khổ các văn bản pháp lý theo quy định, UNICEF sẽ đưa các lô vắc-xin đầu tiên hỗ trợ cho Việt Nam. Dự kiến trong tháng 3 này sẽ có thêm 1,2 triệu liều và tháng 4-2021 có 2,8 triệu liều.

Về kế hoạch tiêm vắc-xin cho những đối tượng nguy cơ cao ngoài danh sách 13 tỉnh được ưu tiên sẽ tiêm đợt 1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tới đây sẽ tùy vào lượng vắc-xin Covid-19 Việt Nam nhận được, dựa trên tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin, Bộ Y tế sẽ phân bổ vắc-xin. "Việt Nam hiện đang nghiên cứu và phát triển 3 loại vắc-xin Covid-19, nếu kết quả thử nghiệm thành công, Việt Nam sẽ tự sản xuất được vắc-xin vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Dựa trên số lượng vắc-xin có được, Việt Nam sẽ triển khai dần từng bước, theo thứ tự ưu tiên. Chúng tôi sẽ cố gắng bao phủ tiêm vắc-xin cho toàn bộ đối tượng có chỉ định trong năm 2021-2022" - Thứ trưởng Thuấn thông tin.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh không có vắc-xin nào an toàn 100% và không có vắc-xin nào có tác dụng phòng bệnh 100%. Do vậy, muốn bảo vệ xã hội khỏi nguy cơ mắc Covid-19, đồng thời với tiêm chủng cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo