xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nặng tình với voọc

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Hằng ngày, họ kiên trì rảo quanh các lèn đá để canh giữ, chăm bẵm đàn voọc như những đứa con thơ. Nhờ thế, loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này tránh được nguy cơ bị tận diệt và đang sinh sôi một cách kỳ diệu

Những lèn đá vôi trùng điệp chạy dài từ xã Thạch Hóa đến xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình không biết từ bao giờ đã trở thành nơi cư trú và sinh trưởng của loài voọc gáy trắng (còn gọi là voọc Hà Tĩnh) quý hiếm. Ông Nguyễn Thanh Tú - ngụ thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa - là đội trưởng đội tự nguyện bảo vệ những đàn voọc này.

Đoạn tuyệt nghề bẫy thú

Chúng tôi được vợ chồng ông Tú tiếp đón niềm nở. Nói về biệt danh "Tú voọc" của mình, ông phì cười rồi bảo: "Người dân nơi đây họ gọi thế, riết rồi cũng quen".

Bận công chuyện nên ông Tú không trực tiếp dẫn chúng tôi vào khu rừng thăm đàn voọc mà giao cho ông Nguyễn Văn Hồng (ngụ xã Đồng Hóa). Ông Tú khoe ông Hồng "cũng không phải dạng vừa" trong chuyện bảo vệ voọc.

"Các chú đến xem voọc à? Tiếc quá, lúc sáng mới có 2 đàn xuống kiếm ăn sát mép nhà tui đây. Chúng vừa mới lên núi lại, các chú đến sớm một tí thì hay rồi" - ông Hồng bày tỏ tiếc nuối rồi dẫn chúng tôi về nhà.

Nặng tình với voọc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hồng hằng ngày trèo lên các lèn đá để đổ nước cho voọc uống

Bên tách trà nóng, hướng mắt về phía những ngọn lèn đá, ông Hồng cho biết năm 1988, ông nhập ngũ làm lính phòng không - không quân tại Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh. Sau 3 năm, ông xuất ngũ, về địa phương lấy vợ. Về quê, không nghề nghiệp, bất đắc dĩ ông phải chọn việc săn bắt thú, bám rừng mưu sinh, nuôi sống cả gia đình.

"Thuở ấy, cuộc sống ngặt nghèo lắm, ruộng vườn thì làm không đủ ăn. Quanh nhà chỉ toàn núi rừng nên tui chọn việc săn bắt thú để kiếm sống qua ngày. Thời đó, kiến thức eo hẹp, không biết thú rừng cũng có những loài quý như voọc" - ông Hồng nhớ lại.

Sau những năm hành nghề, ông Hồng trở thành một thợ săn lão luyện trong vùng. Hễ ai nhắc đến cái tên "Hồng thợ săn" là người dân trong vùng đều biết tiếng bởi tài săn bắt, bẫy thú điêu luyện. Ông còn leo núi rất giỏi.

"Ngày xưa, dân nơi đây gọi voọc là vượn đen. Bầy vượn này trú ngụ ở các lèn đá quanh đây. Tui cũng từng tìm săn, có ngày bẫy được 5-6 con, bán cho thương lái cứ 1 kg được vài chục ngàn đồng. Hễ ai có nhu cầu đặt hàng, liên hệ với tui thì sẽ được đáp ứng ngay" - ông Hồng kể.

Thợ săn Nguyễn Văn Hồng chắc chắn vẫn tiếp tục dấn sâu vào con đường tận diệt loài voọc gáy trắng nếu không xảy ra câu chuyện khiến ông bị ám ảnh. Ông Hồng cho biết cuối năm 2012, như thường lệ, ông lên các ngọn núi đặt bẫy thú rồi ngồi quan sát. Lát sau, một đàn voọc chừng 15 con xuất hiện. Chúng đi kiếm ăn rồi dần tiến vào vị trí mà ông đặt bẫy.

"Từ xa, tui thấy con voọc cái đầu đàn dính bẫy. Tích tắc, thêm một con khác cũng dính vào bẫy đó. Bình thường, một bẫy chỉ bắt được một con nhưng lần này lại dính 2 con. Lại gần, tui thấy cảnh tượng kỳ lạ là con voọc cái đầu đàn đã chết, con đực cứ ôm khư khư con cái không rời, rầu rĩ đến nỗi không biết có người đang đến gần..." - ông nhớ lại.

Đêm đó về nhà, ông Hồng không tài nào chợp mắt được, cứ trằn trọc mãi. Cứ vậy, liên tục nhiều đêm, cảnh tượng con voọc đực ôm xác voọc cái cứ hiện về trong giấc ngủ khiến ông manh nha ý định đoạn tuyệt nghề săn bắt, bẫy thú.

Ông Hồng bày tỏ: "Loài vật mà sống nghĩa tình như thế thì sao mình nỡ chia tách chúng nó? Dù gia cảnh vẫn túng thiếu nhưng vợ cũng khuyên can tui không nên làm cái nghề bất nhân ấy nữa".

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Đầu năm 2013, một bữa, khi ông Hồng đang soạn "đồ nghề" là những chiếc bẫy thú, cung tên, chuẩn bị nai nịt để lên rừng săn voọc thì một người đàn ông ăn mặc tươm tất đến nhà đặt mua thịt thú rừng và hẹn 3 ngày sau tới nhận.

"Lúc ấy, tôi cảm giác có điều gì đó khác lạ về người này. Nhưng vì mình là thợ săn, họ đến đặt hàng thì phải nhận lời. Lạ thay, 3 ngày sau đó, tôi liên tục đi săn và đặt bẫy nhưng không bắt được con thú nào" - ông Hồng nói.

Đến hẹn, người đặt hàng xuất hiện. Người đó chính là ông Nguyễn Thanh Tú. Hôm ấy, 2 ông ngồi tâm sự về thú rừng, tỉ tê về gia cảnh. Câu chuyện trôi dần đến xế chiều. Lúc này, ông "Tú voọc" mới thừa nhận mình đóng giả là người mua thịt thú rừng để dễ tiếp cận với mục đích khuyên ông Hồng từ bỏ nghề săn bắn.

Ông Tú còn vận động ông Hồng cùng tham gia tổ bảo vệ rừng để giám sát, che chở đàn voọc trắng. Ông Hồng đã nhận lời ngay, không chút chần chừ.

Từ đó, ông Tú và ông Hồng như một đôi tri kỷ. Người canh giữ các ngọn lèn ở phía Đông Bắc, người ở mạn Tây Nam. Hai ông thay nhau tuần tra trên những vùng lèn Giàn Vượn, Cửa Hung, Nước Lặn, Khe Đá, Hung Sú, Miếu Tam Quan… - những nơi có nhiều đàn voọc cư ngụ.

Báo hiệu tương lai tốt lành

Đang mải mê kể với chúng tôi về chuyện voọc, bất chợt ông Hồng đứng dậy rồi hốt hoảng: "Chết rồi, mải nói chuyện với chú mà quên mất. Trưa rồi, tui phải đưa nước cho voọc. Chắc giờ này chúng nó chuẩn bị xuống hốc đá tìm nước uống. Hè ni rừng núi khô cằn, mình phải đi tiếp nước, chứ không thì voọc khát lắm".

Nói xong, ông Hồng vội vã 2 tay xách 2 can nước lớn cột chặt vào xe máy rồi đi đến chân một ngọn núi đá. Ông để xe máy dưới chân núi, một tay xách can nước, một tay bám chặt từng phiến đá rồi cứ thế thoăn thoắt trèo lên ngọn núi cao ngút. Trông ông như một phượt thủ. Bám theo những phiến đá, ông chọn hốc sâu và đổ nước vào để đàn voọc xuống tìm uống.

Cứ thế, xuân - hạ - thu - đông đi qua, ngày ngày, ông Hồng lại rảo quanh các ngọn núi để tiếp nước cho voọc. "Mình sống với đàn voọc ngần ấy năm nên biết, núi non mùa mưa thì khỏi lo chứ mùa nắng như thế này là khô cằn lắm. Cứ đổ nước chỗ nào là một chút sau voọc đã đánh hơi được, đến uống liền" - ông Hồng tiết lộ.

Sau gần 2 giờ tiếp nước cho đàn voọc, khi mặt trời đã đứng bóng, ông Hồng rảo quanh các ngọn núi đá để xem động tĩnh và kiểm tra có ai vào rừng săn bắn hay không. Cứ đi một đoạn, ông lại dừng chân để ngắm nghía các đàn voọc.

"Mình phải đi thường xuyên, chứ ở nhà thì lại lo. Thời buổi ni, bọn săn bắt nhiều lắm. Nhỡ có biến chi thì còn xử lý kịp thời, chứ để chúng bắn xong còn làm gì được nữa" - ông Hồng tâm sự.

Sau một thời gian được bảo vệ nghiêm ngặt bởi ông Tú, ông Hồng và tổ bảo vệ cộng đồng, đàn voọc ở 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa sinh sôi một cách nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có một đàn với khoảng hơn 10 con mà ông Tú tìm thấy ở núi Cây Gạo vào năm 2012, đến nay, hầu như tất cả núi đá tại đây đều có sự xuất hiện của những đàn voọc.

Những ngày có mặt tại 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa, chúng tôi được chứng kiến tận mắt nhiều đàn voọc với hàng chục con vắt vẻo trên những ngọn cây ở các lèn núi đá tìm lá ăn hay nghỉ ngơi trên các tảng đá, báo hiệu một tương lai tốt lành cho loài linh trưởng quý hiếm này. 

Thủ tướng tặng bằng khen

Ghi nhận công lao của ông Nguyễn Văn Hồng, ngày 4-5, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình tổ chức trao bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh cho ông vì có những thành tích xuất sắc trong việc phát hiện và bảo vệ đàn voọc gáy trắng quý hiếm trên địa bàn.

Trước đó, tháng 3-2016, ông Nguyễn Thanh Tú cũng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích phát hiện và bảo vệ đàn voọc gáy trắng tại Quảng Bình.

Hình thành khu bảo tồn

Voọc gáy trắng là động vật quý hiếm có trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Đây là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Nam, được công bố khoa học đầu tiên vào năm 1970. Ở Việt Nam, loài động vật này đang báo động ở mức nguy cấp do việc săn bắt tận diệt.

Ba năm gần đây, voọc gáy trắng được người dân 2 xã Thạch Hóa, Đồng Hóa phát hiện trên những dãy núi đá vôi ngay khu dân cư. Đến nay, một khu bảo tồn đang dần hình thành với diện tích 175 ha.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo