xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nan giải quy hoạch đô thị ở Hà Nội

Bài và ảnh: BẠCH HUY THANH

Quy hoạch đô thị ở Hà Nội đang diễn ra chậm, thiếu đồng bộ, thiếu cơ chế đặc thù nên việc triển khai gặp khó khăn

Tại phiên chất vấn trong kỳ họp 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị lãnh đạo TP làm rõ nguyên nhân, thực trạng, trách nhiệm, giải pháp cho vấn đề chậm quy hoạch phân khu nội đô, quy hoạch đô thị vệ tinh Hà Nội.

Quy hoạch 5 năm chưa xong

Ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH - KT) Hà Nội, cho biết TP có 5 đô thị vệ tinh, trong đó đô thị Hòa Lạc là lớn nhất, được xếp hạng loại 1. Hiện chỉ có Hòa Lạc được Bộ Xây dựng chấp thuận là đủ điều kiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn 2 đô thị Sơn Tây, Sóc Sơn hiện được giao cho một số tập đoàn nghiên cứu ý tưởng, sau khi hoàn thành sẽ giao lại cho Viện Quy hoạch xây dựng lập dự án. Trong quý I/2020 sẽ báo cáo về đô thị Sóc Sơn. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên và Xuân Mai với 6 đồ án phân khu đang xây dựng để phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, cho rằng câu trả lời trên chưa đáp ứng được kỳ vọng của các đại biểu, do chưa nêu rõ các nguyên nhân chủ quan. Các nội dung quy hoạch đô thị vệ tinh đã được phê duyệt từ năm 2015, theo quy định chỉ có 9 tháng để lập quy hoạch phân khu, đến nay đã kéo dài 5 năm, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Nan giải quy hoạch đô thị ở Hà Nội - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia đánh giá quy hoạch đô thị ở Hà Nội đang rất lộn xộn, thiếu đồng bộ

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trúc Anh thừa nhận việc lập quy hoạch còn chậm, bất cập, có một phần lỗi tư vấn từ Sở QH-KT, Viện Kiến trúc, công tác lựa chọn tư vấn… "Hiện nay, công tác tư vấn gần như không đáp ứng được yêu cầu. Khi thị xã Sơn Tây lập quy hoạch phân khu 6 phường, hồ sơ gửi lên Sở QH-KT nhưng chúng tôi không thể thẩm định được. Quá trình tổ chức lập quy hoạch không đạt yêu cầu là lỗi của cả Viện Kiến trúc, Sở QH-KT và thị xã Sơn Tây. Riêng phía sở, chúng tôi nhận lỗi vì đã hướng dẫn 3-4 lần nhưng địa phương vẫn không thể thực hiện được. Có nhiều văn bản hướng dẫn phải người chuyên môn sâu mới hiểu, điều này gây khó cho những người thực hiện. Tới đây, chúng tôi sẽ khắc phục, bảo đảm việc hướng dẫn rõ ràng và cụ thể hơn" - Giám đốc Sở QH-KT nói.

Về việc lập quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống và các quy hoạch phân khu H1 còn chậm, giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho biết quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng đã được lập từ 3 năm nay nhưng vẫn gặp khó khăn vì phải tuân theo Luật Đê điều. Về quy hoạch phân khu H1 gồm các khu vực thuộc 4 quận nội đô, Bộ Xây dựng đã đồng ý gộp 4 quận này trong quy hoạch phân khu.

Điều chỉnh quy hoạch 5 huyện theo hướng đô thị

Một vấn đề được nhiều người dân quan tâm là công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn tại 5 huyện (Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng) đang thực hiện đề án xây dựng thành quận còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất trong triển khai để phù hợp với yêu cầu quản lý khi thành quận và các xã thành phường.

Về vấn đề này, ông Lê Anh Quân, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cho biết là 1 trong 5 huyện được xác định thành quận vào 2025, huyện đã xác định nhiệm vụ điều chỉnh từ quy hoạch nông thôn sang quy hoạch đô thị. Với diện tích 115 km2 thì 2/3 nằm trong quy hoạch phân khu là quy hoạch trở thành đô thị, còn 1/3 nằm ngoài quy hoạch đô thị. Huyện đã nhiều lần làm việc với Sở QH-KT đề nghị hướng dẫn, kiến nghị xem xét bỏ hoàn toàn quy hoạch nông thôn ở những vùng ngoài đô thị, để khi thành quận thì sẽ điều chỉnh toàn bộ khu vực này thành đô thị.

Theo ông Nguyễn Trúc Anh, trong số 5 huyện sẽ lên quận, những huyện nằm ở khu vực trung tâm thì đã có quy hoạch phân khu nên không cần phải có quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, các huyện Đan Phượng và Gia Lâm nằm giữa 2 khu vực nội thành và ngoại thành lại là trường hợp chưa có tiền lệ, bắt buộc phải điều chỉnh.

Liên quan đến việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết đến nay, TP đã xử lý triệt để 25 cơ sở ô nhiễm môi trường, di dời 67 cơ sở sản xuất của trung ương và Hà Nội ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. Khó khăn, vướng mắc trong việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch là các bộ, ngành chưa ban hành quy chế, chính sách di dời. Kể cả trung ương và Hà Nội cũng chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình di dời. 

Phải có cơ chế đặc thù

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - khẳng định để giải quyết được các vấn đề quy hoạch của Hà Nội hiện nay, bức thiết phải hoàn thành việc quy hoạch các khu đô thị vệ tinh càng sớm càng tốt. Để làm được việc này, cần có cơ chế đặc thù. "Khi các khu đô thị vệ tinh hoàn thành sẽ là nền tảng để giải quyết được nhiều áp lực, vấn đề nóng của Hà Nội như giãn được 1,4 triệu dân; có thêm 25.000 ha đất đai để di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học; thêm cơ sở để khởi nghiệp... Hà Nội đã xin 9 cơ chế đặc thù cho các vấn đề khác nhưng lại chưa xin cơ chế đặc thù cho vấn đề xây dựng các khu đô thị vệ tinh nên việc triển khai rất khó" - ông Nghiêm nhận định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo