xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mục tiêu giải ngân 675.000 tỉ đồng vốn đầu tư công

Bảo Trân

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu phải giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt ít nhất 95% kế hoạch, tương đương ít nhất 675.000 tỉ đồng

Ngày 21-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Tồn tại một số khó khăn

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) tính đến ngày 31-1-2023 là 541.857,52 tỉ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng giao với 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch và 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước là 93,42%.

Cũng theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, với Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (Chương trình), kết quả đã giải ngân các chính sách hỗ trợ tính đến tháng 1-2023, ước đạt 80,8 ngàn tỉ đồng... Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt 0,2% tổng nguồn lực, khả năng không giải ngân hết trong năm 2023.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết đến ngày 31-1, TP HCM giải ngân được 71,3% tương đương 26.636 tỉ đồng. Tuy không đạt mục tiêu là 95% nhưng có tăng so với năm 2021 là 6.900 tỉ đồng, tăng 35%.

Mục tiêu giải ngân 675.000 tỉ đồng vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp. Ảnh: NHẬT BẮC

Theo ông Phan Văn Mãi, có 5 nguyên nhân dẫn đến giải ngân chưa đạt kỳ vọng. Năm 2023, rút kinh nghiệm của năm 2022, TP HCM được phân bổ vốn 70.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Trong đó có 16.500 tỉ đồng vốn của trung ương, 55.200 tỉ đồng vốn của địa phương.

Đến nay, TP HCM đã phân bổ xong 100% vốn trung ương, còn vốn địa phương thì một số hồ sơ dự án chưa hoàn thiện, còn 26.000 tỉ đồng. Như vậy, đến nay đủ điều kiện để phân bổ là 14.000 tỉ đồng, còn 4 dự án với tổng vốn là 12.000 tỉ đồng, TP HCM đang khẩn trương hoàn thiện và đến cuối tháng 3-2023, HĐND TP HCM sẽ có phiên chuyên đề để phân bổ hết 100% vốn địa phương.

"TP HCM xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, của sở KH-ĐT, của phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách lĩnh vực, đã cho ý kiến về những khó khăn vướng mắc, nhất là những thủ tục phối hợp với các ngành với nhau, thủ tục về giải phóng mặt bằng, cương quyết nửa đầu năm nay công tác mặt bằng phải bảo đảm được cho các dự án" - ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

"Rút kinh nghiệm năm 2022, TP HCM rất quyết tâm thực hiện tốt hơn để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay đến ngày 31-1, Hà Nội đã giải ngân được hơn 45.000 tỉ đồng (87,8%). Tuy nhiên, Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền. "Rất mong Thủ tướng trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các bộ trưởng thì mong một nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp phân quyền cho địa phương" - ông Trần Sỹ Thanh kiến nghị.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu vướng mắc của Luật Đầu tư công là câu chuyện phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư. TP Hà Nội nhiệm kỳ này có 250.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, với số tiền này chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ. "Mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này thì mới giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn" - ông Trần Sỹ Thanh giãi bày.

Vừa là động lực vừa là nguồn lực

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư (tính đến hết tháng 1-2023) là trên 541.000 tỉ đồng, đạt gần 93,5% kế hoạch, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103.000 tỉ đồng) so với năm 2021.

Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, 7 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số tiền trên 28.600 tỉ đồng.

Theo Thủ tướng, tại một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án; năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả… Kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai kế hoạch đầu tư công còn chưa nghiêm. Phân cấp, phân quyền cần được đẩy mạnh hơn nữa.

"Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý" - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Càng kéo dài càng lãng phí

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023 (tương đương ít nhất 675.000 tỉ đồng).

Thủ tướng nhấn mạnh phải vừa bảo đảm tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

Sẽ bổ sung một số dự án cao tốc

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho biết hiện danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT gồm 21 dự án lớn với khoảng 70 dự án thành phần. Sắp tới sẽ bổ sung một số dự án cao tốc tại khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ĐBSCL và từ Tây Nguyên xuống duyên hải Nam Trung Bộ vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT để triển khai các tuyến cao tốc kết nối đồng bộ trên cả nước theo trục dọc Bắc - Nam và trục ngang Đông - Tây. Phấn đấu tới năm 2025, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) xuống tới Cà Mau.

Theo Thủ tướng, khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và nhất là Ban Chỉ đạo quốc gia phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, tạo thành khí thế, phong trào, xu thế với tinh thần thi đua cao nhất có thể. "Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên để người khác làm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm" - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn chậm, năng lực của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế, còn tình trạng chia nhỏ gói thầu.

"Có đoạn đường chỉ 50 km nhưng có tới hàng chục nhà thầu, 2-3 km một gói thầu nên phát sinh nhiều thủ tục và kết nối các nhà thầu rất khó. Cần chấm dứt chia nhỏ gói thầu, thông thầu, bán thầu" - Thủ tướng lấy ví dụ và yêu cầu các bộ ngành, địa phương, ban quản lý phải rà soát, nhanh chóng điều chỉnh, các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, các nhà thầu phải làm hết trách nhiệm.

Một vấn đề nổi lên tại cuộc họp là nguyên vật liệu cho các dự án, nhất là tại ĐBSCL, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; tinh thần là giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại. Đối với các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP HCM còn vướng mắc, Thủ tướng giao nhiệm vụ các bộ trưởng, trưởng ngành phải chủ động phối hợp giải quyết ngay, nếu vẫn vướng mắc thì Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà triệu tập cuộc họp để xử lý, tránh "văn bản lòng vòng", cải tiến cách làm nhanh chóng, hiệu quả.

Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đơn vị tư vấn thiết kế rà soát lại, các dự án phải bảo đảm cao tốc đúng chuẩn cao tốc, tốc độ tối thiểu 80 km/giờ, ít nhất có 4 làn xe, "không làm nửa vời" gây lãng phí và nguy hiểm cho các đối tượng tham gia giao thông.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo