xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mưa lũ, nước mắt và tình thương

Hồ Đăng Thanh Ngọc

Lửa đang đỏ khắp nơi từ các nồi bánh chưng, bánh tét. Bánh không phải ăn Tết mà để gửi cho bà con miền Trung. Hàng ngàn chiếc bánh chưng đang được gửi tới Hà Tĩnh, Quảng Bình

Trong kho tàng những câu thơ về mưa ở Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu có 2 câu rất hay: "Nỗi niềm chi rứa Huế ơi! Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên". Mưa ở xứ Huế, mà nói chung là cả tỉnh Thừa Thiên - Huế, quả là một thứ mưa không thể khác, đã mưa là thúi đất thúi trời.

Mưa to khắp chốn

Năm nay, mưa Huế không chỉ có vậy mà kéo dài hơn rất nhiều so với những ngày Nguyễn Bính ở Huế năm 1940 "Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày"…

Và cũng đã tang thương hơn rất nhiều.

Từ ngày 6 đến 13-10, Huế mưa dữ dội, mưa như chưa bao giờ mưa, đổ từ trên cao xuống ầm ào hết ngày sang đêm, không dứt. Lượng mưa trung bình cao ngất, từ 1.600 - 2.200 mm. Vùng A Lưới đầu nguồn sông Bồ lượng mưa 2.208 mm. Riêng Bạch Mã (đầu nguồn sông Bồ, sông Hương) lượng mưa đột biến lên đến 2.900 mm, tương đương tổng lượng mưa trong đợt lũ lịch sử đầu tháng 11-1999.

Mưa to khắp chốn, tổng lượng nước đổ về trên 3,7 tỉ m3, trong đó các hồ chứa giữ lại gần 1 tỉ m3, tổng lượng về hạ du khoảng 2,7 tỉ m3, kết hợp lượng nước tại đồng bằng khoảng 1,4 tỉ m3. Như vậy, vùng đồng bằng đã tải khoảng 4,1 tỉ m3. Hãy hình dung nếu toàn bộ diện tích Thừa Thiên - Huế trải thành đáy một bể kính thì tổng lượng nước dâng lên trong bể sẽ cao hơn 1 m. Mưa lớn khiến nước các sông lên rất nhanh và hỗn, có sông vượt đỉnh lũ năm 1999. Như sông Bồ, đợt lũ vừa qua đỉnh lên đến +5,24 m, vượt đỉnh lũ năm 1999 (+5,18 m) là 0,06 m.

Đến ngày 12-10, Thừa Thiên - Huế đã có 85.000 nhà bị ngập, trong đó các vùng hạ lưu sông Bồ như Hương Trà hơn 19.090 căn, Quảng Điền 16.228 căn, Phong Điền 13.003 căn… Cùng trôi theo nước lũ là hàng ngàn hecta hoa màu; trâu, bò, dê, lợn, lồng cá, tôm và hàng trăm ngàn gia cầm…

Thổn thức, lo âu

Giữa tang thương trong mênh mông nước bạc, Rào Trăng 3 là một cái tên khiến nhiều người nghẹn ngào.

Khuya 11-10, các công nhân đang ngủ tại lán trại công trường thủy điện bất ngờ nghe một tiếng nổ lớn. Sau đó là hàng tấn bùn, đất đá từ khắp nơi đổ ập xuống, san phẳng cả một góc rừng. Một số công nhân thoát được, dắt díu nhau băng rừng sống sót, còn 17 người bị chôn vùi, đến nay chỉ mới tìm thấy 2 thi thể.

Đau đớn là cuộc cứu nạn tiếp ngay ngày hôm sau đã khiến 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Họ đã cùng nhau ăn bữa cơm cuối cùng bên bếp lửa rừng với nửa chai nước mắm và muối mì tôm. Cũng trong đêm định mệnh đó, Tướng Nguyễn Văn Man nói một câu mang vóc dáng tinh thần người lính: "Vì việc gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân mình phải làm, quyết tâm đến cùng". Câu nói ấy sẽ còn lưu truyền mãi…

Trong số những người hy sinh ở Rào Trăng 3, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình để lại vợ yếu con thơ và căn nhà cấp 4 tuềnh toàng khiến nhiều người ngạc nhiên: Nhà của chủ tịch huyện mà nghèo đến thế sao?

Trong số các hình ảnh được ghi lại, hình ảnh ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cầm cái bánh đứng ăn ở góc rừng khiến nhiều người xúc động. Những việc ông làm cho dân, cho Huế trong thời gian qua khiến người Huế rất thương mến. Rất nhiều người tiếc vì tuổi ông đã cao, thời gian cho công việc của ông không còn nhiều nữa mà cái năm 2020 này lại đầy tai ách: Hết dịch Covid-19 lại đến bão số 5, hết bão lại mưa lũ lụt lịch sử ập đến.

Mưa lũ, nước mắt và tình thương - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sạt lở núi vùi lấp doanh trại của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng tại tỉnh Quảng TrịẢnh: Lê Phong

Thiên tai địch họa khiến bao dự định của ông Thọ và cộng sự dở dang. Những ngày gần đây, ông gầy hẳn đi, nỗi vất vả lo toan hằn lên gương mặt. Ở Rào Trăng 3, những giọt nước mắt đã đẫm trên mắt ông.

Trở ra từ hiện trường sau hơn 2 ngày vào thực địa, ông Thọ buồn bã nói với anh em báo chí: "Đây là tổn thất vô cùng lớn, đau buồn của nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế...". Ông đề nghị các cơ quan tổ chức chào cờ hoặc tổ chức giao ban vào sáng thứ hai hãy dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ 13 liệt sĩ đã hy sinh.

Sáng 18-10, sau khi viếng lễ tang 13 liệt sĩ hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụ ở thủy điện Rào Trăng 3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Quân khu 4 về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại khu vực Rào Trăng 3. Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, yêu cầu sẵn sàng lực lượng dự bị để thay thế, bổ sung; khi cần thiết sẽ huy động cả Không quân, máy bay không người lái, các phương tiện hiện đại khác. Hiện các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tiếp cận khu vực Rào Trăng 3 để tìm kiếm công nhân mất tích.

Mưa lũ, nước mắt và tình thương - Ảnh 2.

Đưa thi thể một công nhân từ thủy điện Rào Trăng 3 raẢnh: Quang Tám

Giữa lúc đoàn cứu nạn đang đào lớp lớp bùn đất ở Rào Trăng 3 để tìm kiếm thi thể các công nhân bị vùi lấp thì mưa to nước lớn lại tràn về dải đất Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Tiếng kêu cứu vang lên trong đêm khiến cả nước không ngủ. Hình ảnh những người dân nửa đêm phải đu người trên song cửa sổ được truyền tải trên mạng xã hội khiến nhiều trái tim thổn thức, lo âu.

Rồi núi sập. Sau Rào Trăng 3 là nhiều nơi khác. Khoảng 5 giờ ngày 17-10, núi Tà Rùng (xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) sập. Trong tích tắc, đất, đá vùi lấp ngôi nhà của bà Hồ Thị La Ham (người Vân Kiều) khiến con gái mới 2 tuổi của bà tử vong.

Khoảng 16 giờ ngày 17-10, núi Tà Rùng lại sạt lở vùi lấp căn nhà của anh Hồ Văn Phơi, phó trưởng thôn Tà Rùng. Đến 18 giờ cùng ngày, những người cứu nạn tìm thấy 2 thi thể vợ và con anh Phơi.

Cũng ở miền núi Hướng Hóa, sau một tiếng nổ chát chúa, mạn Bắc ngọn núi Cửa Trời ở bản Cợp, xã Hướng Phùng bỗng đổ sụp, chôn lấp 3 dãy nhà doanh trại của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Năm người may mắn được cứu trong đống đổ nát, 22 người bị chôn vùi. Đến 6 giờ ngày 19-10, 22 thi hài chiến sĩ hy sinh được tìm thấy. Lại một lần nữa, không có phép mầu nào xảy ra. Người dân trong các bản làng ra từ biệt các anh, lặng người không nói nên lời. Cây rừng giữa đại ngàn như cúi đầu.

Sau Hướng Phùng, ngày 20-10, lại một vụ sập núi kinh hoàng xảy ra tại xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), vùi lấp Đồn Biên phòng quốc tế Cha Lo và xé toạc Quốc lộ 12A. Rất may trước đó, sáng 19-10, khi phát hiện vết nứt trên núi, chỉ huy đồn đã cho di tản toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đi chỗ khác nên không có thiệt hại về người.

Những tiếng khóc xé lòng

Trong vòng 10 ngày giữa tháng 10, chúng ta đã nghe những tiếng khóc xé lòng bởi thiên tai.

Tiếng khóc và những cái lạy lục đất trời của người chồng mất vợ khi thai phụ bị cuốn trôi giữa cánh đồng nước trên đường đi sinh nở đã khiến cộng đồng mạng nức nở. Nhiều người kể họ không thể cầm lòng khi nghe tiếng khóc của thân nhân 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở lối vào thủy điện Rào Trăng 3. Rồi đoạn đường ở Quảng Trị chìm trong tiếng khóc gào đau đớn khi đưa thi thể 22 người lính đoàn 337 về. Nỗi đau thiên tai chỉ có thể được đo bằng tiếng khóc của những người mẹ, người vợ, người chị...

Một điều ấm lòng là chưa bao giờ tình dân tộc, nghĩa đồng bào lại ấm áp như những ngày qua. Các đoàn xe từ thiện từ trong Nam ngoài Bắc đổ về miền Trung. "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng", "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều"… Chao ôi, tấm nhiễu điều ngày xưa, chiếc lá nhân ái ngày xưa bằng cách nào mà cha ông vẫn truyền lại đời sau qua những đôi tay gầy guộc mà ấm áp nhân hậu vô cùng.

Tôi tin nhiều người trong chúng ta đã rơi nước mắt khi nhìn hình ảnh những nồi bánh chưng đỏ lửa trên một khoảnh sân rộng ở Nghệ An. Những ngọn lửa ấy là lửa hun đúc tình đồng bào.

Lửa đang đỏ khắp nơi từ các nồi bánh chưng, bánh tét ấy. Bánh không phải ăn Tết mà để gửi cho bà con miền Trung! Từ Đắk Lắk, Hà Nội rồi Thừa Thiên - Huế nữa... Hàng ngàn chiếc bánh chưng đang được gửi tới Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... 

Chiều qua, ghé lên ngôi chùa nhỏ, vị sư ngồi trầm ngâm: “Núi sập là điều không thể xem thường đâu”. Trong tiếng chuông chùa vọng hoàng hôn, chợt nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết, đại ý: Con người phải biết lễ độ trước thiên nhiên! Vâng, nhiều người đã mặc nhiên quên điều đó từ rất lâu rồi…
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo