xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một góc nhìn về người Quảng

LÊ MINH QUỐC

Tính cách Quảng Nam vì hay cãi nên dễ dẫn đến cực đoan, bảo thủ. Không khoan nhượng đối với kẻ thù là đúng nhưng đối với bạn bè, đồng chí lại trở thành thiếu khoan dung...

Hành trình mở cõi đi về phương Nam là khát vọng của người Việt. Chính sử chép vào năm 1471, vua Lê Thánh Tôn lấy đất Hóa Châu đặt làm "Quảng Nam thừa tuyên", chia làm ba phủ Thăng, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (tức Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay). Để có được tên gọi này, ông cha ta đã đi một chặng đường dài đến mấy thế kỷ.

Một góc nhìn về người Quảng - Ảnh 1.

Tính từ đợt bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông năm 1471, sau đó đặt Quảng Nam thừa tuyên đạo, đất Quảng đến nay đã có lịch sử 550 năm. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Từ "Quảng Nam thừa tuyên", dần dà về sau, Quảng Nam được phân định địa lý như ngày nay, đó là vùng đất đã sinh ra những bậc kỳ tài như Đoàn Ngọc Phi, Phạm Hữu Kính, Lê Văn Thủ, Nguyễn Tường Vĩnh, Đỗ Thúc Tịnh, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thành Ý, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Phạm Như Xương, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Đình Dương, Phan Khôi, Phan Thanh…

Thương hiệu "Quảng Nam hay cãi"

Vậy, tính cách của người Quảng Nam thế nào?

Câu hỏi này, không dễ dàng trả lời, vì rằng gốc gác người Quảng Nam vẫn từ cội nguồn của văn hóa sông Hồng, nằm trong tinh hoa, giá trị tinh thần người Việt nói chung. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm tháng từ phong thổ, khí hậu, công cuộc mưu sinh… lẫn va chạm, quan hệ với cư dân trước đó, tính cách con người Quảng Nam từng bước hình thành.

Tính cách này, từ thời nhà Nguyễn, bộ sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi nhận: "Học trò chăm học hành, nông phu chăm đồng ruộng; siêng năng sản xuất mà ít đem cho; vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công. Quân tử giữ phận mà hổ thẹn việc bôn cạnh, tiểu nhân khí khái mà hay kiện tụng. Dân ven núi sinh nhai về nghề hái củi đốn cây, tính tình chất phác; dân ven biển sinh nhai về nghề tôm cá, tính tình nóng nảy". Một cách nói khái quát, dù trải theo năm tháng nhưng vẫn còn đáng để chúng ta suy nghĩ, vì rằng trong đó còn có tính cách vẫn không thay đổi; hoặc đã thay đổi ở mức độ nào là điều không dễ dàng trả lời. Mà, dù đã có câu trả lời đi nữa, chắc gì người Quảng Nam gật gù đồng tình? "Quảng Nam hay cãi" đã trở thành "thương hiệu" của vùng đất này.

Cãi là một cách nói nôm na, đó là tinh thần phản biện. Tính cách này cứng cỏi nặng về lý; nếu ghét, không hài lòng có thể nói "cứng đầu" nhưng đây là một ưu thế, thế mạnh của cư dân Quảng Nam . Nếu không như thế, làm sao người Quảng Nam có thể đi đầu trong nhiều lãnh vực như nơi đầu tiên khởi xướng Duy Tân hội (1904), phát động cuộc biểu tình kháng thuế vĩ đại có ảnh hưởng sâu rộng trong cả nước (1908), mở đầu phong trào Thơ mới với vài trò của Phan Khôi (1932)…

Sở dĩ cãi là do đâu? Nhà "Quảng Nam học" Nguyễn Văn Xuân nhìn từ vị trị địa lý: "Quảng Nam có một địa thế rất lạ, ít nơi nào trên nước Việt có: Gồm hai cửa bể cực kỳ quan trọng: Hội An và cửa Hàn (Đà Nẵng)… Suốt thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn đang thịnh, Hội An đóng vai trò hải cảng số một một của Đàng Trong: Đó là nơi giao thông quốc tế" (Phong trào Duy Tân, NXB Đà Nẵng - 1995, tr.65). Từ đó, "Duyên do là tại họ được tiếp xúc lâu đời quá với đủ các bộ mặt ngoại quốc, các nền văn minh các tôn giáo, các hàng hóa, các thói tục, các khả năng… Nó giúp cho họ có một trí phán đoán khác lối phán đoán quen thuộc của tiền nhân trong sách vở" (tr.70).

Đây chính là cơ sở, thực chất "cãi" của người Quảng Nam.

Nhìn chung, nước Nam ta đâu cũng là "địa linh nhân kiệt" nhưng tại sao căn cứ địa của phong trào Duy Tân lại đặt Quảng Nam, khởi xướng tại Quảng Nam - một phong trào nổi bật trong công cuộc vận động văn hóa nước ta đầu thế kỷ XX? Trả lời thế nào, nếu không từ tính cách "hay cãi"? Học giả Nguyễn Văn Xuân lý giải rành rọt: "Vì Nghệ Tĩnh có nhiều sĩ phu anh hùng nhưng không có cửa biển nào để dân chúng mở rộng đôi mắt. Thừa Thiên tuy đào tạo nổi một Nguyễn Lộ Trạch mà không đủ quần chúng, sĩ phu tiên tiến, không đủ những nhà tư sản, sản xuất thương mãi, đòi hỏi duy tân, lại bị chế độ phong kiến bóp nghẹt. Hà Nội có những sĩ phu giác ngộ nhưng đã từ lâu, dưới sự cưỡng chế của triều Nguyễn, sĩ phu Hà Nội bị gạt ra khỏi "tập đoàn lãnh đạo" nên nay trở nên bỡ ngỡ. Quảng Nam có những điều kiện về cửa biển, về nguồn lợi và nhất là sĩ phu có óc cải tiến và quần chúng ít thành kiến cho nên duy tân là một nhu cầu chính trong sinh kế, trong phát triển và của trong dự phóng cứu nước một cách hữu hiệu" (tr.77).

Tinh thần chấp nhận cái mới, nhìn thấy cái mới để rồi nỗ lực thực hiện cho bằng được. Nghĩ cho cùng đó chính là biết cãi bằng nhiệt thành tiếp cận chân lý, đi đến sự đổi mới, tiến bộ, chứ không ù lì giẫm chân tại chỗ. Nhưng nếu chỉ "ếch ngồi đáy giếng" mà cái gì cũng cãi, chẳng hiểu đầu cua tai nheo, chỉ ù ù cạc cũng cãi, gân cổ lên cãi thì không phải là người Quảng Nam!

Tính cách Quảng

Cãi, lúc nào cũng cãi, đâu là điều cần suy nghĩ?

Trên báo (Báo Quảng Nam - Đà Nẵng số Xuân 1996), ông Mai Thúc Lân - người từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (từ giữa nhiệm kỳ khóa XV đến hết khóa XVI) - cho rằng: "… Tính cách Quảng Nam cũng không phải chỉ là ưu điểm. Mặt trái của tính cách Quảng Nam là vì hay cãi nên dễ dẫn đến cực đoan, bảo thủ; kiên quyết nhưng cũng dễ đưa đến khó dung hòa. Không khoan nhượng đối với kẻ thù là đúng nhưng đối với bạn bè, đồng chí lại trở thành thiếu khoan dung. Những tính cách này thường gây trở ngại trong công việc và căng thẳng trong quan hệ một cách không đáng có. Có một câu chuyện rất điển hình nói lên tính cực đoan của dân Quảng Nam: Hội đồng Nhân dân ở một xã nọ có 16 đại biểu họp kỳ thứ nhất để bầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân. Người được đề cử là một nữ đảng viên trẻ, có năng lực, đã qua công tác ở cơ sở và cũng là người duy nhất được giới thiệu. Lần bầu thứ nhất có 8 phiếu đồng ý, 8 phiếu chống, sau khi trao đổi, thảo luận bầu lần thứ hai vẫn 8 phiếu thuận, 8 phiếu chống, bầu lần thứ 3 cũng như thế. Sự "kiên định" của các đại biểu hội đồng đến thế là cùng. Dứt khoát không khoan nhượng, không dung hòa. Tính cách đó có thể là rất tốt, rất đáng học tập nếu trong trường hợp đối xử với kẻ thù, còn nếu đối với bạn bè, đồng chí thì quả là điều cần xem xét. Tôi về công tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng đã được hai năm. Ra họp ở Hà Nội, có người hỏi:

- Cậu về công tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng, cái gì là thuận lợi nhất?

Tôi trả lời không ngần ngại:

- Đó là tính cách của Quảng Nam.

- Thế thì cái gì khó khăn nhất?

- Đó cũng là tính cách Quảng Nam".

Kỳ tới: Vóc dáng mới của vùng đất mở

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-6.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo