xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở không gian mới cho TP HCM

MINH ANH

Việc dần hình thành không gian ngầm và khơi thông lợi thế "vàng" của đôi bờ sông Sài Gòn sẽ góp phần "vẽ" nên bức tranh TP HCM mới sau năm 2023

Những ngày cuối tháng 4-2022, trong không khí hối hả về đích của các gói thầu tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM khẳng định đơn vị và các tổng thầu đang nỗ lực khắc phục khó khăn để đưa toàn tuyến vào vận hành trong năm 2023. Cùng với việc TP HCM ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP HCM, trong đó nêu rõ chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống hầm, hứa hẹn sau năm 2023, một khu đô thị ngầm sẽ xuất hiện ở trung tâm thành phố.

Ưu tiên không gian ngầm

Theo quy hoạch, đường ngầm Tôn Đức Thắng có 2 làn xe mỗi hướng. Tuyến ngầm có kết cấu 2 tầng, trong đó, tầng 1 bố trí bãi đậu xe công cộng và lối ra/vào, tầng 2 xây dựng bãi đậu xe công cộng và đường ngầm Tôn Đức Thắng. Các lối ra/vào bãi xe ngầm bố trí 2 làn xe riêng biệt và không được kết nối trực tiếp xuống đường ngầm Tôn Đức Thắng. Bãi đậu xe ngầm có sức chứa 300 xe hơi, có thể tận dụng một phần cho xe 2 bánh. Bên cạnh đó, tại khu vực Công trường Mê Linh sẽ xây dựng một vườn trũng ngầm ở giữa và bố trí cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng... Vườn trũng kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm ở dưới đường Tôn Đức Thắng, đồng thời bảo đảm kết nối với các tòa nhà xung quanh trong tương lai.

Phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng diện tích 930 ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) cũng chính là ưu tiên của TP HCM. Trong đó, đặc biệt tập trung xây dựng không gian ngầm quanh khu vực nhà ga Bến Thành của tuyến metro 1. Tại đây, trung tâm thương mại ngầm Bến Thành diện tích khoảng 45.000 m2, gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng

21.500 m2, sẽ được hình thành để phục vụ nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân. Ngoài ra, thành phố định hướng phát triển không gian ngầm với nhiều tầng ở đường Nguyễn Huệ. Cụ thể, tầng hầm 1 tạo hành lang cho người đi bộ kết nối với các khu vực lân cận như Nhà hát Thành phố, khu công viên dọc sông Sài Gòn. Hành lang được bố trí đài phun nước, công viên mini...

TS-KTS Hoàng Ngọc Lan, Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, đánh giá khi có khu đô thị ngầm, một loạt vấn đề giao thông hiện nay tại khu trung tâm sẽ được giải quyết. Thứ nhất, tạo sự an toàn cho người đi bộ tại các không gian công cộng như: đường Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng. Thứ hai, giúp tăng diện tích không gian công cộng chính của thành phố ra bờ sông Sài Gòn trong bối cảnh khu trung tâm lịch sử đang thiếu quảng trường. Thứ ba, khai thác không gian ngầm làm tăng hiệu quả sử dụng đất, bổ sung thêm các chức năng cần thiết cho khu trung tâm, như: bãi xe, cửa hàng thương mại ngầm... mà vẫn giữ được sự thông thoáng cho trung tâm thành phố.

Mở không gian mới cho TP HCM - Ảnh 1.

Đô thị dọc sông Sài Gòn khi hình thành sẽ kéo theo nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ và trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho TP HCM

Mở không gian mới cho TP HCM - Ảnh 2.

Đô thị ngầm đang dần hình thành ở trung tâm TP HCM. Trong ảnh: Ga ngầm Nhà hát Thành phố của tuyến metro số 1 đã thành hìnhẢnh: HOÀNG TRIỀU

Đánh thức tiềm năng sông Sài Gòn

Quy chế quản lý kiến trúc TP HCM còn nêu rõ định hướng mở không gian đô thị về phía sông Sài Gòn. Lãnh đạo TP HCM cũng chỉ đạo phấn đấu hoàn thành đề án quy hoạch phát triển kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn trong năm 2022 để năm 2023 có thể bắt tay thực hiện con đường chạy dọc sông Sài Gòn từ quận 1 đến huyện Củ Chi, giúp thành phố khai phá "mỏ vàng" vô giá từ sông Sài Gòn.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế đô thị, lợi thế đôi bờ sông Sài Gòn đang bị bỏ quên và TP HCM cần phải có kế hoạch khai thác ngay. Tuyến đường ven sông không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà còn giúp hình thành 2 động lực rất lớn tạo đột phá cho nền kinh tế TP HCM. Thứ nhất, khai thác đường, quỹ đất 2 bên bờ sông, chuyển đổi mục đích để tạo ra những dự án đô thị, dân cư. Thứ hai, khu đô thị Tây Bắc cũng sẽ bắt đầu được khai phá, phát triển. Hai động lực này sẽ góp phần tạo đột phá cho nền kinh tế và "vẽ" nên bức tranh đô thị văn minh, hiện đại của TP HCM sau năm 2023.

Như TS Trần Du Lịch từng nhấn mạnh, mỗi quốc gia có thể khai thác lợi thế khác nhau từ con sông nhưng đặc điểm chung là nơi nào có sông chảy qua thì 2 bờ đều được khai thác. Đơn cử, sông Seine (Paris) nhỏ, chỉ bằng kênh Tẻ của TP HCM, nhưng người Pháp dựng nên những lâu đài, thành quách 2 bên bờ cùng nhiều tàu nhà hàng nổi chạy dọc sông vào buổi tối. Khách du lịch đến Paris hầu như ai cũng thích mua vé ăn tối trên tàu để ngắm nhìn, thưởng thức vẻ đẹp cổ kính của lâu đài, thành quách. Dẫn chứng trên cho thấy đô thị dọc sông Sài Gòn rồi đây sẽ kéo theo rất nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ và trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho thành phố.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM nêu rõ Đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP HCM giai đoạn 2020-2045" đặt mục tiêu khôi phục dấu ấn hoạt động sông nước, qua đó nhấn mạnh đặc trưng đô thị sông nước Sài Gòn từ 300 năm trước. Sau thời gian bị "bỏ quên" và được coi như mặt sau của TP HCM, sông Sài Gòn sẽ trở thành mặt tiền thành phố. Theo đó, định hướng phát triển dọc sông Sài Gòn sẽ gắn liền bài toán giao thông, hạ tầng xanh với kè sông, cầu tàu, cầu cảng, kho bãi phục vụ logistics... Bên cạnh đó, một số khu vực có thể xây dựng công viên, trường học, trung tâm y tế sức khỏe cộng đồng, hạ tầng phục vụ du lịch - dịch vụ...

Xóa những khu nhà lụp xụp

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 1 triệu căn hộ giá rẻ dành cho người thu nhập thấp cũng như mục tiêu chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo TP HCM gần đây đã thực hiện hàng loạt giải pháp gỡ khó.

Điển hình, đầu tháng 3 vừa qua, tại buổi làm việc với Sở Xây dựng liên quan đến nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định ông sẽ làm tổ trưởng để triển khai các đầu việc mà sở này đề xuất. Mới nhất, ngày 26-4, hai dự án nhà ở xã hội quy mô gần 900 căn hộ với đầy đủ tiện ích và chất lượng công trình tương đồng với dự án nhà ở thương mại đã được khởi công, hứa hẹn giúp người lao động thu nhập thấp thỏa giấc mơ an cư, nâng tầm chất lượng sống.

Đối với chung cư cũ nguy cấp, trong năm 2022, TP HCM sẽ quyết liệt xử lý. Trước mắt, thành phố sẽ khởi công cải tạo 2 chung cư cũ cấp D, gồm: chung cư 23 Lý Tự Trọng (quận 1) và chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình). Trước đó, ngày 26-2, tại quận Bình Thạnh, Sở Xây dựng phối hợp chủ đầu tư tổ chức lễ động thổ dự án nhà ở phục vụ tái định cư tại cư xá Thanh Đa (lô IV-VI) với quy mô 1.750 căn hộ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo