xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Miền Trung cần cơ chế đặc thù để vươn lên

Anh Tú

Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng, vận hành cơ chế điều phối vùng; tổ chức chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển...

Ngày 5-2, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị "3 trong 1"

Hội nghị diễn ra với chủ đề "Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững". Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là hội nghị "3 trong 1", được tổ chức nhằm công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005-2020 - cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004.

Miền Trung cần cơ chế đặc thù để vươn lên - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu trưng bày nông sản, sản phẩm thủ công đặc trưng của vùng Ảnh: ANH TÚ

Tuy nhiên, phát triển KT-XH của vùng còn bất cập và gặp nhiều thách thức; chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người còn thấp; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa đột phá...

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhìn nhận vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có nhiều tiềm năng, lợi thế, đủ điều kiện để hình thành, phát triển các trung tâm đô thị, du lịch biển quy mô lớn và hiện đại; có nhiều sân bay, cảng biển lớn... Tuy nhiên, vùng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: hạn chế về quy mô thị trường và lưu thông hàng hóa; địa hình trải dài, nhiều đồi núi, đèo dốc, vận chuyển hàng hóa khó khăn; xuất phát điểm của các tỉnh, thành trong vùng thấp; việc tích lũy, đầu tư nhỏ, thường xuyên chịu tác động thiên tai, bão lũ… nên quy hoạch không gian, huy động nguồn lực, bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng rất hạn chế.

"Để tạo động lực thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cho phát triển, đề nghị trung ương sớm ban hành quy hoạch vùng. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng. Đặc biệt là các chính sách đầu tư cho hạ tầng khai thác, nuôi trồng thủy hải sản phục vụ quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, sớm cụ thể hóa các mục tiêu nghị quyết đã đề ra" - ông Hồ Quốc Dũng kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tầm nhìn quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngư dân cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững "tam ngư": ngư nghiệp - ngư dân - ngư trường.

Cần đột phá để trở thành vùng đất giàu có

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo. Vùng có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ loại hình; tài nguyên, khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn; tài nguyên độc đáo, nhiều loại hình du lịch phong phú với 5 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 6 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; nguồn lực to lớn về con người...

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tình hình phát triển KT-XH của vùng thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thu nhập bình quân đầu người của vùng thấp hơn cả nước.

Miền Trung cần cơ chế đặc thù để vươn lên - Ảnh 2.

Tập đoàn THACO xuất khẩu sơ-mi rơ-moóc sang thị trường Mỹ bằng tàu thủy tại cảng Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đồng thời, phát huy tính tự lực, tự cường; đổi mới sáng tạo, gắn với phát huy lịch sử văn hóa, ý chí của con người miền Trung; huy động, tập trung nguồn lực, phát triển có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, nhất là hợp tác công - tư; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực, mục tiêu của sự phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng nêu rõ Bộ Chính trị đã có nghị quyết, Chính phủ đã có chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Việc quan trọng hiện nay là phải tổ chức thực hiện thật tốt để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thành vùng đất giàu có, giàu bản sắc văn hóa, nhiều đột phá hơn nữa.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và 14 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ; tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng. Trong đó, phải xây dựng, vận hành cơ chế điều phối vùng; tổ chức chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; tập trung chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy kinh tế du lịch, phát triển kinh tế rừng, kinh tế nông nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung vào 3 động lực tăng trưởng gồm: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Bên cạnh đó, phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đường bộ cao tốc gắn với các cảng biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với Tây Nguyên...

Tại hội nghị, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã công bố những dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư. Đó là các dự án hạ tầng KCN; đầu tư xây dựng cảng biển; điện gió và công nghiệp sản xuất cánh quạt, thân trụ điện gió; hạ tầng, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc và sân bay; các dự án phát triển du lịch, logistics... 

Trình bày tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định tài nguyên du lịch biển đảo là tiềm năng và thế mạnh đặc biệt của vùng. Hoạt động du lịch biển đảo trong những năm qua ở vùng này chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh to lớn của vùng.

"Lãnh đạo các địa phương, hiệp hội du lịch, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch trong vùng cần định hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch dựa trên lợi thế của vùng; tạo sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, đặc thù, khác biệt, có chất lượng, đẳng cấp cao" - ông Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận.

8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để thực hiện Nghị quyết 26, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

- Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 26.

- Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

- Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH nội vùng, nhất là hạ tầng giao thông.

- Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội vùng.

- Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo