xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN CÔNG CHỨC Ở TP HCM (*): Hệ lụy không nhỏ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Cán bộ phường, xã thiếu trong khi địa bàn rộng, dân số không ngừng tăng khiến xây dựng trái phép, xả thải gây ô nhiễm, dự án "ma", vỉa hè bị lấn chiếm... cứ lén lút diễn ra

"Không chỉ là điểm nóng về xây dựng không phép, 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh (TP HCM) còn là "ổ" của những cơ sở sản xuất ô nhiễm nhỏ lẻ từ trong nội thành di dời ra. Ở đây, hầu như tuần nào chúng tôi cũng nhận tin phản ánh của người dân về vấn nạn xả thải gây ô nhiễm môi trường" - một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Bình Chánh cho biết.

LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN CÔNG CHỨC Ở TP HCM (*): Hệ lụy không nhỏ - Ảnh 1.

Ô nhiễm, xây dựng không phép đang là vấn đề nhức nhối ở các quận, huyện vùng ven TP HCM. Ảnh: THU HỒNG

Ô nhiễm, xây dựng không phép tái diễn

Để công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường có hiệu quả, giải tỏa bức xúc cho người dân, cuối năm 2019, UBND huyện Bình Chánh yêu cầu các xã, thị trấn xử lý các vi phạm đất đai song hành với vi phạm môi trường thông qua rà soát 289 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm. Qua đó sẽ chia làm 4 nhóm, nhóm nào xây dựng nhà xưởng không phép, không phù hợp quy hoạch sẽ buộc cưỡng chế tháo dỡ. Thế nhưng, hơn 7 tháng qua, chỉ vài cơ sở di dời đi nơi khác, còn lại vẫn hoạt động.

Theo vị cán bộ trên, dù có rất nhiều vụ việc xả thải gây ô nhiễm nhưng việc xử lý dứt điểm không xuể, vì muốn làm được thì cán bộ phải thường xuyên đeo bám địa bàn. Điển hình là 2 cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động nhiều năm nằm dọc kênh T17 giáp đường Trần Hải Phụng (ấp 1, xã Vĩnh Lộc B), phải mất gần 3 tháng ráo riết theo đuổi vụ việc từ cấp huyện đến xã thì chủ cơ sở mới tạm ngưng hoạt động. Trước đó, 2 cơ sở này đã hoạt động nhiều năm gây bức xúc kéo dài cho người dân, việc xử lý khó khăn bởi chủ đất không hợp tác, cán bộ xã lại thiếu nên không thể kiên trì theo đuổi vụ việc. "Số vụ xử lý thành công như thế này đếm trên đầu ngón tay, muốn giải quyết thêm cũng không được vì các xã đều than người ít việc nhiều" - cán bộ này nói.

Ngoài những cơ sở tái chế nhựa, ở xã Vĩnh Lộc B có hơn 30 cơ sở giặt ủi nằm xen cài khu dân cư thường xuyên gây ô nhiễm khói bụi, nước thải đổ thẳng ra kênh rạch khiến người dân bức xúc, khiếu nại. Hầu hết những cơ sở này đều bị lập biên bản xử phạt hành chính về hành vi xả nước thải, khí thải vượt chuẩn ra môi trường nhưng vẫn chây ì hoạt động mà vẫn không thể cưỡng chế di dời.

Nói về nguyên nhân chậm cưỡng chế, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, cho biết xã muốn làm nhưng phải cần bổ sung nhân lực bởi quy trình cưỡng chế 1 công trình đặc biệt là công trình lớn như nhà xưởng tốn rất nhiều thời gian, nhân sự và phải qua nhiều bước như lập phương án tháo dỡ, dự toán kinh phí… Nếu tập trung xử lý cưỡng chế các nhà xưởng này sẽ đình trệ rất nhiều đầu việc khác bởi hiện nay, 1 công chức phải xử lý cả chục đầu việc.

Ông Phong đưa ra bài toán, cả xã có 1.910 doanh nghiệp mà chỉ có 5 - 6 cán bộ không chuyên trách phụ trách tổ môi trường. Bình thường đã áp lực căng thẳng bởi họ làm rất nhiều đầu việc từ môi trường, nông thôn mới, thực hiện Chỉ thị 19… đến quản lý việc thu gom rác sinh hoạt. "Sắp tới nếu phải tinh giảm cán bộ theo Nghị định 34 thì 1 công chức sẽ phụ trách 1.910 doanh nghiệp này" - ông Phong tính toán. Theo ông, không chỉ "đau đầu" về tình trạng ô nhiễm môi trường, thực trạng xả rác ra đường, kênh rạch cũng là gánh nặng đối với những xã có hơn 60% là dân nhập cư như Vĩnh Lộc B. Chưa kể tình trạng xây dựng không phép lén lút diễn ra, năm 2019 xã này đã xử lý gần 500 trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng.

Thực trạng trên cũng xảy ra khắp ở các quận, huyện vùng ven đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Đơn cử như ở quận Bình Tân, Thủ Đức, quận 9…, ngoài xây dựng không phép, các dự án "ma" cứ lén lút hoành hành gây nhiều hệ lụy. Đại diện UBND quận Bình Tân thì cho rằng các cán bộ phụ trách lĩnh vực đô thị, môi trường hằng ngày gồng mình ở trụ sở làm việc, không thể rời ghế để ghi nhận. Trong khi camera an ninh chỉ phát huy được một phần nhỏ. Vì vậy, lĩnh vực xây dựng, môi trường khó quản tốt!

LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN CÔNG CHỨC Ở TP HCM (*): Hệ lụy không nhỏ - Ảnh 2.

Ở nội thành TP HCM, hình ảnh vỉa hè bị biến thành chỗ đậu xe như thế này không phải hiếm gặp. Ảnh: HẠ GIANG

Bộ mặt đô thị bị bôi bẩn

Nếu tình trạng ô nhiễm, xây dựng không phép nhức nhối ở vùng ven, thì ở nội thành việc thiếu công chức, viên chức cấp phường đã ít nhiều là nguyên nhân khiến bộ mặt đô thị bị bôi bẩn, điển hình nhất là việc vỉa hè liên tục bị tái chiếm.

Bằng chứng là, những ngày này, dù hàng quán đóng cửa khá nhiều vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra ở nội thành. Không cần phải điều tra, chỉ cần đi qua hàng loạt tuyến đường ở quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Tân Bình… ai cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh đủ loại hàng quán cơi nới mái hiên, che bạt, dựng bảng hiệu, kê bàn ghế, đậu xe kín vỉa hè. Thậm chí có những nơi chiếm vỉa hè và cả lòng đường phía dưới. Tủ điện, cây xanh dọc các tuyến đường cũng bị đóng đinh, căng dây, gắn đèn trang trí cùng đủ loại bảng hiệu mời chào khách. Còn dưới lòng đường, tình trạng ôtô đậu sai quy định vẫn tràn lan.

Nguyên nhân được lãnh đạo UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) giải thích là hiện nay cán bộ quản lý trật tự đô thị gần như quá tải. Ở phường này, cán bộ đô thị ban ngày kiểm tra, xử lý các trường hợp đậu/đỗ sai quy định, lấn chiếm lòng lề đường ở bệnh viện, công viên, khu dân cư; ban đêm, tuần tra kiểm soát cả tuyến "phố Tây" Bùi Viện đến 22 giờ. "Họ đã làm quá sức rồi. Thiếu người nghiêm trọng và chỉ có 3 cán bộ phụ trách. Mức lương hiện nay còn thấp trong khi việc ngày càng nhiều" - vị lãnh đạo UBND phường Phạm Ngũ Lão nói, đồng thời cho rằng do thiếu nhân sự nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè cứ thế diễn ra. Cán bộ phường ít hơn cả các nhân viên phục vụ ở các hàng quán. Mỗi khi bắt đầu tuần tra thì người dân báo cho nhau thu dọn vào, khi đi khỏi lại bày ra. Đây là cuộc rượt đuổi không cân sức. Nếu bổ sung nhân sự thì phường mới có khả năng tuần tra khép kín; hoặc cắm chốt ở những vị trí tái diễn vi phạm liên tục...

Tương tự, ông Trương Hoài Phong, Trưởng Phòng Nội vụ quận 10, cho rằng so với nhu cầu thực tế thì số lượng biên chế công chức còn thiếu, dẫn đến áp lực công việc của cán bộ, công chức rất lớn. Lý giải của lãnh đạo phường Phạm Ngũ Lão hay trưởng Phòng Nội vụ quận 10 cũng là thực trạng chung ở các quận nội thành liên quan đến tình trạng vỉa hè bị tái chiếm. Và theo họ, cán bộ trật tự đô thị đã cố hết sức có thể trong thực thi công vụ... 

Xuất hiện khái niệm "nhà mọc đêm"!

Trong một số báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đã xuất hiện khái niệm "nhà mọc đêm". Lý giải về khái niệm này, Thanh tra Sở Xây dựng cho hay những năm gần đây, rất nhiều căn nhà được xây tốc hành trong 1-2 đêm.

Trong các nguyên nhân do địa phương nêu ra về tình trạng xây dựng không phép, sai phép, tất cả đều cho rằng địa bàn rộng, cán bộ phụ trách không quản lý nổi vì quá tải. Minh chứng là, dù Thành ủy TP HCM có Chỉ thị 23 về chấn chỉnh trật tự xây dựng, các địa phương ra quân mạnh mẽ nhưng trung bình mỗi ngày có 2,1 vụ vi phạm xây dựng không phép, sai phép mà cán bộ địa bàn không thể phát hiện kịp thời để ngăn chặn.


Hồ sơ trễ hẹn nhiều

Truy cập vào phần mềm Hóc Môn trực tuyến, tỉ lệ hồ sơ trễ hẹn cao nhất là lĩnh vực môi trường và đất đai, đặc biệt trong danh mục Phản ánh có khoảng 50% số lượt phản ánh của người dân liên quan "hồ sơ trễ hẹn". Đó là thực trạng diễn ra thời gian qua tại huyện Hóc Môn - huyện khá "nóng" về đất đai, xây dựng.

Dù trong những ngày phòng chống dịch Covid- 19 nhưng lượt người đến làm thủ tục hành chính tại Phòng Nhận và trả kết quả hồ sơ của UBND huyện Hóc Môn vẫn đông nghịt. Chờ gần 2 giờ mới nhận giấy hẹn trả kết quả, anh Nguyễn Thanh Cảnh (xã Đông Thạnh) lắc đầu cho biết ở đây "nóng" nhất là thủ tục liên quan đăng bộ vì giao dịch mua bán đất đai nhiều nên cán bộ làm việc luôn tay. Giấy hẹn trả kết quả 15 ngày nhưng cán bộ luôn nhắc gọi điện trước khi tới vì hầu như các hồ sơ đều trễ hẹn từ 7 đến 15 ngày.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-8 

Kỳ tới: Những việc cần làm ngay

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo