xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lấy thiện chí trọng dụng trí thức Việt kiều

THÀNH ĐỒNG - SỸ ĐÔNG - PHAN ANH

Để chính sách "trải thảm" đón trí thức Việt kiều phát huy hiệu quả, TP HCM cần tạo dựng cho họ môi trường làm việc thuận lợi, bình đẳng, chính sách minh bạch, thông thoáng

Việc UBND TP HCM đề ra chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ tại TP nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn và người trong cuộc, cho rằng đây là bước đột phá mới về nhận thức, cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Nên chọn theo dự án cụ thể

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm khẳng định TP sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách, cũng như xây dựng chặt chẽ quy trình, thủ tục tuyển chọn, bố trí, bổ nhiệm chức danh… nhằm tạo mọi thuận lợi để chuyên gia, trí thức kiều bào có trình độ chuyên môn cao ở các ngành mũi nhọn, có uy tín trong cộng đồng kiều bào tham gia đảm nhiệm những cương vị công tác khoa học. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực thiết yếu, quản lý, điều hành để tham gia trực tiếp vào các dự án, chương trình trọng điểm của TP.

Phấn khởi trước những động thái của TP nhưng giới chuyên gia lẫn kiều bào cho rằng các chính sách cần cụ thể. Theo ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế - Khoa học và Công nghệ (Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài), phần lớn trí thức Việt kiều đều mong được tạo điều kiện để góp sức xây dựng quê hương mà không đòi hỏi sự ưu đãi. Điều họ cần là mọi thứ phải rõ ràng, các cơ quan trong nước cần tạo dựng cho họ môi trường làm việc thuận lợi, bình đẳng, chính sách minh bạch, thông thoáng. Trong khi đó, chuyên gia giao thông Phạm Sanh bày tỏ băn khoăn trước thực tiễn những năm qua, việc thu hút nhân tài nhiều khi nói nhiều mà làm ít. Do vậy, theo ông Sanh, "nói phải đi đôi với làm", phải kèm theo những chính sách, cách làm cụ thể.

Theo Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, trong số gần 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, ước tính có khoảng 300.000 người được đào tạo ở trình độ đại học (ĐH) và công nhân kỹ thuật bậc cao; trong đó có nhiều người nắm giữ những vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường ĐH, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế. Do đó, cách làm hiệu quả nhất là nên chọn ra những dự án cụ thể để thu hút sự tham gia của Việt kiều.

Lấy thiện chí trọng dụng trí thức Việt kiều - Ảnh 1.

Chuyên gia, trí thức Việt kiều trao đổi với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong một lần về dự hội nghị tổ chức tại TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Cần đối xử bình đẳng

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - người có nhiều năm học tập, làm việc ở Canada - đánh giá chính sách đối với kiều bào hiện nay đã cởi mở hơn trước nhưng cần thông thoáng hơn nữa để thu hút kiều bào về nước làm việc. Theo ông Sơn, quá trình triển khai chính sách, TP cần lập một cơ quan tư vấn pháp lý cho các kiều bào muốn về làm việc, nghiên cứu hoặc kinh doanh. "Bên cạnh đó, TP cũng cần có cơ chế để xác định bằng cấp, tiêu chuẩn, kinh nghiệm ứng viên ở nước ngoài tương đương với trong nước. Bởi có những tiêu chí ở nước ngoài không được công nhận, áp dụng trong nước hoặc một vài vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ như cơ chế trả lương, thuế, chính sách về nhà ở...

Dẫn trường hợp đáng tiếc của GS Trương Nguyện Thành khi ông vừa chia tay Trường ĐH Hoa Sen về lại Mỹ làm việc, kiến trúc sư Sơn cho rằng Trường ĐH Hoa Sen là ĐH tư nhân, nếu họ có nguyện vọng giao trách nhiệm cho GS Thành làm hiệu trưởng thì cứ để họ làm chứ không nên áp dụng tiêu chuẩn như trường công lập. Từ trường hợp này, ông Sơn góp ý chính sách thu hút, đãi ngộ của TP HCM cần đối xử bình đẳng giữa Việt kiều như người dân trong nước.

Ông Châu Bá Long (kiều bào Úc) chia sẻ ông đang được chứng kiến từng ngày những đổi thay nhanh chóng, hiệu quả của TP theo định hướng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Ông Long khẳng định sẽ góp hết sức mình cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và TP thông qua những chính sách phù hợp. "Chúng tôi và đông đảo kiều bào trên khắp thế giới luôn tâm nguyện dù đang sinh sống, làm việc ở đâu, trong nước hay nước ngoài, vẫn luôn nhớ về cội nguồn dân tộc" - ông Long nói. 

Kịp thời khen thưởng kiều bào

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Đỗ Văn Đạo cho biết lãnh đạo TP luôn trân trọng từng đóng góp của bà con kiều bào. Điều này được thể hiện bằng nhiều chương trình cụ thể, thiết thực, như việc tổ chức các sự kiện họp mặt kiều bào vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đây là một hoạt động văn hóa mang tính truyền thống của TP, không chỉ thể hiện tình cảm trân trọng và sự quan tâm của lãnh đạo TP mà còn là dịp để lãnh đạo lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Không chỉ vậy, lãnh đạo TP còn kịp thời khen thưởng cá nhân và tập thể có nhiều đóng góp cho sự phát triển của TP. Theo ông Đạo, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai chính sách mới, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân kiều bào có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả về công tác vận động kiều bào vào sự nghiệp xây dựng, phát triển TP và bảo vệ đất nước.

Ông Châu Huy Quang - luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, trọng tài viên VIAC:

Đãi ngộ toàn diện, tương xứng

Câu chuyện thu hút chất xám, thu hút giới đầu tư, giới trí thức từ kiều bào nước ngoài về làm việc trong nước không chỉ của riêng TP HCM mà là vấn đề chung của nhiều tỉnh, thành. Thực tế cho thấy số lượng trí thức Việt kiều quay về định cư, làm việc ở Việt Nam khá khiêm tốn. Theo thống kê, mới có khoảng trên dưới 200 chuyên gia người Việt ở nước ngoài về nước tham gia giảng dạy, làm việc hằng năm trong tổng số khoảng 400.000 Việt kiều trí thức hiện diện khắp nơi trong mạng lưới khoa học công nghệ toàn cầu.

Chúng ta đã có chủ trương, chính sách thu hút trí thức Việt kiều nhưng tính minh bạch dường như vẫn là điểm hạn chế trong chính sách cầu hiền tài này. Tôi cho rằng cần phải có môi trường để trí thức Việt kiều trở về có đất "dụng võ", cũng như các đãi ngộ cần toàn diện và tương xứng.

Các yếu tố quyết định sự thành bại của chính sách cầu hiền tài đều phải xuất phát từ đặc điểm công việc cần thu hút, được đối đãi công bằng, có môi trường phát triển cho bản thân và gia đình; được trao quyền, có sự trọng thị, công nhận, tưởng thưởng tương thích.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương:

Cần có đột phá

Không phải đợi đến bây giờ mà hơn 30 năm trước, Việt Nam đã có chính sách thu hút trí thức Việt kiều. Nếu thời gian đầu chỉ có 10 Việt kiều hưởng ứng chính sách này về Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực, trong đó có tôi, thì nay đã có hàng chục ngàn người Việt ở khắp nơi trở về Việt Nam. Chủ trương trải thảm đỏ thu hút Việt kiều không mới nên muốn thành công thì phải có những đột phá.

Việt Nam đã mở toang cửa, gần như không còn khái niệm Việt kiều hay trong nước, cũng không có kỳ thị hay phân biệt đối xử, thậm chí trong vài trường hợp Việt kiều còn được ưu ái hơn. Bản thân tôi đã về nước hơn 30 năm, sống và làm việc tại Việt Nam nên hiểu rõ, tin tưởng và đã đưa gia đình về. Các con tôi cũng đã nhập quốc tịch Việt Nam. Vấn đề là chính quyền làm sao tuyên truyền rộng rãi hơn để những trí thức Việt kiều đang độ tuổi lao động biết Việt Nam đã đổi mới, mở cửa thế nào và trải thảm đỏ chào đón họ ra sao. Về thu hút nhân tài người Việt ở nước ngoài về nước, trong khi chưa có điều kiện đãi ngộ họ như các nước họ đang sống (tiền lương, chính sách xã hội) thì nên có chính sách phù hợp để khuyến khích họ đem phát minh, sáng chế hoặc những tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển giao về nước.

Ông Nguyễn Anh Phương - nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM:

Phải nhất quán trong chính sách

Đi du học ở Canada năm 1970, về nước năm 1996, tôi là người mang hệ đào tạo tín chỉ về Trường ĐH Bách khoa TP HCM và sau này áp dụng rộng rãi ở các trường ĐH. Nay TP HCM có chính sách trải thảm đỏ đón trí thức Việt kiều, mời gọi họ vào các cơ quan nghiên cứu khoa học, tôi tin rằng nếu có chính sách phù hợp thì việc này không quá khó. Bà con Việt kiều sẽ ủng hộ hết mình, thậm chí tự nguyện tham gia mà không cần trả công. Đặc biệt, những trí thức về hưu còn minh mẫn, khỏe mạnh luôn khát khao đem kinh nghiệm, chuyên môn của mình góp phần xây dựng đất nước, giúp đất nước bắt kịp những tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới.

Nhưng muốn kéo họ trở về chung tay xây dựng TP thì ngoài việc khơi gợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, TP cần cho họ thấy rõ thiện chí, sự nhất quán trong chính sách thu hút, đãi ngộ và đặc biệt tạo ra môi trường làm việc thuận lợi nhất cho họ làm việc.

T.NHÂN ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo