xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bài dự thi "Làm báo cùng Báo Người Lao Động": Nhớ da diết phong vị Tết xưa

Bài và ảnh: Thành Hiệp

(NLĐO) - Giờ đây, cuộc sống trôi đi hối hả nhưng không biết tại sao, cái phong vị Tết xưa cứ vương vấn, lẩn quẩn mãi trong tâm trí tôi...

Nhà văn Sơn Nam đã viết: "Ăn Tết mình phải về quê. Ở quê mới có cái không khí Tết dân tộc. Xưa nay đều vậy cả". 

Đúng như ông nghĩ. Trong ký ức tuổi thơ, Tết đến với tôi rất sớm. Mới giữa tháng Chạp mà đó đây đã chộn rộn lo mua sắm, sơn phết, dọn dẹp nhà cửa và làm bánh mứt.

Bài dự thi Làm báo cùng Báo Người Lao Động: Nhớ da diết phong vị Tết xưa - Ảnh 1.

Trai gái rủ nhau xin lộc đầu năm

 Tết ở miền Tây vui nhất là giai đoạn chuẩn bị. Từ đầu làng đến cuối ngõ, đâu đâu cũng lo cũi đước, đan vĩ, đắp lò, làm giàn phơi bánh. Ngoài đồng mọi người xúm nhau gặt lúa mới. 

Ở nhà, các bà, các chị chia nhau rọc lá chuối, chuẩn bị đậu, nếp để gói bánh tét, bánh ít. Tất bật nhất là quết bánh phồng. Mỗi lần nghe tiếng chày thình thịch là hàng xóm rủ nhau đến cán bánh dần công, nói cười rôm rả. Các bà miệng móm mém vừa nhai trầu vừa kể chuyện. Tết xưa thật thú vị.  

Còn các ông thì lo chùi lư, quét dọn bàn thờ, dán liễn mới và chuẩn bị lá bùa dựng nêu cùng với tấm giấy hồng điều mang dòng chữ "Xuất nhập bình an" để dán lên cửa cái lúc cúng giao thừa. Một trong những việc làm mà ba tôi quan tâm hàng đầu là phủi mộ ông bà và chăm sóc nơi thờ tự sao cho thật trang trọng

Theo chu kỳ, hàng năm, khi mai vàng bắt đầu nở lác đác, cuốn lịch mới vừa treo lên là ba tôi bắt đầu lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, bàn ghế, kể cả những món đồ nhỏ nhặt như ly tách, chén bát. Ba tôi nói: " Tết dù giàu hay nghèo, trẻ con cũng phải có chiếc áo mới, trong nhà, ngoài ngõ mọi thứ phải tinh tươm, sạch đẹp và gia đình đoàn viên sum vầy".

Bài dự thi Làm báo cùng Báo Người Lao Động: Nhớ da diết phong vị Tết xưa - Ảnh 2.

Tết miệt vườn vui nhất là tát mương bắt cá

        Càng cận Tết mọi người càng tất bật. Nhà thì tát đìa, nhà thì tát mương bắt cá ăn Tết. Đặc biệt, chiều 29 Tết, trong xóm lại có vài nhà làm heo, bà con hàng xóm xúm xít nhau chia thịt, ra giêng lấy lúa trừ tiền.

        Hồi nhỏ, mỗi lần nhìn các cụ già lặt lá mai, ngoài vườn rộn lên tiếng cúc cu là trong lòng ai nấy cũng bồi hồi, háo hức lạ thường. Để rồi ngày Tết cứ lay lắt nhớ. Tôi nhớ nhất là tối 30 Tết, ngoại tôi têm trầu chuẩn bị cúng giao thừa, còn mẹ tôi thì ngồi canh lửa nồi bánh tét, đám con nít bu quanh bếp lửa hồng vừa nướng bánh vừa đốt pháo chuột vui cười hả hê.

        Sáng mùng một Tết, không khí Tết như tràn ngập, cả nhà như bừng lên sức sống mới khiến cho cái gì cũng đẹp, cũng đáng yêu, ai cũng ấp ủ trong lòng nhiều ước mơ kỳ vọng.  Ba tôi ngồi trầm ngâm bên ấm trà sen thơm ngát với nụ cười viên mãn vì con cháu đã về sum họp đông đủ. Qua mùng 2, mọi người chia nhau về thăm quê ngoại, quê nội. Sáng mùng 3, ba tôi cúng gà, cúng xong ông lấy cặp chân gà ngắm nhìn rồi treo lên cửa cái. Xong, ông lấy giấy hồng điều dán lên cây, nhà cửa, lu gạo, hũ muối…

         Mỗi lần Tết đến là tôi lại nhớ mùi Tết, nhớ da diết. Đó là mùi lúa chín, mùi rơm rạ, mùi hoa lá, mùi áo mới, mùi bánh mứt, mùi thịt kho, mùi dưa cải… do mẹ tôi tự tay làm. Chỉ có thế thôi mà sao trong tôi lại khắc khoải nhớ mãi, nhớ hoài cái Tết xưa êm đềm, gần gũi và quá đỗi yêu thương.

Bài dự thi Làm báo cùng Báo Người Lao Động: Nhớ da diết phong vị Tết xưa - Ảnh 3.

Xóm giềng xúm nhau gói bánh tét ăn Tết

Bài dự thi Làm báo cùng Báo Người Lao Động: Nhớ da diết phong vị Tết xưa - Ảnh 4.

Bà con cán bánh phồng ăn Tết.

Giờ đây, cuộc sống trôi đi hối hả nhưng không biết tại sao, cái phong vị Tết xưa cứ vương vấn, lẩn quẩn mãi trong tâm trí tôi. Nhiều lúc tôi thầm ước được quay quần bên mâm cơm đoàn tụ chiều cuối năm, được nghe tiếng quết bánh phồng và tiếng giã gạo chày đôi, chày ba, một thứ âm vang quen thuộc, gần gũi tự bao đời đã ám ảnh tôi gần suốt cuộc đời này.   

Chúng ta đang ở vào thời kỳ hội nhập và phát triển, nhiều giá trị tinh thần và vật chất đã được đánh giá sàng lọc lại. Do đó, nhiều cái cũ đã mất đi, cái mới lại ra đời. Những gì gọi là Tết xưa chỉ còn là ký ức trong sự nuối tiếc khôn nguôi mỗi khi Xuân về. Chuyện bánh tét, bánh chưng, dưa kiệu củ hành… không còn nguyên vẹn ý nghĩa như Tết xưa, Tết cũ. Nếu cần, phụ nữ chỉ ra chợ hoặc siêu thị là có ngay mọi thứ, không cần phải tốn công, tốn sức, cầu kỳ để thi thố tài nữ công gia chánh như xưa nữa.       

Tết bây giờ không chỉ là ngày đoàn tụ gia đình, mọi người gặp nhau để chúc phúc mà còn là ngày để xóm giềng thăm hỏi lẫn nhau, cùng san sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Tết còn là ngày hướng về cội nguồn, nhớ ơn tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ. Chính những tình cảm cao đẹp đó sẽ giúp cho mọi người bừng lên một sức sống mới một thứ hạnh phúc thầm kín mà ai cũng mong đợi trong những ngày đầu năm.

Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và miền Trung bị bão lũ nặng nề, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, đặc biệt từ cuối tháng Giêng đến nay dịch Covid - 19 lại diễn biến phức tạp, khiến cho nhiều tỉnh thành phải tập trung lo đối phó. Một số người, đặc biệt là học sinh phải cách ly tại nhà hoặc tại trường, ảnh hưởng đến tâm lý đón Xuân về.

Mặc dù vậy, Đảng và Nhà nước vẫn hết lòng chăm lo cho bà con có một cái Tết no đủ và đầm ấm. Nhiều cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã chia sẻ với những gia đình nghèo, gia đình chính sách những phần quà tuy nhỏ nhưng chứa đầy tình thương yêu. Mọi người ai cũng muốn vượt qua thử thách vói hy vọng sẽ kiểm soát được dịch để ai ai cũng đón mừng một cái Tết sum vầy và hạnh phúc.

Nhằm làm phong phú thêm nội dung, tạo sự tương tác cao hơn với bạn đọc, Báo Người Lao Động tổ chức 2 cuộc thi trên Báo Người Lao Động điện tử (NLĐO) dịp Tết Tân Sửu 2021.

Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).

Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi này tại đây .

Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn

Bài dự thi Làm báo cùng Báo Người Lao Động: Nhớ da diết phong vị Tết xưa - Ảnh 7.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo