xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ vọng vào 2 dự án ngàn tỉ đồng ở TP HCM

THU HỒNG - TRƯỜNG HOÀNG

Thông tin HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án đang đình trệ hàng chục năm khiến người dân và chính quyền nhiều quận, huyện vui mừng

Ông Trần Văn Sáu, nhà ngay chân cầu Tham Lương (quận 12, TP HCM), nói cuối cùng ông và người dân ở 7 quận, huyện nơi con kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên chảy qua cũng biết được đích xác ngày toàn bộ dự án cải tạo, nâng cấp thi công trở lại và hoàn thành. "Như vậy là vui lắm rồi" - ông Sáu bộc bạch.

"Nghĩ tới thôi là đã sướng"

Nhà ông Sáu nằm cặp con đường Nguyễn Văn Quá - con đường được mệnh danh là rốn ngập ở cửa ngõ phía Tây Bắc. Ông nói ông nhớ như in cảnh tát và ngăn nước mỗi khi mưa lớn, dù là nửa đêm hay gần sáng, hễ mưa là cả nhà bật dậy lấy bao cát ngăn dòng nước đen tràn vào nhà, mùi hôi thối nồng nặc. Hơn ai hết, bà con nơi đây mong từng ngày con kênh được cải tạo để thoát nước nhanh hơn. "Vì vậy, thông tin dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên sẽ triển khai từ năm 2021 là thông tin quý hơn vàng đến với gia đình tôi và bà con nơi đây, chỉ nghe thôi là đã thấy sướng" - ông Sáu chia sẻ.

Là hộ có đất nằm trong dự án, từ năm 2005 gia đình bà Nguyễn Thị Minh Thanh (phường Tân Thới Nhất, quận 12) đã nhượng lại hơn 1.200 m2 đất là ao cá, vườn dừa, chuối đang khai thác cho dự án đi qua nhưng 15 năm mong ngóng, dự án vẫn chưa thành hình. Đứng trên cầu Tham Lương nhìn xuống dòng kênh đen, đi ngang mảnh vườn của gia đình, bà Thanh nói niềm vui đã đến nhưng để nó trọn vẹn thì bản thân bà và người dân chỉ mong dự án về đích đúng hẹn. "Có như vậy những hộ dân đã hy sinh quyền lợi của mình cho dự án đi qua không cảm thấy vô ích" - bà Thanh nói.

Kỳ vọng vào 2 dự án ngàn tỉ đồng ở TP HCM - Ảnh 1.

Nút giao An Phú thường xuyên ùn tắc đã kéo theo tình trạng ôtô xếp hàng dài ở điểm đầu cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Vừa họp tổ để thông báo tin vui cho bà con xong, chị Nguyễn Thị Mơ (tổ trưởng tổ 55, khu phố 7, phường 14, quận Gò Vấp) nói với chúng tôi rằng người dân ai cũng mừng và mong dự án sớm thành hình. "Không mừng sao được, bởi từ năm 1999, cán bộ địa phương đã đến đo đạc cắm mốc nhưng chờ hơn 20 năm, đến nay dự án mới khởi động lại" - chị Mơ phân tích. Theo chị, rồi đây người dân từ quận Bình Tân đến quận Gò Vấp không cần phải đi qua quốc lộ, các tuyến đường xuyên tâm thường xuyên ùn tắc mà có thể chạy dọc đường bờ kênh. Với chị, nghĩ đến đó là phấn chấn hẳn.

Tương tự, khi hay thông tin dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) có tổng vốn đầu tư 3.926 tỉ đồng được thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, không chỉ người dân địa phương mà giới tài xế thường sử dụng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã khấp khởi mừng thầm. Bởi nút giao trên là điểm đầu của đường cao tốc và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ. "Lượng xe qua khu vực này rất lớn, tình trạng kẹt xe kéo dài ngày càng nghiêm trọng. Vào giờ cao điểm buổi sáng, để thoát qua được nút giao này phải nói là cực hình" - anh Trần Văn Tình, ngụ đường Lương Định Của, nói. Theo anh, không chỉ bản thân anh mà rất nhiều người rất vui mừng khi hay tin chủ trương và vốn đầu tư dự án được thông qua, bởi nút giao này được tính toán từ hơn 5 năm trước nhưng chờ hoài không động đậy.

Hàng triệu người hưởng lợi

Theo UBND TP HCM, nút giao thông An Phú khi hoàn thành sẽ có 3 tầng, bao gồm hầm chui hai chiều kết nối từ cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của TP. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2021-2025, trong đó ngân sách trung ương 1.800 tỉ đồng và ngân sách TP 2.126 tỉ đồng. Giai đoạn 2021-2022, TP sẽ phối hợp với các sở, ngành tiến hành lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, lựa chọn tư vấn lập thiết kế kỹ thuật công trình. Tiếp đó, sẽ lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và khởi công công trình. Giai đoạn 2023-2024, dự án sẽ được thi công hoàn thành. Dự án sẽ giải quyết ùn tắc, đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt cho tuyến đường vận tải quan trọng và khu vực phía Đông, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch được phê duyệt.

Trong khi đó, theo UBND TP, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên có tổng chiều dài 32,71 km (bắt đầu từ cửa sông Rạch Nước Lên với sông Chợ Đệm đến cửa sông Vàm Thuật với sông Sài Gòn) đi qua 7 quận, huyện gồm quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Dự án sẽ xây dựng kè dọc 2 bên bờ kênh, nạo vét toàn tuyến kênh, xây dựng hệ thống cống đầu kênh cấp 2, làm mới sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh, xây dựng 12 bến thuyền dọc theo tuyến kênh. Song song đó, dự án sẽ xây dựng đường giao thông dọc 2 bên bờ kênh dài với chiều rộng đường từ 8-12 m cùng hệ thống thoát nước mưa, hào kỹ thuật, hệ thống chiếu sáng dọc 2 bên đường.

Nhận định về mục tiêu dự án, Hội đồng Thẩm định TP cho rằng đây là dự án mang tính dân sinh cao, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người dân và làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của TP trong tương lai. Cụ thể, dự án sẽ giải quyết ô nhiễm, tiêu thoát nước, chống ngập cho khu vực trung tâm TP và khu vực Tây Bắc cho 7 quận, huyện nêu trên. "Đặc biệt, khi dự án hoàn thành sẽ là trục động lực phát triển phía Tây TP, hạn chế tình trạng kẹt xe khu vực nội thị do không phải đi xuyên tâm qua khu vực trung tâm TP. Chưa kể sẽ hình thành các tuyến giao thông thủy kết nối với các quận, huyện của TP cũng như kết nối TP HCM đi các tỉnh miền Tây qua ngõ Long An và đi các tỉnh miền Đông, Bình Dương, Đồng Nai..." - Hội đồng Thẩm định TP đánh giá.

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, nhận định hiệu quả lớn nhất của dự án là cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị và bổ sung quỹ đất cũng như đường giao thông cho mạng lưới giao thông của TP. Người dân 2 bên kênh có cơ hội phát triển lên đô thị thay vì là cư dân ngoại thành bao năm nay. Tuyến kênh đi qua quận Gò Vấp có chiều dài 13 km, giai đoạn 1 đã giải tỏa hơn 700 hộ, giai đoạn 2 là 43 hộ. "Để góp sức chung tay cùng chủ đầu tư đưa dự án về đích đúng tiến độ, sau khi có phương án bồi thường, quận sẽ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng với 43 trường hợp còn lại" - ông Đỗ Anh Khang nhấn mạnh.

Là chủ đầu tư nhiều tuyến giao thông thủy trên địa bàn TP HCM, ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Greenlines DP, bày tỏ vui mừng khi dự án được thông qua chủ trương đầu tư. Bởi theo ông Hải, hệ thống kênh rạch trên địa bàn TP HCM rất đa dạng, trải đều nhiều quận, huyện, là cơ hội để mở mang phát triển hệ thống giao thông thủy. Thế nhưng, do nhiều tuyến kênh rạch chưa thông thoáng, còn mùi hôi và rác nên chưa khai thác hết tiềm năng. "Việc cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư các tuyến giao thông thủy, không chỉ kết nối các quận, huyện của TP HCM mà còn kết nối các tỉnh miền Tây đi các tỉnh miền Đông" - ông Hải nhận định.

Cuối năm nay, cầu Long Kiểng hết chờ mặt bằng

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư dự án cầu Long Kiểng), cho biết mới đây huyện Nhà Bè đã trình UBND TP hệ số điều chỉnh giá đất và chờ TP thông qua. "Nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến quý III/2021, huyện Nhà Bè sẽ bàn giao mặt bằng. Khi có mặt bằng, chúng tôi sẽ triển khai thi công ngay lập tức. Tối đa trong vòng 15 tháng sẽ thi công xong toàn dự án" - ông Lương Minh Phúc khẳng định.

6-BOX

Cầu Long Kiểng hiện hữu đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi cầu mới vẫn phải chờ mặt bằng Ảnh: THU HỒNG

Nói về tiến độ giải phóng mặt bằng, đại diện UBND huyện Nhà Bè thông tin đến nay công tác kiểm kê tài sản, hoa màu các hộ dân có đất thu hồi trong dự án, xác minh nguồn gốc nhà đất cơ bản đã hoàn thành. Hội đồng Thẩm định giá của TP đã thông qua đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đang chờ quyết định phê duyệt chính thức.

Dự án xây mới cầu Long Kiểng được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 2001 với chiều dài cầu 318 m, đường dẫn hai đầu cầu 661 m, tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng. Năm 2007, dự án giải phóng mặt bằng được một số hộ dân trong giai đoạn 1 nhưng mãi đến tháng 8-2018, dự án mới được khởi công và dự kiến hoàn thành cuối năm 2019. Thế nhưng, khi xây dựng được mấy trụ cầu thì dự án tạm dừng chờ mặt bằng đến nay.

T.Hồng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo