xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

KINH TẾ BIỂN VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA (*): Xây dựng kinh tế biển xanh

PHƯƠNG NHUNG thực hiện

Trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng kinh tế biển xanh với các nguồn tài nguyên năng lượng vô tận là mô hình phát triển bền vững mà Việt Nam phải biết tận dụng, khai thác

Khai thác nguồn tài nguyên vô hạn

. Phóng viên: Biển Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng về thủy sản, du lịch, năng lượng, logistics… nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác tốt tiềm năng đó. Cần làm gì và bắt đầu làm từ đâu để khai thác hiệu quả kinh tế biển, thưa ông?

KINH TẾ BIỂN VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA (*): Xây dựng kinh tế biển xanh - Ảnh 1.

- Ông TẠ ĐÌNH THI: Tuy kinh tế biển và ven biển hiện nay có bước phát triển khá nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém cũng như khó khăn, thách thức trong phát triển bền vững. Chẳng hạn, phát triển kinh tế chưa hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; khai thác tài nguyên quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập…

Bên cạnh đó, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy đầy đủ; việc thực hiện chủ trương phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; sự liên kết giữa các vùng biển, ven biển với vùng nội địa, địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả.

Để tận dụng và phát huy tối đa lợi thế sẵn có của biển, cần phải thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hội nghị Trung ương 8 khóa XII ban hành). Trong đó, cần sự thống nhất tư tưởng, nhận thức về vấn đề biển đảo; quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo.

Đặc biệt, cần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giải quyết các vấn đề về biển Đông dựa trên nguyên tắc độc lập, tự chủ, tạo dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Đồng thời, lấy khoa học công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao làm yếu tố đột phá cho quá trình vươn ra và làm chủ biển. Song song đó, coi phát triển bền vững, phù hợp với quy luật tự nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái và hài hòa mối quan hệ giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ tương lai là phương châm hành động trong thực hiện chiến lược biển đảo.

KINH TẾ BIỂN VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA (*): Xây dựng kinh tế biển xanh - Ảnh 2.

Điện mặt trời trên đảo là mô hình mà Việt Nam đang chú trọng triển khai để khai thác nguồn tài nguyên vô tận. Ảnh: ĐÀO TÙNG

. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 36-NQ/TW là phát triển nền "kinh tế biển xanh" thay cho "kinh tế biển nâu" nhưng nhiều lĩnh vực đang bị bỏ ngỏ như năng lượng gió biển, điện mặt trời trên đảo, điện gió ngoài khơi, năng lượng dòng chảy?

- Tôi cho rằng kinh tế biển xanh dần trở thành xu thế toàn cầu, hầu hết các quốc gia công nhận đây là mô hình để phát triển bền vững biển, trong đó có Việt Nam. Các nguồn tài nguyên năng lượng biển Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn là năng lượng gió biển, điện mặt trời trên đảo, điện gió ngoài khơi, năng lượng dòng chảy. Nếu được đưa vào ứng dụng, các tài nguyên này sẽ góp phần bổ sung nguồn năng lượng xanh, bảo đảm an ninh năng lượng gắn với tăng cường sức mạnh trên biển của quốc gia.

Các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), sẽ hỗ trợ giảm thuế mạnh cho các mặt hàng từ châu Âu vào Việt Nam với nhóm thiết bị ngành năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng tái tạo biển nói riêng, bao gồm: tua-bin gió biển, pin mặt trời và các công nghệ phụ trợ khác, công nghệ biến sóng biển thành điện… Quốc gia cung cấp sản phẩm thuộc nhóm công nghệ cao này chủ yếu là Đức (hãng Siemen), Đan Mạch (hãng Vestas).

Hiện đã có nhiều công ty từ EU bắt đầu triển khai các dự án công viên điện gió biển khơi với công suất dự kiến gần 10 GW, số vốn lên tới gần 30 tỉ USD. Các dự án khi được triển khai sẽ giúp Việt Nam một nguồn lực lớn thúc đẩy phát triển mạnh ngành kinh tế năng lượng biển; tạo thêm nhiều ngành nghề mới và nhiều việc làm mới cho cộng đồng dân cư ven biển; đóng góp thuế, phí vào ngân sách cho nhà nước và các địa phương ven biển.

Cần phương thức khai thác kiểu mới

. Còn thế mạnh của một tuyến hàng hải nhộn nhịp đã được tận dụng tốt chưa, thưa ông?

- Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải sôi động nhất thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với nhiều cường quốc biển như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo số liệu của chúng tôi, Việt Nam đang có 272 bến cảng với khoảng 92,2 km chiều dài cầu cảng, tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Chúng ta cũng có nhiều cảng nước sâu cho tàu trọng tải rất lớn, như Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện… Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2018 ước đạt 17,8 triệu TEU, tăng 24% so với năm 2017.

Đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa có cảng nào trong top 10 cảng biển lớn trên thế giới. Do đó, cần có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để xây dựng, phát triển một số cảng biển ngang tầm khu vực và thế giới. Cụ thể, phát triển mạnh hệ thống cảng biển quốc gia, xây dựng đồng bộ một số cảng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, tạo những cửa mở lớn vươn ra biển thông với quốc tế. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư chiều sâu, cải tiến đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng nhanh năng lực bốc xếp hàng hóa, giảm tối đa chi phí, bảo đảm sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển các cảng chuyên dụng quy mô lớn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển cũng là việc cần làm.

. Chúng ta đã mất cả chục năm loay hoay đi tìm thương hiệu biển Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận diện được lĩnh vực trọng yếu nào cần đầu tư. Biện pháp tháo gỡ nào để xây dựng thương hiệu biển Việt Nam trở thành biểu tượng một quốc gia không chỉ giàu về tài nguyên mà còn có lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị thế trong cộng đồng quốc tế?

- Xây dựng và phát triển thương hiệu biển Việt Nam là một trong những phương thức khai thác biển khôn khéo, làm gia tăng giá trị của tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững. Thương hiệu biển chính là sự cảm nhận về biển Việt Nam gắn với con người, cộng đồng cư dân ven biển; sản vật, sản phẩm biển Việt Nam; ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động, dịch vụ và tổ chức, địa phương, địa danh có liên quan. Nó được hình thành bởi những trải nghiệm, cách chúng ta tạo dấu ấn rõ ràng về một ngành nghề, dịch vụ đặc biệt nhằm thiết lập một chỗ đứng riêng trong tâm trí cộng đồng trong nước và quốc tế. Thương hiệu biển sẽ quảng bá tiềm năng biển đảo Việt Nam với những điểm khác biệt, nổi bật để biển Việt Nam đi vào tâm trí bạn bè thế giới. Qua đó, các giá trị của biển được khẳng định, được nâng tầm tương xứng với tiềm năng vốn có. Do đó, có thể coi thương hiệu biển Việt Nam là một phương thức khai thác tài nguyên kiểu mới nhằm thúc đẩy tìm kiếm giá trị, lợi ích từ biển theo hướng bền vững.

Trong các ngành hiện nay, có thể xem đánh bắt thủy hải sản, dầu khí, du lịch và đóng tàu là thế mạnh kinh tế biển Việt Nam. Đến năm 2030, ngành năng lượng tái tạo biển sẽ là thế mạnh phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế biển xanh của thế giới. Việc nhận diện và phát triển thương hiệu biển là một quá trình tổ chức thực hiện lâu dài, liên tục, cần sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và du khách quốc tế, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đồng thời, cần có sự tôn vinh, khen thưởng thường xuyên với các thương hiệu biển cho các cá nhân, tổ chức có đóng góp cho sự vượt trội trong tạo dựng mới các sản vật, sản phẩm, dịch vụ, du lịch của biển Việt Nam. 

Sẵn sàng đồng hành với Báo Người Lao Động

Ông Tạ Đình Thi cho rằng khai thác tiềm năng kinh tế biển phải gắn với chủ quyền biển đảo quốc gia. Việc này cần sự chung tay của toàn xã hội, như việc Báo Người Lao Động khởi xướng chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" được Chính phủ, các bộ - ngành, mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ.

Đây là một chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cổ vũ, động viên bà con ngư dân ngày đêm kiên cường bám biển, làm chủ biển. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ về mặt thông tin, tuyên truyền... để cùng Báo Người Lao Động thực hiện thành công chương trình nhân văn, có ý nghĩa lớn với chủ quyền biển đảo quốc gia.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-7

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo