xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiên quyết, bền bỉ tuyên chiến tham nhũng

MINH CHIẾN

Nỗ lực xây dựng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; bảo đảm để "không cần tham nhũng"

Sáng 30-6, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Gần 500 đại biểu đã dự hội nghị trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước.

Tăng cường kiểm soát quyền lực, chặn từ gốc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), cùng các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phan Đình Trạc cùng chủ trì hội nghị.

Ông Phan Đình Trạc trình bày Báo cáo kết quả 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Theo đó, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua thực tiễn 10 năm, bài học đúc kết là xác định phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp và lâu dài. Nhiệm vụ này phải đặt sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện, tập trung thống nhất của Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo với quyết tâm chính trị rất cao; hành động phải kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục. Theo ông Phan Đình Trạc, quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị tha hóa, tham nhũng; còn tiêu cực là một trong những khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Do đó, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực.

Thảo luận tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, nêu rõ đối với Công an Nhân dân, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai trên nhiều phương diện, từ phòng ngừa đến phát hiện, điều tra, xử lý. Điển hình là công an đã nhận diện, tham mưu xử lý các "nhóm lợi ích", "sở hữu chéo", xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định thị trường tài chính, tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống ngân hàng giai đoạn 2012-2015. Gần đây là việc xử lý các vụ án trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Nhấn mạnh đến việc chủ động nhận diện, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu quyết tâm của ngành công an là sẽ triển khai theo phương châm "ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn", "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"... Thứ trưởng Bộ Công an kiến nghị trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cần làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn.

Kiên quyết, bền bỉ tuyên chiến tham nhũng - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại hội nghịẢnh: TTXVN

Phải khắc phục những mặt còn hạn chế

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh kể từ khi Ban Chỉ đạo chính thức được thành lập (ngày 1-2-2013) đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư chỉ rõ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế. Trong đó, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả; tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp. Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế này là do một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc tính chất nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm; thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí còn bao che cho người vi phạm. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua, Tổng Bí thư gợi mở một số vấn đề cốt lõi. Trước hết, phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đi đôi với đó là phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, phải xem phòng chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm", tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức… Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ, không ngừng" ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".

Tổng Bí thư lưu ý phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Đồng thời, phải gắn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. 

Niềm tin của nhân dân là tài sản vô giá, thiêng liêng của Đảng

Tham gia thảo luận tại hội nghị ở điểm cầu TP HCM, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết đến nay, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan chức năng của thành phố đã phát hiện, khởi tố điều tra và xử lý 129 vụ với 265 bị can, thu hồi gần 4.000 tỉ đồng tài sản thất thoát, bị chiếm đoạt về cho ngân sách nhà nước.

Ông Phan Văn Mãi khẳng định Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM luôn ý thức sâu sắc công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là nhân tố quyết định sự ổn định và phát triển của thành phố. "Chúng tôi nhận thức tài sản vô giá, thiêng liêng của Đảng là niềm tin của nhân dân. Niềm tin đó tăng lên theo mức độ liêm chính, trong sạch của bộ máy Đảng, hệ thống chính trị" - ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.

Chủ tịch UBND TP HCM thông tin thêm về việc ban hành Quy định 1374-QĐ/TU ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin, phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định này đã góp phần giúp công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả. Qua đó, thành phố đã xem xét, giải quyết các nguồn tin, là cơ sở quan trọng để xác định các nhóm hành vi về vi phạm tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từ khi Quy định 1374 ban hành đến nay, các tổ công tác đã tiếp nhận xử lý 171 nguồn tin phản ánh liên quan và chuyển cơ quan điều tra 9 vụ việc.

Thể hiện quyết tâm cao trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung thực hiện, quán triệt đến người đứng đầu các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan nội chính, về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan nội chính thường xuyên kiểm tra, đôn đốc xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng của cán bộ, cơ quan, đơn vị mình.

Định hướng 5 nhiệm vụ quan trọng

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Tổng Bí thư định hướng 5 nhiệm vụ quan trọng.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thứ năm, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương.

Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Dựa vào dân để phòng chống tham nhũng, tiêu cực

MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ nỗ lực hơn nữa, khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân để phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Phải thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ: "Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, quan liêu, lãng phí; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp". Làm được như vậy, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tuy còn khó khăn, phức tạp, cam go, thách thức nhưng chắc chắn sẽ giành thêm được nhiều thắng lợi mới.

Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND Tối cao:

Cần thiết xây dựng Luật Đạo đức

Đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc chiến gay go, phức tạp; không chỉ trong nội bộ Đảng mà còn cần cả đối tượng ngoài xã hội tham gia; không chỉ đấu tranh với người khác mà đấu tranh với chính mình.

Do đó, bên cạnh áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, cần thiết xây dựng, ban hành Luật Đạo đức để giáo dục cả cộng đồng, xã hội chứ không chỉ bằng nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên.

Ông Đỗ Văn Đạo - nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM:

Xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng

Để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đi vào thực chất và hiệu quả hơn, cần xây dựng hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý, quy định, quy trình về kiểm tra, giám sát sao cho đảng viên, cán bộ, lãnh đạo không thể và không dám tham nhũng, dần dần hạn chế thấp nhất tham nhũng. Ai vi phạm thì xử lý thật nghiêm, tới nơi tới chốn. Điều quan trọng nữa là xử lý phải đi kèm với thu hồi tài sản tham nhũng.

Ngoài ra, cần nâng cao trình độ dân trí và vai trò, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực để đạt được kết quả tốt hơn nữa.

Ông Y Thu Niê - người dân ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk:

Mong tiếp tục duy trì cuộc đấu tranh...

Vừa qua, hàng loạt cán bộ cấp Trung ương quản lý đã bị xử lý nghiêm do sai phạm. Cơ quan có thẩm quyền cũng đã xử lý nhiều vụ án lớn như vụ Việt Á, vụ liên quan FLC... Đa số người dân Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ việc này nhằm làm trong sạch bộ máy, nâng cao kỷ cương, kỷ luật Đảng.

Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch bộ máy, tạo niềm tin cho nhân dân. Bên cạnh đó, cần xử lý, phòng chống tham nhũng đối với một vài tập đoàn kinh tế có dấu hiệu câu kết với một số cán bộ nhà nước để trục lợi bất chính, làm thất thoát tài sản Nhà nước.

C.Minh - C.Nguyên - Q.Anh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo