xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không để xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai

Ngọc Dung

Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, Việt Nam công bố nhiều thay đổi trong phác đồ điều trị Covid-19 lần 4

Chiều 4-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19), chủ trì cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch.

Lây lan ra cộng đồng chưa nhiều

Tại cuộc họp, GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết trên địa bàn Đà Nẵng, cơ quan này đã xét nghiệm kháng thể 5.000 mẫu trên tổng số 7.000 mẫu thu thập ở các khu cách ly và trong cộng đồng. Qua đó, có căn cứ xác định các mẫu bị nhiễm vào khoảng đầu tháng 7 và ổ dịch ở Đà Nẵng cũng khởi phát vào đầu tháng 7.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, căn cứ trên xét nghiệm các ca mắc và qua điều tra dịch tễ, có thể thấy số ca lây lan ra ngoài cộng đồng chưa nhiều. Đến hiện tại, mới phát hiện 6 ca cộng đồng và chưa có trường hợp nào lây từ các bệnh nhân này. Về cơ bản, tất cả các ca đều liên quan đến 3 bệnh viện ở Đà Nẵng. Hà Nội, TP HCM và một số cơ sở y tế lớn cũng chưa phát hiện các ca mắc ngoài cộng đồng, trừ các ca liên quan Đà Nẵng. Như vậy, chưa có bằng chứng khẳng định dịch bệnh lây nhiễm rất mạnh ngoài cộng đồng.

Không để xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân có nguy cơ cao ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng Ảnh: BÍCH VÂN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian tới, cầu thực hiện triệt để các chỉ đạo về quản lý sức khỏe của người dân, đặc biệt người cao tuổi, có bệnh nền, siết lại kỷ cương trong các bệnh viện; thực hiện nghiêm, triệt để quy định phòng dịch đối với mọi người đến khám bệnh và nhân viên y tế.

Nếu thực hiện tốt, chúng ta hoàn toàn có lòng tin sẽ chống được dịch bệnh, có cuộc sống, sản xuất - kinh doanh bình thường mới, phát triển được.

"Ở đâu đó có làn sóng dịch bệnh thứ hai nhưng Việt Nam quyết tâm không để xảy ra. Không để câu chuyện quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Chúng ta phải khoanh vùng nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải ở trong trạng thái bình thường mới để phát triển" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phải khẩn trương kiểm soát

Ngày 4-8, cả nước ghi nhận thêm 48 ca mắc Covid-19, hầu hết ở tâm dịch Đà Nẵng và Quảng Nam. Số mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 222 ca. Cùng ngày, Việt Nam có thêm 2 bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng tổng số tử vong lên 8 ca. Các bệnh nhân đều tuổi cao, mắc bệnh hiểm nghèo như suy thận mạn, suy tim, nhiễm trùng huyết...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, cho biết hiện còn một số bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và lớn tuổi. Trong số các bệnh nhân nguy kịch, nhiều người phải can thiệp ECMO, trong khi trước thời điểm xảy ra đợt dịch ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca phải dùng ECMO.

Lý giải về các yếu tố khiến dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đang rất phức tạp, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho rằng do chúng ta chậm phát hiện, không khống chế được những ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Đà Nẵng nên đến bây giờ điều tra dịch tễ cũng chưa xác định được mức độ lây lan của bệnh dịch. Tiếp đến là dịch lần này tấn công mạnh vào các bệnh nhân, thậm chí là nhóm bệnh nhân cao tuổi, đang phải cấp cứu vì nhiều bệnh hiểm nghèo, nhiều bệnh lý nền, sức đề kháng yếu như suy thận nặng, chạy thận nhân tạo, ung thư, suy tim, đái tháo đường... Đây là nhóm bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao nếu mắc thêm Covid-19. Điều này lý giải vì sao trong thời gian ngắn đã có 6 bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Nguyên nhân thứ ba, theo bác sĩ Cấp, dịch đang tấn công vào nhóm nhân viên y tế. Đã có 8 nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. Cần phải khẩn trương kiểm soát, tránh nhiễm chéo trong nhân viên y tế, vì bác sĩ bị nhiễm bệnh thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Điều chỉnh phác đồ điều trị

Trước diễn biến mới của dịch bệnh, Bộ Y tế đã cho điều chỉnh phác đồ điều trị Covid-19. Đây là bản cập nhật, sửa đổi lần thứ 4 kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên.

GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, cho biết trong phác đồ cập nhật lần 4, Việt Nam sẽ khám, phân loại bệnh nhân Covid-19 ngay từ đầu thành 5 cấp theo triệu chứng lâm sàng để phân cấp điều trị. Cấp độ 1 và 2 là bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ viêm đường hô hấp cấp tính trên (biểu hiện như sốt, ho khan, đau họng); cấp độ 5 là nguy kịch, suy tạng và gặp các biến chứng. Ca bệnh nhẹ sẽ điều trị tại các khoa phòng thông thường, phòng khám, trung tâm y tế huyện; ca nặng điều trị tại các phòng cấp cứu của các khoa phòng hoặc hồi sức tích cực của bệnh viện. Ca bệnh nặng và nguy kịch cần được điều trị hồi sức tích cực, can thiệp thở máy, ECMO…

Phác đồ cập nhật lần 4 đặc biệt chú ý tới điều trị tâm lý cho bệnh nhân. Riêng với trẻ em, lưu ý về tình trạng tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaki với các biểu hiện sốt, ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc… Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song Bộ Y tế thừa nhận hiệu quả của một số thuốc kháng virus, đồng thời sẽ sử dụng thêm huyết tương của người đã khỏi bệnh.

Phác đồ mới yêu cầu bệnh nhân Covid-19 phải có 3 lần xét nghiệm liên tiếp âm tính, mỗi lần cách nhau ít nhất 24 giờ mới được xuất viện (trước đây chỉ xét nghiệm 2 lần). Sau xuất viện về nhà, bệnh nhân tự cách ly trong vòng 14 ngày. Việc xét nghiệm 3 lần sẽ hạn chế các trường hợp dương tính trở lại như trước đây.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá đợt dịch Covid-19 mới đang diễn ra tại nước ta phức tạp hơn giai đoạn trước. Đây là chủng virus mới xâm nhập Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỉ lệ lây nhiễm cao. Hệ số lây nhiễm đợt này khoảng 5-6, trong khi giai đoạn trước chỉ 1,8-2,2. Việt Nam đã phát hiện 6 chủng virus SARS-CoV-2, khác hẳn với chủng tại TP Vũ Hán (Trung Quốc). Chủng mới xâm nhập từ nước ngoài vào chưa có thay đổi về độc lực nhưng trong giai đoạn này có nhiều bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh lý nền nặng lại mắc Covid-19 nên dự báo số bệnh nặng và tử vong sẽ gia tăng.

PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Đội trưởng Đội Xét nghiệm tại Đà Nẵng - lưu ý các xét nghiệm Covid-19 nhanh cho kết quả âm tính chỉ xác nhận người đó chưa nhiễm Covid-19 và vẫn có khả năng nhiễm, có thể còn đang ở giai đoạn ủ bệnh. Do đó, đối với người có nguy cơ cao (sống ở vùng dịch, tiếp xúc với bệnh nhân) được xét nghiệm nhanh mà cho kết quả âm tính thì cũng chưa thể khẳng định không mắc bệnh, an toàn với cộng đồng. Do đó, những người có nguy cơ cao cần thực hiện đúng quy định tự cách ly 14 ngày. Trong thời gian đó, nếu không có hiện tượng ho sốt, khó thở thì mới được coi là an toàn. 

Doanh nhân tặng 1 tỉ đồng mua máy xét nghiệm

Hội Đồng hương Quảng Nam tại TP HCM và Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam vừa phát lời kêu gọi cùng chung tay tiếp sức cho quê nhà phòng chống dịch Covid-19. Chỉ sau 2 ngày vận động (từ 3-8), tính đến tối 4-8 đã có 109 cá nhân và doanh nghiệp tham gia ủng hộ khoảng 1,5 tỉ đồng, 5.000 khẩu trang y tế và 1.200 chai dung dịch sát khuẩn. Trong số này có ông Nguyễn Phú Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Gia Hội An, tặng 1 tỉ đồng để tỉnh nhà mua máy Realtime PCR xét nghiệm SARS-CoV-2.

Những khoản đóng góp và vật phẩm nói trên sẽ được trao trực tiếp cho các địa phương tại Quảng Nam gồm Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, kể từ ngày 5-8.

Ng.Tiên

Mạnh tay cách ly, hoãn tổ chức trại hè

Trong ngày 4-8, nhiều địa phương tiếp tục khẩn trương thực hiện các biện pháp quyết liệt để khống chế dịch Covid-19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho hay đến 19 giờ ngày 4-8, đã có 42.909 người rời Đà Nẵng từ ngày 1 đến 28-7 đang sinh sống tại TP HCM khai báo y tế, 28.454 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó đã có 9.249 mẫu kết quả âm tính, 6 mẫu dương tính. Riêng số tiếp xúc của 8 trường hợp nhiễm mới được lấy mẫu xét nghiệm là 792 người, trong đó 357 người âm tính, còn lại đang đợi kết quả.

Ngày 4-8, UBND TP HCM đã có công văn khẩn, yêu cầu Thành viên Ban Chỉ đạo sinh hoạt hè TP và Ban Chỉ đạo sinh hoạt hè 24 quận, huyện không tổ chức hoặc tạm hoãn tổ chức các hoạt động hè có lộ trình ra khỏi địa bàn TP, trường hợp cần thiết có thể tổ chức nhưng phải điều chỉnh địa điểm về tại TP.

Tỉnh Quảng Nam đã phong tỏa cách ly tạm thời trong vòng 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 5-8, đối với tổ dân cư số 2, tổ dân phố Lãnh Thượng 2, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn - khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao với khoảng 60 hộ, 200 nhân khẩu.

Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, từ 8 giờ đến 14 giờ cùng ngày, trên địa bàn không ghi nhận trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Tuy nhiên, 1 bệnh nhân tử vong do suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết, suy tim cấp và Covid-19 (BN 496). Để đáp ứng việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, Sở Y tế TP Đà Nẵng tiếp tục đề nghị các đơn vị cử thêm 23 nhân lực xét nghiệm để bổ sung cho đội cơ động lấy mẫu bệnh phẩm. TP Hải Phòng đã cử 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng đến hỗ trợ chống dịch; đồng thời hỗ trợ 5 tỉ đồng cho Đà Nẵng.

Bệnh viện Trung ương Huế xác nhận ở cơ sở 2 của bệnh viện này đang tiếp nhận điều trị cho 19 bệnh nhân dương tính với Covid-19 từ Đà Nẵng, Quảng Nam chuyển ra.

N.Thạnh - Q.Nhật - B.Vân - Tr.Thường - P.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo