xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi chiến tranh đã qua

Bài và ảnh: Võ Quý Cầu

Những làng quê của huyện Mộ Đức và Nghĩa Hành từng bị thảm sát trong chiến tranh, nay đang hồi sinh với những mùa vàng và công cuộc xây dựng nông thôn mới

Con đường từ thị trấn Mộ Đức về xã Đức Phong của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi được thảm nhựa lâu rồi nhưng lối vào làng Tân An vẫn là đất đỏ.

Chỉ còn một đống hoang tàn

Tôi theo ông Vũ Nhân, nguyên Chủ tịch UBND xã Đức Phong, lội qua trảng cát dài để ra mé biển. Nơi ấy, trên cồn cát có một tấm bia tưởng niệm ghi rõ: "Ngày 22-6-1966, Hải quân Mỹ từ ngoài khơi dùng pháo hạm bắn vào làm chết và bị thương 100 ngư dân thuộc các xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Lợi. Riêng xã Đức Phong có 49 người chết, 39 người bị thương. Đây là vụ thảm sát lớn nhất do Mỹ gây ra đối với nhân dân huyện Mộ Đức".

Khi chiến tranh đã qua - Ảnh 1.

Bên trong nhà tưởng niệm ở làng Tân An

Ông Nhân kể: "Hồi đó, mình mới 10 tuổi nhưng cũng đã theo cha ra khơi bủa lưới quanh bờ. Sáng hôm ấy có việc nhà nên chỉ một mình cha ra khơi và may mắn thoát chết. Chiều hôm đó, khi pháo địch không còn bắn nữa, dân làng kéo nhau ra bãi biển. Tất cả chỉ còn một đống hoang tàn".

Ở Tân An, chỉ phía Đông là biển, ba phía là cánh đồng nên trong chiến tranh, nơi này đâu chỉ hứng những đợt pháo bầy mà còn hứng chịu rất nhiều cuộc hành quân càn quét của địch. Nhà bị đốt cháy, bắn phá. Dù vậy, dân làng vẫn kiên cường bám trụ đào hầm, che tạm chòi để ở. Pháo bắn, địch càn thì xuống hầm trú ẩn. Thanh niên hết lớp này tới lớp khác vào bộ đội, vào du kích bám làng đánh giặc.

Ông Nguyễn Ngọc Độ (65 tuổi, ngụ xã Đức Phong) đưa tôi ra thăm nhà tưởng niệm. Chính giữa nhà tưởng niệm là danh sách con em trong làng chiến đấu và hy sinh mà thời gian đã làm nhòe tên tuổi. Ông kể chiến tranh kết thúc, người làng thương những người đã hy sinh nên bàn nhau góp tiền của xây dựng nhà tưởng niệm. Vả lại, qua chiến tranh, có gia đình chết và hy sinh hết, có nhà tưởng niệm này để ngày lễ, Tết dân làng mang bánh trái ra cúng, thắp hương tưởng nhớ, họ cũng đỡ quạnh quẽ.

Khi chiến tranh đã qua - Ảnh 2.

Bia di tích vụ thảm sát ở bãi biển làng Tân An

Chỉ cho tôi những bản giấy rô-ki, ông Độ nói là do nhà tưởng niệm dần xuống cấp, bà con sợ bia bản bị nhòe nên lấy những bản giấy rô-ki ghi rõ danh sách cán bộ hoạt động của làng các thời kỳ kháng chiến, danh sách cán bộ, chiến sĩ của Tỉnh đội Quảng Ngãi từng chiến đấu trên đất Tân An, danh sách người làng đã bị giết trong các thời kỳ...

Trong một danh sách, tôi thấy ghi tính đến ngày 30-4-1975, làng Tân An có 52 gia đình với 157 nhân khẩu thì đã có 50 gia đình liệt sĩ, 6 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Số chết và mất tích là 106 người, trong đó có 60 liệt sĩ. Bị thương 45 người, trong đó có 42 thương binh.

Từ khi có nhà bia tưởng niệm, con em trong làng hiểu hơn sự mất mát nên đi đâu, làm gì cũng cố gắng để bù đắp nỗi đau của quê hương. Tết đến, xuân về hay những dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30-4, con cháu làm ăn nơi xa hễ ai không về được thì cũng thường gọi điện về làng thăm hỏi. Cứ như thế, sợi dây gắn bó cái nghĩa cái tình với làng theo tháng năm càng bền chặt.

Có những nấm mộ chung

Tháng 4 này, đường về 2 thôn Khánh Giang - Trường Lệ của xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi không còn nham nhở bùn đất nữa mà thay vào đó là đường nhựa phẳng lì, liên huyện Nghĩa Hành - Ba Tơ. Tại điểm chính của di tích vụ thảm sát gò Đập Đá, các công nhân đang hoàn chỉnh nhà bia tưởng niệm, nhà quản lý, bia bản mộ chí và tường rào cổng ngõ.

Dừng chân để thắp hương dưới chân tượng đài vụ thảm sát, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê nói với tôi: "Nạn nhân vụ thảm sát này gồm cả người Kinh lẫn đồng bào dân tộc HRê. Sau chiến tranh, tỉnh đã lập hồ sơ và được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia hồi tháng 1-1993. Sau đó, được đầu tư xây dựng nhà bia, tượng đài. Trong nhà bia tưởng niệm này trước đây ghi tên 64 người bị sát hại. Nhưng một trong số đó là anh Nguyễn Sang bấy giờ không phải bị sát hại mà lúc ấy anh còn quá nhỏ, bị Mỹ đưa vào một cô nhi viện ở Đức Phổ rồi sau đó vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với cái tên Lý Chí Hùng. Anh Sang sau này đã tìm lại quê và địa phương đã cải tên, cải họ cho anh.

Vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ, ngoài điểm chính là gò Đập Đá, còn có 2 điểm khác là mé vườn nhà ông Xu và vườn nhà ông Thủy. Chị Phạm Thị Tây (63 tuổi, người H’rê, có nhà ở cạnh khu di tích) kể: "Chỉ một buổi sáng thôi, bà ngoại và 2 em tôi bị quân đội Mỹ giết. Tôi trốn trong đống xác người rồi chạy thoát. Quân đội Mỹ sau khi bắn giết còn lưu lại đến 5 ngày sau để phục kích những người du kích nên khi chúng rút đi, nhiều xác người trương sình, nhiều người không toàn thây nên bây giờ đành có những nấm mộ chung".

Vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ năm đó đã được thông tin trên toàn thế giới. Chị Phạm Thị Đa, một trong những người sống sót, năm 1971 đã đi qua 10 nước để tố cáo tội ác của quân đội Mỹ. Cựu chiến binh Mỹ Mike Boehm - người tấu khúc vĩ cầm ở Mỹ Lai (Sơn Mỹ), khi về Quảng Ngãi vào tháng 3-2009 để tưởng niệm 504 đồng bào Sơn Mỹ bị quân đội Mỹ thảm sát cũng đến nơi này và bày tỏ bàng hoàng trước nỗi đau chiến tranh mà những làng quê ở Việt Nam phải gánh chịu. Ông đã lặng yên trước bia tưởng niệm rồi tấu khúc vĩ cầm tưởng nhớ người đã khuất và vận động hỗ trợ bò cho một số hộ nghèo có người thân bị thảm sát để tổ chức chăn nuôi cải thiện cuộc sống.

Khi chiến tranh đã qua - Ảnh 3.

Một góc làng Tân An bây giờ

Còn bà Nguyễn Thị Bốn (ngụ thôn Trường Lệ) kể buổi sáng kinh hoàng đó, lính Mỹ tập trung dân rồi xả súng bắn. Sau đó, chúng lùng sục tận từng nhà để bắn người, đốt nhà và ném lựu đạn xuống hầm trú ẩn. Mẹ của bà nghe tiếng súng nổ, tiếng khóc than, sợ chúng hiếp con nên vội bảo con đưa cháu cho bà ẵm để chạy lên gò Bồ Lời trốn. Bà chỉ kịp làm theo lời mẹ. Nhưng chạy chưa tới mé gò đã nghe tiếng súng. Biết là có chuyện, bà vội quay về nhưng người làng giữ lại vì lo thêm người bị bắn. Khi lính Mỹ vừa rút, bà theo anh em đội công tác về làng thì mẹ, con và 2 cháu của bà không còn nữa.

Sau vụ thảm sát, bà Bốn tham gia du kích địa phương như nhiều người cùng lứa tuổi. Chiến tranh kết thúc, xã Hành Tín Đông được nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Bà Bốn lấy chồng là một đồng đội cũ. Họ cùng nén nỗi đau để xây dựng lại cuộc đời. Nhân vui kể chuyện làm ăn, chuyện ngày mùa, chuyện học hành của mấy cháu nhỏ, bà bộc bạch: "Mỗi năm, cứ đến ngày tưởng niệm, ngày giỗ chung của người làng trong vụ thảm sát là tôi buồn lắm. Hồi đó, quê nghèo nên những người đã khuất có di ảnh nào đâu. Nhưng cuộc sống mà, mình cũng phải cố kìm nén mà làm ăn, mà xây dựng".

Ông Trần Trọng Tài có nhà ở ngay điểm thảm sát. Trong vụ này, ông có mẹ và ba em bị giết. Nghe tôi hỏi chuyện, ông chỉ tay về phía núi Lớn, nói sau chiến tranh đất này hoang hóa, bà con lần hồi khai hoang, lên núi lấy dầu rái bán cho dân vùng biển để xảm thúng. Bà con hiểu muốn có nguồn nước để cấy cày, gieo sạ, phải bảo vệ rừng nên nhờ đó mà bốn mùa suối Chí luôn đổ nước ra sông Vệ.

Khi chiến tranh đã qua - Ảnh 4.

Những đường hoa ở Vùng Khánh Giang - Trường Lệ

Rồi nhà nước đầu tư xây dựng hồ chứa nước suối Chí, dự trữ nguồn nước tưới cho những cánh đồng và dự án phục hồi và phát triển rừng do Cộng hòa Liên bang Đức đầu tư được triển khai trên 1.000 ha rừng nên màu xanh trên núi Lớn được trải rộng. Vùng Khánh Giang - Trường Lệ nhờ thế đã trở thành khu vực rừng tự nhiên được bảo vệ lớn nhất ở 7 huyện, TP vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi.

Cũng nhờ núi Lớn được bảo vệ nên năm 2018, tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng Khu Du lịch Suối Chí. Đây là khu du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng đang hấp dẫn du khách đến tham quan.

Xin vào du kích để trả thù

Chị Phạm Thị Tây kể sau vụ thảm sát, dù mới 14 tuổi nhưng chị nằng nặc xin vào du kích để "trả thù cho người thân, cho quê hương". Nhưng cấp trên cử chị đi học y tá rồi về công tác ở Đại đội 18, Huyện đội Nghĩa Hành. Chiến tranh kết thúc, chị phục viên rồi về quê, có chồng là một đồng đội cũ. Họ che nhà tạm và cùng nhau khai hoang trồng lúa, trồng khoai. Mồ hôi của họ theo tháng năm đổ xuống làng quê bên thung lũng sông Vệ từng đau thương tang tóc, để mùa nối mùa, cây lúa, cây bắp lên xanh. Trên đồi hoang ngày nào, giờ mùa tiếp mùa, bà con thi nhau vỡ đất trồng mía, trồng mì.

Đón chúng tôi trong ngôi nhà mới, chị Tây khoe cuối năm 2018, nhờ nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng cộng với tiền chắt chiu gom góp nên xây được ngôi nhà mới trên 160 triệu đồng.


Có những con đường hoa

Ở 2 thôn Khánh Giang - Trường Lệ hay rộng hơn là ở xã Hành Tín Đông và nhiều xã khác trong huyện Nghĩa Hành, đường quê được bê-tông hóa từ khi xây dựng nông thôn mới. Người dân xây dựng nhà cửa rồi trồng hoa bên những đường làng, nên bây giờ làng có nhiều con đường hoa. Màu hoa tươi thắm điểm tô cho làng quê, cho sự hồi sinh trên mảnh đất đau thương mà anh dũng này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo