xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hợp sức xử dự án "ma", tín dụng đen, xâm hại trẻ em

PHAN ANH - TRƯỜNG HOÀNG

Các đại biểu HĐND TP HCM đã đề xuất nhiều giải pháp để cùng chính quyền trị doanh nghiệp bán đất "ma", dẹp nạn tội phạm hoạt động tín dụng đen, xâm hại trẻ em

Ngày 11-7, kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm.

Xử nghiêm hành vi dụ dỗ góp vốn mua đất "ảo"

Đề cập ngay đến bức xúc của người dân hiện nay về tình trạng mua bán dự án nhà đất "ảo" nở rộ tại các quận, huyện: 9, Bình Tân, Hóc Môn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Tố Trâm nói ước tính có hàng ngàn khách hàng bị lừa do đã góp vốn mua đất "ảo". "Người dân gửi đơn khắp nơi nhưng các doanh nghiệp lừa bán dự án "ma" này vẫn "bình chân như vại", không bị xử lý" - bà Trâm trăn trở. Điều đáng nói là nhiều đối tượng "vẽ" dự án trên cả đất không phù hợp quy hoạch, thậm chí phân lô bán nền trên các khu đất công. Với kiểu lừa đảo này, cơ quan điều tra có thể xem xét khởi tố hình sự, nhất là những cá nhân chủ mưu, để chấm dứt tình trạng dự án "ma". Đồng thời, theo ĐB Tố Trâm, TP cần tiếp tục có biện pháp công khai quy hoạch để người dân nắm rõ, không bị các đối tượng bất hảo lừa đảo.

Hợp sức xử dự án ma, tín dụng đen, xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nêu thực tế: Ước tính có hàng ngàn khách hàng ở TP HCM bị lừa do đã góp vốn mua đất “ảo” Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trước phản ánh của ĐB, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, ông Lê Văn Thinh, cho biết trên địa bàn quận đang có 10 trường hợp bán dự án "ma", có người dân đăng ký mua vì nhu cầu nhà ở thật, cũng có người vì lợi nhuận, thấy giá rẻ nên mua. Ông Thinh cho hay quận đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức công khai quy hoạch và cảnh báo người dân trong vùng quy hoạch. Với các công ty có dấu hiệu lừa đảo, chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết đã báo cáo UBND TP, kiến nghị Công an TP điều tra xử lý nghiêm, không chấp nhận việc có những đối tượng được cấp phép đăng ký kinh doanh nhưng lại lừa đảo người dân như vậy.

Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cũng cho biết trước tình trạng các dự án "ma" lừa đảo người dân, UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện tăng cường theo dõi nắm tình hình lừa đảo mua bán đất đai trên địa bàn. Qua đó, địa phương tiếp nhận 5 vụ việc và đã kiến nghị Công an TP sớm khởi tố các đối tượng lừa đảo mua bán đất đai. Đó là các đối tượng lợi dụng việc đặt cọc mua đất nông nghiệp của người dân, sau đó lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân tiến hành phân lô "ảo", sau đó bán cho người dân.

Lập hàng rào chặn tội phạm hình sự

Cuối ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM, các ĐB đã bầu bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính, làm Phó Chủ tịch HĐND TP.

Vấn đề an ninh, trật tự xã hội cũng được các ĐB quan tâm, mổ xẻ tại nghị trường. ĐB Thi Thị Tuyết Nhung bày tỏ lo lắng đối với loại tội phạm xâm hại, bạo lực trẻ em. Bà cho biết TP có khoảng 2,1 triệu người dưới 16 tuổi, trong đó có khoảng 400.000 em theo gia đình là công nhân lao động từ nơi khác đến sống và làm việc. "Trẻ em nếu bị xâm hại, bạo hành thì một thế hệ tương lai sẽ như thế nào khi các em lớn lên với dư chấn tâm lý" - bà Nhung phân tích và cho rằng chính quyền các cấp phải thực sự quan tâm, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em.

Trong khi đó, ĐB Tăng Hữu Phong nêu tình trạng tội phạm hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi quảng cáo rầm rộ với nội dung không cần thế chấp khiến rất nhiều người dân mắc bẫy. Nhóm cho vay sau đó đòi nợ theo kiểu xã hội đen như tạt chất bẩn, đe dọa, uy hiếp tinh thần, đánh đập người vay tiền và người thân của họ... tạo bức xúc lớn trong nhân dân, có nguy cơ gây ra các điểm "nóng" về an ninh trật tự. Do đó, phải nghiêm trị các doanh nghiệp núp bóng tín dụng đen.

Trả lời ĐB, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP, thừa nhận tình trạng trẻ em bị xâm hại gây bức xúc cho xã hội. Trong 6 tháng đầu năm, TP ghi nhận 87 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có hơn 86% là xâm hại tình dục. Công an TP đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, đặc biệt là ở cơ sở, tăng cường quản lý tại chỗ, tuyên truyền để người dân nhận thức và có cách phòng ngừa tốt hơn đối với loại tội phạm này. Cùng với đó, công an 24 quận, huyện cũng phải nắm danh sách các đối tượng có nguy cơ thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em để có biện pháp răn đe, ngăn chặn.

Đối với hoạt động tín dụng đen, Giám đốc Công an TP cho biết đã có kế hoạch chuyên đề xác định rất cụ thể, phân công trách nhiệm cho các lực lượng chức năng và có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý hình sự, các yếu tố định tội định khung và cả xử lý hành chính nếu không xử lý hình sự được. Ngoài ra, khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê... đều được cảnh sát tìm hiểu ngăn chặn chứ không chờ khi các đối tượng hành động mới làm. Với nỗ lực đó, ông Phong đánh giá các vụ liên quan đến tín dụng đen đã giảm đến 20%; số vụ vi phạm trật tự công cộng, vi phạm đối với quyền tự do của công dân như tạt chất bẩn, la ó, chửi bới... cũng giảm hơn 22%. Tình hình đã bớt phức tạp hơn so với cuối năm 2018. 

Tăng cường chống ngập

Trước bức xúc của ĐB về việc dù có nhiều công trình, dự án chống ngập nhưng ngập vẫn cứ hoành hành, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM - cho hay thời gian tới, TP sẽ rà soát lại quy hoạch, xây dựng chuẩn cốt nền; đánh giá khảo sát lại, xác định chức năng của từng sông, kênh rạch; phân cấp ủy quyền cho địa phương quản lý sông, kênh rạch; lập trung tâm dự báo ngập.

Liên quan đến nguồn vốn, ông Võ Văn Hoan cho biết nguồn vốn chống ngập giai đoạn 2016-2020 cần hơn 96.327 tỉ đồng, trong đó ngân sách đáp ứng hơn 6.356 tỉ đồng (chưa được 10%) nên cần phải huy động các nguồn vốn khác. Trong đó, TP sẽ tính đến phương án thanh toán quỹ đất công dọc 2 bờ kênh cho nhà đầu tư để họ giải phóng mặt bằng, xây dựng bờ kè, đường giao thông 2 bên.

Hàng loạt dự án nhà đất dính sai phạm

Chiều 12-7, kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Phú Yên khóa VII đã bế mạc. Tại kỳ họp này, nhiều cử tri, ĐB đã đặt vấn đề về việc giao đất nhiều dự án sai quy định. Trả lời, Thanh tra tỉnh Phú Yên cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiến hành xử lý, kiểm điểm tập thể, cá nhân ở khu đất biệt thự 327-329 Hùng Vương (TP Tuy Hòa - thuộc dự án nhà ở biệt thự chuyên gia của Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên); khu đất ô phố A2 Hùng Vương (TP Tuy Hòa - thuộc dự án Trung tâm kinh doanh dược, mỹ phẩm và dịch vụ y tế Phú Yên); khu đất 423 Nguyễn Huệ (thuộc dự án Trung tâm buôn bán và trưng bày giới thiệu sản phẩm Pymepharco) và lô 11 Hùng Vương (thuộc dự án Trung tâm hội nghị tiệc cưới - khách sạn Kaya 2) cũng như việc tỉnh Phú Yên bán sỉ 262 lô đất Nam Hùng Vương (TP Tuy Hòa)... Đặc biệt, các cơ quan chức năng đang tham mưu cho UBND tỉnh Phú Yên thu hồi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ở khu đất số 80 Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa (thuộc dự án Trung tâm thương mại, giải trí, nhà hàng, khách sạn Phú Khánh Việt, do Công ty Phú Khánh Việt làm chủ đầu tư - PV).

- Tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP Cần Thơ khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 12-7, ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND TP, thông tin hiện nay nhiều dự án khu dân cư, người dân vào ở lâu nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chủ đầu tư (CĐT) không có năng lực, chưa hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước nhưng lại bán cho dân dưới hình thức hợp đồng góp vốn. Khi mua nền, nhà, người dân trả ban đầu mấy chục phần trăm giá trị, chỉ còn 10% nữa chờ cấp giấy nhưng đợi hoài không thấy. "Đây là trách nhiệm của ai?" - ông Hiểu đặt câu hỏi và nói Sở Xây dựng cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an TP Cần Thơ phải lưu ý việc này. "Chúng ta đang làm công tác quản lý nhà nước mà không thấy kẽ hở này là không được" - ông Hiểu bức xúc.

- Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX ngày 12-7, nhiều ĐB đã chất vấn về tiến độ di dời chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, cho biết cuối năm 2017, Tổng Công ty Sonadezi đã hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh đề án khắc phục ô nhiễm và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Nhưng đến thời điểm này, theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Môi trường và các quy định có liên quan... thì phương án thực hiện không còn phù hợp. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai hiện đang nghiên cứu về hình thức đầu tư, xem xét tính pháp lý để thống nhất phương án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ưu tiên lựa chọn phương án thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất KCN Biên Hòa 1 và triển khai đề án trong thời gian sớm nhất.

H.Ánh - C.Linh - X.Hoàng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo