xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hợp nhất bộ máy, tất yếu phải làm!

Diệp Văn Sơn

Việc nhất thể hóa bộ máy, gộp chung 3 văn phòng đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh phù hợp xu thế cải cách hành chính để xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân

Việc nhất thể hóa các cơ quan theo 6 mô hình thí điểm theo yêu cầu của Bộ Chính trị, trong đó có hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), văn phòng HÐND và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung là một bước đột phá mới trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tách riêng: Cồng kềnh, chồng chéo

Đầu tiên, cần phải nhìn lại lịch sử để thấy việc cần thiết phải hợp nhất 3 văn phòng ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh.

Từ khi có Luật Chính quyền địa phương 1946, ở mỗi tỉnh, thành chỉ có 1 văn phòng UBND phục vụ cho 2 cơ quan UBND và HĐND. Trong nhiều năm, chỉ 1 văn phòng này vẫn hoạt động hiệu quả theo 2 chức năng chính: bảo đảm hậu cần phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo; thực hiện tham mưu tổng hợp. Thế nhưng, từ những năm 1990, theo gợi ý của Văn phòng Quốc hội, có 17 tỉnh, thành thí điểm tách riêng 2 văn phòng HĐND và UBND. Dù thí điểm chưa tổng kết nhưng sau đó, việc tách 2 văn phòng áp dụng cho cả nước. Nhớ lại lúc thí điểm, một trong những địa phương nhất quyết không tách 2 văn phòng là TP HCM. Thường vụ Thành ủy TP thống nhất vẫn để chung văn phòng HĐND-UBND TP. Trong nhiều năm liền, một văn phòng chung này vẫn bảo đảm cho hoạt động của HĐND và UBND thông suốt. Tuy nhiên, về sau, với nhiều sức ép, TP HCM cũng phải tách ra thành 2 văn phòng. Những năm gần đây, theo Nghị quyết của Quốc hội, có thêm văn phòng ĐBQH.

Câu hỏi là việc tách ra hay nhập lại thì được lợi gì?

Có ý kiến cho rằng khi tách riêng thành 2 văn phòng HĐND và UBND, chức năng sẽ rõ ràng hơn trong việc thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp phục vụ cho chức năng giám sát của cơ quan quyền lực (văn phòng HĐND) và chức năng điều hành của cơ quan chấp hành (văn phòng UBND). Đặc biệt là giải phóng cho vị trí chánh văn phòng khỏi bị hàm oan là "nhất bên trọng nhất bên khinh" trong việc điều hành công tác phục vụ và tham mưu tổng hợp.

Nhưng số đông lại cho rằng việc tách ra như vậy là bất lợi, không cần thiết. Dễ thấy nhất là phát sinh thêm tổ chức, đầu mối không phù hợp với xu thế cải cách hành chính, đi ngược lại những điều ta xưa nay hô hào là phải tinh gọn bộ máy vì quá cồng kềnh, chồng chéo. Chồng chéo ở chỗ phát sinh thêm bộ phận hậu cần phục vụ (văn thư, bảo vệ, lái xe, hành chính quản trị, kế toán, thủ quỹ...), mà lẽ ra bộ phận hậu cần này có thể dùng chung.

Bên cạnh đó là tăng thêm cơ sở vật chất trụ sở, dẫn đến tăng thêm kinh phí, tốn kém ngân sách, lãng phí. Tốn kém như vậy nhưng sự thật các chuyên viên làm công tác tham mưu cho văn phòng HĐND không đủ sức chuẩn bị nội dung hai kỳ họp mỗi năm hoặc nếu có kỳ họp bất thường thì thường vẫn có sự trợ giúp của văn phòng UBND.

Ngoài ra, số ĐBQH của các tỉnh rất ít, thường chưa đến 9-10 người, thậm chí có nơi 5-6 người, trong khi bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, trưởng đoàn ĐBQH lại có thư ký riêng, ban bệ tham mưu hậu cần hùng hậu nên cũng không nhất thiết có riêng một văn phòng ĐBQH.

Hợp nhất bộ máy, tất yếu phải làm! - Ảnh 1.

Quảng Ninh là địa phương thí điểm thành công việc hợp nhất bộ máy, hợp nhất chức danh Ảnh: Trọng Đức

Hợp nhất để tinh gọn, hiệu quả

Như vậy, ưu điểm dễ thấy nhất khi gộp chung một văn phòng là tiết kiệm. Thứ nhất, tiết kiệm được biên chế khi sử dụng chung bộ phận phục vụ hậu cần. Thứ hai, tiết kiệm về cơ sở vật chất, đặc biệt là trụ sở. Thứ ba, tiết kiệm được kinh phí.

Xuất phát từ chất lượng của công việc, rõ ràng khi để chung văn phòng, các tổ công tác tham mưu công tác điều hành sẽ cùng với bộ phận tham mưu công tác giám sát hỗ trợ nhau. Để khắc phục tính khác biệt của chức năng giám sát và điều hành, cần bố trí thêm chức danh phó văn phòng chuyên trách công tác HĐND. Chức danh này có một số thẩm quyền đặc biệt hơn so với các phó văn phòng khác.

Trở ngại lớn nhất là nhiệm vụ của chánh văn phòng, làm sao để điều hòa công tác phục vụ hậu cần cũng như tham mưu rạch ròi hợp lý cho 2 nhiệm vụ khác nhau. Cần phải xác định rõ 2 nhiệm vụ này hoàn toàn chỉ là 2 khâu của quá trình quản lý. Chức năng giám sát và chức năng điều hành hoàn toàn không đối lập, như nhiều ý kiến nhầm lẫn, chúng hỗ trợ bổ sung cho nhau, dưới sự lãnh đạo thống nhất duy nhất của cấp ủy Đảng.

Chính vì thế, từ khi mới thiết lập chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có bộ phận quyết nghị (HĐND) và ủy ban hành chính. Nếu hiểu như vậy, hoạt động chỉ đạo điều hành của chánh văn phòng hoàn toàn thông suốt, không hề mâu thuẫn, lấn cấn.

Để văn phòng chung này phục vụ, tham mưu tốt, hài hòa cho hoạt động của thường trực HĐND, HĐND và UBND, cần tăng cường nhân sự có chất lượng của tổ chuyên viên phục vụ cho công tác của HĐND. Phòng hành chính phải bố trí bộ phận riêng chuyên lo các loại công văn giấy tờ thuộc hoạt động của HĐND và UBND. Lúc ấy, khái niệm văn phòng chung, văn phòng riêng không còn nữa. Như vậy mới thật sự cải cách hành chính triệt để, tính hiệu quả của việc phục vụ, tham mưu của hoạt động văn phòng sẽ cao hơn.

Trên hết, việc nhất thể hóa, gộp chung 3 văn phòng là phù hợp nhiều mặt, đặc biệt là phù hợp xu thế cải cách hành chính để xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. 

Quảng Ninh giảm gần 2.000 biên chế nhờ hợp nhất

Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ninh, sau gần 3 năm triển khai đề án tinh giản bộ máy, biên chế (Đề án 25), địa phương này đã giảm được 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể. Nhờ thế đã giảm được 519 biên chế công chức và 1.314 biên chế viên chức.

Về việc nhất thể hóa các chức danh, Quảng Ninh đã thực hiện mô hình bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch HĐND tại 7/14 huyện, thị (50% số đơn vị cấp huyện), 76/186 xã (40,3%). Việc hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra đã thực hiện tại 11/14 huyện (78,6%); hợp nhất cơ quan ban tổ chức - phòng nội vụ tại 100% số huyện, thị. Hiện tại, Quảng Ninh cũng đã tổ chức mô hình chánh văn phòng 3 bên: Văn phòng cấp ủy - HĐND - UBND ở 2/14 huyện.

Theo bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, từ thực tiễn thí điểm hợp nhất ở địa phương, Quảng Ninh đã kiến nghị, tham mưu để trên cơ sở đó, trung ương ban hành Nghị quyết 18, khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương:

Chọn người có tầm

Việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, cơ quan chuyên môn là phù hợp tình hình hiện nay đối với một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Như việc nhất thể hóa chức danh trưởng ban dân vận với chủ tịch ủy ban MTTQ cấp tỉnh, huyện sẽ giúp tinh gọn bộ máy nhưng vẫn không ảnh hưởng đến vai trò mỗi cơ quan. Cần lưu ý việc nhất thể hóa chức danh hay hợp nhất cơ quan đều ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, do vậy công tác tổ chức cũng phải đặc biệt lưu tâm, phải thống nhất cao khi thực hiện.

Việc lựa chọn người cán bộ xứng đáng vào vị trí kiêm nhiệm là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của các mô hình thí điểm hợp nhất. Chúng ta gọi là "2 trong 1", trách nhiệm nhiều hơn, công việc nặng nề hơn, mảng và lĩnh vực rộng hơn nên người cán bộ đó cần có năng lực, chuyên môn, tầm nhìn và sức cống hiến. Nếu lựa chọn được những người như vậy thì chủ trương sáp nhập các cơ quan, nhất thể hóa chức danh sẽ mang lại hiệu quả lớn.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:

Phải kiểm soát quyền lực

Khi nhất thể hóa chức danh, một người kiêm nhiệm 2 vị trí nên những lo ngại về việc lạm quyền sẽ không tránh khỏi. Quyền lực được giao mà thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền; từ đó sẽ đưa tới nhiều hệ lụy khó lường. Do đó, kiểm soát quyền lực, giám sát cán bộ phải được chú trọng. Để tránh lạm quyền, người giữ chức danh kiêm nhiệm phải luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình.

Theo tôi, phải siết chặt kỷ luật Đảng, bởi kỷ luật Đảng là công cụ quan trọng để kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của đảng viên. Bên cạnh đó, nội bộ các cơ quan có người giữ chức danh kiêm nhiệm phải tăng cường giám sát lẫn nhau. Trong thực thi công vụ, cấp trên giám sát cấp dưới và ngược lại; các cơ quan trong cùng cấp giám sát nhau. Một khi đã nhất thể hóa chức danh, việc điều hành công việc cần tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, tôn trọng ý kiến của tập thể, tránh chuyên quyền độc đoán.

M.Chiến ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo