xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồi sinh sông Tô Lịch!

Văn Duẩn - Huy Thanh

Các chuyên gia Nhật Bản hứa hẹn khi đưa công nghệ mới vào cải tạo sông Tô Lịch thì sau 3 ngày vận hành sẽ không còn mùi hôi thối, sau 2 tháng, phần lớn chất thải và bùn dưới lòng sông sẽ bị phân hủy

Đoàn chuyên gia Nhật Bản do TS Tadashi Yamamura - chuyên gia môi trường Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản - dẫn đầu, mới đây đã có buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bày tỏ mong muốn hỗ trợ Hà Nội xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản.

Ba ngày xử lý hậu quả của nhiều năm

Theo TS Tadashi Yamamura, phía Nhật Bản dự kiến mang thiết bị hiện đại, sử dụng công nghệ bio-nano, tốc độ xử lý siêu nhanh đặt dưới sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông.

Hồi sinh sông Tô Lịch! - Ảnh 1.

Sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng Ảnh: HUY THANH

Với đề nghị tài trợ miễn phí thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và cho rằng đây là một ý tưởng tốt. Thủ tướng đề nghị các chuyên gia Nhật Bản và Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND TP Hà Nội để nghiên cứu, quyết định phương án.

Dự kiến, JVE sẽ là đơn vị trực tiếp giám sát việc thi công làm sạch môi trường nước ở dự án cải tạo sông Tô Lịch của chuyên gia môi trường Liên Hiệp Quốc. Đại diện JVE cho biết công nghệ trên bao gồm 2 phần: công nghệ sục khí nano và tấm vật liệu bioreactor.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE, khẳng định công nghệ mới sẽ giúp Hà Nội giải quyết được vấn đề của sông Tô Lịch. "Trước kia, để làm sạch được sông Tô Lịch, phải ngắt hoàn toàn hệ thống nước thải chảy vào sông, kết hợp với việc nạo vét. Tuy nhiên, với công nghệ mới này, nguồn ô nhiễm vẫn có thể được xử lý mà không cần tách nước thải" - đại diện JVE nói.

Trước đó, các chuyên gia Nhật Bản cho biết để đưa ra được hướng giải quyết cho sông Tô Lịch, họ đã phải điều tra, khảo sát trong vòng 2 năm. Công nghệ bio-nano đã được ứng dụng, xử lý thành công hơn 300 điểm ô nhiễm ở khắp Nhật Bản và nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan.

Theo TS Yamamura, công nghệ mới hoàn toàn tự nhiên, không có chất độc hại, ngoài ra còn giúp giảm thiểu chi phí xây dựng nhà máy, bảo trì thiết bị như các công nghệ trước đây. Công nghệ này xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, mùi hôi, phân giải toàn bộ lớp bùn tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học. "Khi đưa công nghệ vào thử nghiệm, hứa hẹn sau 3 ngày sẽ không còn mùi hôi thối và sau 2 tháng thì phần lớn chất thải và bùn dưới lòng sông sẽ bị phân hủy" - TS Yamamura nói.

Nhiều phương án đã thất bại

Theo ước tính của các chuyên gia môi trường, mỗi ngày có khoảng 15 triệu m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ vào sông Tô Lịch. Những năm qua, nhiều kế hoạch nhằm cải tạo, hồi sinh dòng sông "chết" đã được TP Hà Nội triển khai nhưng đều không mang lại hiệu quả. Nổi bật trong các kế hoạch này là dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày đêm, được khởi công vào tháng 10-2016, bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất cản trở việc xử lý triệt để nguồn ô nhiễm ở con sông này là lượng bùn - chất thải khổng lồ dưới lòng sông khó xử lý nếu chưa ngắt được nước thải chảy vào. Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, sông Tô Lịch cũng như nhiều con sông khác ở Hà Nội đang phải hứng chịu hàng trăm ngàn mét khối nước thải mỗi ngày.

Ngày 19-4, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Công ty Thoát nước Hà Nội, cho biết đơn vị đã xây dựng phương án và đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt thực hiện dự án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Theo ông Hùng, đề án trên với mục tiêu bổ cập nước (trạm bơm có công suất cấp nước 156.000 m3/ngày đêm) nhằm duy trì ổn định mực nước hồ Tây, thay rửa liên tục cải thiện chất lượng nước hồ, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững cho các loại thủy sinh trong hồ. Việc cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch qua việc điều tiết nước từ hồ Tây qua 2 cửa xả Hồ Tây A và Hồ Tây B.

Theo PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, về lý thuyết có 3 điểm cần lưu ý và dứt khoát phải làm, nếu không làm được sẽ không thể biến sông Tô Lịch thành dòng sông sạch. "Thứ nhất, phải tách và xử lý toàn bộ lượng nước đang thải vào sông Tô Lịch, cách này bắt buộc phải làm. Thứ hai, phải luôn giữ được mực nước của sông Tô Lịch từ 1,5 m trở lên bởi bản thân dòng nước cũng có chức năng tự làm sạch. Thứ ba, công tác quản lý phải bảo đảm, không để dân vứt rác vào sông, nếu không, sẽ lại trở về ô nhiễm như cũ. Nếu làm được 3 điểm trên thì dòng sông Tô Lịch sẽ luôn xanh - sạch - đẹp" - ông Trần Hồng Côn nói. 

Nhận nước thải từ 6 quận, huyện

Với chiều dài khoảng 14 km, sông Tô Lịch chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Điểm bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, điểm cuối đổ ra sông Nhuệ. Từ nhiều năm nay, nước sông Tô Lịch luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối do phải gánh lượng nước thải lớn chưa qua xử lý và rác sinh hoạt của người dân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo