xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểm nguy trên núi, dưới sông

Gia Minh - Minh Tuấn - Hà Phong - Ngọc Giang

Mưa lớn kéo dài liên tục khiến nhiều nơi ở TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị, Quảng Bình bị sạt lở kéo dài. Hàng ngàn hộ dân ven sông thì lo "hà bá" nuốt, trong khi những nhà dưới núi thấp thỏm bị đá đè

UBND TP HCM vừa ra văn bản yêu cầu di dời khẩn cấp 27 căn nhà ở ven sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu, thuộc quận Thủ Đức). Ở đây, hàng trăm căn nhà, hàng quán xây dựng sát mép sông, người dân thường xuyên đến vui chơi, câu cá bất chấp biển cảnh báo sạt lở.

Ngay ngáy lo mất nhà

Ở cuối đường số 7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, một quán cà phê rộng hàng ngàn mét vuông được xây dựng sát bên vị trí cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở.

Trong khi đó, cuối đường này ở phía phường Hiệp Bình Phước, căn nhà 2 tầng bị sạt xuống sông Sài Gòn vào tháng 7-2015 nay đã bỏ hoang và đang nghiêng hẳn về một bên, chực chờ đổ sập. Khu vực này được đánh giá có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm nhưng rất đông dân cư tập trung. Qua rà soát, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết khoảng 5 hộ dân ở đây đang bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khu vực gần nhà thờ Fatima (phường Hiệp Bình Chánh), nhiều hộ dân cũng sống trong thấp thỏm khi nhà chỉ cách đoạn sạt lở chừng 15 m.

Hiểm nguy trên núi, dưới sông - Ảnh 1.

Một căn nhà bị sạt lở ở cuối đường số 7, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM Ảnh: Gia Minh

Trên địa bàn quận Thủ Đức, ở ven sông Sài Gòn (đoạn qua 2 phường Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh), nhiều vị trí nền đất bị lở hàm ếch nghiêm trọng nhưng vẫn còn hàng chục hộ dân bám trụ để sinh sống và kinh doanh. Một số đoạn xây bờ kè kiên cố nhưng cũng không ít khu vực chỉ xây tạm bợ để kinh doanh do có mặt tiền là bờ sông như khu vực gần Trường ĐH Mỹ thuật; khu vực đình Bình Phước, ngã ba rạch Vĩnh Bình - sông Sài Gòn...

Huyện Nhà Bè hiện là địa bàn "nóng" nhất về tình trạng sạt lở khi có tới 11 vị trí thuộc cấp độ đặc biệt nguy hiểm và 5 vị trí nguy hiểm. Các vị trí này hiện đã có dự án xây kè nhưng theo Sở GTVT, các công trình chống sạt lở đều đang vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tại tỉnh Quảng Bình, ở khu vực sông Son (đoạn qua xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch), người dân bất lực nhìn đất đai, ruộng vườn bị sông "ngoạm". Nhà của gia đình ông Đinh Xuân Thuyết (thôn Phú Hữu, xã Liên Trạch) giờ đã nằm cách bờ sông chỉ vài bước chân. Cách đây mấy hôm, cả nhà đang ngủ thì choàng tỉnh giấc vì nghe tiếng sụp lớn, khu vực đất vườn sát mép đều đổ dưới sông.

"Cả nhà tôi giờ mất ăn, mất ngủ, xót lắm mà không biết mần răng để giữ đất" - ông Thuyết lo lắng.

Dọc bờ sông Son qua xã Liên Trạch có hàng chục điểm sạt lở lớn, nặng nhất tập trung ở các thôn Phú Hữu, Phú Kinh, Liên Thủy... Ông Hoàng Minh Tú, Chủ tịch UBND xã Liên Trạch, cho biết đoạn sạt lở nghiêm trọng dài khoảng 25 m, cao 5-7 m, bề ngang bị ăn sâu 6-8 m ngay sát mép đường bê tông.

Theo nhiều người dân xã Liên Trạch, tình trạng sạt lở đã diễn ra nhiều năm qua nhưng chưa có năm nào nghiêm trọng như lần này. Nếu sạt lở tiếp diễn, con đường bê tông sẽ dần bị nuốt chửng, chia cắt xã Liên Trạch với đường mòn Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, cho hay huyện không có nguồn kinh phí nào để bố trí xây kè, đồng thời cũng không còn quỹ đất để giải quyết đất mới cho những hộ bị mất đất sản xuất do sạt lở.

Thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có gần 130 hộ dân, trong số đó có khoảng 50 hộ sống dọc theo bờ sông Nhùng, bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở.

Ông Lê Quang Phong, Trưởng thôn Thượng Xá, khẳng định tuyến đường dân sinh thôn Thượng Xá được bê tông hóa từ năm 2003, dài 1,2 km theo dọc bờ sông Nhùng. Hằng năm, người dân đều dùng bao cát, cọc nhọn để kè chắn những đoạn bị sạt lở dọc sông Nhùng nhưng sau mỗi đợt lũ, tình trạng sạt lở lại càng nặng thêm. Tuy thôn đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương đầu tư xây dựng tuyến kè dọc sông Nhùng nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Bất an với đá "mồ côi"

Sau trận mưa kéo dài liên tục trong nhiều ngày, 2 ngọn Núi Lớn, Núi Nhỏ tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị sạt lở. Hàng chục khối đất, đá từ khu vực tường bao và sân bóng rổ của nhà ông Lê Hồng Ân (đường Trần Phú, phường 1, TP Vũng Tàu) đổ xuống hành lang của khách sạn Kỳ Hòa. Đất, đá, cây cối men theo lối đi của khách sạn tràn xuống đường Trần Phú khiến hơn 100 m đường không thể đi lại.

Hiểm nguy trên núi, dưới sông - Ảnh 2.

Sạt lở tại Núi Lớn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau cơn mưa đêm 5-10 Ảnh: NGỌC GIANG

Ngoài khu vực sạt lở trên, tại khu vực Núi Lớn, một số tảng đá rơi từ trên núi xuống vẫn còn nằm trên đường Trần Phú. Những vị trí có nguy cơ xảy ra tình trạng đá rơi tại Núi Lớn là khu vực gần số nhà từ 194 đến 204 Trần Phú, hẻm 506, hẻm 562 Trần Phú; tại Núi Nhỏ có khu vực Mũi Nghinh Phong, hẻm 66 Hạ Long. Tình trạng sạt lở tại Núi Lớn, Núi Nhỏ vẫn thường diễn ra sau những trận mưa lớn. Các phương tiện lưu thông ngang những khu vực này đều rất nguy hiểm, nhất là khi trời mưa.

Ngoài nguyên nhân mưa lớn liên tục trong nhiều ngày thì tình trạng sạt lở cũng xuất phát từ việc mật độ xây dựng trên 2 ngọn núi này đang ở mức cao. Một số công trình xây dựng trên núi đã bít hết lối thoát nước. Khi trời mưa lớn, lượng nước bị dồn ứ tại vùng thấp, gây sạt lở nghiêm trọng ở một số điểm.

Kết quả khảo sát từ các phường cho thấy khối lượng đá "mồ côi" gây nguy hiểm cần xử lý đợt đầu khoảng 440 m3 tại các phường 1, 2, 5 và Thắng Nhì. UBND TP Vũng Tàu và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất phương án xử lý những tảng đá nằm chênh vênh trên sườn Núi Lớn và Núi Nhỏ bằng cách dùng bột nở tách đá, bước đầu xử lý được một số hòn đá nguy hiểm. Tuy nhiên, phương án trên chỉ giải quyết được thực trạng đá "mồ côi" nguy hiểm, còn cảnh sạt lở khi trời mưa vẫn diễn ra thường xuyên.

TP HCM có 39 vị trí nguy cơ sạt lở

Toàn TP HCM hiện còn 39 vị trí có nguy cơ sạt lở được đánh giá đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Hiện 37/39 vị trí sạt lở đã có dự án xây dựng kè. Ông Hà Thanh Sơn, Phó Phòng Quản lý vận tải thủy Sở GTVT, cho biết trong tất cả dự án nêu trên, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ có 7 công trình hoàn tất, gồm 5 công trình ở huyện Nhà Bè, còn lại ở các quận 2 và 7.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo